Cha Maximilien Kolbe, người Ba Lan, là một tu sĩ dòng Phanxicô rất hăng say hoạt động truyền giáo. Cha đã tình nguyện sang truyền giáo tại Nhật Bản trong ngành ấn loát. Nhưng vì mắc chứng bệnh lao phổi, cha phải về Ba Lan điều trị. Vào thế chiến thứ hai, vì thấy cha có ảnh hưởng lớn trên quần chúng, Đức Quốc Xã đã bắt cha và giam tù. Tại đây, cha đã tình nguyện chết thay cho một người bạn tù, vì anh ta còn có vợ trẻ con thơ. Ngài bị lột trần truồng và bỏ đói trong “hầm tử thần” cùng với các tù nhân khác. Cuối cùng, tên cai tù chấm dứt cuộc đời của Ngài bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay. Ngài được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên phong chân phước vào năm 1971 và được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ghi tên vào sổ các thánh tử đạo của lòng nhân ái của Giáo Hội ngày 10 tháng 10 năm 1982.
Cha Maximilien Kolbe đã hy sinh mạng sống mình vì yêu tha nhân. Đó là một tình yêu cao quý, như lời Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình”(Ga 15,13). Nhưng có một tình yêu còn cao quý hơn bội phần, đó là tình yêu của Đức Giêsu Kitô trên Thánh giá mà chúng ta kỷ niệm chiều hôm nay. Cha Maximilian Kolbe chỉ chết thay cho một người. Còn Đức Giêsu chịu chết thay cho toàn thể nhân loại. Ngài đã chết “Vì tội lỗi chúng ta”(x. 1Cr 15,3). Ngài đã chết để hoà giải nhân loại với Thiên Chúa (x. Rm 5,10). Như vậy, Đức Giêsu đã chết vì tôi, vì anh chị em và vì mọi người.
Khi suy niệm bài thương khó, chúng ta thường lên án những kẻ đã tham gia vào cái chết của Chúa Giêsu.
Đó là các luật sĩ và biệt phái thấy Chúa Giêsu khôn ngoan, tài giỏi, được dân chúng mến mộ, nên ghen tức và tìm cách để giết Chúa. Họ đã tố cáo Chúa: Không giữ luật lễ của tiền nhân, tự xưng mình là Thiên Chúa.
Đó là Giuđa, môn đệ thân tín được Chúa yêu thương dạy dỗ nhưng nhẫn tâm phản bội, bán thầy với giá ba mươi đồng bạc.
Đó là những người Do Thái đã hô lớn tiếng xin tha Baraba và giết Chúa Giêsu.
Đó là Philatô, mặc dầu biết Chúa Giêsu vô tội nhưng ông vẫn hạ bút ký bản án tử hình.
Chúng ta thường nghĩ rằng, chỉ những người đó mới góp phần gây nên cái chết của Chúa Giêsu. Vì họ tố cáo Chúa, bán Chúa, xin giết Chúa, ký bản án tử cho Chúa. Suy nghĩ bình thường thì đúng như vậy, nhưng Chúa và Giáo Hội không cho phép chúng ta quy kết tội cho Giuđa, Công nghị, Philatô, vì tội của họ như thế nào thì chỉ mình Thiên Chúa biết. Chúng ta cũng không thể quy trách nhiệm cho toàn thể các người Do Thái tại Giêrusalem. Bởi vì, chính Chúa Giêsu đã tha tội cho họ trên Thập giá, và theo gương Ngài, thánh Phêrô đã coi hành động của những người Do Thái và cả của các thủ lãnh của họ như “do không hiểu biết” (Cv 27,25), (x. GLHTCG số 597).
Chính vì vậy, thay vì kết tội cho các luật sĩ, biệt phái, Giuđa, Philatô hay những người Do Thái, chúng ta hãy nhìn lại chính tội lỗi của chúng ta. Chính tội lỗi chúng ta đã góp phần vào cái chết của Chúa.
Thứ nhất, mỗi lần chúng ta phạm tội là chúng ta cộng tác vào việc đóng đinh Chúa Giêsu. Thư Do Thái nói rõ ràng rằng: “Chính các tội nhân đã là tác giả và đã là dụng cụ gây nên những khổ hình mà Chúa cứu chuộc đã gánh chịu” (x. Dt 13,3).
Thứ hai, chính những người tiếp tục sa ngã trong tội lỗi của mình là những kẻ “Lại đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá trong tâm hồn họ, do tội lỗi của họ, và họ làm cho Ngài phải chịu đủ điều xỉ nhục” (Dt 6,6). Trong trường hợp này, tội lỗi của chúng ta nặng nề hơn tội của những người Do Thái. Bởi vì, như lời chứng của Thánh Tông đồ “Nếu họ nhận biết Vua vinh hiển, họ đã không bao giờ đóng đinh Ngài vào Thập giá” (1Cr 2,8). Còn chúng ta, trái lại, chúng ta tuyên xưng mình nhận biết Ngài. Như vậy, khi chúng ta chối bỏ Ngài bằng hành vi của mình, có thể coi như chúng ta đã ra tay giết Ngài (x. GLHTCG số 298).
Xét mình lại có lẽ không mấy ai tránh được hai điều trên đây. Vì ai cũng đã từng phạm tội, không nhiều thì ít không nặng thì nhẹ. Có thể chúng ta phạm tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm hoặc những điều thiếu sót. Tội phạm đến Chúa, đến Giáo Hội và tội phạm đến tha nhân. Vì yếu đuối, nên nhiều người đã sa đi ngã lại nhiều lần. Có những lúc chúng ta đi xưng tội với quyết tâm từ bỏ, nhưng sau đó một thời gian chúng ta lại sa ngã phạm chính tội đó. Cho nên, khi suy niệm về những roi vọt, đinh sắt, lưỡi đòng, mão gai, những khổ hình mà Chúa Giêsu chịu và cái chết của Ngài trên thập giá vì tội lỗi của chúng ta, chúng ta hãy cám tạ lòng thương xót của Ngài. Đồng thời, mỗi chúng ta từ nay hãy quyết tâm xa tránh tội lỗi. Nếu ai vì yếu đuối sa ngã phạm tội hãy kịp thời ăn năn thống hối và đi xưng tội để trở về với Lòng Chúa Xót Thương.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, vì tội lỗi chúng con mà Chúa phải chịu nạn chịu chết trên thánh giá. Chúng con thành tâm cảm tạ chúa. Cúi xin Chúa cho mỗi chúng con từ nay biết dốc lòng chừa bỏ tội lỗi và quyết tâm đền tội cho cân xứng. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
Nguồn: vietcatholic.org