Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XX TN Năm C (Lc 12, 49-53) 14/08/2016

Alleluia, alleluia!

- Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

-----------------

"Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

49 "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!

50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!
51 "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.

52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba.

053 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng."

 

Đoạn đầu bài Tin Mừng hôm nay không khỏi làm cho chúng ta nghĩ đến sách ngôn sứ Ma-la-khi được giáo hội đề nghị đọc trong lễ Dâng Chúa vào Đền « 1 Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán.2 Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt » (Ml 3, 1-2)

Lời tiên tri đã được thực hiện. Ở đây Chúa Giê-su nói với các môn đệ « 49 "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! » Khi thánh Lu-ca viết Tin Mừng này, ngài đã đo lường hậu quả của lời loan báo, chẳng những cho người Do Thái mà cho cả dân ngoại. Từ ngọn lửa của ngày Lễ Ngũ Tuần, lời loan báo này như một ngọn lửa nhanh chóng cháy lan ra trong đám cỏ khô trong rừng: trong dân Do Thái nó tàn phá mọi công trình xây dựng về đạo; trong thế giới người ngoại nó lan ra khó lường. Như thánh Phao-lô đã nói cho tín hữu thành Cô-rin-tô: « 23 thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ » (1Cr 1, 23). Trận lửa bùng cháy phân chia làm hai bên đối lập: một bên những người để mình được đốt cháy, một bên những người dang ra xa, ngay cả những người liên kết với nhau cùng một gia đình; và chúng ta thấy thể hiện cảnh tượng bi đát tiên tri Mi-kha miêu tả ngày xưa, một thời thật tuyệt vọng: « 6 Quả thật, con trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại mẹ, nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà lại hoá ra thù địch » (Mi 7, 6).

Khi Chúa Giê-su loan báo những cơn đau xé lòng ấy, không phải là một cách nói, hay một cảm tưởng, nhưng Ngài nói lên như một trải nghiệm. Khi thánh Lu-ca miêu tả: « 14 Được quyền năng Thần Khí (Thần Khí của lửa) thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê » (Lc 4, 14). Cuộc viếng thăm đầu tiên là Na-da-rét, quê hương Ngài. Chúng ta còn nhớ đến màn này.

Sau một thời gian phấn chấn ban đầu, các bạn cũ từ tuổi trẻ và thân nhân của Ngài quay lại chống Ngài, chỉ vì Chúa vừa nói sứ vụ của Ngài vượt hẳn biên giới It-ra-en: « 28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực » (Lc 4, 28-29). Đây không phải lần đầu tiên Chúa gặp phải sự ngộ nhận hay cả những phản ứng đối kháng đến từ người thân của Ngài. Thánh Gio-an viết: « "5 Thật thế, anh em Người không tin vào Người » (Ga 7, 5). Hơn nữa, Chúa Giê-su không ngần ngại nói với các môn đệ, một trong những điều kiện để loan báo Nước Trời là chấp nhận nguy cơ bị chia rẻ: « 26 "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được » (Lc 14, 26). Chúng ta cũng còn nhớ câu trả lời của Chúa Giê-su cho một người đặt câu hỏi sau đây: « Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã. » (Lc 9, 61) Chúa Giê-su nói: « "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa. » (Lc 9, 62) Ngọn lửa do Chúa nhuốm lên dẫn đến những chọn lựa triệt để.

Thế nhưng mọi người chờ đợi Đấng Mê-xi-a trên đất It-ra-en không phải để Ngài mang lại chiến tranh và chia rẽ, chiến tranh và chia rẽ đã quá nhiều rồi. Trái lại dân chúng chờ đợi Ngài mang lại hoà bình trên thế gian. Mọi người còn nhớ nằm lòng lời tiên tri của I-sa-i-a: « 6 Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. 7 Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. 8 Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. 9 Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta » (Is 11, 6-9). Nếu Ngài là đấng Mê-si-a được mong chờ, chúng ta phải thấy thực hiện những điều đã hứa như thế chứ! Nhưng Chúa Giê-su loan báo trái lại, những gì có vẻ chia rẽ trầm trọng: «51 "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ » (c51)

Chúng ta có quên chăng hoà bình không phải thực hiện bằng một chiếc đũa thần ? Nhưng nó đòi hỏi một sự hoán cải triệt để từ trong lòng con người: chính sự hoán cải ấy là điều nhiều người dốc hết sức phản đối. Ngày Chúa Giê-su được Dâng lên Đền Thánh ông Si-mê-ôn đã loan báo: « 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; 35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà » (Lc 2, 34-35). Sứ điệp hoà bình, lúc ban đầu gặp nhiều người phản kháng hơn người chấp nhận. Nhưng sự phục sinh Chúa Ki-tô đem lại cho chúng ta bảo đảm có ngày vinh thắng cuối cùng: ngọn lửa Ngài đốt cháy không bao giờ tắt.

