Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT XV TN Năm C (Đnl 30, 10-14) 10/07/2016

"Lời ở sát bên các ngươi, để các ngươi thực thi"

Trích sách Đệ Nhị Luật

 

10 miễn là anh (em) nghe tiếng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh (em) trở về với ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ.

11 Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh (em) hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh (em).

12 Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh (em) phải nói: "Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?

13 Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh (em) phải nói: "Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?

14 Thật vậy, lời đó ở rất gần anh (em), ngay trong miệng, trong lòng anh (em), để anh (em) đem ra thực hành.

 

Sách Đệ Nhị Luật được xem như là một bài giảng cuối cùng của ông Môsê, có thể nói là một di chúc thiêng liêng của ông. Thật ra không phải chính ông viết, vì sách lập lại nhiều lần: « Môsê nói, Mô sê làm… ». Thế nhưng tác giả dùng nhiều tính cách hệ trọng để nói lên tính trang trọng những gì là đóng góp chính yếu của ông Môsê. Cho đến bây giờ, mỗi khi chúng ta đọc sách Đệ Nhị Luật, chúng ta nhận thấy điều được chú trọng và nhấn mạnh nhất là lòng tín trung với các điều răn Thiên Chúa. Đó là đặc điểm chúng ta thấy trong bài hôm nay. Nhưng quan trọng hơn là niềm xác tín: một ngày kia Chúa sẽ biến đổi lòng người, cho mọi người.

Điểm thứ nhất chúng ta cùng suy nghĩ - trung thành thực hiện giới răn Thiên Chúa - sở dĩ tác giả không sợ bị phê bình nói mãi là vì dân chúng không ngớt tái phạm. Vương quốc Miền Bắc đã trải nghiệm đau khổ của họ, từ ngày quân Át-sua chiến thắng, xứ họ bị xóa khỏi bản đồ. Dân chúng Miền Nam nên lấy đó làm gương, rút ra bài học cho mình: « 32 Anh em hãy lo thực hành như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã truyền cho anh em, không đi trệch bên phải bên trái. 33 Anh em hãy đi đúng con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã truyền cho anh em, để anh em được sống, được hạnh phúc và được sống lâu trên mặt đất mà anh em sẽ chiếm hữu. » (Đnl 5, 32-33). Nói cách khác, đây là điều sống còn: « để anh em được sống », cụm chữ này được nghe nhiều lần và được thêm: « (để) được hạnh phúc ». Ví dụ như trong câu: « 3 Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành; như vậy anh (em) sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh (em), đã phán với anh (em) » (Đnl 6, 3)

Than ôi dân này là « dân cứng cổ », nói như ông Môsê: « 6 Anh (em) phải biết rằng không phải vì anh (em) công chính mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em) miền đất tốt tươi ấy để anh (em) chiếm hữu; thật vậy, anh (em) là một dân cứng cổ. 7 Anh (em) phải nhớ, đừng quên rằng anh (em) đã chọc giận ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), trong sa mạc. Từ ngày anh (em) ra khỏi đất Ai-cập cho đến khi tới đây, anh em đã phản nghịch chống lại ĐỨC CHÚA » (Đnl 9, 6-7). Chữ cứng cổ gợi lên cái ách trên cổ các con bò kéo cày. Ví dụ như để khuyên vâng lời Lề Luật, Ben Sirắc (Huấn ca) nói: « 26 Hãy tra cổ vào ách, và đón nhận giáo huấn vào tâm hồn » (Hc 51, 26). Ngôn sứ Giê-rê-mi-a trách dân chúng không sống theo Lề Luật cũng nói: « 20 Phải, từ lâu rồi, ách đè lên ngươi, ngươi bẻ gãy, xiềng xích trói buộc ngươi, ngươi giật phăng » (Gr 2, 20). Bây giờ chúng ta hiểu hơn Lời Chúa Giêsu: « 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng » (Mt 11, 29-30). Câu này của Chúa Giêsu có lẽ được rút từ câu 11 sách Đê Nhị Luật: « mệnh lệnh tôi truyền cho anh (em) hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh (em) ». Nói cách khác, Chúa không đòi hỏi những gì không thể làm được. Có thể câu này nhắm đến những tín hữu nản lòng, giống như khi các môn đệ Ngài đặt câu hỏi: « Thế thì ai có thể được cứu? » (Mt 19, 25)

Chúng ta nhận ra nơi đây - trước hết trong sách Đệ Nhị Luật, sau đó qua Lời Chúa Giêsu - sứ điệp vô cùng quan trọng của Thánh Kinh: Lề Luật có thể ở trong tầm tay chúng ta, sự dữ không phải không thể không thay đổi; nhân loại tiến về ơn cứu độ một ngày sẽ hoàn tất, tức là sẽ sống trong tình yêu của Thiên Chúa, và của mọi người vì hạnh phúc hoàn hảo dành chung cho mọi người. Nhưng qua kinh nghiệm chúng ta nhận thấy sống cuộc đời công chính, tức là thích hợp với đề án Thiên Chúa gần như không thể nào được đối với con người, nếu chỉ dựa vào sức riêng mình.

Bài học lúc nào cũng thế. Chúa Giêsu trả lời các môn đệ: « Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được » (Mt 19, 26). Sách Đệ Nhị Luật cũng nói như thế, đó là điểm thứ hai tôi lưu ý ngay từ đầu. Chính vì dân Ngài bất lực một cách tuyệt vọng sống theo Lề luật, Thiên Chúa mới làm cho lòng họ hoán cải. « 6 ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ cắt bì tâm hồn anh (em) và tâm hồn dòng dõi anh (em), để anh (em) yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, ngõ hầu anh (em) được sống » (Đnl 30, 6) « cắt bì tâm hồn » có nghĩa là kết hợp với thánh ý Chúa. Đã lâu rồi dân chúng ước vọng có một ngày sẽ đạt tới sự kết hiệp với Giao Ước « hết lòng hết dạ, hết sức » như trong Kinh Tin kính Do Thái, Sê-ma It-ra-en, (Đnl 6, 4). Nhưng phải thật sự công nhận như Giêrêmia, Êdêkien là nhất định phải có sự can thiệp của Thiên Chúa: « 33 Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó… Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta » (Gr 31, 33)

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com