Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT XI TN Năm C (Gl 2, 16.19-21) 12/06/2016

"Không phải tôi sống, mà chính Đức K-tô sống trong tôi"

Trích thư thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Ga-la-ta

 

16 Tuy nhiên, vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Ki-tô Giê-su, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Ki-tô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy

19 Quả thế, tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá.

20 Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.

21 Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích.

 

Thánh Phao-lô triển khai hôm nay một đề tài được tranh luận sôi nổi qua các cuộc thảo luận, sách báo, tài liệu trong các cộng đồng Ki-tô hữu. Tôi bắt đầu nhắc lại quan điểm của ngài và sau đó sẽ nói điều này có ý nghĩa gì: « con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô ». Điều này còn được gọi « Công chính nhờ đức tin ». Thế là có ý nghĩa gì ?

Trước hết, « công chính » không như công chính về luật lệ xã hội mà có thể hiểu như một nhạc cụ được lên giây hợp âm: một người công chính là một người hợp với công trình của Thiên Chúa, như một cây đàn được lên dây đúng cung điệu. Ví dụ như trong sách Sáng Thế, Áp-ra-ham được xem như một người công chính, chỉ bởi ông tin cậy vào Chúa, Ngài đề nghị ông đi vào Giao Ước. (« Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính » (St 15, 6). Sau đó Thiên Chúa tái thiết lập Giao Ước trên núi Si-nai, trao các Bia Lề Luật cho Mô-sê: Từ đó, đối với Dân của Giao Ước sống cụ thể đúng với công trình Thiên Chúa là tuân theo Lề Luật. Dần dần con người của Giao Ước được nhào nắn để trở nên « công chính », hay « hợp cung điệu ».

Dưới mắt thánh Phao-lô, Chúa Giê-su Ki-tô đến khởi đầu một giai đoạn mới trong đời: trở nên công chính, hợp với công trình Thiên Chúa, kể từ nay chỉ cần tin vào Chúa Giê-su-Ki-tô vì Ngài được Thiên Chúa gửi đến. Dĩ nhiên có một câu hỏi được đặt ra thật chính đáng: « Có phải tiếp tục tuân theo Lề Luật Do Thái hay không ? » Một cách cụ thể, có phải cắt bì các đứa con trai, có phải tiếp tục theo những quy định để thanh tẩy của đạo Do Thái, kể cả tuân thủ các đồ ăn uống. Tức là có phải tiếp tục ăn « Ca-se » ( Luật ăn uống Do Thái), với các cách thức rất phức tạp, trong lúc ngồi cùng bàn có những người không ăn « Ca-se », tức là những người không quan tâm gì các vấn đề ấy.

Về vấn đề cắt bì hay không, hình như được giải quyết nhanh chóng và khá dễ dàng. Thánh Phao-lô cũng có kể cho những tín hữu thành Ga-la-ta này (ở đầu chương), nhân dịp thánh nhân lên Giê-ru-sa-lem có ông Ti-tô đi theo, Ti-tô là một Ki-tô hữu gốc Hy-lạp từ ngẫu tượng giáo trở lại đạo, tức là không được cắt bì, hai ông rất vui nhận thấy các Tông Đồ không tới hỏi ông cắt bì: « 3 Thế mà ngay cả anh Ti-tô, người cùng đi với tôi và là người Hy-lạp, cũng không bị ép phải chịu cắt bì » (Gl 2, 3). Trong chuyến đi này, một quyết định được đưa ra hợp thức hoá quyết định này: Những người lương muốn trở lại đạo Ki-tô không cần được cắt bì nữa.

