Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT XIII TN Năm C (Gl 5, 1.13-18) 26/06/2016

"Anh em được kêu gọi để được tự do".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

 

1 Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.

13 Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau.

14 Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.

15 Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy!

16 Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa.

17 Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn.

18 Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.

 

Thánh Phao-lô là người Do Thái, tự trong ngài đã có sẵn lý tưởng tự do, đó cũng là lý tưởng của trọn Thánh Kinh. Trải nghiệm vĩ đại nhất của dân Do thái, được suy niệm qua bao nhiêu thế kỷ là cuộc giải thoát khỏi nô lệ Ai-cập, Chúa đã giải phóng họ để họ khám phá ra sự cao cả của tự do và lòng tự nguyện phục vụ. Và tất cả thời gian Xuất Hành trong sa mạc được xem như một giai đoạn tập luyện cần thiết để bước qua từ nô lệ dưới gót giày của Ai-cập đến tự do quyết định phục vụ Thiên Chúa của Giao Ước. Sau nhiều thế kỷ để suy gẫm khái niệm con người toàn diện là con người tự do, lấy quyết định đặt mình phục vụ anh em. Đó là ý nghĩa những bài ca Người Tôi Trung trong I-sa-i-a.

Thế nhưng, thư này gửi cho tín hữu thành Ga-la-ta, thánh Phao-lô viết cho một cộng đồng Hy-lạp, trong ấy còn có nô lệ: tức là phục vụ thật sự chỉ dành cho chủ của mình. Người nô lệ là sở hữu của chủ. Họ là chủ sở hữu, như ngày nay chúng ta sở hữu cái đài nghe nhạc, cái xe ô-tô, cái nhà hay bất cứ cái máy gì của chúng ta đang dùng. Nếu chán cái đài, thì tắt nó đi hay đổi đài khác! Thời thánh Phao-lô nếu như người nô-lệ của tôi không còn thích hợp nữa, tôi hoàn toàn tự do muốn làm gì cũng được, ví dụ như bán cho người khác… Thánh Phao-lô dựa trên trải nghiệm về nô lệ, mọi người có thể hiểu thời ấy, và tất cả bài chúng ta đọc dựa vào « tự do và nô lệ ». Đối với ngài Chúa Ki-tô là điển hình một Người tự do, và người tín hữu theo Chúa Ki-tô cũng là người tự do, hay nói đúng hơn một người được Chúa Ki-tô trả lại tự do, được Chúa Ki-tô « giải phóng » (Ga 8, 36)

Thánh Phao-lô biết sự thật không giản dị như thế, vì lẽ ấy, lúc thì ngài nói như một thực tế, lúc như một lý tưởng, một ơn gọi: « 1 Chính để chúng ta được tự do… (như việc đã rồi) Vậy, anh em hãy đứng vững » (vậy tức là chưa hẳn như thế)…, hay chỗ khác thánh nhân nói: « (c 13) anh em đã được gọi để hưởng tự do… » nhưng ngài lại thêm: « đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa »

Nếu chúng ta lấy giấy bút để chép lại bài này của thánh Phao-lô thành hai cột: cột cho tự do và cột cho nô lệ. Trong cột nô lệ chúng ta chép: « sống theo tính xác thịt ». Bên cột tự do chúng ta chép: « nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau ». Chúng ta sẽ ngạc nhiên thấy theo tính xác thị nằm bên nô lệ và phục vụ bên cột tự do!... Lắm khi chúng ta nghĩ ngược lại. Khi người nào nhờ ta làm cho họ một việc gì, có khi ta cho người ấy xem ta là nô lệ của người ấy… và trái ngược lại khi làm việc gì chỉ nghĩ riêng cho quyền lợi của mình ta cho là tự do. Nhưng nếu chúng ta tin vào thánh Phao-lô, tự do không phải như chúng ta nghĩ! Vì lẽ, đối với thánh Phao-lô - kẻ kế nghiệp của Cựu Ước - phục vụlà chọn lựa của người tự do, quyết tâm chọn lựa như sự chọn lựa của Người Tôi Trung, như của Chúa Ki-tô.

Một lần nữa chúng ta tìm thấy tiếng vang về tư tưởng này nơi thánh gio-an: « 18 Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy » (Ga 10, 18). Chúng ta cũng nghe như tiếng vang, Chúa Giê-su nhấn mạnh trong các Phúc Âm nhất lãm. Ví dụ như trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô: « 45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người » (Mc 10, 45). Bốn thánh sử suốt cuộc Thương Khó Chúa Giê-su cho chúng ta thấy một cách tuyệt vời, mặc dù Chúa bị kết án, hành hạ, còng tay nhưng hoàn toàn tự do, trong lúc những đao thủ của Ngài chỉ là những trò chơi của sự mù quán của họ.

Thánh Phao-lô không ngần ngại dùng những hình ảnh có tác động mạnh để đả kích tính ích kỷ: « 15 Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy! » Vì sao thế ? Vì anh em được tạo dựng để yêu thương nhau, và anh em chỉ xây dựng được chính mình trong tình yêu. Thánh Phao-lô giới thiệu cuộc sống thực tế của chúng ta như là nơi xung đột thường xuyên giữa hai lối sống. Ngài nói với chúng ta: « anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa ». Lời ngài « hãy đứng vững » còn giá trị cho suốt đời chúng ta đây: Không ai trong chúng ta vĩnh viễn ở lại một khi đã bước qua phía tự do hay còn hành xử như nô lệ, mỗi người chúng ta hãy biết quay lại, bước trở lại không thể nào cần chỉ một lần trong đời mà thôi. Trước khi khái niệm phục vụ như bổn tính tự nhiên mới phát sinh của chúng ta, cũng phải nhiều năm luyện tập! Chúng ta nên hiểu cách phát biểu của thánh Phao-lô: đời sống ích kỷ, là sống « đam mê của tính xác thịt » (có thể hiểu sống theo khuynh hướng xấu tự nhiên), và đời sống « theo Thần khí » (tức là theo Thánh Thần Chúa, Theo Thần khí tình yêu).

Còn câu sau cùng: « 18 Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa ». Chữ lệ thuộc có nghĩa là nô lệ: các người Do Thái thành Ga-la-ta có khuynh hướng bắt buộc tuân giữ Lề Luật thật khắc khe, một cách nô lệ, trong lúc Lề Luật là để phục vụ tình yêu. Thánh Phao-lô giải thích rõ như thế: « tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình ». và « 18 Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa ». Điều này có nghĩa từ nayThần Khí tình yêu ngự trong tim anh em. Lề Luật đã chấm dứt nhiệm vụ sư phạm tình yêu của nó. Nơi nào có tình yêu nơi ấy không cần có Lề Luật nữa: khi một học sinh đã hoàn toàn lãnh hội bài học, không cần có giáo sư nữa.

Phần phụ thêm: Rất thú vị nếu hỏi mỗi Ki-tô hữu nghĩ gì về chính mình… Nếu có một cuộc phỏng vấn đại chúng: « Đặc điểm chủ yếu của Ki-tô hữu là gì ?». Ước chi câu trả lời: « là những người tự do » ?

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com