Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN NĂM B - 21/11/2021

BÀI ĐỌC 1 ( Đn7, 13-14)

 

"Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu".

 

Trích sách Tiên tri Đaniel. 

 

9 Tôi đang nhìn thì thấy đặt những chiếc ngai
và một Đấng Lão Thành an toạ.
Áo Người trắng như tuyết,
tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền.
Ngai của Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng.

10 Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra.
Ngàn ngàn hầu hạ Người,
vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan.
Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra.

13 Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa:
có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.
Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành
và được dẫn đưa tới trình diện.

14 Đấng Lão Thành trao cho Người
quyền thống trị, vinh quang và vương vị;
muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ
đều phải phụng sự Người.
Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu,
không bao giờ mai một;
vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.

(Bài đc 1 hôm nay ch có câu 13 và 14, nhưng đ d hiu, có l chúng ta nên đc thêm câu 9 và 10 như Bài Đc 1 L Hin Linh năm ngoái.)

 

Tiên tri Đa-ni-en kể lại hai thị kiến. Lần đầu nói về đấng lão thành ngồi trên ngai : đấng ấy có tóc bạc, tượng trưng cho sự vĩnh cửu và «Áo Người trắng như tuyết », theo thông lệ, đó là màu áo của những nhân vật trên thiên cung. Dĩ nhiên Đấng Lão Thành ấy chính là Thiên Chúa. Khung cảnh rất hùng vĩ « Ngai của Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng. 10 Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra. »  Sứ điệp ở đây là sự chiến thắng của ngôn sứ, muốn gửi đến cho những đồng loại của ông đang bị bách hại (xem CN XXXIII năm B), vì có hằng triệu người được nhận phục vụ vị Lão Thành, hằng trăm triệu « đứng trước » Ngài. Chúng ta nên hiểu cách phát biểu ấy như sau : Sau thực tại khủng khiếp này, các bạn đã có chỗ trên thiên cung rồi. Một tòa án đã được triệu tập, và sẽ giải oan cho anh em « Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra »

Thị kiến thứ hai được kể ra ở đây, nói về « Con Người ». Chúng ta hãy dừng lại từ ngữ này. Từ ngữ rất quen thuộc vì Chúa Giê-su thường hay dùng đến, nhưng không phải ai cũng biết Ngài rút từ sách Đa-ni-en, và điều thú vị là tìm hiểu xem Chúa biến đổi và bổ sung từ ngữ ấy như thế nào.

Chúng ta bắt đầu bằng thị kiến của Đa-ni-en. Một Con Người được dẫn đến trình diện Đấng Lão Thành đang ngự giá trên mây trời. Đó là một nhân vật : từ ngữ con-người rất đặc thù của tiếng Do Thái, đó là cách nói có sức biểu cảm. Con người để nói đó là « người » và cũng như có lúc trong các thánh vịnh, từ ngữ « Con Vua », có nghĩa là Vua.

Người ấy đến trên mây trời (Mây trời là hình ảnh cổ điển để nói lên sự kiện Chúa hiện ra) và tiến về phía ngai Thiên Chúa…Từ đó phải suy ra « Con Người ấy » - rõ ràng thuộc về nhân loại - được đưa vào thế giới của Thiên Chúa. Và Ngài lãnh nhận « quyền thống trị, vinh quang và vương vị (trên) muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ » và  « Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong »

Bài tiếp theo rằng : « 15 Tôi là Đa-ni-en, tâm trí tôi hoang mang vì những điều ấy, và những thị kiến trong đầu làm tôi xao xuyến.16 Tôi đến gần một trong những vị đứng túc trực và xin vị ấy cho biết sự thực chắc chắn về tất cả những điều ấy. Người đã nói với tôi và giải thích cho tôi ý nghĩa các sự việc:17 "Bốn con thú to lớn ấy tức là bốn ông vua, từ đất trỗi dậy.18 Rồi chư thánh của Đấng Tối Cao sẽ lãnh nhận vương quyền và nắm giữ vương quyền ấy mãi mãi muôn đời. (Đn 7, 15-18) .

