Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT XIII TN Năm C (1V19, 16b.19-21) 26/06/2016

"Êlisê đi theo Êlia".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

 

Ê-li-sa con Sa-phát, người A-vên Mơ-khô-la, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm ngôn sứ thay cho ngươi.

19 Ông Ê-li-a bỏ đó ra đi và gặp ông Ê-li-sa là con ông Sa-phát đang cày ruộng; trước mặt ông Ê-li-sa có mười hai cặp bò; chính ông thì đi theo cặp thứ mười hai. Ông Ê-li-a đi ngang qua, ném tấm áo choàng của mình lên người ông Ê-li-sa.

20 Ông này liền để bò lại, chạy theo ông Ê-li-a và nói: "Xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã, rồi con sẽ đi theo ông." Ông Ê-li-a trả lời: "Cứ về đi! Thầy có làm gì ông đâu? "

21 Ông Ê-li-sa bỏ ông Ê-li-a mà về, bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Ê-li-a và phục vụ ông.

 

Ê-li-a và Ê-li-sê là hai tiên tri vĩ đại của Cựu Ước: các lời rao giảng của các ngài được chép lại trong sách các Vua. Chúng ta nên duyệt qua về sách các Vua để hội nhập vào văn cảnh của bài hôm nay.

Sách các Vua thuộc các sách Lịch sử, đều này có thể đưa chúng ta đến sự hiểu lầm. Thật vậy, nhìn vẻ bên ngoài đây là những sách lịch sử trải dài trên năm thế kỷ từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ VI trước CN, các sách kể song song hai vương quốc, Miền Bắc và Miền Nam, bởi vì sau khi vua Sa-lô-mon băng hà lãnh thổ bị chia cắt thành hai vương quốc khác biệt. Miền Bắc còn giữ tên It-ra-en, Miền Nam lấy tên Giu-đa.

Nhưng thực ra sách các Vua không phải những bộ sách lịch sử như chúng ta ngày nay, được viết với một sự quan tâm đặc biệt nghiêm túc và khách quan các sự kiện. Thời ấy thật sự các tác giả tuyển chọn nội dung với chủ đích rõ ràng, hầu để lại cho chúng ta những bài học, ngày nay chúng ta gọi là « luân lý của lịch sử ». Mục đích luôn luôn dựa trên phương diện thần học. Bài học lớn nhất ngụ ý dưới tổng thể bộ sách rất đơn giản là: Chỉ có trung tín với Giao Ước do Chúa đề nghị mới bảo đảm hạnh phúc cho dân Chúa chọn. Sở dĩ các sách ấy nhấn mạnh đến điều này vì thời sự lúc ấy không đơn giản, phải làm quen dần cách đọc kỹ từng chữ trong Thánh Kinh và tìm những ẩn ý trong ấy.

Chính vì thế, suốt triều đại các vua hai Miền, It-ra-en và Giu-đa tác giả không thiếu chi đề tài nói về những bất trung của dân chúng do các vua không biết hướng dẫn, họ thờ lạy bụt thần (các ngôn sứ gọi là sự ngoại tình của dân chúng), và cả những nỗi thống khổ không ngơi ngớt bao trùm cuộc sống của họ: nào là chiến tranh, sự ganh đua với nhau, những cảnh bất công trắng trợn trong xã hội. Có hai điều đi đôi nhưng đối lập nhau: hễ tuân thủ giới luật Thiên Chúa là có hoà bình và công lý, ngược lại quên Chúa là quên Luật của Ngài, tìm kiếm quyền lực tiền tài, trộm cắp, giết người… thì thế nào cũng đi đến gieo bất công, hận thù rồi đến bạo lực… Than ôi suốt thời gian ấy gương mù đến từ trên chóp bu.

Hai vị ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa, kế tiếp nhau vào thế kỷ thứ IX, là những người mạnh mẽ tín trung vào Thiên Chúa duy nhất, dâng cả cuộc đời và nỗ lực (Chúa biết là dường bao !) để đem dân chúng về với Chúa duy nhất thật. Chúa nhật hôm nay chúng ta đọc sứ mạng của Ê-li-sa: « Ê-li-sa con Sa-phát, người A-vên Mơ-khô-la, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm ngôn sứ thay cho ngươi ». Bài này có chủ ý rõ ràng: xác tín rằng chính Thiên Chúa đã chọn Ê-li-sa, và Ê-li-a chỉ có sứ mạng truyền lại lệnh Thiên Chúa tuyển chọn Ê-li-sa. Điều này chứng minh Ê-li-sa xứng đáng kế vị Ê-li-a, và là đứa con thiêng liêng của ngài.