Sau khi loan báo ngọn lửa của Ngài, Chúa Giê-su nói đến giai đoạn Ngài phải vượt qua để nhúm lên. Ngài loan báo sự kiện Ngài gọi là « Phép Rửa ». Khi đọc lên từ ấy những Ki-tô hữu tiên khởi không thể nào hiểu lầm. Họ đã nhận chứng từ rất rõ nơi các Tông đồ: « khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? 4 Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới » (Rm 6, 3-4). Đây là một mặc khải về Mầu Nhiệm Phục Sinh, đối với đọc giả Tin Mừng.

Cũng như dân It-ra-en phải vượt qua biển trước khi nhận Giao-ước trong lửa sa mạc Si-nai, Chúa Giê-su cũng phải vượt qua biển của đau khổ và sự chết trước khi bùng lên Lửa Thần Khí của Ngài: « Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy » (Lc 9, 22); « Người sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, nhục mạ, khạc nhổ. 33 Sau khi đánh đòn, họ sẽ giết Người, và ngày thứ ba Người sẽ sống lại » (Lc 18, 32-33). Chúa Ki-tô được gởi đi vào thế gian tội lỗi để loan báo tình yêu và ơn cứu độ của Chúa, Ngài sẽ theo con đường của Giô-na, được Thiên Chúa dẫn vào thành phố dân ngoại Ni-ni-vơ: « 40 Quả thật, ông Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy » (Mt 12, 40)

Chúng ta còn nhớ lời nguyện của Giô-na trong bụng kình ngư: « Từ cảnh ngặt nghèo, tôi kêu lên ĐỨC CHÚA, Người đã thương đáp lời. Lạy Chúa, từ lòng âm phủ, con cầu cứu, Ngài đã nghe tiếng con 4 Ngài đã ném con vào vực sâu, giữa lòng biển, làn nước mênh mông vây bọc con, sóng cồn theo nước cuốn, Ngài để cho tràn ngập thân này » (Gn 2, 3-4). Câu này làm chúng ta liên tưởng đến lời nguyện Chúa Giê-su trong vườn Ghét-xê-ma-ni: « 42 "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha. (Lc 22, 42) hay trong Tv 21 (22) mà chúng ta nghe trên thập giá những câu đầu: « 2 Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?... 12 Xa con Ngài đứng sao đành, nguy hiểm bên mình không kẻ giúp cho. 13 Quanh con cả đàn bò bao kín, thú Ba-san ùa đến bủa vây: 14 Há mồm đe doạ gớm thay, khác nào sư tử xé thây vang gầm. 15 Tưởng mình như tan dần ra nước, toàn thân con xương cốt rã rời, con tim đau đớn bồi hồi, mềm như sáp chảy tơi bời ruột gan » (Tv22, 12-15). Chúng ta cũng biết các câu sau cùng bài thánh vịnh này là những lời tạ ơn và lời hứa loan báo Tin Mừng « 23 Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay… 28 Toàn thế giới, muôn người nhớ lại và trở về cùng CHÚA. Mọi dân tộc dưới trần phủ phục trước Tôn Nhan » (Tv22, 23…28)

Đây là ngọn lửa được bùng lên. Ngọn lửa này từ hơn hai ngàn năm đã được trao cho các môn đệ của Chúa, Ngài không ngừng nhắc lại ý Ngài cho lửa này lan khắp nơi. Mặc cho những đối kháng, những chia rẽ những chứng nhân tiếp tục quả quyết rằng sứ điệp của họ là sứ điệp hoà bình. Vì lẽ nó chứa đựng lời hứa cổ truyền của ngôn sứ Ê-li-a (Ml 3, 24) và được Gio-an Tẩy Giả lặp lại: « 17 Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa ». (Lc 1, 17)

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com