Và người truyền đạt sứ điệp từ trời ấy nói thêm trong vài câu sau : « 27 Còn vương quốc với quyền thống trị cũng như địa vị cao cả của các vương quốc khắp thiên hạ sẽ được trao cho dân thánh của Đấng Tối Cao. Vương quyền của dân ấy là vương quyền vĩnh cửu, và mọi quyền thống trị sẽ phụng sự và vâng phục dân ấy. » ( Đn 7, 27)

Chúng ta không nên quên rằng, thị kiến ấy của Đa-ni-en xảy ra trong một thời kỳ lịch sử Ít-ra-en cực kỳ đau thương, dưới ách đô hộ của quân Hi-lạp, dưới thời vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê. Thị kiến này đến như một sứ điệp để khích lệ, có thể hiểu là : Hỡi anh em ! Hiện nay anh em bị chà đạp, nhưng sự giải phóng đã đến gần, và lần này sẽ là một cuộc giải phóng vĩnh viễn. Đây là một sự thay đổi toàn diện được loan báo cho « dân thánh của Đấng Tối Cao ». Điều tối quan trọng cho chúng ta là bài này nói rõ ràng nhân vật bí hiểm - gọi là « Con Người » - thật ra là « dân thánh của Đấng Tối Cao ». Đó là một dân tộc chứ không phải một cá nhân nào đó.

Trong khuôn khổ của Tân Ước, chúng ta có thể chú ý ba điều. Điều thứ nhất, Chúa Giê-su đem lại một thay đổi nhỏ trong văn phạm : « Con Người » trong Đa-ni-en là « Con của người ». Sự thay đổi ấy hẳn có một ý nghĩa. Điều thứ hai trong các Phúc Âm, chỉ có Chúa Giê-su mới xử dụng từ ngữ « Con Người », và rõ ràng Ngài muốn chỉ định chính Mình. Điều thứ ba là Chúa Giê-su còn thay đổi nội dung sự biểu hiện của Con Người. Nơi Đa-ni-en, đây là hình ảnh của sự chiến thắng, của vương triều. Chúa Giê-su chẳng những giữ lời hứa chiến thắng ấy, Ngài còn thêm phương diện khổ đau, mà sách Đa-ni-en không đề cập đến. Tất cả những hình ảnh loan báo về Cuộc Thương Khó rất gần với dung nhan Người Tôi Trung Khổ Đau trong I-sa-i-a.

Điều thứ nhất, thay đổi văn phạm : « Con của con người » thay vì « Con Người ». « Con người » đây có nghĩa là một người. nhưng khi nói « Người » ở đây là « Nhân Loại », và vì thế « Con Người » có nghĩa là « Nhân Loại ». Một khi chấp nhận danh xưng ấy cho chính Mình, Chúa Giê-su mặc khải Ngài mang lấy cả định mệnh toàn nhân loại. Trong chiều hướng ấy, thánh Phao-lô cho rằng Ngài là A-dông Mới, cũng như thánh Gio-an kể lại câu tuyệt vời của Phi-la-tô trong cuộc Thương Khó : « Ông Phi-la-tô nói với họ: "Đây là người! »(Ga 19, 5). Khi thánh Gio-an kể lại lời ấy của Phi-la-tô, có lẽ ngài muốn nói với chúng ta : Phi-la-tô cũng không nghĩ mình nói đúng như thế !

