Chúa là Vua, Ngài đã mặc thiên oai.
1 CHÚA là Vua hiển trị, CHÚA mặc oai phong tựa cẩm bào,
Người lấy dũng lực làm cân đai.
Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu không lay chuyển.
2 Ngai vàng Chúa kiên cố tự ngàn xưa:
Ngài hiện hữu tự muôn ngàn đời.
5 Lạy CHÚA, thánh chỉ Ngài thật là bền vững,
nơi đền vàng rực lên toàn thánh thiện
triền miên qua mọi thời.
Lịch sử thế giới đầy rẫy các tấm gương, những ông tướng cầm đầu quân đội tự tôn mình lên làm vua sau khi chiến thắng! Một vị vua xứng đáng như thế phải là một người dẫn đầu dân mình để giải phóng và bảo vệ họ, trị vì với luật lệ công minh, bảo toàn bình an trong nước cũng như ngoài bờ cõi.
Phụng vụ Ki-tô Giáo, mừng lễ Kitô-Vua, vì qua sự Phục Sinh, Thiên Chúa đã chiến thắng hận thù và sự chết. Đồng thời, chúng ta, những Ki-tô hữu ý thức qua những điều hiển nhiên thấy có vẻ nghịch lý, hay hơn thế nữa, có tính cách khiêu khích bởi ngày lễ này: Chúng ta dám nói lên Chúa Ki-tô là vua, nhưng chứng kiến những điều trái ngược qua những hiện tượng hằng ngày! Sự chết vẫn chôn vùi mỗi ngày cả triệu người và hận thù vẫn gieo rắc, chiến tranh khắp mọi nơi, những trận chiến lớn cũng như nhỏ. Thế nhưng, cũng vì thế, chúng ta kiên trì khẳng định đức tin và hâm nóng lại lòng cậy trông để từ đó múc lấy nghị lực làm cho triều đại Chúa sớm thể hiện.
Bài thánh vịnh 92 này phản ảnh chính xác cách nhìn ấy: Cũng giống như phụng vụ Kitô, mừng lễ Chúa Ki-tô Vua, phụng vụ Do Thái mừng lễ Thiên Chúa là Vua. Cùng một lòng tin, cùng một hi vọng chiếm hữu người Do Thái và một nỗi day dứt chờ «Ngày» của Thiên Chúa rạng đến. Họ không thể dựa vào sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô để loan báo chiến thắng Thiên Chúa, trên thế lực của Thần Dữ nhưng họ không kém xác tín. Điểm tựa của họ là trải nghiệm qua cuộc Xuất Hành: Chúa đã mặc khải cho họ là một Thiên Chúa cứu độ, Ngài đã đề nghị với họ Giao Ước của Ngài. Đấy là những tước hiệu vinh quang của Thiên Chúa.
Để hoan hô vương triều của Thiên Chúa, tác giả bài thánh vịnh, lấy làm mẫu nghi thức ngày tôn vinh một vị vua mới. Cảnh phông diễn ra trong phòng, có Ngai vua: Tân vương mặc áo bào, từ nay ngự trên ngai. Ngài đóng ấn văn bản phong tước vương, đi vào ngự trong đền vua. Lúc bấy giờ vang dội tiếng gào thét của đám đông, xuất phát từ hằng nghìn lồng ngực những người tham dự…đại lọai như « Hoàng đế muôn năm! ». Tiếng Do Thái gọi tiếng hô ấy là « Térouah », đó là tiếng hoan hô lấy nguồn gốc từ trong chiến tranh, tiếng hoan hô chiến thắng quân thù.
Ở đây vị vua được hoan hô, chính là Thiên Chúa. Xứng đáng được nhận những tiếng « Térouah » hơn hết bất cứ ai, hò reo, hoan hô nhiệt liệt. Ngài là Đấng đã chiến thắng mọi thế lực của sự dữ, mọi hỗn độn, chia ly. Vì lẽ đó bài thánh vịnh bắt đầu bằng lời tán thưởng : « CHÚA là Vua hiển trị ». Ngài cũng mặc vương phục: « CHÚA mặc oai phong tựa cẩm bào, Người lấy dũng lực làm cân đai ». Thực ra đó là y phục của đấng Tạo oHóa : « oai phong tựa cẩm bào », theo ngôn ngữ Do Thái cụm chữ có ý nghĩa rất tượng hình: « CHÚA mặc oai phong » điều này gợi lên cử chỉ thắt áo chung quanh lưng quần như người thợ đồ gốm mang khăn che để nặn đất sét.
