BIẾT CHÚA, BIẾT TA

Chương 9 - Những người môn đệ Chúa sai đi

Chương 9

QUYỀN LỰC THIÊNG LIÊNG

VÀ QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ

 

Lời Chúa:

  • Gioan18: 33-37; 19: 9-111
  • Côrintô1: 18-25

Tóm Lược:

1.     Vương Quốc mà Chúa Giêsu rao giảng không phải là một Nước thuộc quyền lực chính trị, mà là một Nước của tình yêu và phục vụ.

2.     Quyền lực chính trị thì do tham vọng mà đạt được. Còn quyền lực thiêng liêng thì đến từ nội tâm và là một hồng ân doThiên Chúa ban cho.

3.     Giáo Hội trở nên hoàn hảo và hiệu quả hơn trong sứ mạng của mình vì nhờ được hướng dẫn bởi quyền lực thiêng liêng.

4.     Quyền lực thiêng liêng không hàm ý thiếu vắng trật tự nhưng trật tự thì tự nhiên và không sáng chế được.

5.     Sùng Đạo, Học Đạo và Hành Đạo giúp chúng ta làm nổi bật quyền lực thiêng liêng bên trong chúng ta.

6.     Quyền lực chính trị quan tâm tới cấp bậc, địa vị và mong được nhìn nhận. Còn quyền lực thiêng liêng thì chỉ nhằm vào làm việc Chúa, vì Chúa và chỉ vì Chúa mà thôi.

Một trong những điều Thánh Phaolô hiểu về đời sống thiêng liêng của mình là dũng lực của ngài không do ngài mà ra, nhưng do Thiên Chúa. Bởi thế Thánh Phaolô có thể nói rằng "kẻ điên dại" của Thiên Chúa có sức mạnh hơn sự thông thái cao siêu nhất của loài người. Dĩ nhiên, trọn tác vụ rao giảng của Chúa Giêsu đều dựa trên Nước Trời, lấy phục vụ và khiêm nhường làm nền tảng. Chúa Giêsu nói với Philatô rằng Nước Người không thuộc về thế gian này. Philatô hỏi Chúa Giêsu: "ông có phải là vua không?" Philatô không được Chúa trả lời bởi vì ông ta đã hỏi lạc đề. Philatô chỉ quan tâm tới biến động chính trị mà Chúa Giêsu có thể gây ra. Philatô nhìn thấy quyền lực của Chúa Giêsu là một quyền lực chính trị, nhưng Nước của Chúa Giêsu chẳng liên can gì tới quyền lực chính trị cả, ngoại trừ quyền lực thiêng liêng. Nếu chúng ta tìm cách đáp lại tiếng Chúa gọi làm người lãnh đạo phục vụ thật sự, thì chúng ta cũng phải tìm kiếm quyền lực thiêng liêng mà thôi.

Đáng buồn thay, thậm chí trong phạm vi các hội đoàn tôn giáo, chúng ta thường bỏ phí thời giờ để tìm cách chiếm đoạt quyền lực chính trị, mà lẽ ra tại nơi đó chúng ta nên giũ bỏ mọi danh vọng, song chỉ dựa vào ân sủng Chúa mà thôi.

Giữa quyền lực chính trị và quyền lực thiêng liêng có những khoảng khác biệt rõ rệt. Trước hết, quyền lực chính trị thì nhằm gây ảnh hưởng trên người khác bằng áp lực hay thuyết phục. Một người rơi vào quyền lực chính trị có thể thuê mướn, đuổi việc, khen thưởng, trừng phạt và thậm chí sát hại người khác. Thứ quyền lực này không dính dáng gì tới phẩm giá hay lòng chính trực của con người. Quyền lực biểu lộ một cá nhân đang có tư thế gây ảnh hưởng trên người khác. Những mẫu quảng cáo chúng ta thấy trên màn ảnh truyền hình hay trên báo chí đều dựa vào quyền lực chính trị. Những mẫu quảng cáo ấy tìm cách gây ánh hưởng trên chúng ta bằng những mánh lới quảng cáo cố thuyết phục chúng ta ưa thích và mua cho bằng được sản phẩm được quảng cáo. Các bài diễn văn chính trị cũng dựa trên quyền lực chính trị. Có nhiều sự hùng biện trong các bài diễn văn chính trị với mục tiêu cưỡng chế hay khống chế cử tọa mà thôi. Quyền lực chính trị thì cố ép người khác phải đi với mình. Do vậy mà nhiều nỗ lực trong việc tông đồ đã phải gặp thất bại. Chúng ta tìm cách dùng quyền lực chính trị để thuyết phục kẻ khác đến với Chúa Kitô. Kỳ thực, chỉ có quyền lực thiêng liêng mới có khả năng chinh phục kẻ khác nhờ bởi thái độ thân ái và chính trực tự nhiên. Quyền lực thiêng liêng không hệ tại nơi thuyết phục, mà hệ tại ở đức khiêm nhường, ở sự khôn ngoan, ở tình yêu thương và cả ở đức tính khôi hài vui tươi nữa. Đặc trưng của quyền lực thiêng liêng là đức khiêm nhường.