Điều thứ hai, chữ « Con Người » được nhắc đến tám mươi lần trong các Phúc Âm, nhưng lạ thay là luôn luôn xuất phát từ miệng Chúa Giê-su. Chỉ có Ngài mới dùng danh xưng này; không ai gọi Ngài như thế. Chúng ta có thể hỏi tại sao, trong lúc sách Đa-ni-en được nhiều người biết đến. Nhưng chính vì nhiều người biết, nên chắc hẳn không ai nhận ra danh hiệu ấy nơi Chúa Giê-su. Trước hết, vì Con Người từ « mây trời mà đến » (nay mọi người đều biết qua tiên tri Đa-ni-en) chỉ định Đấng Mê-si-a; vì thế khi Đức Giê-su dùng danh hiệu đó nói về mình, tức là Ngài tự cho mình là Đấng Mê-si-a ! Thế nhưng rõ ràng, Ngài không thể như thế được : Ngài không đến từ trời…Ngài đến từ một gia đình nhân loại như mọi người, từ một làng quê bé nhỏ không đáng gì, Na-da-rét…Nếu có điều gì chắc chắn về Ngài, chính là quê quán của Ngài ! Điều này không một chút liên quan gì đến việc ngự đến từ mây trời. Còn giới thiệu Ngài như người đại diện cho « dân thánh của Đấng Tối Cao », cũng thể nào được :  người đương thời chắc chắn không thể nào nghĩ đến việc đồng nhất hoá Giê-su thành Na-da-rét, người thợ mộc, với « dân thánh của Đấng Tối Cao ».

Điều thứ ba, điều sau cùng, Chúa Giê-su đã đem lại một sự thay đổi về chiều sâu, sự biểu hiện cổ điển của « Con Người ». Mặc dù Chúa Giê-su dùng những từ ngữ trong sách Đa-ni-en : « 26 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến » (Mc 13, 26). Nhưng Ngài thêm vào chiều kích đau khổ (luôn luôn hiện diện trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô) : « Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại. » (Mc 9, 31).

Sau khi phục sinh mọi sự trở nên sáng rõ đối với các môn đệ Ngài. Một đàng, Ngài xứng đáng với danh hiệu : « Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến », Ngài vừa là Người, vừa là Thiên Chúa. Đàng khác, Chúa Giê-su là người đầu tiên của nhân loại mới, là Đầu và Ngài cho chúng ta là Thân Thể duy nhất của Ngài. Ngày cuối cùng của Lịch Sử, chúng ta hiệp nhất với nhau đến độ, cùng với Ngài chúng ta thành « một người duy nhất » !...Với Ngài, ghép cùng Ngài chúng ta sẽ là « dân thánh của Đấng Tối Cao ».

Lúc bấy giờ chúng ta khám phá điều kỳ diệu chúng ta không bao giờ ngờ : « ý định nhân từ » của Chúa  là biến chúng ta thành một dân vương giả… ! Đấy là kế hoạch của Thiên Chúa, từ nguyên thuỷ, từ khi Ngài tạo dựng nhân loại. Sách Sáng Thế đã nói : « 26 …"Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất." 27 Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. 28 Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. » (St 1, 27-28)

***

 

THÁNH VỊNH (Tv92, 1-2.5) Chúa Kitô Vua

 

Chúa làm Vua, Ngài đã mc thiên oai.

 

1 CHÚA là Vua hiển trị, CHÚA mặc oai phong tựa cẩm bào,
Người lấy dũng lực làm cân đai.
Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu không lay chuyển.

2 Ngai vàng Chúa kiên cố tự ngàn xưa:
Ngài hiện hữu tự muôn ngàn đời.

(3 Sóng nước đã gầm lên, lạy CHÚA,
sóng nước đã gầm lên tiếng thét gào.
Sóng nước đã gầm lên, long trời lở đất.

4 Nhưng hơn hẳn tiếng nước ngàn trùng,
hơn hẳn sóng oai hùng ngoài biển cả,
CHÚA oai hùng ngự trị chốn cao xanh.)
Hai câu 3.4 không có trong Phụng vụ hôm nay

5 Lạy CHÚA, thánh chỉ Ngài thật là bền vững,
nơi đền vàng rực lên toàn thánh thiện
triền miên qua mọi thời.
 

Lịch sử thế giới đầy rẫy các tấm gương, những ông tướng cầm đầu quân đội tự tôn mình lên làm vua sau khi chiến thắng! Một vị vua xứng đáng như thế phải là một người dẫn đầu dân mình để giải phóng và bảo vệ họ, trị vì với luật lệ công minh, bảo toàn bình an trong nước cũng như ngoài bờ cõi.

