Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN VII PHỤC SINH Năm C (Kh 22, 12-14, 16-18, 20) 08/05/2016

"Lạy Chúa Giê-su, xin hãy ngự đến"

Trích sách Khải huyền của thánh Gio-an

 

12 - "Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến, và Ta đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tuỳ theo việc mình làm.

13 Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng.

14 Phúc thay những kẻ giặt sạch áo mình, để được quyền hưởng dùng cây Sự Sống và qua cửa mà vào Thành!

16 "Ta là Giê-su, Ta đã sai thiên thần của Ta đến với các ngươi để làm chứng về những điều trên đây, liên quan đến các Hội Thánh. Chính Ta là Chồi Non và Dòng Dõi Đa-vít, là Sao Mai sáng ngời."

17 Thần Khí và Tân Nương nói: "Xin Ngài ngự đến! " Ai nghe, hãy nói: "Xin Ngài ngự đến! " Ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh nước trường sinh mà không phải trả tiền.

18 Với bất cứ ai nghe những sấm ngôn trong sách này, tôi xin chứng thực: "Ai mà thêm điều gì vào đó, thì Thiên Chúa sẽ thêm cho người ấy những tai ương mô tả trong sách này!

19 Ai mà bớt điều gì trong các lời của sách sấm ngôn này, thì Thiên Chúa sẽ bớt phần người ấy được hưởng nơi cây Sự Sống và Thành Thánh, là cây và thành mô tả trong sách này! "

20 Đấng làm chứng về những điều đó phán rằng: "Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến."
A-men, lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!

 

Bài đọc thật trịnh trọng này là phần kết của sách Khải huyền. Chữ « Kết » đến với chúng ta một cách tự nhiên, và rốt cuộc, chữ này có thể giúp chúng ta hiểu, bài có vẻ bí mật này. Trong một bản nhạc hoà tấu, phần kết là đỉnh cao của tác phẩm, nhưng tất cả đã được triển khai trong phần đầu, còn được gọi khúc nhạc mở đầu. Nơi đây, điều đặc biệt này cũng giống như thế. Cùng những từ ngữ ấy, những thành ngữ ấy đối đáp nhau trong chương đầu và chương cuối, đến độ chúng ta có thể nói sách Khải huyền này được thực hiện theo thể văn « Bao hàm » (Chúng ta đã gặp thể văn này nhiều lần trong Thánh Kinh thường có tác dụng làm nổi bật tin mừng trong bài).

Có nhiều câu hoàn toàn giống nhau trong chương đầu và chương cuối. Ví dụ như: « 7 Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người » (Kh 1, 7), được lặp lại như tiếng vang: « Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến » (Kh 22, 20) và một trong những câu bất hủ « lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến! » mà chúng ta tuyên xưng trong Thánh Lễ Mi-sa sau chủ tế truyền phép.

Trong chương thứ nhất sách Khải huyền chúng ta cũng được đọc « Ta là Đầu và là Cuối. » (1,17) … « Ta là An-pha và Ô-mê-ga » (1, 8) cũng như chúng ta đã đọc ngay phần đầu chương thứ nhất. Điều này giúp chúng ta giải mã quyển sách khá lạ kỳ này như một bài ca vinh thắng!

Phần kết sách Khải huyền, thật là đỉnh cao kết thúc bài, có thể nói chương trình của Thiên Chúa nay được hoàn tất: « Sao Mai sáng ngời » đã lên. Tất cả những ai khát có thể đến uống nước trường sinh. Không còn khát nữa, cơn khát đã được thoả nguyện, sự chết cũng không còn nữa, vì nước này là nước trường sinh… và hơn nữa bài này còn nói lúc bấy giờ « được quyền hưởng dùng cây Sự Sống ».

Thời của Đấng Thiên Sai đã đến đây rồi. Thánh Gio-an xác quyết Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a: « 16 "Ta là Giê-su,… Chính Ta là Chồi Non và Dòng Dõi Đa-vít, là Sao Mai sáng ngời » Hay khi Chúa nói « Ta đến » một cách trịnh trọng, đó là cách nói Ta là Đấng Mê-si-a. « Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Thiên Chúa! ». Và nếu chúng ta đọc kỹ chúng ta sẽ để ý trong đoạn chúng ta đọc chúa nhật hôm nay có câu sau đây được đọc hai lần: « 12 - Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến », ở phần đầu và phần cuối, lại là thể văn « Bao hàm » điều này cũng không phải là ngẫu nhiên, nhưng đây là sứ điệp trung tâm của bài.

