05/10 - Thánh Maria Faustina Kowalska – Vị Thánh đầu tiên của Thế kỷ 21

(1905-1938)

 

Vào 10 giờ sáng ngày 30.04.2000 nhằm Chúa nhật II Phục sinh, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cử hành Thánh lễ tại Công trường Ðền thờ Thánh Phêrô và phong thánh cho Chân phước Maria Faustina Kowalska, nữ tu Ba Lan đã khởi xướng việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa. Ðồng tế Thánh Lễ với Ðức Thánh Cha có khoảng 50 hồng y, giám mục và linh mục. Ngoài ra, còn có sự tham dự của khoảng 200.000 người, trong đó có nhiều người Ba Lan gồm cả Thủ tướng Jerzy Buzek và chủ tịch Công đoàn Ðoàn Kết Marian Krzaklewski, cùng với 300.000 người khác ở Ðền Lòng Thương Xót Chúa ở Lagiewniki (Krakow, Ba Lan) tham dự diễn tiến phong thánh qua truyền hình trực tiếp từ Rôma nhờ vệ tinh viễn thông. Ðức Thánh Cha đã gọi thánh nữ Maria Faustina Kowalska, vị thánh đầu tiên của thế kỷ 21 cũng như của thiên niên kỷ mới, là "món quà của Thiên Chúa ban cho thời đại chúng ta". Vậy Thánh nữ Maria Faustina Kowalska là ai?

Thánh Maria Faustina là Ai?

Chị là người thứ 3 trong 10 người con của gia đình nông dân nghèo khó nhưng đạo đức sống tại Glogowiec, một làng quê nằm chính giữa đất nước Ba Lan xinh đẹp. Chị được rửa tội tại nhà thờ giáo xứ Swinice Warckie và chị đã được đặt tên là “Helena.”

Ngay từ thời thơ ấu, Helena đã nổi bật với đời sống đức hạnh, yêu thích cầu nguyện, chăm chỉ, vâng lời, và hết lòng thương cảm trước nỗi khổ đau của tha nhân. Helena được đi học trong thời gian chưa đầy ba năm.

Khi lên 7 tuổi, Helena đã cảm nhận trong tâm hồn lời mời gọi theo đuổi đời sống tu trì. Sau đó, chị đã ngỏ ý muốn với cha mẹ của mình. Nhưng cả hai vị đều dứt khoát không đồng ý cho chị vào sống ở trong tu viện.

Năm 14 tuổi, chị đã phải rời gia đình để đi kiếm tiền giúp cha mẹ bằng cách đi làm thuê ở những thành phố lân cận. Trước hoàn cảnh éo le như thế, Helena đã cố “bóp nghẹt” lời mời gọi trong tâm hồn. Tuy nhiên, quá xao xuyến vì một thị kiến về Chúa Kitô tử nạn và những lời trách cứ của Người. Helena bắt đầu tìm mọi cách để xin vào một tu viện. Chị đã gõ cửa nhiều tu viện, nhưng không một nơi nào đón nhận. Cuối cùng, vào ngày 1/8/1925, Helena đã được nhận vào Dòng Nữ Tử Ðức Bà Xót Thương.

 

Cuộc sống giản dị và nhiều khó khăn trong cuộc sống
nhưng thánh nữ Maria Faustina vẫn tin và phó thác vào Thiên Chúa

Khi được vào dòng, Helena được đặt tên là Maria Faustina. Sau 5 năm, chị tuyên khấn trọn đời với ba lời khấn thanh tịnh, khó nghèo và vâng phục. Chị được đưa đến một số nơi làm việc tại các tu viện của dòng như làm bếp, làm vườn, và coi cổng…

