Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN I MÙA VỌNG - C (1 Tx 3, 12-13. 4, 1-2) 29-11-2015

 

"Xin Chúa làm cho lòng anh em nên dũng cảm khi Chúa Kitô đến".

Trích thư thứ I của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxa-lônica.


12 Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy.

13 Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người.

1 Vả lại, thưa anh em, anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, và anh em cũng đang sống như thế; vậy nhân danh Chúa Giê-su, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa.

2 Hẳn anh em rõ chúng tôi đã lấy quyền Chúa Giê-su mà ra những chỉ thị nào cho anh em.

Thánh Phaolô đến thành Thê-xa-lô-ni-ca có lẽ vào năm 50, tức là khoảng 20 năm sau khi Chúa Giê-su qua đời và Phục sinh. Đây là một thương cảng quan trọng, thủ đô của tỉnh Ma-xê-đô-ni-ca, đang bị quân Rô-ma chiếm đóng. Nhiều người nước ngoài cư ngụ ở đấy, trong đó có một cộng đồng quan trọng người Do Thái. Qua sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta biết điều ngài làm mỗi khi đến một thành phố mới: Ngài bắt đầu bằng việc, đến nhà thờ Do Thái sáng thứ Bảy để tham dự Lễ ngày Sa-bát. Lần này ngài đi với Xi-la và Ti-mô-thê, sách Công Vụ cho biết rằng ngài đến trong ba tuần liên tiếp. Bài thánh nhân giảng khá thành công và Sách Công Vụ nói tiếp: « Ông3 giải thích và xác định rằng Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình và sống lại từ cõi chết; ông nói: "Đấng Ki-tô ấy, chính là Đức Giê-su mà tôi rao giảng cho anh em."4 Trong nhóm đó, có mấy người đã chịu tin theo và nhập đoàn với ông Phao-lô và ông Xi-la; một số rất đông những người Hy-lạp tôn thờ Thiên Chúa và không ít phụ nữ quý phái cũng làm như vậy ». (Cv 17, 3-4)

Ngài cũng hoán cải một số người ngoại, cho tới nay họ thờ phượng bụt thần vì trong Thư, ngài viết: « anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật » (Tx 1, 9). Nhưng sự thành công ấy khơi lòng thù hận nơi những người chống đối Chúa Giê-su. Họ tố cáo thánh Phao-lô và các bạn đi theo là kẻ thù của hoàng đế. Mọi người thấy phải cẩn thận nên lẩn trốn về Bê-rê, không xa Thê-xa-lô-ni-ca, rồi đến A-tê-na và sau cùng đến Cô-rin-tô. Không ai biết một cách chính xác ngài ở lại Thê-xa-lô-ni-ca bao lâu, nhưng có điều chắc chắn, ngài để lại đấy một công đồng Ki-tô mới, luôn làm ngài bận tâm. Thánh Phao-lô quan tâm đến độ vài tháng sau « không chịu nổi nữa » (chính lời của thánh nhân) (Tx 3, 1) ngài gởi ông Ti-mô-thê đến gặp cộng đồng này và nâng đỡ họ trong đức tin.

Chương 3 của Thư chúng ta đọc hôm nay bắt đầu bằng những dòng chữ sau đây : « 1 Vì vậy, không chịu nổi nữa, chúng tôi đã quyết định ở lại A-thê-na một mình,2 và chúng tôi đã phái anh Ti-mô-thê, người anh em của chúng tôi và cộng sự viên của Thiên Chúa trong việc loan báo Tin Mừng Đức Ki-tô; anh đến để làm cho anh em được vững mạnh, và khích lệ đức tin của anh em,3 khiến không ai bị nao núng vì các nỗi gian truân ấy. Hẳn anh em biết đó là số phận dành cho chúng ta.4 Thật thế, khi còn ở với anh em, chúng tôi đã nói trước cho anh em rằng chúng ta sẽ gặp gian truân, điều đó đã xảy ra như anh em biết.5 Chính vì vậy mà không chịu nổi nữa, tôi đã sai người đi hỏi cho biết lòng tin của anh em ra sao, sợ rằng tên cám dỗ đã cám dỗ anh em, và công lao khó nhọc của chúng tôi trở nên vô ích » (1Tx 1, 1-5)