Tuyệt vời hơn nữa những gì chúng ta chờ đợi, Đấng Mê-si-a là Thiên Chúa. Chúng ta gặp trong bài này cụm chữ bất hủ « Ta là », chính là Tên của Thiên Chúa trong Cựu Ước. Đây cũng là ý nghĩa của tam biểu (Tam: Ba, chúng ta còn nhớ đó là con số dành cho Thiên Chúa trong Thánh Kinh). Ba biểu hiện: « 13 Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng ». Hơn nữa theo I-sa-i-a cách nói này chỉ dành cho Thiên Chúa, và chỉ cho Thiên Chúa mà thôi. « Ta là khởi nguyên, Ta là cùng tận; chẳng có thần nào hết, ngoại trừ Ta » (Is 44, 6) hay trong đoạn khác: « Ta vẫn là Ta, Ta là khởi nguyên, Ta cũng là cùng tận » (Is 48, 12).

Cách nói « An-pha và Ô-mê-ga » là đồng nghĩa: An-pha và Ô-mê-ga, chúng ta biết đó là chữ đầu và chữ cuối trong bảng ký tự Hy-lạp (chúng ta cũng không quên sách Khải huyền được viết bằng tiếng Hy-lạp). Đến đây chúng ta cũng nghĩ đến ý nghĩa của các thánh vịnh theo vần A B C, các thánh vịnh chúng ta đã gặp mỗi chữ đầu câu bắt đầu bằng chữ của vần A B C theo thứ tự. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa là tất cả đối với chúng ta, đời sống trong Giao Ước là tất cả đời ta, là hạnh phúc của chúng ta, từ A đến Z.

Trong các biểu ngữ ấy, có một khái niệm về « no đầy » của sự hoàn tất, sự hoàn tất sắp đến, do Thần Khí và Tân Nươngkhẩn nài « 17 Thần Khí và Tân Nương nói: "Xin Ngài ngự đến! ». Tân Nương ở đây, dĩ nhiên là dân Ki-tô hữu, Giáo Hội. Câu sau đây của thánh Phao-lô còn vang văng vẳng: « Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn… bằng những tiếng rên siết khôn tả » (Rm 8, 26). Dân It-ra-en là một dân tộc luôn phải chờ đợi. Kiên nhẫn chờ đợi, một sự chờ đợi nồng nhiệt, chờ đợi tích cực đến khi Nước Trời được thực hiện hoàn toàn. Trên nguyên tắc đấy là đặc tính đầu tiên của chúng ta.

Chúng ta cũng nghĩ đến câu sau đây trong thư thứ hai thánh Phê-rô: « 9 Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải » (2Pr 3, 9). Chúng ta không ngạc nhiên khi tìm thấy dưới ngòi bút của các Tông Đồ: Phê-rô, Phao-lô và Gio-an cả ba đều gốc Do Thái, cả ba là môn đệ Chúa Giê-su Ki-tô, những lời suy niệm giống nhau về công trình vĩ đại của Chúa. Công trình mặc khải cho dân It-ra-en, và được Chúa Giê-su Ki-tô hoàn tất.

Nhưng sách Khải huyền cũng là sách cuối của tất cả Thánh Kinh, và chúng ta tìm thấy nơi đây những tương đồng giữa sách Khải huyền và sách Sáng Thế: chương đầu sách Sáng thế nói về công trình sáng tạo của Thiên Chúa, A-đam (tức là nhân loại) sống hài hoà và là vua các tạo vật … đoạn kết sách Khải huyền giới thiệu cho chúng ta công trình của Thiên Chúa được hoàn tất nơi Đấng Ki-tô, là A-đam Mới. Đến khi, ngày sau cùng, công trình của Thiên Chúa sẽ được thực hiện cho tất cả con cái A-đam. Khi ấy, chắc chắn toàn nhân loại có thể lặp lại câu sau cùng của bài tường thuật tạo dựng trong sách Sáng Thế: « 31 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! » (St 1, 31)

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com