Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN V PHỤC SINH Năm C (Ga 13, 31-35) 24/04/2016

Alleluia, alleluia!

- Chúa phán: "Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau,
như Thầy đã yêu thương các con". - Alleluia.

-----------------

"Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

 

31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: "Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.

32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái: "Nơi tôi đi, các người không thể đến được", bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy.

34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.

35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau."

 

Đọc thoáng qua chúng ta có cảm tưởng không có liên quan gì giữa hai phần của đoạn Thánh Kinh theo thánh Gio-an này: hai câu đầu nói về tôn vinh Con Người. Liền sau đó ba câu nói về giới răn yêu thương. Chúng ta bắt đầu suy nghĩ về ba câu sau này.

Chúa biết chúng ta thuộc nằm lòng những câu sau đây: « anh em hãy yêu thương nhau … Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau ». Thật vậy, chúng ta thuộc lòng nhưng không có thể nói chúng ta đều thực hành điều ấy. Không hiểu vì sao thế. Có lẽ rất giản dị là chúng ta là những người nam người nữ bình thường, và chúng ta cũng biết rằng thương yêu « như Ngài » thì không thể nào được! Dĩ nhiên chúng ta biết qua kinh nghiệm yêu thương tha nhân không dễ gì. Có những người thì tự nhiên được còn có những người khác thật là khó … không kể có kẻ chúng ta cảm thấy « dị ứng » hay tệ hơn đối với những kẻ cư xử với chúng ta không thể tha thứ được.

Không phải Chúa Giê-su không biết như thế khi Ngài ban điều răn ấy cho các môn đệ, hơn nữa Ngài không vừa mới tự tạo ra: giới răn yêu thương ấy đã có trong giáo huấn các giáo sĩ Do Thái giảng dạy thời ấy. Vì thế chúng ta có thể tự hỏi, yêu thương « như » Ngài yêu thương chúng ta, phải chăng trước hết là một cách mời gọi tuyên xưng đức tin ? Tin rằng Thần Khí Tình Yêu ngự trong chúng ta và kể từ nay chúng ta có khả năng yêu thương không thể ngờ, vì đó là quyền năng của Thiên Chúa… và vì thế chúng ta có thể yêu thương « như » Chúa vì Thánh Linh Ngài tác động nơi chúng ta.

Đàng khác không nên lẫn lộn yêu thương và nhạy cảm: Chúa Giê-su vừa chứng minh bằng hành động yêu thương bằng thứ tình yêu nào. Chúng ta còn nhớ bối cảnh hôm ấy. Đó là trong buổi tiệc ly. Ngài đã bắt đầu làm cho các môn đệ sửng sốt khi rửa chân cho các ông: Ngài là Chúa, là Thầy nay làm tôi tớ. Và để kết luận Ngài nói: « 15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em » (Ga 13, 15). Đấy là cách yêu « như » Ngài yêu thương. Rốt cuộc, nếu suy nghĩ cho cùng chúng ta có thể phục vụ lẫn nhau, ngay cả đối với những kẻ chúng ta không thấy ưa thích.

Thế nhưng tuân giữ điều răn ấy là điều kiện thiết yếu, sống còn, Chúa phán như thế cho các cộng đồng chúng ta sẽ được phán xét theo điều răn ấy. Đối với Chúa điều quan trọng không phải giá trị của các lời rao giảng của chúng ta, thần học của chúng ta hay những điều hiểu biết của chúng ta, hay các nghi lễ chúng ta dù hoành tráng hay không, nhưng giá trị thật chính là tình yêu chúng ta đối với nhau… Thế nhưng ít khi có ai nghĩ xét lịch sử Giáo Hội qua tiêu chuẩn ấy.

Một lần nữa chúng ta hãy trở lại bối cảnh buổi tiệc ly. Ngay sau khi rửa chân, Chúa loan báo Giu-đa sẽ phản Ngài. « "Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy. » (Ga 13, 26) và sau đó Giu-đa ra đi. Chính ngay lúc ấy, thánh Gio-an ghi lại rằng: « 30 Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối » (Ga 13, 30) … Đó là cách nói Giu-đa thoả hiệp với bóng tối… Và cũng ngay lúc ấy Chúa Giê-su loan báo ánh sánh sẽ được mặc khải nơi Ngài. Vì những gì sắp xảy ra như là tiếng hô vinh thắng: « Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người » (Ga 13, 31). Việc Giu-đa ra đi trong đêm tối của sự phản bội, dường như kết thúc số phận Chúa Giê-su, nhưng số phận ấy là Giờ của vinh thắng. « Giờ đây, Con Người được tôn vinh », có nghĩa là Thiên Chúa mặc khải nơi Ngài. Chúa Giê-su đã đương đầu với thử thách, và Ngài đã vinh thắng.

Chữ vinh thắng chúng ta đã nghe trong bài Thánh Vịnh chúa nhật hôm nay, nói lên nhiều ý nghĩa, vừa vĩ đại, khó khăn, rạng rỡ vừa là sự hiện diện của Thiên Chúa.Ví dụ như: « Giờ đây, Con Người được tôn vinh », có thể có ý nói rằng: « Con Người được mặc khải là Thiên Chúa, Ngài là Chúa » hay nói khác hơn « Giờ đây, Con Người được tôn vinh » có nghĩa là « Chúa mặc khải trong Ngài » hay «  Chúa được mặc khải bằng sự toả sáng, bằng sự hiện diện của Ngài ». Trong bài thánh Gio-an dùng thì «  hiện tại », có ý nói Chúa hiện hữu vượt thời gian: Từ muôn thuở muôn đời Ngài là Thiên Chúa. Thế nhưng trong câu sau thánh sử dùng thì tương lai: « 32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người » (Ga 13, 32). Lý do rất đơn giản là Chúa Giê-su, Người như mọi người, được gọi trong thời gian: đó là sự hiến dâng trọn đời Ngài để tôn vinh Thiên Chúa (bằng cách mặc khải cho loài người) và trong sự Phục Sinh Ngài sẽ được tôn vinh (mặc khải là Thiên Chúa).

Để thử phát biểu một cách khác hơn: Đấng Giê-su là Chúa, Ngài được sự tôn vinhđời đời; nhưng Ngài còn là Người, Ngài kết hiệp toàn nhân loại. Nơi Ngài, nhân loại được hiệp nhất vào vinh quang Thiên Chúa, trong sự hiện hữu của Ngài, trong đời sống của Chúa qua sự kiện « Thương Khó - Chết - Phục Sinh ». Lúc bấy giờ chúng ta có thể hiểu liên hệ của hai phần trong bài của thánh Gio-an: vì kể từ nay họ được kết hợp vào sự vinh thắng của Thiên Chúa, các môn đệ Chúa Giê-su Ki-tô có thể sống dưới dấu chỉ của tình yêu… bởi vì Thiên Chúa là tình yêu và từ ngày hôm nay sự hiện diện của Ngài chiếu sáng nơi họ. Có lẽ chỉ cần tin để Ngài tác động nơi chúng ta.

Rốt cuộc câu « 35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau » còn hơn là một điều răn, là một bảng ghi nhận thực trạng: Sở dĩ chúng ta là những môn đệ thật của Chúa, đó là nhờ chính Chúa Thánh Thần tác động qua các thái độ của chúng ta.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com