Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT XI TN Năm C (Tv31, 1.2.5.7. 11) 12/06/2016

"Lạy Chúa, Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con"

 

Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,
người có tội mà được khoan dung.

2 Hạnh phúc thay, người CHÚA không hạch tội,
và lòng trí chẳng chút gian tà.

5 Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài,
chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con.
Con tự nhủ: "Nào ta đi thú tội với Chúa,"
và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con.

7 Chính Chúa là nơi con ẩn náu,
giữ gìn con khỏi bước ngặt nghèo.
Khắp bốn bề, Chúa làm trổi vang lên
những khúc ca mừng con được giải thoát.

10 Bao đau khổ sẵn chờ kẻ dữ,
còn ai tin cậy CHÚA, luôn được Người ấp ủ thương yêu.

11 Hỡi những người công chính,
hãy vui lên trong CHÚA, hãy nhảy mừng.
Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo.

 

«… người CHÚA không hạch tội,và lòng trí chẳng chút gian tà ». Một người tội lỗi được tha thứ, nay tạ ơn: điều này không có gì lấy làm ngạc nhiên, là trải nghiệm từ bao thế kỷ của các tín hữu. Bắt đầu bằng vua Đa-vít mà tên ngài được đặt ở câu đầu bài thánh vịnh. Thường điều này được nhắc đến để mời gọi chúng ta đi vào tâm tình thiêng liêng của một nhân vật tiêu biểu của người từng tội lỗi-được tha thứ, sám hối, và biết ơn. (xem Bài đọc1). Sau này, nhiều vua khác cũng chia sẻ tâm tình ấy và tổ chức những buổi lễ tạ ơn hoành tráng trong Đền Giê-ru-sa-lem.

Sách Sử Biên Thiên Hai, kể lại hai đời vua: Khít-ki-gia và Mơ-na-se (2Sb 29, 20-36 ; 2Sb 33, 16). Trong một buổi tiệc linh đình, dưới tiếng đàn hát, kèn trống toàn dân chúng có vua và tư tế dẫn đầu, dâng của lễ (Lễ toàn thiêu, con vật tế lễ được cháy hoàn toàn): nào là những lời thú lỗi, ao ước được tha thứ, tạ ơn, tất cả lẫn lộn với nhau. Vì lẽ đó bầu khí của nghi lễ này là một bầu khí của một lễ hội. Buổi lễ do vua Khít-ki-gia đề nghị được miêu tả đặc biệt rõ: « 20Vua Khít-ki-gia dậy sớm, tập hợp các thủ lãnh trong thành và đi lên Nhà ĐỨC CHÚA.21 Người ta dắt theo bảy con bò mộng, bảy con cừu, bảy con chiên và bảy con dê để dâng lễ tạ tội cho vương quốc, cho Thánh Điện và cho Giu-đa. Rồi vua ra lệnh cho các tư tế, con cái ông A-ha-ron, dâng lễ toàn thiêu trên bàn thờ của ĐỨC CHÚA….,27 thì vua Khít-ki-gia ra lệnh dâng lễ toàn thiêu trên bàn thờ; lúc bắt đầu lễ toàn thiêu cũng là lúc trổi lên tiếng ca mừng ĐỨC CHÚA xen lẫn tiếng kèn cùng với các nhạc cụ của Đa-vít, vua Ít-ra-en.28 Toàn thể đại hội sụp xuống lạy, tiếng hát nổi lên, tiếng kèn vang dội, tất cả kéo dài cho đến khi lễ toàn thiêu chấm dứt. 29 Lễ toàn thiêu chấm dứt, vua và tất cả những người hiện diện sụp xuống lạy.30 Rồi vua Khít-ki-gia và các thủ lãnh ra lệnh cho các thầy Lê-vi tán tụng ĐỨC CHÚA bằng những lời lẽ mà vua Đa-vít và thầy thị kiến A-xáp, đã soạn ra; họ hân hoan tán tụng và cúi mình bái lạy » (2Sb 29, 20…30).