Cuộc sống bề ngoài của nữ tu Maria Faustina xem ra rất đơn điệu, không có gì to tát ngoại trừ tính tình hiền lành, tử tế, và trung thành chu toàn nhiệm vụ được giao phó cũng như tuân giữ luật dòng. Tuy nhiên, đàng sau dáng vẻ xem ra bình thường đó, nữ tu Faustina đã có một cuộc sống nội tâm cao độ và được Thiên Chúa ban cho những ân huệ lạ lùng như thị kiến, đọc được tâm hồn người khác, nói tiên tri, xuất hiện cùng lúc hai nơi, và cảm nghiệm sâu xa Lòng Thương Xót của Chúa qua Mầu nhiệm Tử nạn. Chính quyển nhật ký của chị đã cho chúng ta thấy được những chiều sâu trong đời sống thiêng liêng của chị. Tuy được hưởng những hồng ân ấy rất dồi dào, nhưng chị đã viết: “Không phải các ân sủng, các mặc khải, các lần ngất trí, hoặc các ân huệ làm cho linh hồn nên hoàn hảo, nhưng chính là sự kết hợp mật thiết giữa linh hồn với Thiên Chúa… Sự thánh thiện và hoàn hảo của tôi ở việc kết hợp mật thiết giữa ý muốn tôi với ý muốn Thiên Chúa”.

Tất cả đời sống của chị được tập trung vào việc liên tục cố gắng đạt đến một cuộc kết hiệp ngày càng mật thiết hơn với Thiên Chúa và quên mình cộng tác với Chúa Giêsu trong công cuộc cứu rỗi các linh hồn. Chị đã viết trong nhật ký của mình, “Chúa biết ngay từ những năm đầu tiên, con đã muốn trở nên một vị đại thánh; tức là yêu mến Chúa bằng một tình yêu vĩ đại như chưa từng có linh hồn nào đã yêu mến Chúa như thế”.

Chúa Giêsu đã ủy thác cho chị nữ tu đơn sơ, kém học, nhưng can trường và tín thác vô hạn này một sứ mạng cao cả. Đó là rao truyền sứ điệp Lòng Thương Xót của Chúa cho thế giới biết. Người đã phán với chị, “Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới. Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim thương xót của Cha”. “Con là thư ký của Lòng Thương Xót Cha. Cha đã tuyển dụng con làm nhiệm vụ ấy trên đời này và ở đời sau…

Nhiệm vụ và công tác suốt đời con là tiếp tục làm cho các linh hồn được biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Cha dành cho họ, và kêu gọi họ tín thác vào Lòng Thương Xót vô tận của Cha”.

Tựu trung, chị Maria Faustina được Chúa Giêsu trao phó cho 3 sứ mạng sau đây:

·      Nhắc nhở thế giới về chân lý đức tin được mạc khải trong Kinh Thánh liên quan đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại.

·      Khẩn nài Chúa xót thương nhân loại và nhất là những người tội lỗi, bằng cách thi hành những hình thức mới trong việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa do chính Chúa Giêsu tỏ bày. Ðó là tôn kính ảnh Lòng Thương Xót Chúa với dòng chữ: "Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy nơi Chúa", mừng lễ Lòng Thương Xót Chúa vào Chúa nhật II Phục Sinh, lần chuỗi kinh Lòng Thương Xót Chúa, và cầu nguyện vào Giờ Thương Xót (3 giờ chiều). Và Chúa Giêsu hứa ban những ơn cao trọng cho những ai thực hiện các việc sùng kính kể trên, miễn là họ phải phó thác đời mình cho Chúa và yêu thương tha nhân.

·      Khởi xướng phong trào tông đồ tôn kính Lòng Thương Xót Chúa với nhiệm vụ công bố và nài xin Thiên Chúa xót thương thế giới, cũng như phấn đấu sống đời Kitô hữu tuyệt hảo. Các tín hữu phải có một thái độ tin cậy vào Thiên Chúa như một con trẻ được biểu lộ qua việc thực thi thánh ý Ngài cũng như có một thái độ xót thương đối với tha nhân.

