“CHÍNH ANH EM LÀ CHỨNG NHÂN"
Tin Mừng theo Thánh Luca 24, 48
Hát 1 thánh ca mùa Phục Sinh.
Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.
Nhân Danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen
Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua,
Chúa đã làm cho tâm hồn chúng con tươi trẻ lại,
và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa.
Xin cho chúng con hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban,
và nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
(Sách Lễ, Chúa Nhật 3 Phục Sinh)
1. LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Một người công bố Tin Mừng theo thánh Luca, ch. 24, 35-48.
Mọi người đứng lắng nghe.
Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.
2. SUY NIỆM
Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ về 1 hay 3 câu hỏi gợi ý sau đây:
- Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu ?
Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào ?
- Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?
Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?
- Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa ?
(Nếu đã quen làm Lectio Divina trong Nhóm hay ở gia đình, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình).
3. CHIÊM NGHIỆM
Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ : Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?
- Chúa Giêsu nói với các tông đồ đang hoảng hốt: “Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn tay chân Thầy coi, chính Thầy đây mà!" (câu 38).
Chúa Phục Sinh là chuyện không tưởng đối với các tông đồ, cũng như không dễ tin đối với chúng ta. Để họ có thể nhận biết Đấng chịu đóng đinh thật sự đã phục sinh, mà sau này làm chứng cho người khác, Chúa đã tỏ mình cho họ "Chính Thầy đây mà. Cứ rờ xem" (c. 39). Rồi Chúa lại còn cầm khúc cá nướng và ăn trước mặt các ông" (câu 40-43). Kinh nghiệm này, T Phêrô kể lại: "Người đã xuất hiện tỏ tường trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước là chúng tôi" (Cv 10,40-41). Niềm tin chúng ta đặt nền trên lời chứng và việc hy sinh mạng sống vì Chúa Phục Sinh của các tông đồ. Những người nghe chúng ta loan báo Chúa Phục Sinh dựa vào đâu mà tin? Chúng ta cần sống thế nào để họ có thể tin vào lời mình?
...............................................................................................................
...............................................................................................................
- "Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh, và Người nói: Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại" (câu 45-46).
Chúa Giêsu trưng các sách Luật Môsê, các sách Ngôn sứ và các Thánh Vịnh để cho thấy Cựu Ước đã báo trước về mình. Chúng ta cũng cần biết cả Cựu Ước lẫn Tân Ước để củng cố niềm tin vào Chúa Phục Sinh. Hội Thánh giúp chúng ta như vậy qua phần phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ. Anh Chị quan tâm lắng nghe Lời Chúa như thế nào? Có đọc Lời Chúa trước hay sau lễ không? Tại sao?
...............................................................................................................
...............................................................................................................
3.“ Phải nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân... kêu gọi họ sám hối... Chính anh em là chứng nhân” (câu 47-48).
Chúa Giêsu muốn muôn dân nghe biết Tin Mừng Phục Sinh để được tha tội và được phục sinh với Ngài. Ngài bảo các môn đệ ra đi làm chứng. Hội Thánh tiếp tục sứ mạng này. Chúng ta có sẵn sàng cộng tác với các tông đồ, các chủ chăn, các tu sĩ và giáo lý viên làm chứng không? Có điều gì cản trở anh chị làm chứng cho Chúa?
...............................................................................................................
...............................................................................................................
4. CẦU NGUYỆN
Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.
Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.
* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.
Lời nguyện kết thúc Thánh vịnh đáp ca 4
Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét,
khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời.
Lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con,
xin thương xót nghe lời con cầu khẩn.
Hãy biết rằng: Chúa biệt đãi người hiếu trung với Chúa;
khi tôi kêu, Chúa đã nghe lời.
Biết bao kẻ nói rằng: "Ai sẽ cho ta thấy hạnh phúc?"
lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.
Thư thái bình an, vừa nằm con đã ngủ,
vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa,
ban cho con được sống yên hàn. Sáng danh...
5. HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN
* Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để suy ngẫm trong ngày.
............................................................................................
* Chúa Phục sinh muốn tôi làm chứng về Ngài cho người khác. Cuộc sống của tôi hiện nay cần như thế nào để làm chứng là ánh sáng Chúa Phục sinh đang chiếu sáng tôi?
...............................................................................................................
CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Sống trong bình an cùng với thầy Giêsu chính là kinh nghiệm được bình an bên trong, thứ bình an ở lại trong tất cả những thử thách, khó khăn và khổ đau.
Đó là món quà bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh. Đó là bình an đến từ Thánh Thần – Đấng Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho những ai tin. Chính Người mang đến cho ta sức mạnh.
Bình an ấy dạy chúng ta gánh vác, đảm nhận nó. Gánh vác: một từ chúng ta không thể hiểu hết được. Đó là một từ rất Kitô giáo, nghĩa là, mang lấy trên vai. Gánh vác: nghĩa là mang lấy cuộc sống trên đôi vai của mình, với tất cả những khó khăn, những công việc, bổn phận, tất cả mọi thứ, mà không mất đi bình an. Thay vào đó, ta mang lấy chúng trên vai và can đảm bước đi. Điều này chỉ có thể được hiểu khi có Chúa Thánh Thần ngự trị trong lòng và Người ban cho chúng ta bình an của Thầy Giêsu.
Vì thế, khi con tim ta có quà tặng mà thầy Giêsu đã hứa, thứ quà tặng không đến từ thế gian, chúng ta có thể đối diện với những khó khăn và những điều tồi tệ nhất. Chúng ta sẽ bước đi với sức sống mãnh liệt hơn, với một con tim biết cười.
Người sống trong bình an không bao giờ mất đi tính hài hước. Người ấy biết cười với chính mình, với người khác, dù cả trong những lúc tối tăm, người ấy vẫn biết cười với tất cả… Tính hài hước ấy chính là điều gắn liền với ân sủng của Thiên Chúa. Bình an của thầy Giêsu trong cuộc sống thường ngày, bình an trong những lúc khổ đau. Chỉ với một chút hài hước thôi cũng giúp chúng ta sống tốt đẹp. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta bình an đến từ Thánh Thần, thứ bình an của chính Người.
(trích bài giảng 21.5.2019)