Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN IV PHỤC SINH Năm C (Cv 13, 14. 43-52) 17/04/2016

"Đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

 

Ông Phao-lô và ông Ba-na-ba hướng về dân ngoại:

14 Còn hai ông thì rời Péc-ghê tiếp tục đi An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a. Ngày sa-bát, hai ông vào hội đường ngồi tham dự.

43Tan buổi họp, có nhiều người Do-thái và nhiều người đạo theo, tức là những người tôn thờ Thiên Chúa, đi theo hai ông. Hai ông nói chuyện với họ và khuyên nhủ họ gắn bó với ơn Thiên Chúa.

44 Ngày sa-bát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa.

45 Thấy những đám đông như vậy, người Do-thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phao-lô nói và nhục mạ ông.

46 Bấy giờ ông Phao-lô và ông Ba-na-ba mạnh dạn lên tiếng: "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại.

47 Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất."

48 Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo.

49 Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.

50 Nhưng người Do-thái sách động nhóm phụ nữ thượng lưu đã theo đạo Do-thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phao-lô và ông Ba-na-ba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ.

51 Hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới I-cô-ni-ô.

52 Còn các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần.

 

Trước tiên xin có vài lời về ông Ba-na-ba, chúng ta ít biết về ông hơn Phao-lô Tông Đồ. Ông là một người xuất chúng. Ba-na-ba chắc hẳn có ngoại thể rất đẹp vì một ngày, tại Thổ Nhĩ Kỳ, dân chúng cho ông là Đê-út-xơ, vua các chúa! Tên thật ông là Giu-se, nhưng các Tông Đồ đặt cho ông tên Ba-na-ba: có nghĩa là « Người trợ lực » … con người ông là cả một chương trình!

Người Do Thái gốc đảo Síp, ông là người Lê-vi, tức là thuộc dòng dõi phục vụ trong đền thánh. Được trở lại đạo Ki-tô, thuộc về cộng đồng Giê-ru-sa-lem, nơi đây ông có nhiều ruộng đất. Có lẽ ông đã nghe bài tường thuật về người thanh niên giàu có, dù sao ông là người đã đem ra thi hành bài dụ ngôn của Chúa. Ông có một cánh đồng nhưng đem bán đi đem tiền về cho quỹ của cộng đồng. Lịch sử không kể cho chúng ta biết vì hành động quảng đại này mà được các Tông Đồ đặt cho cái tên « Người trợ lực », nhưng chúng ta biết ông có tinh thần rất cởi mở. Lúc Sa-un, người bách hại Ki-tô hữu vừa được ơn trở lại, ông là người đầu tiên đem lòng tin cậy. Chúng ta cũng thông cảm những Ki-tô hữu dè dặt đón trong chuồng một con chó sói nay trở thành cừu non: một cách nào đó chính Ba-na-ba đã bảo trợ cho Phao-lô.

Đoạn chúng ta đọc hôm nay tường thuật cuộc du hành truyền giáo đầu tiên của hai ông đến Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế nhóm có ba người, lúc khởi đầu có một người tên Gio-an Mác-cô (có lẽ là thánh sử Mác-cô sau này) cùng đi với các ngài. Các ông khởi hành từ Ăn-ti-ô-kha xứ Xi-ri, đến bến Xê-lơ-xi bờ Địa Trung Hải và lên thuyền ra đảo Síp, nơi đây các ông ở lại một thời gian. Sau đó các ông đến Pa-phốt bên bờ Tây đảo Síp để đi về miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đến Péc-gê (nơi đây Mác-cô bỏ đoàn) rồi đến Ăn-ti-ô-kha miền Pi-si-đi-a, nơi đây khởi đầu bài chúng ta đang đọc.

Dự án của thánh Phao-lô rất rõ ràng: ngài muốn đến các hội đường Do Thái càng sớm càng tốt để rao giảng cho các anh em Do Thái. Ngài sẽ nói về Đức Gê-su thành Na-da-rét. Đối với thánh nhân đó là công việc phải tiến hành trước tiên. Chúng ta không quên rằng tất cả các Tông Đồ đều là người Do Thái, và xác tín nơi Chúa Giê-su là đấng Mê-si-a mà người Do Thái hằng mong đợi, ngày nay họ sống niềm tin này được hoàn tất. Trong suy nghĩ của họ, một người Do Thái đọc Lời Chúa tất nhiên phải trở nên Ki-tô hữu. Vì thế họ cố gắng qui tụ các người Do Thái khác về với khám phá của họ… và thánh Phao-lô có ý định đi khắp các hội đường Do Thái. Trong trí hai ông, một khi cả dân tộc Do Thái hoán cải, họ sẽ giúp cho dân ngoại trở về, vì đó là sứ vụ của It-ra-en, vì từ nguyên thuỷ « … Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất ».

