"Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
1 Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội.
2 Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối;
3 mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy.
4 Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông A-ha-ron đã được gọi
.5 Cũng vậy, không phải Đức Ki-tô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con,
6 như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
Hẳn chúng ta có thể chép Sách Do Thái thành hai cột trên giấy : bên trái theo Cựu Ước, bên phải theo Tân Ước, hay nói cách khác, những gì trước Chúa Giê-su bên trái, và những gì từ Chúa Giê-su bên phải. Đối với tác giả, hay đối với Tân Ước, tức là từ Chúa Giê-su mọi sự đã thay đổi. Tác giả dành tất cả thời gian để so sánh hai thể loại, có thể gọi hai chế độ : Hãy bước thêm một bước nữa, đừng ngần ngại chấp nhận những đổi mới do đấng Giê-su đem đến : Điều mới lạ này không bất trung với tôn giáo từ cha ông anh em : nhưng để hoàn tất tôn giáo từ cha ông anh em. Như chính Chúa Giê-su nói : « 17 "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn » ( Mt5,17).
Nơi Chúa Giê-su tất cả đều mới, thế mà tất cả đều đến từ Cựu Ước. Hôm nay tác giả nêu lên chính xác ba điểm. Thượng tế là một người như mọi người. Ngài bắc cầu giữa Thiên Chúa và con người - hai điểm này chúng ta đã thấy trong Lời Chúa các chúa nhật vừa qua - điểm thứ ba là thượng tế đến từ theo ơn gọi của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy trở về hai cột trên mặt giấy. Trong Cựu Ước chúng ta còn nhớ thượng tế phải là những người cá biệt : chữ « dâng hiến » trong Cựu Ước có nghĩa là « khác biệt ». Vì thế trong mười hai chi tộc It-ra-en, người ta phân ra một chi tộc đặc biệt, đó là chi tộc Lê-vi. Những người kế nghiệp dòng dõi này không sở hữu đất đai, không trồng trọt, không chăn nuôi, vì họ hoàn toàn dâng trọn đời cho việc phụng tự trong Đền. Thu nhập của họ nhận từ lễ vật dâng cho Đền Thánh.
Quy chế chức tư tế được xác định qua nhiều thế kỷ, từ đó có nhiều loại tư tế tuỳ những nhiệm vụ được trao phó trong Đền. Chúng ta hãy tưởng tượng như thế nào một nơi thờ phượng, ngày nào cũng có những cuộc dâng lễ, và những cuộc hành hương vĩ đại với nhiều ca đoàn. Hãy tưởng tượng trong vài cơ hội, chỉ trong một buổi lễ có hằng ngàn súc vật được hiến tế, chúng ta có thể phỏng đoán số nhân viên phải như thế nào. Sách Các Vua I kể lại rằng vua Sa-lô-mon, lúc cung hiến Đền Thánh ngài vừa mới xây xong, « 63 Vua Sa-lô-môn sát tế hai mươi hai ngàn con bò và một trăm hai mươi ngàn con chiên làm lễ kỳ an dâng lên ĐỨC CHÚA » ( 1V 8,63)
Mô-sê và người em là A-ha-ron, cả hai đều thuộc dòng dõi Lê-vi. Sau này người ta dành cho những hậu duệ được vinh dự làm thượng tế. Không cần phải người Lê-vi, mà chỉ cần thuộc dòng dõi A-ha-ron. Người thượng tế này được giữ chức trong một năm, chỉ có ông mới được tiến vào vùng Cực Thánh ( vùng thánh thiêng nhất của Đền Giê-ru-sa-lem) ngày lễ Dom Ki-pua, tức là ngày lễ toàn xá. Tới đây tác giả, dĩ nhiên thấy có vấn đề không biết phải chép gì vào cột thứ hai bên phải dành cho Chúa Giê-su ! Điều chắc chắn là Chúa Giê-su không đến từ chi tộc Lê-vi, cũng không từ A-ha-ron, nhưng Ngài đến từ Đa-vít do cha Ngài, ( không ai biết Đức Maria thuộc chi tộc nào, nhưng phía bên nội mới kể). Vì vậy theo lô-gíc của Cựu Ước Chúa Giê-su không thể có danh hiệu là thượng tế, trừ phi là…
Trừ phi là, dù sao Thiên Chúa tự do muốn kêu gọi ai cũng được ! Tác giả bài chúng ta nói : « 4 Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi ». Có khi ơn gọi đến từ được sinh ra, như những người Lê-vi, nhưng đối với Chúa Giê-su, Thiên Chúa quyết định khác. Trước tiên nếu Chúa Con xuống thế làm Người, chính là để làm trung gian, « bắc cầu » giữa Thiên Chúa và con người. Điều thứ hai, quyền tự do của Thiên Chúa vượt mọi hình thức của chúng ta. Thánh vịnh 109 ( 110) quả quyết rằng « 4 ĐỨC CHÚA đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời, rằng: "Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê. ». Có lẽ bài này được thảo ra trong bối cảnh tranh luận về chức tư tế tại Giê-ru-sa-lem. Bài thánh vịnh tưởng tượng một chức tư tế không bị ràng buộc bởi phải thuộc dòng dõi Lê-vi. Những Ki-tô Hữu tiên khởi được loan báo đấng Mê-si-a thuộc ngoài mọi thể loại và những quy chế của Cựu Ước, ngay cả về phụng vụ.
Thế ai là Men-ki-xê-đê ?. Chúng ta đang trong thời đại ông Áp-ra-ham, tức trước lâu quy chế về chi tộc Lê-vi. Ông Lót bị cướp đón đường bắt giam, Áp-ra-ham đến giải thoát. Từ đó ông nổi tiếng trong vùng là người khỏe mạnh. Từ đó ông gặp Men-ki-xê-đê. Và Thánh Kinh giới thiệu nhân vật này - cho đến bấy giờ không ai biết đến – như một vị vua xứ Sa-lem ( người ta nghĩ rằng có lẽ là Giê-ru-sa-lem sau này). Sau bài hôm nay vài câu, bài viết nói chính xác hơn, nhưng không giải thích từ đâu đến : « 1 Quả vậy, ông Men-ki-xê-đê là vua Sa-lem, là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao » (Dt 7,1) . Tức là có một chức tư tế hoàn toàn hợp lệ ngoài con cháu chi tộc Lê-vi.
Sau cùng để giao ước với Ap-ra-ham, vị tư tứ lạ lùng này đề nghị một hi lễ từ bánh và rượu nho. Dĩ nhiên tác giả thư Do Thái làm sự đối chiếu !. Đối với tác giả, không thể nào chối cải, Chúa Giê-su đến thẳng từ Cựu Ước.
***