Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT X TN Năm C (1V 17, 17-24) 05/06/2016

"Đây, con trai bà sống lại rồi đây"

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

 

17 Sau các sự việc đó, đứa con trai của bà ngã bệnh. Bệnh tình trầm trọng đến nỗi nó tắt thở.

18 Bà nói với ông Ê-li-a: "Hỡi người của Thiên Chúa, việc gì đến ông mà ông tới nhà tôi để nhắc lại tội tôi, và làm cho con tôi phải chết? "

19 Ông Ê-li-a trả lời: "Bà đưa cháu cho tôi." Ông bồng lấy đứa trẻ bà đang ẵm trong tay, đem lên phòng trên chỗ ông ở, và đặt nó nằm lên giường.

20 Rồi ông kêu cầu ĐỨC CHÚA rằng: "Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của con. Chúa nỡ hại cả bà goá đã cho con ở nhờ, mà làm cho con bà ấy phải chết sao? "

21 Ba lần ông nằm lên trên đứa trẻ, và kêu cầu ĐỨC CHÚA rằng: "Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của con, xin cho hồn vía đứa trẻ này lại trở về với nó! "

22 ĐỨC CHÚA nghe tiếng ông Ê-li-a kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó sống.

23 Ông Ê-li-a liền bồng đứa trẻ từ phòng trên xuống nhà dưới, trao cho mẹ nó, và nói: "Bà xem, con bà đang sống đây! "

24 Bà nói với ông Ê-li-a: "Vâng, bây giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa, và lời ĐỨC CHÚA do miệng ông nói ra là đúng."

 

Câu truyện xảy ra tại Xê-rếp-ta, bên bờ Địa Trung Hải, nơi đây đang bị một thảm họa hạn hán trầm trọng cũng như trong khắp It-ra-en, trong dịp này ông Ê-li-a tới trú ngụ tại nhà một bà goá nghèo. Chúng ta còn nhớ, ông đã làm một phép lạ cho bà này và đứa con bà một lần rồi. Suốt thời gian nạn đói, thiếu bột và dầu làm bánh nuôi sống, bà đã nhường phần nhỏ còn lại của mẹ con bà để nuôi người ngôn sứ ngụ tại nhà bà. Thế hoá ra nhiều thức ăn làm chi để rồi cũng phải chết ?

Trong thời gian vị ngôn sứ tá túc nơi nhà người goá phụ này, con bà lâm bệnh và chết. Trong não trạng thời ấy, lý do của chết yểu lúc nào cũng bị cho là một sự trừng phạt. Sở dĩ chồng bà chết, chắc chắn là lỗi tại bà, cũng có thể bà không ý thức, nay con bà chết sớm, cái án đó càng rõ thêm. Vì thế bà mới nói: «…việc gì đến ông mà ông tới nhà tôi để nhắc lại tội tôi, và làm cho con tôi phải chết? »

Trong nỗi đau khổ, người phụ nữ này dùng một cách nói đặc biệt gay gắt: « việc gì đến ông và tôi », chúng ta cũng nhận ra câu này của Chúa Giê-su nói với Đức Mẹ trong tiệc cưới Ca-na. Đọc câu này trong Thánh Kinh chúng ta cảm nhận sự phẫn nộ của sự hiện diện ông Ê-li-a là lý do làm cho con bà chết. Có thể lý do này thỉnh thoảng cũng thoáng qua đầu chúng ta về Chúa. Đoạn sau của bài sẽ chứng minh ngược lại, công trình của Thiên Chúa là công trình của sự sống và chữa lành. Vì thế Ê-li-a chẳng những mang lại sự sống cho con bà goá mà còn hơn một sự chữa lành thể lý nữa: ngài mở lòng trí bà ra lãnh nhận một sự thật. Từ nay bà biết rằng chết không phải là một án phạt. Bà còn biết thêm Chúa là Thiên Chúa của sự sống. Người lương giáo này vừa được giải thoát khỏi một ý tưởng sai lầm về Thiên Chúa!

