Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CN XXIX TNB Tv 32,4-5.18-19.20.22 18/10/2015

"Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài"  

4 Vì lời CHÚA phán quả là ngay thẳng,
mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.

5 Chúa yêu thích điều công minh chính trực,
tình thương CHÚA chan hoà mặt đất.

18 CHÚA để mắt trông nom người kính sợ Chúa,
kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương,

19 hầu cứu họ khỏi tay thần chết
và nuôi sống trong buổi cơ hàn.

20 Tâm hồn chúng tôi đợi trông CHÚA,
bởi Người luôn che chở phù trì.

22 Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy CHÚA,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

tình thương CHÚA chan hoà mặt đất.

 

« tình thương CHÚA chan hoà mặt đất , phải có đức tin sâu sắc lắm nơi Thiên Chúa mới thốt ra câu này. Có lẽ đó cũng là đặc điểm của những tín hữu : họ trải qua cuộc sống và những thực tế, trong ấy niềm vui cũng có, thử thách cũng có, nhưng họ luôn quả quyết rằng dù gì đi nữa, mặt đất vẫn chan hòa tình thương của Chúa. Phải trải qua một con đường dài của Mạc Khải để loài người khám phá thực tế căn bản, Chúa là tình thương và mặt đất ( nên hiểu là cả tạo vật) được chan hoà tình thương ấy của Ngài. Suy cho cùng, khi tác giả sách Sáng thế nói về A-đam là nhắm đến con người trước khi được mạc khải, Chúa là tình thương, một người sống trong Tình Thương của Chúa mà không ý thức.

Tôi xin trở lại câu truyện kể về vườn địa đàng được đọc trong chúa nhật thứ nhất  Mùa Chay, trong ấy con người được tạo dựng để ngự trị trong một khu « Vườn tuyệt diệu » ( đó là ý nghĩa của Vườn Địa Đàng.) và chỉ vì ngờ vực lời răn của Chúa mà con người đánh mất con đường của cây trường sinh, mặc dù Chúa đã dành cho họ. Có lẽ các bạn còn nhớ câu truyện ấy nói rõ rằng : trong vườn ấy Chúa « khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác »( St 2,9) Tất cả các thứ cây trong vườn đều được ăn, chỉ trừ « cây cho biết điều thiện điều ác ». Tác giả bài này muốn nói rằng khi Đấng Tạo Hoá đã cảnh báo không được ăn trái cho biết điều thiện điều ác, con người và vợ, lẽ ra phải tin tưởng và hiểu rằng Ngài chỉ muốn tránh cho họ một tai họa.

Các bạn hẳn biết câu này được nhiều lần nhắc đến của Kierkegaard : « ngược lại với tội lỗi, không phải là nhân đức, ngược lại với tội lỗi là đức tin ( lòng cậy trông). Chính nhờ lòng cậy trông mà ông Áp-ra-ham bỏ xứ mình ra đi chỉ vì nghe một lệnh truyền từ Thiên Chúa. Thật ra lệnh truyền ấy có ghép theo một lời hứa được hạnh phúc, đúng vậy… thế nhưng dám đặt cuộc cả đời mình vì một lời hứa, phải có một lòng tin tưởng hoàn toàn vững. Phải tin rằng ông đã hiểu rõ Chúa bảo « "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi… » ( St12,1), có nghĩa là : « Hãy ra đi vì hạnh phúc của ngươi », ta mới cho ngươi lệnh này. Vấn đề của A-đam là tin trái ngược lại, rằng lệnh truyền của Thiên Chúa không có ý ngay lành. Vì thế suốt lịch sử của Dân Chúa,  họ giao động giữa hai thái độ : lúc thì tin tưởng, xác tín về Chúa của mình, ý thức rằng hạnh phúc của mình là hệ tại sự tuân phục các giới răn của Ngài. Chúa ban Lề Luật để con người hạnh phúc.  «  4 Vì lời CHÚA phán quả là ngay thẳng ». Đấy là ý nghĩa của bài Thánh vịnh này, đầy những lời cậy trông.

Lúc khác thì phản kháng, nghe theo bụt thần : trung thành làm gì với Chúa ?  Tuân làm gì những Điều Răn Thiên Chúa? Đòi hỏi quá đáng, nhân danh gì, bắc buộc phải tuân theo ?  Ai dám nói sau đó là hạnh phúc ? Chúng tôi muốn tự do làm gì cũng được… chỉ tuân theo chính mình mà thôi !

