"Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi"
1 Thánh vịnh. Của vua Đa-vít
CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
2 Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
3 và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
4 Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
5 Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
6 Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.
Chắc chắn tác giả thánh vịnh 22 (23) này là một giáo dân thuộc giáo xứ của E-dê-ki-en!. Một giáo dân đã hiểu rõ bài giảng trước khi sáng tác bài ca của con chiên dâng cho người chủ chăn…hay đúng hơn là của cả đoàn chiên ca ngợi người chủ chăn. Lý do là như thường lệ, nhân vật hát lên bài thánh vịnh là cả dân tộc It-ra-en, It-ra-en luôn nhìn nhận mình là dân Chúa chọn, đàn chiên của Chúa. « 7 Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt »( Tv 94 (95) ,7)
Ngày nay có lẽ chúng ta không cảm thấy hân hạnh cho lắm khi được xem như đoàn chiên ! Nhưng phải đặt mình trong bối cảnh của Thánh Kinh : thời ấy đoàn chiên có lẽ là của cải duy nhất của một người. Phải thấy sách Gióp miêu tả làm sao qua các con số, sự giàu có và sự sa sút về sau, của nhân vật chính trong sách. Điều này được đánh giá trước tiên bằng số con cái, kế sau đó là số súc vật : « 1 Xưa ở đất Út có một người tên là Gióp. Ông là một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác.2 Ông sinh được bảy người con trai và ba người con gái.3 Ông có một đàn súc vật gồm bảy ngàn chiên dê, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái và một số rất đông tôi tớ. Ông là người giàu có nhất trong số các con cái Phương Đông » ( G 1,1-3). Và khi người ta đến báo cho ông tất cả những tai họa giáng xuống ông người ta đề cập đến số các con ông và đàn súc vật của ông. Trước kia, thời ông Áp-ra-ham cũng đã như thế rồi : « 2 Ông Áp-ram rất giàu, ông có nhiều súc vật và vàng bạc » ( St13,2). Nhưng nếu súc vật được xem như của cải, thì chúng ta có thể dám tin rằng Chúa xem chúng ta như một của cải của Ngài. Đó cũng là một sự táo bạo tuyệt vời về mặt thần học ! Như một tiếng vang, sách Châm Ngôn nói rằng Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa « 31 vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người » ( Cn 8,31). Về sau, còn đi xa hơn nữa, bởi vì người ta dám nói : « 16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời » ( Ga 3, 16).
Để trở lại với bài thánh vịnh của chúng ta hôm nay, tác giả kể tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Ngài bằng từ ngữ của người chủ chăn : « CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.2 Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.Người đưa tôi tới dòng nước trong lành ».Động từ « đưa tôi tới » là rất thích hợp cho một chủ chăn xứng với danh nghĩa một chủ chăn. Trong nhiều dịp, ngôn sứ Ê-dê-ki-en than phiền, trong khi lưu đày trên đất Ba-by-lon, rằng những chủ chăn ( các vua) It-ra-en không biết « đưa » dân chúng vì họ bận lo riêng cho tư lợi. Ví dụ như : «2 Hỡi con người, hãy tuyên sấm hạch tội các mục tử chăn dắt Ít-ra-en, hãy tuyên sấm. Hãy nói với chúng, với các mục tử đó: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao?...5 Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn.6 Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm » ( Ed 34 , 2.5-6). Khi ngôn sứ nói đến « tản mác », ngài muốn nói tới những bất trung với Giao Ước, sự thờ phượng bụt thần, những việc thờ cúng thần thánh, thiết lập khắp nơi trong xứ mặc dù đã được thừa nhận thờ phượng Chúa duy nhất. Đó là những con đường sai lầm đã dẫn dân chúng đến cảnh lầm than hiện nay.
Câu : « Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chínhvì danh dự của Người. » nhắm đến chính xác điều ấy, theo cách nói của Thánh Kinh, đường ngay luôn luôn có nghĩa là sự sống theo Giao Ước với Thiên Chúa duy nhất, tức là hoàn toàn từ bỏ mọi bụt thần. Thế nhưng lịch sử chứng minh rằng không phải luôn luôn thành công, và trong mọi thời đại, thờ lạy bụt thần là cuộc chiến không ngừng của tất cả các ngôn sứ (nhân dịp này có thể nói, ngày nay có lẽ các vị cũng còn phải làm nhiều như thế ). Một bụt thần, không nhất thiết phải là một pho tượng bằng gỗ hay bằng đất…nhưng là bất cừ điều gì chiếm hữu tư tưởng của chúng ta đến nỗi xâm phạm đến sự tự do của chúng ta - dù là một người, một của cải thèm muốn, hay một ý tưởng. Chúa muốn giải thoát chúng ta, không để biến chúng ta thành nô lệ của Ngài, mà để biến chúng ta thành những người tự do… Đó là danh dự của Người. Thiên Chúa, đấng giải thoát, muốn con người tự do.
Để giải thoát con người khỏi mọi con đường sai trái, Chúa gởi Con Ngài. Kể từ nay những Ki-tô hữu ghi khắc câu sau đây của thánh Gio-an trong đầu :« 11 Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. » ( Ga 10,11). Ngài ban sự sống của Ngài, đúng nghĩa đen của nó, vì thế chúng ta cũng có thể hát lên : « CHÚA là mục tử chăn dắt tôi… Côn trượng( Thánh Giá ) Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. ».
Trong Giáo Hội sơ khai bài thánh vịnh này đương nhiên trở thành bài ca trong phụng vụ Phép Rửa. Những người nhận Phép Rửa Tội ( tôi dùng số nhiều vì khi xưa lúc nào Rửa Tội cũng được cử hành tập thể), khi rời khỏi thùng nước Rửa Tội, mọi người diễu hành tiến đến nơi nhận phép Thêm Sức và nhận Phép Thánh Thể. Khi thánh vịnh nhắc đến dòng nước trong lành là gợi lên phép Rửa, dọn sẵn cho con bữa tiệc để gợi lên Phép Thánh Thể, và dầu thơmcho phép Thêm Sức, tất cả dĩ nhiên để nhắc nhở chúng ta đến các bí tích khai tâm. « Người đưa tôi tới dòng nước trong lành…5 Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,ly rượu con đầy tràn chan chứa ». Ấn sủng và hạnh phúc đồng hành với người tân tòng vì Chúa Ki-tô đã hứa : « Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. » ( Mt 28,20)
***