Điều rất đáng chú ý của bài Thánh vịnh 31 (32) hôm nay là phần thú tội. Cả một đoạn thơ triển khai đề tài này: « 5 Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài,chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con.Con tự nhủ: "Nào ta đi thú tội với Chúa,"và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con ». Sách Cách ngôn cũng có nói thú tội là một điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ: «13 Kẻ giấu tội mình sẽ không thành đạt, nhưng ai xưng thú và chừa tội sẽ được xót thương » (Cn 28, 13). Không phải Thiên Chúa ra điều kiện mới tha thứ! Ta thường nói Chúa là Tình Yêu, thì cũng có thể nói Chúa là Tha thứ, vì tha thứ là hành động yêu thương người tội lỗi. Nếu không thì không thể nói Chúa giàu lòng nhân ái, từ bi, trong lúc đó là định nghĩa chính Thiên Chúa nói về Ngài từ lâu (trong sách Lê-vi). Tuy nhiên, thú tội không thể không có (cho chúng ta), vì tôn trọng sự thật. Đó là ý nghĩa câu thứ 2: « 2 Hạnh phúc thay, người CHÚA không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà ».

Dĩ nhiên thú tội không cho quyền được tha thứ tội, nhưng mở lòng chúng ta đón nhận sự tha thứ của Chúa. I-sa-i-a giải thích điều này một cách tuyệt vời: « 6 Hãy tìm ĐỨC CHÚA khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên. 7 Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với ĐỨC CHÚA - và Người sẽ xót thương -, về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ. 8 Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta » (Is 55, 6-8). Thư thứ nhất thánh Gio-an cũng nói như thế: « 8 Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. 9 Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính » (Ga 1, 8-9).

Làm sao mà không tràn lòng biết ơn ? Chữ « thú lỗi » lại có nghĩa thứ hai trong tiếng Pháp, được dùng như « nhìn nhận » tình yêu thương xót và tha thứ của Chúa. Bài Thánh vịnh miêu tả rất chính xác trải nghiệm ấy như một sự giải thoát nội tâm. Câu thứ 3 không được đọc hôm nay đề cập đến sự đau khổ tâm lý (và có thể thể lý ?) của kẻ từ chối thú lỗi: « 3 Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi, thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét ». Và sau khi thú lỗi, người tín hữureo lên: « 7 Chính Chúa là nơi con ẩn náu,giữ gìn con khỏi bước ngặt nghèo.Khắp bốn bề, Chúa làm trổi vang lênnhững khúc ca mừng con được giải thoát »

Sau đó người tín hữu được trang bị để trở thành chứng nhân của sự tha thứ của Thiên Chúa: rút ra bài học sau trải nghiệm vừa qua và chia sẻ chung quanh mình: « 10 Bao đau khổ sẵn chờ kẻ dữ, còn ai tin cậy CHÚA, luôn được Người ấp ủ thương11 Hỡi những người công chính,hãy vui lên trong CHÚA, hãy nhảy mừng. Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo ». Thánh Phao-lô cũng đã trải qua một kinh nghiệm cá nhân tuyệt vời về sự tha thứ của Chúa, ngài đã trích lại bài Thánh vịnh này trong thư gửi các tín hữu thành Rô-ma (Rm 4, 6-8) và rút ra hai bài học. Thứ nhất, Chúa tha thứ chúng ta không vì công nghiệp nào của chúng ta (việc thú tội không được xem như một công nghiệp). Thứ hai là Chúa tha tội cho mọi người (cắt bì hay không cắt bì): « Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ ». Kẻ lỗi lầm là mọi người. Trong thư gửi cho Ti-mô-thê nói rõ lòng hân hoan của người tội lỗi được tha thứ là một chứng tá của ơn cứu độ cho mọi người. « 16 Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời » (1Tm 1, 16)

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com