Ðức Gioan Phaolô II và Thánh Nữ Faustina

Sau khi nữ tu Maria Faustina qua đời ngày 05.10.1938, hương thơm thánh thiện của ngài lan toả nhiều nơi cùng với sự phổ biến rộng rãi việc thực hành lòng tôn sùng Thương Xót Chúa. Ngoài ra, nhiều người đã được những ơn lành Thiên Chúa ban cho qua lời cầu bàu của chị Maria Faustina. Tuy nhiên, tiến trình dẫn đến việc phong thánh cho nữ tu Maria Kowalska cũng gặp phải nhiều nhiêu khê. Mặc dầu tại Ba Lan nhiều tín hữu rất sùng mộ chị và học hỏi sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa được ghi lại trong nhật ký của chị, Toà Thánh đã từng lên án cuốn này là "lạc đạo" vào năm 1958. Ðiều cũng dễ hiểu bởi vì Toà Thánh nhận được một bản dịch nhật ký không được khá từ tiếng Ba Lan. Ngoài ra nữ tu Faustina là một người ít học nên nhật ký của chị hầu như chẳng có ghi dấu chấm phết gì cả.

Khi Ðức Cha Karol Wojtila (Ðức Gioan Phaolô II tương lai) trở thành Tổng Giám mục Krakow năm 1964, ngài đứng trước một tình trạng tế nhị. Dầu sao đi nữa, ngài rất quen thuộc với sứ điệp nữ tu Faustina phổ biến vì lúc còn là chủng sinh "chui" trong thời Ðệ II Thế chiến khi Ðức Quốc Xã cai trị Ba Lan, ngài đã thường xuyên viếng thăm Ðền Lòng Thương Xót Chúa ở đồi Lagiewniki, Krakow, nơi Nữ tu Faustina từng cư ngụ và qua đời. Ðức Tổng Giám mục Karol Wojtila cho điều tra sự việc và sau đó cho dịch lại một bản mới nhật ký của chị Faustina để gửi cho Toà Thánh. Nhờ đó, vào năm 1978 Toà Thánh đã rút lại lệnh cấm cuốn nhật ký của Faustina, chỉ sáu tháng trước khi Ðức Tổng Giám mục Karol được bầu làm Giáo hoàng.

Ngày 18.04.1993, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong Chân phước cho Nữ tu Faustina Kowalska sau khi một người phụ nữ tên Maureen Digan được chữa lành khỏi một bệnh di truyền về máu nhờ lời cầu bàu của Nữ tu Faustina. Và cuộc phong thánh vào ngày 30.04.2000 là kết quả của một phép lạ chữa lành cha Ronald P. Pytel (Baltimore, Hoa Kỳ) khỏi bệnh tim qua lời cầu bàu của chị.

Di Sản của Thánh Faustina Kowalska

Sự kiện Ðức Giêsu trao cho Thánh nữ Faustina sứ điệp về lòng thương xót của Thiên Chúa xảy ra trong thời kỳ giữa 2 cuộc thế chiến kinh hoàng gây chết chóc không biết bao nhiêu người có một ý nghĩa rất lớn. Con người đang đứng trước hố diệt vong bởi tội lỗi và vì thế niềm khao khát của con người về nền hoà bình thế giới hầu như xem ra chỉ là ảo tưởng. Ðúng như thế, chính Chúa Giêsu đã nói với Thánh nữ Faustina: "Nhân loại sẽ không tìm thấy hoà bình cho đến khi nào biết tín thác vào lòng thương xót của Chúa" (Nhật ký, 132). Trong buổi lễ phong thánh, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhấn mạnh: "Những ai từng chứng kiến .nỗi đau khổ ngút ngàn của hàng triệu người [trong thời gian hai cuộc thế chiến] hiểu được rằng sứ điệp lòng thương xót Chúa thật là cần thiết biết là dường nào."

Nhưng sứ điệp về lòng thương xót của Chúa đối với nhân loại không chỉ có liên hệ chặt chẽ với thế kỷ 20 nhưng còn là sứ điệp cho thiên niên kỷ mới. Trong bài giảng của buổi lễ phong thánh, Ðức Thánh Cha nói: "Tương lai của nhân loại trên mặt đất này sẽ ra sao? Chúng ta không được biết. Tuy nhiên, [con người] có thêm tiến bộ thì không may cũng không thiếu kinh nghiệm đớn đau. Nhưng ánh sáng của lòng thương xót Chúa. sẽ chiếu sáng đường đi cho con người trong thiên niên kỷ thứ ba. Bằng [việc phong thánh cho Nữ tu Faustina], Cha có ý chuyển sứ điệp này cho thiên niên kỷ mới." Ðức Thánh Cha cũng đã chính thức công bố từ nay về sau Chúa nhật II Phục sinh sẽ được gọi là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa.

