Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XII TN Năm C (Lc 9, 18-24) 19/06/2016

Alleluia, alleluia!

- Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

-----------------


"Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: "Dân chúng nói Thầy là ai? "

19 Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại."

20 Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa."

21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

22 Người còn nói: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."

23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.

24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy

 

Chúa Giê-su vừa chữa lành những người đang cần và hoá bánh ra nhiều để nuôi đám đông. Và chính lúc này Chúa đặt câu hỏi về đức tin « Thầy là ai ? ». Chúa đặt câu hỏi trước sau hai lần: trước hết hỏi đám đông, họ nghĩ Thầy là ai ? và sau đó Chúa hỏi anh em, là môn đệ Thầy ? Hẳn đây là phương pháp sư phạm của Chúa: Ngài muốn từng bước dạy các môn đệ về đức tin. Đối với đám đông, Thầy là ai ? Và câu trả lời là bất cứ ai; còn anh em ? Thì đây, Chúa đòi hỏi một sự dấn thân riêng đối với Chúa.

Chúng ta bắt đầu suy nghĩ về các câu trả lời của đám đông. Có người cho Chúa không ai khác hơn là Gio-an Tẩy Giả được phục sinh, kẻ khác cho là ngôn sứ Ê-li-a, kẻ khác cho là một ngôn sứ khác được phục sinh.

Điều đáng chú ý đầu tiên là quan niệm phục sinh được chấp nhận rộng rãi, vì thế họ nghĩ là ông Go-an Tẩy Giả và những ngôn sứ khác đã phục sinh. Một phần dân chúng đã sẵn sàng nghe sứ điệp Phục Sinh sáng ngày Lễ Vượt Qua.

Điều thứ hai đáng chú ý: câu hỏi này được đặt ra sau phép lạ hoá bánh ra nhiều. Ngôn sứ Ê-li-a cũng đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều (chúng ta còn nhớ câu truyện bà goá phụ thành Xa-rếp-ta). Trong lúc tiên tri Ma-la-khi cũng đã tiên báo Ê-li-a sẽ trở lại: « 23 Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng 24 Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông »(Ml 3, 23-24a), họ nghĩ Chúa là Ê-li-a phục sinh, tại sao không ? Trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu Chúa xác minh lòng chờ đợi ấy rất có lý, nhưng Ngài nói không phải hẳn như thế. Đây là đoạn Tin Mừng ấy: « 10 Các môn đệ hỏi Người rằng: "Vậy sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước? "11 Người đáp: "Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự. 12 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế."13 Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả » (Mt 17, 10-13). Trong bài tường thuật về Chúa hiển linh, liền sau bài hôm nay trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca, các môn đệ sẽ thấy ông Ê-li-a đứng gần Chúa hiển linh: điều này giúp họ hiểu Chúa Giê-su không phải là ngôn sứ Ê-li-a phục sinh, trở về trái đất.

Bấy giờ đến phiên các môn đệ thử trả lời: « Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? » Người thứ nhất là Phê-rô trả lời, ông nói: « Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa ». Khi nói Đấng Ki-tô, ông có ý nói Đấng Mê-si-a, tức là đấng được xức dầu tôn vinh vua, tức là Đấng được Chúa Thánh Thần ngự đến để xây dựng Nước của Thiên Chúa. Hơn nữa đối với Thánh Phê-rô phép lạ hoá bánh ra nhiều là một bằng chứng: Nước Trời đã đến.

Điều rất lạ là Chúa đã đặt câu hỏi ấy nhưng khi thánh Phê-rô vừa trả lời, Ngài cấm không cho lặp lại: « Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai » sau đó Ngài giải thích. Cách giải thích của Chúa muốn nói: Đúng vậy, Phê-rô nói đúng nhưng chỉ đúng ở một điểm, Thầy là Đấng Mê-si-a… nhưng hãy cẩn thận, Đấng Mê-si-a không hẳn đúng như anh em nghĩ, và sau đó Ngài nói về Đấng Mê-si-a đau khổ: « Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy ». Sau này, các tín hữu đọc lại lời tiên tri của I-sa-i-a (Is chương 53 về người Tôi Trung đau khổ) và lời tiên tri Da-ca-ri-a (Đấng bị đâm thâu bí hiểm) nhận thấy thật vậy, các tiên tri đã tiên báo Đấng Mê-si-a sẽ bị đau khổ. Nhưng thời của Chúa Ki-tô không mấy ai có thể tin điều này: Đấng Mê-si-a được mong chờ trong tư tưởng của họ là một tướng quân vinh thắng sẽ giải phóng đất nước Do Thái khỏi ách ngoại bang.

Một lần nữa ở đây thái độ của Chúa Giê-su rất có tính cách sư phạm: một đàng Chúa muốn các môn đệ dấn thân nhiều hơn nữa trong đức tin, khác biệt với tư tưởng của đám đông, đàng khác Ngài muốn mở mắt cho họ thấy sứ vụ thật sự của Ngài, một sứ vụ phục vụ chứ không phải uy quyền. Sự mặc khải này, đám đông chưa sẵn sàng chấp nhận. Vì thế không nên nói ra ngay, Đấng Mê-si-a một khi xuất hiện, vì quá phấn chấn có nguy cơ làm sai đi mầu nhiệm Chúa Giê-su.

Trong sự mặc khải về cuộc thương khó, Chúa Giê-su dùng động từ bất hủ: « phải »… cũng như sau này, Ngài nói cho hai môn đệ trên đường Emmau, sau khi phục sinh, Ngài cũng dùng chữ « phải » « Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao » (Lc 24, 26). Đây không phải một đòi hỏi, như Thiên Chúa muốn tính toán các điều xứng đáng! Bài này nói lên như một tiếng vang tuyệt vời với bài đọc 1: về sách Da-ca-ri-a như tôi đã gợi ý: « Đấng Mê-xi-a phải đi đến cùng… Sau đó lòng người mới mở ra, khi họ ngước mắt nhìn kẻ mà họ đâm thâu ».

Sau cùng Chúa Giê-su cũng cảnh báo các môn đệ Ngài: từ nay họ nữa, họ cũng phải đi con đường của từ bỏ: « Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. » Câu này nhắm nói đến những khó khăn, những thử thách của sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Một cách Lô-gíc, Chúa hành động như Thầy, thì các đệ tử Ngài cũng sẽ không được đối đãi hơn gì thầy mình! Cũng như Chúa, các môn đệ Ngài phải chấp nhận, cái được gọi là « Lô-gíc của hạt lúa giống » (Hình ảnh trong Tin Mừng theo thánh Gio-an) « 25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời » (Ga 12, 25).

Các bạn hẳn đã chú ý, các câu sau cùng Chúa muốn nói cho đám đông chứ không chỉ cho các môn đệ. Lời mời gọi gửi đến cho đông đảo nhiều người. Chúng ta cũng không nên hỏi đám đông đó từ đâu mà ra trong lúc các câu trước đó chỉ có các môn đệ và Chúa… Thánh Lu-ca đề nghị cho chúng ta không cần có những đòi hỏi gì để theo Chúa Giê-su: chỉ cần sẵn sàng dấn thân trên đường của sứ vụ rao giảng Nước Trời, không bao giờ hi vọng một sự thành công ngoạn mục, nhưng chấp nhận bị vùi đi như hạt lúa giống.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com