Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT X TN Năm C (Gl 1, 11-19) 05/06/2016

"Người đã mặc khải cho tôi biết Con của Người,
để tôi rao giảng Người cho dân ngoại
"

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

 

11 Thật vậy, thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người.

12 Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giê-su Ki-tô đã mặc khải.

13 Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do-thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa

.14 Trong việc giữ đạo Do-thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông.

15 Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người.

16 Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên,

17 cũng chẳng lên Giê-ru-sa-lem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ả-rập, rồi lại trở về Đa-mát.

18 Ba năm sau tôi mới lên Giê-ru-sa-lem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày.

19 Tôi đã không gặp một vị Tông Đồ nào khác ngoài ông Gia-cô-bê, người anh em của Chúa.

 

Trong bài này thánh Phao-lô bào chữa những gì các đối thủ của thánh nhân đặt vấn đề về ngài: uy quyền tông đồ, và tính chính thức của sứ điệp ngài rao giảng. Người ta trách Phao-lô không thuộc nhóm Tông đồ được Chúa chọn trong đời trần thế của Ngài. Đúng như thế, ngài cũng nhìn nhận nhưng tính cách hợp pháp của ngài đến từ nơi khác! Ngài được chính Chúa Giê-su Phục sinh chọn, trên con đường Đa-mát mà nhiều người gọi là con đường « trở lại » của thánh nhân. Thánh Phao-lô thấy cách tốt nhất để thuyết phục đọc giả là kể lại ơn gọi của mình và các sự kiện lúc ban đầu.

Trước đó không có gì chuẩn bị cho một người sốt sắng và xác tín đạo Do Thái này đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô cho dân ngoại. Đối với thánh nhân trước kia, đấng Giê-su chỉ là một Mê-si-a giả, chỉ lừa đảo dân chúng. Kết án và hành quyết Giê-su là hoàn toàn hợp pháp vì phải ngăn chận ngay thuyết pháp này không để lan tràn trong dân chúng. Hành động hợp lý, vì vinh quang Thiên Chúa và vì vinh dự dân Do Thái, Phao-lô hết sức hung hãn để « tiêu diệt » Hội Thánh. Xác tín nhiều chiều sâu của ngài lúc ấy là lý do giải thích lòng nhiệt thành của ngài trong việc bách hại Ki-tô hữu. Thánh Phao-lô còn so sánh hành động của ngài với những « Dê-lốt », là nhóm người Do Thái nhiệt huyết chống lại những người họ cho là lạnh nhạt với đạo.

Người ta kể lại rằng ở It-ra-en có những cơn phẫn nộ thánh thiện của người Do Thái chống lại những người phạm tội thờ phượng bụt thần, ném đá những người ấy không phải là hành hình không lý do, đó là một hình phạt, một hành động có tính cách tôn giáo. Sự hành quyết ông Tê-pha-nô là cũng như thế: đó là cách vĩnh viễn loại ra khỏi cộng động Do Thái một kẻ ly giáo: « 13 Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do-thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa…Trong việc giữ đạo Do-thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông ».

Và đây, đến lúc là đỉnh cao của lòng nhiệt thành Sao-lô chống lại các Ki-tô hữu mà ngài cho là một giáo phái, lại xảy ra một đòn sét đánh trên đường Đa-mát: « 15 Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người 16 Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi ». Chữ mặc khải rất quan trọng trong câu này. Đúng ra không phải một ơn trở lại! Thánh Phao-lô vẫn là người Do Thái. Trái lại ngài khám phá ra Đấng Mê-si-a mà mọi người Do Thái chờ đợi không ai khác hơn là Chính Chúa Giê-su mà người Do Thái ruồng bỏ.

Sự mặc khải của Thiên Chúa là một dấu ấn tín nhiệm đáng tin cậy hơn cả. Không cần các Tông Đồ khác cho phép. « tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người. 12 Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giê-su Ki-tô đã mặc khải ». Vì thế thánh Phao-lô thấy không cần phải xin phép nơi các Tông Đồ của Chúa Giê-su để đi rao giảng. Hơn nữa dù có xin lúc ấy, cũng chưa chắc ngài sẽ được chấp nhận ? Có lẽ thánh nhân thấy cần, một khi có bằng chứng cụ thể mình là một người truyền giáo mới của Chúa Giê-su, để đến trình diện với những người trước đây ngài xem như kẻ thù. « Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên, 17 cũng chẳng lên Giê-ru-sa-lem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ả-rập, rồi lại trở về Đa-mát ».

Chỉ nhiều năm sau ngài mới lên Giê-ru-sa-lem: « 18 Ba năm sau tôi mới lên Giê-ru-sa-lem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày. 19 Tôi đã không gặp một vị Tông Đồ nào khác ngoài ông Gia-cô-bê, người anh em của Chúa ». Lần này ngài đến nhưng đã được có tiếng tăm về việc truyền giáo mới của ngài.

Không ai biết rõ khi nào ngài ý thức có sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Thời gian đầu, ngài cố gắng thuyết phục các người Do Thái như ngài. Chúng ta có những bằng chứng trong sách Công Vụ Tông đồ. Đó là điều lô-gíc đối với dân được Chúa chọn: là những kẻ đầu tiên được Thiên Chúa mặc khải để làm chứng cho muôn dân. Trước hay sau con đường Đa-mát, Phao-lô vẫn là Do Thái, ngài muốn cho những người anh em Do Thái như mình được hưởng sự mặc khải ngài vừa lãnh nhận.

Nhưng những thất bại liên tục nơi những người Do Thái làm cho thánh nhân càng ngày càng quay về với dân ngoại. Sau này khi đọc lại lịch sử, ngài ý thức sự thật hiển nhiên ấy: « 16 Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại ». Thánh nhân hẳn còn nhớ rõ lời tiên tri Giê-rê-mi-a: « 5 "Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân. » (Gr 1, 4-5). Tiên tri I-sa-i-a, một thời gian sau, trong khi bị đày sang Ba-by-lon áp dụng lời ấy cho Người Tôi Trung: « Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung… này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất. » (Is 49, 5-6) Thánh Phao-lô người con của dân It-ra-en suốt đời tìm đáp lại ơn gọi làm người Tôi Trung ấy.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com