Dưới mắt thánh Phao-lô, cũng như với những người đương thời, chương trình của Chúa gồm hai giai đoạn: trước tiên là chọn dân của Chúa, Ngài mặc khải cho họ « It-ra-en được tuyển chọn », và sau đó dân này sẽ loan báo ơn cứu độ cho muôn dân và dân ngoại. Trong giai đoạn đầu, chính Chúa Giê-su đã truyền cho các Tông Đồ: « 5 Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: 6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en » (Mt 10, 5-6) .

Vì lẽ đó ngay ngày Sa-bát đầu tiên thánh Phao-lô và Ba-na-ba đến hội đường Ăn-ti-ô-kha xứ Pi-xi-đi-a, tức là trước một cử tọa Do Thái, nơi đây ban đầu hai ông được tiếp đón khá thuận lợi. Cũng có thể có vài người trở thành Ki-tô hữu ? Ngày Sa-bát kế tiếp, các ngài cũng trở lại rao giảng ở hội đường, tức là cũng với những người Do Thái, hình như có rất đông người chịu khó đến để nghe. Nhưng lần này sự thành công của hai ông bắt đầu làm cho những người có thẩm quyền tức giận! Thánh Lu-ca nói: « 45 Thấy những đám đông như vậy, người Do-thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phao-lô nói và nhục mạ ông » (Cv 13, 45). Từ đấy thánh Phao-lô thay đổi kế hoạch: từ nay ngài loan báo Chúa Ki-tô cho người ngoại, những người này có vẻ sẵn sàng tiếp đón hơn, vì thế thánh Lu-ca chép rằng: « 48 Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo » (Cv 13, 48)

Tất cả các nơi ngài đến, thánh Phao-lô hành động luôn luôn như thế. Trước tiên cố gắng rao giảng nơi người Do Thái. Một cách cụ thể, ngài vào hội đường các thành phố ngài đến, thử hoán cải những người Do Thái và cũng có vài người trở lại với Chúa Giê-su Ki-tô, nhưng cũng có người không trở lại. Nói chung, ngài gặp nhiều thất bại, nhiều phản kháng hơn thành công và cuối cùng bị đuổi khỏi các hội đường. Vì thế phải từ bỏ ý nghĩ hoán cải cả dân tộc Do Thái về với đạo Ki-tô.

Thế nhưng việc người Do Thái từ chối không nên làm chậm trễ sứ vụ loan báo đấng Mê-si-a cho dân ngoại. Trong lúc cả dân tộc Do thái trốn tránh sứ vụ tông đồ các quốc gia, thì cũng có vài người Do thái chấp nhận. Phải dựa vào những người này. Đó là nhóm nhỏ trong It-ra-en, như tiên tri I-sa-i-a đã nói khi xưa. Và đúng những gì hai ông Phao-lô và Ba-na-ba nói tại Ăn-ti-ô-kha: «Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. 47 Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất ». Cũng vì thế, kể từ lúc ấy hai ông chuyển hết nỗ lực truyền giáo về những người không phải Do Thái, lúc ấy gọi là « người ngoại ». Nói cho cùng không phải lần đầu tiên Nhóm Nhỏ It-ra-en còn lại, được kêu gọi giải cứu tất cả. Phao-lô và Ba-na-ba cùng với những người vui lòng đến với họ tạo thành Nhóm Nhỏ đó.

Phao-lô và Ba-na-ba vốn là người Do Thái nhiệt thành, một khi lấy quyết định chọn lựa như thế không thể không đọc lại Thánh Kinh. Câu sau đây: « Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất » là một câu của tiên tri I-sa-i-a, trích từ một trong bốn bài ca Người Tôi Trung: « ĐỨC CHÚA đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi… Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất » (Is 49, 1-6)

Thật vậy, Ăn-ti-ô-kha xứ Pi-xi-đi-a là một khúc quanh quyết định của đời sống các Ki-tô hữu sơ khai!.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com