Thứ đến, quyển lực chính trị chỉ là tạm thời. Ngay cả những quyền lực của thế gian này chúng ta đều cho là thế tục bởi vì quyền lực này có thể bị tước mất. Thứ quyền lực này chỉ căn cứ trên tiền tài, địa vị và tư thế. Chẳng hạn, ông tổng thống có quyền lực là vì ông ta đang ở địa vị tổng thống. Các chính trị gia không nhất thiết là những người chính trực chỉ vì họ được bầu cử vào chức vụ. Còn quyền lực thiêng liêng thì căn cứ vào sức mạnh nội tâm, tức là căn cứ vào những đức tính không hề bị cất đi cho dầu địa vị bị tước lột. Thí dụ, gác chuyện chính trị sang một bên, nhiều người tin rằng ông Jimmy Carter là một người chính trực. Ngày nay, ông Jimmy Carter giúp xây dựng nhà cửa cho chương trình Habitatfor Humanity (Một tổ chức xây cất nhà cho người nghèo). Bây giờ ông Jimmy Carter không còn là tổng thống nữa, nhưng lòng nhân và đức chính trực của ông vẫn tồn tại với ông cả khi ông không còn ở trong Tòa Bạch ốc nữa. Một số thánh nhân trong Giáo Hội đâu phải là những nhân vật lỗi lạc, nhưng lại là những vị có sức mạnh thiêng liêng. Là người lãnh đạo cho Chúa Kitô, đối với chúng ta, địa vị không thành vấn đề, chúng ta chỉ cần làm việc Chúa là được.

Thứ ba, quyền lực chính trị là thứ quyền lực phải tranh cho được, đoạt cho được. Các chính trị gia thì được bầu lên. các ông chủ thì được lên chức, các giới chức quân sự nam cũng như nữ thì ráng cho được thăng cấp. Những kẻ tìm kiếm quyền lực chính trị đều là những người đầy tham vọng. Còn quyền lực thiêng liêng thì không phải vậy - không đoạt được. Sự thánh thiện không phải là một địa vị để vươn tới, mà là một con đường sống phát xuất từ nội tâm của chính mình. Quyền lực thiêng liêng là hồng ân Thiên Chúa ban cho. Không ai khác có thể cho chúng ta hay tước đoạt khỏi chúng ta hồng ân ấy. Một con người phục vụ thật sự tất sẽ có được quyền lực bởi vì người ấy đã giũ mình khỏi mọi ước muốn và danh vọng. Quyền lực chính trị thì thuộc về bên ngoài là vậy - bởi vì nó chỉ căn cứ vào địa vị và tư thế của một người. Còn quyền lực thiêng liêng thì xuất phát từ bên trong và tạo nên sức mạnh từ bởi ân sủng Chúa.

Cuối cùng, quyền lực chính trị thì nhằm chế ngự. Còn quyền lực thiêng liêng thì không hề chế ngự, vì chính Thiên Chúa cai quản quyền ấy. Người phục vụ chân chính xem quyền lực mình có là hồng ân hoàn toàn do Thiên Chúa ban. ơn thiêng liêng ấy được dùng để phục vụ và được nuôi dưỡng bằng sự hoán cái không ngừng khiến cho mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa trở nên sâu đậm hơn.

Không cần nói ai cũng biết rằng Giáo Hội, bất cứ hội nhóm nào trong Giáo Hội, Phong Trào Cursillo, tất cá đều thành công vượt bực nếu được quyền lực thiêng liêng hướng dẫn. Khi mối bận tâm hàng đầu của chúng ta là quyền lực và sự cai trị, thì chúng ta sẽ trở nên yếu kém hơn bao giờ hết. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không cần tới bất cứ luật lệ hay trật tự nào (một tình trạng mà tôi muốn nhắc tới đó là "những người điên điều hành nhà thương điên"). Đó là tình trạng vô pháp luật, mà vô pháp luật thì không có quyền lực thiêng liêng nữa. Tình trạng vô pháp luật là luật của Satan. Tình trạng vô pháp luật nói lên rằng ai cũng có quyền cai trị cả. Còn quyền lực thiêng liêng thì nói rằng, không ai có quyền cai trị, ngoại trừ mình Chúa Kitô mà thôi. Để làm một người lãnh đạo, chúng ta cần phải có trật tự, có một cái nhìn và một hướng đi, nhưng quyền lực hướng dẫn đứng đằng sau cái nhìn ấy chính là quyền lực của Thiên Chúa.