Ngai của Ngài là toàn vũ trụ. Một ngai vàng kiên cố : «2 Ngai vàng Chúa kiên cố tự ngàn xưa: Ngài hiện hữu tự muôn ngàn đời. ». Trong câu này mới đọc có vẻ không quan trọng nhưng trong ấy có ít nữa hai điểm châm biếm: Một là chống lại nạn thờ lạy bụt thần, đe dọa bất cứ một ai, thứ hai là chống lại các vua trên đời: Ở It-ra-en, trong mọi thời, lịch sử các vua lúc nào cũng hỗn độn, bi đát…Ngai của Thiên Chúa, thì trái lại « kiên cố tự ngàn xưa» được xây dựng để « hiện hữu muôn ngàn đời. ». Có biết bao nhiêu vua It-ra-en chỉ lên ngôi được vài năm, thậm chí vài ngày !
Và chính toàn thể Tạo Vật tôn Ngài làm vua vì Ngài là bá chủ hiển nhiên của Tạo Vật: Ngay sức mạnh của biển cả cũng khuất phục dưới chân Ngài. It-ra-en có một cánh cửa mở ra Địa-trung-hải nên dư biết rằng (một ngày) biển này không thể thuần phục được. Không thuần phục đối với con người, thì có thể, nhưng không đối với Thiên Chúa! Bài thánh vịnh của chúng ta nói lên một cách tuyệt vời: Dù sóng nước có gầm lên những tiếng thét gào khủng khiếp, nhưng cũng phải tuân phục Thiên Chúa:
«3 Sóng nước đã gầm lên, lạy CHÚA, sóng nước đã gầm lên tiếng thét gào.
Sóng nước đã gầm lên, long trời lở đất.
4 Nhưng hơn hẳn tiếng nước ngàn trùng,
hơn hẳn sóng oai hùng ngoài biển cả,
CHÚA oai hùng ngự trị chốn cao xanh. » (Tv 92 (93) 2-3)
Sóng nước được thuần phục ấy, đó cũng là những làn sóng đã tuân lệnh Thiên Chúa, vạch lối cho dân Ngài được giải thoát ở Biển Đỏ. Và từ ngày ấy, Chúa tín trung luôn đồng hành với dân Ngài. Đó là ý nghĩa câu : « 5 Lạy CHÚA, thánh chỉ Ngài thật là bền vững ». Từ ngữ được dịch là « bền vững » ở đây có cùng gốc với chữ « Amen ». Chữ này gợi lên sự trung thành, bền vững, sự thật, không thay đổi, tính cương nghị…Sự tín trung của Thiên Chúa luôn hiện diện giữa dân Ngài và được thể hiện qua ngôi Đền tuyệt diệu là Giê-ru-sa-lem : Đó là dấu chỉ của sự hiện diện của Thiên Chúa, và cũng phản ảnh sự thánh thiện. « 5đền vàng rực lên toàn thánh thiện ». Có lẽ chúng ta cũng nhận ra đây một chút mỉa mai : Các vua It-ra-en, ít vị có thể nói là thánh thiện. Nhưng, nhất là sau khi lưu đày từ Ba-by-lon về, câu này phản ảnh niềm vui xây lại được Đền Thánh một cách xứng đáng.
Khi bài này được hát lên trong Đền Giê-ru-sa-lem, sau cuộc lưu đày - tức là thời gian không còn vua It-ra-en – có ý ca ngợi vương quốc Thiên Chúa và cũng cử hành mừng trước hạn Vua Mê-si-a tương lai mà mọi người mong đợi, nhưng Ngài trung thành với hình ảnh Thiên Chúa. Và mọi người biết rằng, một khi cử hành long trọng mừng Đấng Mê-si-a là dân Chúa, và qua đó, toàn nhân loại sẽ cùng được chia phần trong Vương Quốc. Vào dịp Lễ Lều (vào mùa Thu) - hằng năm bài thánh vịnh này được hát lên - người ta cử hành mừng trước hạn sự hoàn tất của toàn lịch sử, Giao Ước vĩnh viễn, Hôn Lễ của Thiên Chúa với cả nhân loại.
***