Trước đó một thời gian, có một cuộc tranh cãi, cũng chung quanh vấn đề này xảy ra giữa hai Tông Đồ: Phê-rô và Phao-lô. Sự kiện xảy ra tại An-ti-ô-kha trong một cộng đồng hỗn hợp, gồm những người Do Thái cũ (Ki-tô hữu gốc Do Thái) và những Ki-tô hữu gốc ngoại. Khi thánh Phê-rô ghé qua cộng đồng này, ngài tuy gốc Do Thái thông thường không thấy trở ngại ngồi chung bàn với những Ki-tô hữu gốc lương; làm như thế ngài bỏ qua các luật lệ nghiêm nhặt về các thức ăn của Do Thái Giáo. Thế nhưng khi các bạn của Gia-cô bê Tông đồ đến, là những người trách nhiệm của cộng đoàn Giê-su-sa-lem cũng ghé qua An-tiô-kha, thánh Phê-rô cùng các bạn lại tỏ ra khắc khe: chúng tôi, những Ki-tô hữu gốc Do Thái không thể nào chấp nhận không tuân giữ truyền thống được, tức là phải làm những bàn ăn khác biệt: Một bên Ki-tô hữu ăn theo tục lệ « Ca-se », bên kia là Do Thái gốc dân ngoại. Thật vậy, khi các đại diện của thánh Gia-cô-bê vừa đến thánh Phê-rô bỗng nhiên thay đổi cách hành xử, ngài ra ngồi riêng: « 12 Thật vậy, ông thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Gia-cô-bê đến; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì.13 Những người Do-thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Ba-na-ba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ » (Gl 2, 12-13) Thánh Phao-lô bắt đầu phản đối công khai, ngài chép lại sự kiện này trong thư vì hành xử như thế chỉ có chia rẽ cộng đồng.  

Điều này cho ngài có dịp - và đây là ý nghĩa bài đọc hôm nay - triển khai ý tưởng thâm sâu của ngài: « con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô ». Ngoài vấn đề hợp ý với nhau để giữ hiệp nhất, thánh Phao-lô xem đây là một vấn đề tín lý chiều sâu quan trọng hơn nhiều: phép Rửa Tội có đủ hay không để cho một người trở thành Ki-tô hữu ? Nếu đủ thì việc cắt bì (và những cách thực hành đời sống đạo khác) không cần bắt buộc nữa; nếu không, những Ki-tô hữu gốc dân ngoại, không bị bắt buộc cắt bì (theo quyết định của buổi họp thành Giê-ru-sa-lem) sẽ bị xem như không thuộc về Giáo Hội !

Mà quan trọng hơn thế nữa, điều này còn có nghĩa là Chúa Ki-tô không chỉ cứu độ con người, bởi vì muốn được xem công chính trước mặt Thiên Chúa, phải tuân giữ đủ thứ ngoài phép Rửa tội nữa. Thế thì Đấng Ki-tô đâu còn là Đấng Cứu Thế nữa sao ? Dĩ nhiên trong trường hợp này tất cả công trình rao giảng của thánh Phao-lô đều sụp đổ. « nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích ». Dĩ nhiên Chúa không chết vô ích, vì thế Chúa Cha cho Ngài phục sinh. Làm như thế, có thể nói Thiên Chúa tỏ rõ lập trường. Sự phục sinh của Chúa Ki-tô từ nay chứng minh phải vượt lên khỏi Lề Luật. Lề Luật hay những gì con người tạo ra, vì con người có thể dùng sai ý nghĩa của Lề Luật, chính đấy là những gì đã xảy ra trong cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su: giáo quyền đã phản ứng với những ý tưởng ngay lành. Họ tưởng làm như thế là lọai ra khỏi dân chúng một người gian dối và phạm thượng. Chính vì nhân danh Lề Luật Chúa Ki-tô mới bị kết án và hành quyết. Đó là ý nghĩa của câu khó hiểu, do vì rất súc tích « tại vì Lề Luật (đã làm cho Chúa Ki-tô phải chết) mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa ». Có thể hiểu câu này: Tôi không còn lệ thuộc Lề Luật, không tin còn bị bắt buộc phải tuân giữ, vì Lề Luật đã chứng minh giới hạn của nó; những người sốt sắng tuân giữ Lề Luật này, đã nhân danh nó giết chết Con Thiên Chúa. Đấng « công chính » thật sự hợp với công trình Thiên Chúa là Đức Ki-tô, đã vâng lời, tức là tin cậy vào Cha Ngài, ngay trong khi phải chết. Ngày nay chúng ta có thể chia sẻ lòng tin cậy đến cùng của Chúa Ki-tô: « Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi »

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com