Tóm lại, chỉ những ai không bị ràng buộc bởi tham vọng mới có quyền lực thiêng liêng. Quyền lực thiêng liêng không phải là cái thang để leo lên, cũng không phải là vị thế hay tầm quan trọng của chúng ta dưới mắt người khác. Đôi khi chúng ta tưởng nếu chúng ta làm cho kẻ khác hài lòng thì tức là chúng ta phục vụ trọn hảo rồi. Nhưng lắm khi chúng ta làm điều có hại hơn là làm điều tốt. Chúng ta hãy nhớ Chúa Giêsu đã không bận tâm làm cho kẻ khác hài lòng. Chúa Giêsu đã không hề làm tổn thương giáo huấn của Người giảng dạy hay cả tư thế của Người. Chúng ta càng tập chú vào tham vọng của chúng ta và càng tỏ ra ít quan tâm thực thi việc Chúa, Giáo Hội càng bị phân hóa.

Có những người trong Phong Trào Cursillo chỉ mong muốn có cơ hội để vào VPĐH hay cố đạt được chức Chủ Tịch VPĐH/GP. Tại sao vậy ? Họ có tưởng rằng khi leo lên được bậc thang cao hơn thì sẽ vênh váo được chăng ? Họ ít nghĩ tới rằng, một người càng "cao danh vọng thì càng nặng trách nhiệm”. Công việc càng gia tăng và phải phục vụ nhiều hơn. Chỉ có một lý do duy nhất để làm một người lãnh đạo là làm việc của Chúa. Chức năng của chúng ta là ở chỗ đó. Còn chúng ta đang ở bậc thang phân cấp nào thì không phải là điều quan trọng bởi vì tham vọng kiểu như vậy không phải là một “thứ” quyền lực thiêng liêng. Quyền lực trong lãnh đạo chính là việc chúng ta phục vụ dân Chúa, bất kể điều chúng ta bênh vực có được người ta ưa thích hay không. Được người ta mến chuộng hay nắm được quyền cai trị hay không, cái đó không quan trọng; làm việc Chúa mới là quan trọng. Chúng ta hãy xét xem, mục đích của Phong Trào Cursillo là đánh thức cái gì đang mê ngủ, chứ không phải cho người ta cái gì họ không có. Thậm chí như Kiềng Ba Chân là Sùng Đạo, Học Đạo và Hành Đạo cũng không nhắm để kiểm soát ai cả. Đời sống ba mặt trong Chúa Kitô như thế ấy chỉ nhằm tạo điều kiện cho chúng ta đón nhận các hồng ân Chúa ban mà thôi. Hội Nhóm không đề ra để làm một quả cầu hay một dây xích, nhưng là một con đường để chúng ta tiếp tục vui hưởng dũng lực của Chúa Kitô vốn đã có sẵn trong chúng ta.

Chúa Giêsu nói với Philatô rằng Nước Người không thuộc về thế gian này. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta rằng, các môn đệ của Chúa “ở trong thế gian" nhưng không "thuộc về thế gian” Nước Chúa không hề có chuyện địa vị, quyền lực và tham vọng, mà chỉ có tình yêu và phục vụ. Đó là nền tảng của sứ vụ mà Chúa Giêsu Kitô đã bắt đầu với 12 Tông Đồ từ hai ngàn năm về trước. Chúng ta là những người lãnh đạo và là những người phục vụ của Chúa Giêsu. Chúng ta đã được mời gọi để đạt tới quyền lực cao này là một thứ quyền lực không xuất phát từ tham vọng, mà từ lòng khiêm nhượng, một quyền lực mà không một sức lực nào cả trên trời lẫn dưới đất có thể đoạt lấy khỏi chúng ta. Nguồn mạch của quyền lực và dũng lực ấy chính là Đấng đã ngự đến ban cho chúng ta sự sống, sự sống sung mãn nhất mà chúng ta có được.

Câu Hói Để Suy Niệm/ Thảo Luận:

1.     Những khác biệt chính giữa quyn lực chính trị và quyền lực thiêng liêng là gì?

2.     Tại sao người ta dễ bị lôi cuốn theo quyền lực chính trị?

3.     Những trở ngại nào ngăn cản việc nuôi dường quyền lực thiêng liêng?

4.     Quyền lực thiêng riêng được phát triển như thế nào nơi người lãnh đạo Cursillo?

 

Mục lục - Chương 8 <> Chương 10


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com