Suy niệm Chúa Nhật Phục Sinh

Chúa đã phục sinh. Đó là nền tảng của niềm tin và niềm hy vọng của mỗi người kitô hữu chúng ta. Thánh Phaolô đã nói rất chí lý rằng: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15, 17-19). Vì thế, Ngài khẳng định rằng: “Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15, 20). Vậy, trong ngày trọng đại hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về những bằng chứng của niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh và cố gắng sống niềm tin đó trong cuộc sống của chúng ta.

CNPS016

1. Niềm tin Phục sinh bắt đầu bằng Ngôi mộ trống

Ngôi mộ trống là yếu tố đầu tiên mà người ta gặp thấy sau khi Chúa Kitô chịu chết và táng xác. Tự nó, đây không phải là một chứng minh trực tiếp. Bởi vì, yếu tố không còn xác Chúa Kitô trong mộ có thể giải thích cách khác (x. Ga 20,23; Mt 28, 11-15). Dầu vậy, ngôi mộ trống đã là một dấu lạ đối với mọi người. Việc các môn đệ phát hiện sự kiện này đã là bước đầu cho việc nhận ra chính sự kiện Phục sinh: Đó là trường hợp của các phụ nữ thánh thiện (x. Lc 24,3.22-23), rồi của Phêrô (x. Lc 24,12). “Môn đệ của Chúa Giêsu thương yêu” (Ga 20,2) khẳng định rằng khi vào trong mộ trống và “phát hiện ra các dải vải còn để đó”, Tin mừng cho biết rằng “Ông đã thấy và đã tin” (x. Ga 20,8). Điều này giải thích rằng ông đã thừa nhận trong tình trạng ngôi mộ trống là sự thiếu vắng thân xác của Chúa Giêsu không thể là việc của loài người, và Chúa Giêsu đã không chỉ đơn thuần trở lại cuộc sống trần gian như trường hợp ông Lazarô (x. GLHTCG, số 640). Như vậy, qua các dự kiên trên đây cho chúng ta khẳng định rằng: Ngôi mộ trống là bằng chứng Chúa đã Phục sinh.

2. Niềm tin Phục sinh dựa vào những lần hiện ra của Chúa Giêsu

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra nhiều lần, nhiều nơi và với nhiều người. Đặc biệt, Ngài hiện ra với các môn đệ, cùng ăn cùng uống với họ (x. Cv 10,41). Trước hết, Tin mừng cho biết, Ngài hiện ra với Maria Mađalêna và các phụ nữ khác (x. Ga 20, 11-18). Sau đó, Ngài hiện ra với ông Phêrô, với nhóm Mười Hai, với hai môn đệ đi đường Emmau, với hơn năm trăm người, và với Giacôbê. Thánh Phaolô kể rõ ràng rằng: “Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1Cr 15, 5-8). Những lần Chúa Giêsu Kitô hiện ra trên đây sau khi Ngài chịu nạn chịu chết trên Thánh giá là bằng chứng cho chúng ta thấy Chúa đã Phục sinh.

3. Niềm tin Phục sinh dựa vào thái độ của các tông đồ và các kitô hữu đầu tiên trước và sau khi Chúa Sống Lại

Sau buổi chiều ngày thứ sáu, một bầu khí u ám, thất vọng nơi các Tông đồ và những người theo Chúa bấy lâu nay. Còn đâu những lời giảng dạy như Đấng có uy quyền (x. Mt 1,22). Còn đâu những phép lạ như: Phép lạ hoá bánh ra nhiều, gió yên biển lặng, kẻ què đi được, kẻ điếc được nghe, kẻ câm nói được, kẻ chết sống lại…Những hy vọng nơi Thầy Giêsu đã tan thành mây khói. Họ nghĩ rằng thế là hết. Tất cả đã chấm dứt. Vì vậy, một số trong các môn đệ trở lại nghề cũ, một số khác bỏ trốn về quê…

Thế rồi, sau khi thấy Chúa Phục Sinh, thái độ của họ thay đổi hoàn toàn. Bà Maria Mađalêna vội vã chạy về báo tin cho các Tông đồ. Phêrô và Gioan vội vã ra mồ. Khi thấy mọi sự trong mồ được xếp đặt gọn gàng, Gioan nhớ lại những lời Kinh thánh và ông đã tin. Hai môn đệ đi đường Emmau khi đã gặp Chúa Phục sinh, vội vã trở lại báo tin cho các Tông đồ khác.

Trước đây Phêrô đã nhát gan chối Chúa ba lần, nhưng giờ đây ông đã mạnh dạn rao giảng Tin mừng không biết mệt mỏi, không sợ quyền thế. Chính ông đã khẳng khái nói: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”(Cv 5,29).

Khi Chúa Phục sinh hiện ra bảo Tôma xỏ ngón tay vào lỗ đinh và cạnh sường Người, ông đã tuyên xưng: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”(Ga 20,28).