Trong lúc ấy tác giả sách Các Vua tiếp tục một kế hoạch rõ ràng, nhiều thế kỷ sau sự kiện này, làm đề tài suy niệm cho các người đương thời của thánh sử, vì bà goá thành Xê-rếp-ta, theo giả thuyết là một lương dân, thế mà bà biết nhận ra Thiên Chúa qua công trình của Ngài.

Trong lúc ấy, dân Chúa chọn, được hưởng bao nhiêu hồng ân qua các lời giảng dạy của các tiên tri từ lâu, lại quên Chúa và không nhìn nhận Ê-li-a, ngôn sứ của Ngài. Các bạn hãy còn nhớ, chuyện này xảy trong thời đại chống lại việc thờ lạy bụt thần: Bà hoàng I-de-ven dẫn dân chúng thờ lạy thần Ba-an. Thật là trớ trêu, dân Chúa chọn từ bỏ Giao Ước trong lúc dân ngoại lại có thể nhận ra Thiên Chúa thật. Ai có tai thì nghe! Hình như tác giả muốn nói cho chúng ta như thế, nhân dịp này bài đọc còn muốn chuyển tải đến chúng ta một sứ điệp khác, một sứ điệp càng ngày càng thúc bách để con người khám phá ra trong Thánh Kinh: Chúa không dành riêng các ân huệ cho dân It-ra-en, tất cả loài người cũng được thừa hưởng. Chúa nói với ông Áp-ra ham trong (St 12, 3): « 3 Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi... Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc ». Và từ khi Thiên Chúa mặc khải qua bụi gai bừng cháy, khắp mọi nơi trên trái đất, Chúa nghe tiếng kêu van, Chúa nhìn thấy những giọt nước mắt các quả phụ và trẻ mồ côi; và Chúa gửi những ngôn sứ đến nâng đỡ.

Vài thế kỷ sau, Chúa Giê-su còn phải nhắc lại bài học ấy cho người đương thời với Ngài. Một buổi sáng ngày Sa-bát trước hội đường thành Na-da-rét, họ còn nghe Chúa quả quyết: « "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. 25 "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn » (Lc 4, 24-26). Thật vậy, các độc giả sách Các Vua và các người nghe Chúa Giê-su ở Na-da-rét thật khó chấp nhận!

Họ càng khó chấp nhận hơn nữa khi thấy bà goá nghèo nàn, đơn sơ, không bao giờ biết học giáo lý là gì, thế mà bây giờ lại dám cho họ một định nghĩa về người ngôn sứ: « Vâng, bây giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa, và lời ĐỨC CHÚA do miệng ông nói ra là đúng ». Chính có những lúc không ai còn nghe các ngôn sứ, sách Đệ Nhị Luật nhấn mạnh tình trạng nghiêm trọng của việc từ khước ấy: « 18 Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. 19 Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó » (Đnl 18, 18-19) .

Những người đương thời không nhìn nhận ngôn sứ Ê-li-a, người đương thời của Chúa Giê-su cũng không nhận ra Ngài, so sánh hai sự kiện, điều này càng rõ hơn: Thiên Chúa nói qua các ngôn sứ: không ai chịu nghe. Điệp khúc này thường lắm! Ê-li-a trong một lúc quá thất vọng, than thở với Chúa: « Lòng nhiệt thành đối với ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các đạo binh nung nấu con, vì con cái Ít-ra-en đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ còn sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng sống con » (1V 19,10)

Xin cũng đừng quên, để trả lời những lời than thở của Ê-li-a Chúa lưu ý có một sự hiện diện mà ông có khuynh hướng đánh giá thấp: đó là muôn ngàn tín hữu vô danh còn vững lòng tin không lung lay. Câu trả lời này cũng còn thích hợp cho mọi thời đại: nhiều lần Chúa Giê-su cũng ngạc nhiên vui mừng về đức tin của những người trên đường Ngài gặp. Đến lúc chúng ta có lẽ cũng nên mở mắt ra: chúng ta không đơn độc, nhiều tín hữu hiện diện chung quanh chúng ta.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com