Người viết thánh vịnh này biết rõ tính giao động ấy của dân chúng. Vì thế bài Thánh Vịnh mời gọi tôi luyện lòng xác tín vào sự cậy trông, chỉ có thế mới có hạnh phúc bền lâu. Lòng xác tín ấy dựa vào một trải nghiệm của nhiều thế kỷ. Có thể nói rằng, vì chúng tôi có nhiều chứng cứ rằng : « 4 mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin ». Trong bản gốc chữ « Chúa làm » có một ý nghĩa mạnh hơn. Chữ làm ở đây tức là tác phẩm, hay công trình của Ngài. Thật sự chính qua trải nghiệm dân It-ra-en mới có thể nói : «  18 CHÚA để mắt trông nom người kính sợ Chúa,kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương », vì Chúa trông nom họ như người Cha trông nom con mình, sách Đệ Nhị Luật nói như thế khi họ qua sa mạc Si-na-i để thoát khỏi Ai-cập.

Chắc hẳn các bạn đã ghi nhận cụm chữ : « người kính sợ Chúa » được giải thích ngay câu sau, đó là « kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương ». Đây không còn là sự sợ hãi nữa, mà còn trái ngược lại ! Có lẽ các bạn còn nhớ trong Thánh Vịnh 102 (103), chúng ta cũng đã gặp một định nghĩa khác của chữ « kính sợ Chúa », đó là thái độ tin tưởng của đứa con đáp lại sự trìu mến của cha mình : « 13 Như người cha chạnh lòng thương con cái, CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn. » ( Tv103, 13) . Bài thánh vịnh tiếp : « 19 hầu cứu họ khỏi tay thần chếtvà nuôi sống trong buổi cơ hàn ». Ở đây cũng nhờ trải nghiệm mới có thể nói : không thể nào sống sót khi phải vượt qua Biển để thoát khỏi quân Ai-cập, nếu Chúa không can thiệp vào,  ra được khỏi sa mạc cũng thế. Câu « nuôi sống trong buổi cơ hàn », (trong nguyên văn dùng chữ khỏi chết đói), có ngụ ý nhắc đến bánh Man-na Chúa cho rơi mỗi ngày được thuật lại trong sách Xuất Hành. Trải nghiệm về sự quan tâm ấy của Thiên Chúa được đem làm chứng tá trong mọi thời đại, và khi hát lên : «  mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin », là một cách tuyên xưng : « "ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín » trong ( Xh 34,6) trong ấy Ngài mạc khải cho ông Mô-sê.

Thánh vịnh 32 bắt đầu bằng câu : « 1 Người công chính, hãy reo hò mừng CHÚA » hẳn là một bài hát hoan hỉ, ca tụng. Những « người công chính », tiếng Do thái gọi là Hassidim, đó là những người sống trong Giao Ước với Thiên Chúa, một tương giao bằng lòng tin tưởng và yêu thương. Toàn bài thánh vịnh hát lên ý nghĩa của sự ca ngợi Thiên Chúa : ca ngợi Tình Yêu của Ngài luôn luôn thể hiện qua Lời Ngài, công trình Tạo Dựng của Ngài và sự giải thoát khỏi Ai-cập, hay trong mọi cuộc chiến…Chúa luôn đồng hành với con cái Ngài và đặc biệt trong thử thách. Chúa gìn giữ những ai tin tưởng Ngài, phó thác nơi Ngài.

Định nghĩa của cụm chữ  « kính sợ Chúa » được rất chính xác nhờ câu thứ hai đối lại : những ai kính sợ Chúa là những kẻ đặt hi vọng vào Tình Yêu của Ngài : « 19 hầu cứu họ khỏi tay thần chết » ( Tv 32, 19) ( không phải cái chết thể lý). Nên tin tưởng nơi Chúa : « 4 Vì lời CHÚA phán quả là ngay thẳng,mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin ». Chúng ta đừng quên câu này trong hai vế chữ « lời » và « việc » cùng một chỗ đứng. Chúa nói là Chúa làm. Đây là một nguồn cậy trông tuyệt vời nhất của chúng ta: Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không chỉ là một lời hứa, mà là một sự thật đang thể hiện. Tất cả bài thánh vịnh này là một lời khích lệ cho lòng cậy trông, vì  « tình thương CHÚA chan hoà mặt đất ».

Đoạn cuối là một lời nguyện đầy lòng cậy trông «  22 Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy CHÚA,như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài ». Cách hành văn câu này không nói lên một điều có thể, không chắc chắn. Không, tình thương của Ngài « luôn đổ xuống cho chúng con ». Đây là một lời mời gọi người tín hữu phó thác vào tình yêu của Chúa.

« 20 Tâm hồn chúng tôi đợi trông CHÚA » đây là một chiều kích cuối của bài thánh vịnh : Sự chờ đợi của It-ra-en. Chúng ta nên chú ý các chữ : « đợi chờ, hi vọng, cậy trông ». Trong sự cậy trông ấy người Tôi Trung múc lấy sức mạnh : không ở nỗ lực của chính mình mà trong sức mạnh Chúa ban cho.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com