Nỗi gian truân ngài nói ở đây là những sự bách hại luôn tiếp diễn, xuất phát từ người Do-Thái. Thế nhưng Ti-mô-thê đến và mang về nhiều tin thật vui: « 6 Giờ đây, sau khi thăm anh em, anh Ti-mô-thê đã trở lại với chúng tôi và đưa tin mừng cho chúng tôi về lòng tin và lòng mến của anh em; anh ấy nói rằng anh em vẫn luôn luôn giữ kỹ niệm tốt về chúng tôi, và ao ước gặp lại chúng tôi, cũng như chúng tôi ao ước gặp lại anh em.7 Như vậy, thưa anh em, vì anh em có lòng tin, nên khi nghĩ đến anh em, chúng tôi được an ủi giữa mọi thống khổ gian truân chúng tôi phải chịu.8 Phải, chúng tôi sống được đến giờ này là nhờ anh em đứng vững trong Chúa »(1Tx 3, 6-8)

Các câu chúng ta đọc trong chúa Nhật hôm nay, có thể nói như là một phản ứng còn nóng hổi của thánh Phao-lô khi vừa nghe tin vui đến từ Thê-xa-lô-ni-ca. Nào ngài có thể ao ước gì thêm đâu? Dân Thê-xa-lo-ni-ca đang trên con đường tốt lành; thánh nhân vui mừng và nói với họ đại để như sau: « Các bạn chỉ cần kiên trì tiếp tục như thế ». Cho đến tới khi nào? Cho đến ngày Chúa Ki-tô trở lại: Chính dự án của Thiên Chúa đem lại lẽ sống cho đời ta. Lại một lần nữa, đây là một thách đố cho lý trí, như Giê-rê-mi-a trong Bài Đọc 1. Trong một thế giới không ai biết phải đi hướng nào, sự « thách đố » của người Ki-tô là sống tất cả cuộc đời cho « tương lai ».

Tất cả tư tưởng của thánh Phao-lô được chiếm hữu bởi việc chờ đợi ngày cuối cùng Đức Ki-tô trở lại trong vinh quang. Đó là chìa khoá để chúng ta nắm bắt ý nghĩa của Bài Đọc được đề nghị hôm nay: Ngài mời gọi tất cả các Ki-tô hữu đặt trọn cuộc sống dưới triển vọng của «… ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người » (c 13).Lời kinh chúng ta đọc trong mọi phụng vụ thánh lễ, Kinh Lạy Cha hướng chúng ta đến mục tiêu ấy: « Nước Cha trị đến ; Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời ;  Danh Cha cả sáng… ». Ki-tô hữu không quay về dĩ vãng mà nhìn hướng về tương lai, vì thế nên viết Về Tương-lai, rõ ràng bằng hai chữ, hai từ ngữ này mang lại ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta hôm nay. Đó cũng là chính xác những gì thánh Phao-lô nói ở đây: «13 Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người » (c 13)Đây cũng là ý nghĩa của lời kinh đi sau Kinh Lạy Cha trong phụng vụ Thánh Thể …

Một cách cụ thể, đặt trọn đời sống chúng ta trong « viễn ảnh », tức là sống dựa vào những giá trị duy nhất của Vương Quốc. Đây cũng là khía cạnh thứ hai của sự « thách đố Ki-tô»: Luôn luôn và chỉ dựa vào tình yêu. Chúng ta cũng nhận thấy lúc thánh Phao-lô viết những hàng này, cuộc sống không mấy đẹp gì hơn chúng ta ngày nay. Vì lẽ ấy, thật là một thách đố…Hơn nữa, chính xác là một thách đố, đến độ chúng ta không thể thành công do nỗ lực riêng của chúng ta. Đó là nhờ ơn Chúa, thánh Phao-lô nói: «12 Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy.13 Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách». Thánh Phao-lô còn nói thêm: «…anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa ». Đó chỉ là chu toàn sứ vụ làm con, giống hình ảnh «Người Con Yêu Dấu» của Chúa.

***

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com