Phụng vụ Ki-tô Giáo, mừng lễ Kitô-Vua, vì qua sự Phục Sinh, Thiên Chúa đã chiến thắng hận thù và sự chết. Đồng thời, chúng ta, những Ki-tô hữu ý thức qua những điều hiển nhiên thấy có vẻ nghịch lý, hay hơn thế nữa, có tính cách khiêu khích bởi ngày lễ này: Chúng ta dám nói lên Chúa Ki-tô là vua, nhưng chứng kiến những điều trái ngược qua những hiện tượng hằng ngày! Sự chết vẫn chôn vùi mỗi ngày cả triệu người và hận thù vẫn gieo rắc, chiến tranh khắp mọi nơi, những trận chiến lớn cũng như nhỏ. Thế nhưng, cũng vì thế, chúng ta kiên trì khẳng định đức tin và hâm nóng lại lòng cậy trông để từ đó múc lấy nghị lực làm cho triều đại Chúa sớm thể hiện.

Bài thánh vịnh 92 này phản ảnh chính xác cách nhìn ấy: Cũng giống như phụng vụ Kitô, mừng lễ Chúa Ki-tô Vua, phụng vụ Do Thái mừng lễ Thiên Chúa là Vua. Cùng một lòng tin, cùng một hi vọng chiếm hữu người Do Thái và một nỗi day dứt chờ «Ngày» của Thiên Chúa rạng đến. Họ không thể dựa vào sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô để loan báo chiến thắng Thiên Chúa, trên thế lực của Thần Dữ nhưng họ không kém xác tín.  Điểm tựa của họ là trải nghiệm qua cuộc Xuất Hành: Chúa đã mặc khải cho họ là một Thiên Chúa cứu độ, Ngài đã đề nghị với họ Giao Ước của Ngài. Đấy là những tước hiệu vinh quang của Thiên Chúa.

Để hoan hô vương triều của Thiên Chúa, tác giả bài thánh vịnh, lấy làm mẫu nghi thức ngày tôn vinh một vị vua mới. Cảnh phông diễn ra trong phòng, có Ngai vua: Tân vương mặc áo bào, từ nay ngự trên ngai. Ngài đóng ấn văn bản phong tước vương, đi vào ngự trong đền vua. Lúc bấy giờ vang dội tiếng gào thét của đám đông, xuất phát từ hằng nghìn lồng ngực những người tham dự…đại lọai như « Hoàng đế muôn năm! ». Tiếng Do Thái gọi tiếng hô ấy là « Térouah », đó là tiếng hoan hô lấy nguồn gốc từ trong chiến tranh, tiếng hoan hô chiến thắng quân thù.

Ở đây vị vua được hoan hô, chính là Thiên Chúa. Xứng đáng được nhận những tiếng « Térouah » hơn hết bất cứ ai, hò reo, hoan hô nhiệt liệt. Ngài là Đấng đã chiến thắng mọi thế lực của sự dữ, mọi hỗn độn, chia ly. Vì lẽ đó bài thánh vịnh bắt đầu bằng lời tán thưởng : « CHÚA là Vua hiển trị ». Ngài cũng mặc vương phục: « CHÚA mặc oai phong tựa cẩm bào, Người lấy dũng lực làm cân đai ». Thực ra đó là y phục của đấng Tạo Hóa : « oai phong tựa cẩm bào », theo ngôn ngữ Do Thái cụm chữ có ý nghĩa rất tượng hình: « CHÚA mặc oai phong » điều này gợi lên cử chỉ thắt áo chung quanh lưng quần như người thợ đồ gốm mang khăn che để nặn đất sét.

