Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT XX TN Năm C (Dt 12, 1-4) 14/08/2016

"Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta"

Trích thư gửi Tín hữu Do Thái

 

1 Như thế, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta,

2 mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.

3 Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí.

4 Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.Thiên Chúa lấy tình cha mà giáo dục

 

Tác giả bài này nâng đỡ, khích lệ những tín hữu bị bách hại. Trong chương 11 cũng đã được trình bày những mẫu gương đức tin của Cựu Ước. « 1 Như thế, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta ». Tác giả khuyên hãy nhìn vào đấy làm gương và « Mọi sự đều có thể đối với người tin » (Mc 9, 23); « 6 Chúa đáp: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em » (Lc 17, 6)

Nhưng tác giả sách Do Thái không chỉ khuyên bắt chước lòng tín trung và kiên trì các nhân vật vĩ đại thời Cựu Ước, nhưng hãy « 2 mắt hướng về Đức Giê-su », mẫu gương luôn luôn hiện diện; Đấng đã nói « Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế » (Mt 28, 20). Tác giả nói « Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin ». Theo bản gốc câu này có nghĩa « Ngài là đấng đã khai mở đức tin và dẫn đến kiện toàn đức tin ấy ». Theo tiếng Hy-lạp người khai mở có nghĩa là người đầu tiên dẫn đầu đi tới, có thể hiểu người hướng dẫn. Và bài này nói người hướng dẫn là người hoàn hảo; Có thể tin tưởng bước theo Ngài để đến đích. Như người hướng dẫn leo núi dẫn lên đến đỉnh, bài này dùng chữ « kiện toàn ».

Vì chính Đấng ấy đã chịu thử thách kiên trì như các tín hữu đang gánh chịu và còn đau khổ hơn bất cứ người nào. Vì Người đến như vị Hôn Thê, đến làm niềm vui cho ngày Lễ Cưới. Ngài nói lúc còn ở thế gian: « Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được » (Mc 2, 19). Nhưng vị hôn thê không được nhìn nhận, trái lại: « Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa » (c2) Thánh Phao-lô phát biểu cách khác trong thư gửi các tín hữu thành Phi-líp-phê: « 6 Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, 7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. 8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự ». (Ph 2, 6-8). Có ai tưởng tượng được sự tương phản này: Người Con Thiên Chúa đến để cứu nhân loại khỏi tội lỗi và đem lại sự sống: Ngài được đón tiếp bằng một sự thờ ơ và bị giết bởi tội lỗi con người ? «3 Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí » (c3). Thế nhưng điều chính yếu thánh Phao-lô và thư Do Thái nhấn mạnh, không phải con đường Chúa Giê-su đã trải qua, mẫu gương và cũng là sự nâng đỡ chúng ta, không phải số lượng những đau khổ của Ngài nhưng hai tác giả đều gọi là sự « vâng lời ». Thánh Phao-lô nói: « 8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự ». (Ph 2, 6-8), và trong sách Do Thái chúng ta đọc: « 8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục » (Dt 5, 8)

Vâng lời, nghĩa đen theo tiếng Pháp có gốc La-tinh, là để tai trước miệng: đó là đối thoại cách lý tưởng, không chút thành kiến, hoàn toàn tin tưởng. Chúa Giê-su vạch cho chúng ta con đường ấy. Trong lúc đau khổ tận cùng, trong những tình huống xấu nhất, Ngài giữ lòng tin vào Thiên Chúa luôn hiện diện, quan tâm đến Con yêu dấu của Ngài, chia sẻ nỗi đau và lo lắng của Người: « 13 Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình. »(2Tm 2, 13)

Vì thế Tình Yêu Thiên Chúa vinh thắng nơi Chúa Ki-tô « nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. » Lời hứa này cũng dành cho những ai bị đau khổ như Chúa Ki-tô đã gánh chịu, thư Do Thái nói: « 3 Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí ». Tác giả không ngần ngại dùng chữ « chống trả » để nói về lòng dũng cảm của tín hữu: « anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu ». Thật vậy họ có nguy cơ mất mạng sống khi làm chứng cho đức tin. Chúa Giê-su đã báo trước: « 12 "Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy….. 16 Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. 17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét…19 Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình » (Lc 21, 12…-19)

Chúng ta không khỏi ngạc nhiên thấy các bài giảng trong Tân Ước nhấn mạnh đến các cuộc bách hại không thể nào tránh được. Có lẽ đó là điều hiển nhiên! Thế nhưng các môn đệ của Chúa đã đứng vững. Tác giả bài này nói họ: « … kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, 2 mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin ». Họ chỉ đơn sơ nhớ lời hứa vinh thắng của Thầy mình: « Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian ». (Ga 16, 33)

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com