Tóm lại, khi nhận ra Chúa Kitô đã sống lại thật, các môn đệ đã mạnh dạn rao giảng Tin mừng và sẵn sàng chết để làm chứng cho niềm tin của mình.

4. Niềm tin Phục sinh giúp gì cho chúng ta

1) Niềm tin Phục sinh giúp chúng ta vượt qua được thử thách, đau khổ:

Dịp Mùa Chay vừa qua, tôi có dành thời gian đi thăm những người già cả, ốm đau, bệnh tật. Tôi gặp một cụ bà đã trên 80 tuổi, nằm liệt giường hơn chục năm nay. Dầu vậy, tôi thấy tâm trạng của cụ luôn điềm tĩnh và bình an. Cụ tâm sự với tôi: “Suốt mười mấy năm qua, nhiều lúc con đau đớn lắm. Nhưng mỗi lần cơn đau hoành hành, con nhìn lên Thánh giá Chúa và tự nhủ mình rằng, Chúa cả trời đất, không có tội lỗi gì mà Ngài còn phải trải qua đau khổ mới tới ngày Phục Sinh. Phần con, là kẻ tội lỗi đáng phải chịu đau khổ trăm ngàn lần nữa. Suy nghĩ như thế, nên con cố gắng chấp nhận đau khổ để ngày sau cùng được phục sinh với Chúa”. Tôi thăm một bệnh nhân khác, đó là một chàng thanh niên 23 tuổi, bị liệt toàn thân do một vụ tai nạn xe máy. Anh vui vẻ kể lại cho tôi nghe vụ tại nạn xảy ra cách đây gần một năm. Tôi hỏi anh: “Từ một thanh niên khoẻ mạnh, bây giờ phải nằm liệt giường như vậy, con cảm thấy như thế nào?” Anh trả lời một cách xác tín rằng: “Chúa gửi thập giá tới thì phải vui lòng vác thôi Cha. Con hy vọng cùng chịu đau khổ với Chúa để ngày sau được gặp Ngài trên Thiên Đàng”. Đúng là câu trả lời của một người có niềm tin thực sự. Niềm tin có Chúa, niềm hy vọng vào sự Phục Sinh.

Thật vậy, nếu chúng ta biết nhìn lên Thánh giá mà nhớ lại rằng: Chính Đức Giêsu Kitô cũng đã trải qua đau khổ, thất bại, đòn vọt, chịu đội mạo gai và chết nhục nhã trên Thánh giá mới bước vào vinh quang Phục sinh. Những lúc đó, ánh sáng Phục Sinh sẽ len lỏi vào cõi lòng của chúng ta. Niềm hy vọng Phục sinh sẽ vụt lên trong tâm hồn của chúng ta, giúp chúng ta vượt qua được những thử thách, đau khổ trong cuộc sống.

2) Niềm tin Phục sinh giải thoát chúng ta khỏi tội: Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1). Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới là gì nếu không phải là tâm trí luôn hướng về niềm hạnh phúc Thiên Đàng. Khi chúng ta nghĩ tới hạnh phúc Thiên Đàng, nghĩ tới sự sống lại, chắc chắn chúng ta sẽ chống trả được những cơn cám dỗ, tránh xa được những thói hư tật xấu, đam mê tội lỗi. Nếu có sa ngã phạm tội thì nhờ hướng tới hạnh phúc Thiên Đàng mà chúng ta quyết tâm thống hối ăn năn và đi xưng thú tội lỗi của mình để làm hoà cùngThiên Chúa.

3) Niềm tin Phục sinh giúp chúng ta biết sống tha thứ, yêu thương mọi người hơn: Khi chúng ta bị bỏ vạ cáo gian, bị đánh đập, bị ghét bỏ, bị lên án, bị đối xử tệ bạc bất công, chúng ta không phàn nàn kêu trách, không trả thù, trái lại yêu thương, cầu nguyện, lấy ơn đền oán là chúng ta đang hướng tới sự Phục sinh của Chúa.

Như vậy, niềm tin vào sự Phục sinh rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi người chúng ta. Tin vào sự Phục sinh sẽ giúp chúng ta vượt qua được mọi đau khổ; chống trả được các chước cám dỗ; giải thoát khỏi tội lỗi; dễ dàng chấp nhận những thiệt thòi mà người khác gây nên cho mình. Tin vào sự Phục sinh giúp chúng ta cố gắng sống tốt hơn, tha thứ và yêu thương mọi người hơn.

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, Chúa đã từng mời gọi mọi người rằng: "Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Hễ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ"(Ga 11, 25). Xin cho mỗi người chúng con luôn xác tín vào sự Phục Sinh của Chúa để sống niềm tin đó ở đời này và ngày sau được Phục sinh với Chúa trên Thiên Đàng. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành

Nguồn: vietcatholic.org


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com