Ê-li-sa đang cày ngoài đồng. Điều thứ nhất cần lưu ý: ơn gọi đến từ đời sống bình thường hằng ngày. Cho đến nay ông là nông dân. Nếu chúng ta nhìn lại danh sách các nhân vật Thánh Kinh, chúng ta nhận thấy Chúa tuyển chọn họ với nhiều nghề rất đa dạng trong đời thường, và ơn gọi đến bất ngờ giữa những lo toan hằng ngày. Mô-sê, Đa-vít, và A-mốt đang chăn chiên; Giê-đê-ôn đang đập lúa; Sa-mu-en đang trong giấc ngủ; Sao-lô từ đồng về đi sau các con bò; Mát-thêu đang ngồi ở bàn thu thuế và các môn đệ đầu tiên đang đánh cá.

Bài đọc tiếp viết tiếp: «  ông phải cày mười hai công đất và đang đến công thứ mười hai » (Ghi chú BBT trang Web: câu này theo bản dịch Pháp văn ). Cũng theo Thánh Kinh, con số mười hai có nghĩa trọn vẹn, hoàn tất, hoàn hảo. Ê-li-sa đã đến sào thứ mười hai: ông đã xong nhiệm vụ, đời sống cũ đã chấm dứt, cuộc sống mới bắt đầu.

« Ông Ê-li-a đi ngang qua, ném tấm áo choàng của mình lên người ông Ê-li-sa ». Có lẽ cũng phải biết ý nghĩa cử chỉ này thời ấy, nên Ê-li-sa hiểu ngay ông Ê-li-a muốn gì khi ném áo choàng của mình lên người ông Ê-li-sa. Ê-li-a mời gọi tham gia sứ vụ của ông. Vì thế Ê-li-sa bỏ mấy con bò lại, chạy theo Ê-li-a để nói: « Xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã, rồi con sẽ đi theo ông ». Ông đã hiểu lời kêu gọi nhưng xin thêm chút thời gian để làm một việc mà ông cho là một nhiệm vụ: hôn cha mẹ và dùng một bữa cơm chung với họ.

Ông Ê-li-a trả lời: « Cứ về đi! Thầy có làm gì ông đâu? ». Câu này có thể làm cho chúng ta ngạc nhiên, có người còn xem như giận dỗi. Thật ra Ê-li-a không thu áo choàng lại. Chúng ta đều biết một khi Chúa đã ban ơn, Ngài không thay đổi lại quyết định. Ê-li-a chỉ muốn nhắc lại cho Ê-li-sa là ông hoàn toàn tự do nhưng cùng lúc cho ông hiểu sứ vụ của ông, nếu Ê-li-sa nhận lời là chấp nhận bao hàm một sự chọn lựa triệt để, cắt đứt hết: kể từ nay phải quay về tương lai, từ bỏ hết mọi sự.

Một lần nữa, bài rất súc tích: cuộc đối thoại tóm gọn trao đổi vài tiếng, một hai cử chỉ đầy ý nghĩa, nhưng hình như hai bên hoàn toàn hiểu nhau! Trong sự tự do hoàn toàn Ê-li-sa trở về từ giả và hành động của ông mang đầy ý nghĩa: làm thịt hai con bò, lấy bộ ách kéo cày làm củi đốt để làm buổi tiệc chia tay mời cả nhà. Một hành động dức khoát: từ nay không còn gì giữ ông lại. Ông không còn sở hữu gì nữa, tự do để phục vụ Ê-li-a chu toàn sứ vụ Thiên Chúa muốn. Đây là một sự cắt đứt hoàn toàn, vĩnh viễn với cuộc sống cũ. Sứ mạng ông được gọi đòi hỏi sự tuyệt đối ấy; tuy nhiên không quá thô bạo đối với gia đình và người thân cận: ông tìm thời gian từ giả họ.

Sau này, khi Ê-li-a được cất về trời, Ê-li-sa nhặt lấy áo choàng của ông. Một cách nào đó như Ê-li-sa được « mặc » vào người sứ mạng của Ê-li-a. Thánh Phao-lô cũng dùng hình ảnh y phục tượng trưng này để khi đến lúc, chúng ta hiểu sứ vụ của Chúa Ki-tô: « 27 Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô » (Gl 3, 27)

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com