Ngai của Ngài là toàn vũ trụ. Một ngai vàng kiên cố : «2 Ngai vàng Chúa kiên cố tự ngàn xưa: Ngài hiện hữu tự muôn ngàn đời. ». Trong câu này mới đọc có vẻ không quan trọng nhưng trong ấy có ít nữa hai điểm châm biếm: Một là chống lại nạn thờ lạy bụt thần, đe dọa bất cứ một ai, thứ hai là chống lại các vua trên đời: Ở Ít-ra-en, trong mọi thời, lịch sử các vua lúc nào cũng hỗn độn, bi đát…Ngai của Thiên Chúa, thì trái lại « kiên cố tự ngàn xưa »  được xây dựng để « hiện hữu muôn ngàn đời. ». Có biết bao nhiêu vua Ít-ra-en chỉ lên ngôi được vài năm, thậm chí vài ngày !

Và chính toàn thể Tạo Vật tôn Ngài làm vua vì Ngài là bá chủ hiển nhiên của Tạo Vật: Ngay sức mạnh của biển cả cũng khuất phục dưới chân Ngài. Ít-ra-en có một cánh cửa mở ra Địa-trung-hải nên dư biết rằng (một ngày) biển này không thể thuần phục được. Không thuần phục đối với con người, thì có thể, nhưng không đối với Thiên Chúa! Bài thánh vịnh của chúng ta nói lên một cách tuyệt vời: Dù sóng nước có gầm lên những tiếng thét gào khủng khiếp, nhưng cũng phải tuân phục Thiên Chúa:

 «3 Sóng nước đã gầm lên, lạy CHÚA, sóng nước đã gầm lên tiếng thét gào. Sóng nước đã gầm lên, long trời lở đất.

 4 Nhưng hơn hẳn tiếng nước ngàn trùng, hơn hẳn sóng oai hùng ngoài biển cả, CHÚA oai hùng ngự trị chốn cao xanh. » (Tv 92 (93) 2-3)

Sóng nước được thuần phục ấy, đó cũng là những làn sóng đã tuân lệnh Thiên Chúa, vạch lối cho dân Ngài được giải thoát ở Biển Đỏ. Và từ ngày ấy, Chúa tín trung luôn đồng hành với dân Ngài. Đó là ý nghĩa câu : « 5 Lạy CHÚA, thánh chỉ Ngài thật là bền vững ». Từ ngữ được dịch là « bền vững » ở đây có cùng gốc với chữ « Amen ». Chữ này gợi lên sự trung thành, bền vững, sự thật, không thay đổi, tính cương nghị…Sự tín trung của Thiên Chúa luôn hiện diện giữa dân Ngài và được thể hiện qua ngôi Đền tuyệt diệu là Giê-ru-sa-lem : Đó là dấu chỉ của sự hiện diện của Thiên Chúa, và cũng phản ảnh sự thánh thiện. « 5đền vàng rực lên toàn thánh thiện ». Có lẽ chúng ta cũng nhận ra đây một chút mỉa mai : Các vua Ít-ra-en,  ít vị có thể nói là thánh thiện. Nhưng, nhất là sau khi lưu đày từ Ba-by-lon về, câu này phản ảnh niềm vui xây lại được Đền Thánh một cách xứng đáng.

Khi bài này được hát lên trong Đền Giê-ru-sa-lem, sau cuộc lưu đày -  tức là thời gian không còn vua Ít-ra-en – có ý ca ngợi vương quốc Thiên Chúa và cũng cử hành mừng trước hạn Vua Mê-si-a tương lai mà mọi người mong đợi, nhưng Ngài trung thành với hình ảnh Thiên Chúa. Và mọi người biết rằng, một khi cử hành long trọng mừng Đấng Mê-si-a là dân Chúa, và qua đó, toàn nhân loại sẽ cùng được chia phần trong Vương Quốc. Vào dịp Lễ Lều (vào mùa Thu) -  hằng năm bài thánh vịnh này được hát lên - người ta cử hành mừng trước hạn sự hoàn tất của toàn lịch sử, Giao Ước vĩnh viễn, Hôn Lễ của Thiên Chúa với cả nhân loại.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com