Cũng trong bài giảng, Ðức Thánh Cha cho rằng chỉ khi nào con người cảm nhận được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại thì con người mới có thể "nhìn vào anh chị em của mình với đôi mắt mới, với thái độ vị tha và liên đới, đại lượng và tha thứ".

Ngoài ra, sứ điệp về lòng thương xót Chúa, theo Ðức Thánh Cha, cũng tiềm ẩn sứ điệp về phẩm giá con người bởi vì chính Ðức Kitô đã hy sinh cho mỗi một người và Thiên Chúa Cha ban Thần Khí và lòng yêu thương bao la của Ngài cho mọi người.

Cũng nên biết thêm rằng, việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa hiện nay được phổ biến trong 29 quốc gia khắp thế giới qua sự cổ võ hoạt động của khoảng 2 triệu thành viên trong tổ chức "Tông đồ Lòng Thương Xót Chúa" gồm các linh mục, tu sĩ và giáo dân.

NGUỒN GỐC HÌNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

VÀ LẦN CHUỖI THƯƠNG XÓT

* Ngày 22-2-1931, chị Faustina được Chúa Giêsu hiện ra. Trong nhật ký chị ghi: "Ðêm 22-2-1931, tôi được nhìn thấy Chúa Giêsu hiện ra. Ngài mặc áo trắng, một tay Chúa giơ lên ban phép lành, tay kia đặt trước ngực. Từ nơi ngực chúa có hai luồng ánh sáng chiếu tỏa ra. Một luồng mầu đỏ, luồng kia mầu trắng nhạt... Chúa phán với tôi: ‘Con hãy vẽ một bức hình, theo mẫu con trông thấy đây, với lời ghi chú: Giêsu, con tin tưởng Chúa"

"Một lúc sau, Chúa phán: ‘Những luồng ánh sáng trắng nhạt biểu hiện Nước, sẽ làm cho các linh hồn nên công chính đạo đức. Những luồng ánh sáng mầu đỏ biểu hiện máu, là sự sống của các linh hồn. Hai luồng ánh sáng này, phát xuất từ chốn thâm sâu của lòng thương xót dịu dàng và êm ái nhất của Cha, lúc trái tim hấp hối cha bị lưỡi đòng mở rộng ra. Phúc cho ai ẩn náu trong sự che chở của những luồng ánh sáng này, vì bàn tay công thẳng của Thiên Chúa không giáng xuống trên đầu họ.’"

* Ngày 4-9-1935, chị Faustina được Chúa dạy cách lần chuỗi "Lòng Thương Xót", với kinh nguyện sau đây: Trước hết: Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Tin Kính. Ở các hạt lớn thay Kinh Lạy Cha Tình Thương, nhân danh Ðưc Kitô chúng con dâng lên cha Mình cùng Máu thánh châu báu, linh hồn và thiên tính Ðức Kitô: Con yêu quí của Cha và Chúa chúng con đang ngự trong các nhà tạm trên thế giới để đền bù tội lỗi chúng con và cả loài người.

Ở hạt nhỏ, thay kinh Kính Mừng thì đọc: "Vì cuộc khổ nạn đắng cay của chúa Giêsu, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới."

Sau cùng hãy nguyện ba lần: "Lạy Thiên Chúa chí thánh, Ðấng cực thánh, Ðấng hằng sống, xin thương xót chúng con và toàn thế giới". (Trích nhật ký chị Faustina, 476)

 

Tổng hợp Hạnh các Thánh.

Nguồn: http://users.telenet.be/, http://linhhon.org/

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com