Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XXV TN Năm C (Lc16, 1-13) 18/09/2016

Alleluia, Alleluia !

– Chúa phán : « Lời Cha là chân lý ; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật » Alleluia.

-----------------

"Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

1 Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: "Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông.

2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!

3 Người quản gia liền nghĩ bụng: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.

4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!

5 "Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?

6 Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.

7 Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: "Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.

8 "Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

9 "Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.

10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.

11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?

12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

13 "Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được."

 

Bài này dành cho chúng ta một ngạc nhiên lớn : Chúa Giê-su dường như khen những kẻ bịp bợm ! «8 "Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo… ». Nhưng những người đến nghe Chúa giảng không hiểu lầm như thế vì Chúa Giê-su cho đó là bất lương, tức là không lương thiện, thời ấy cũng như bây giờ lương thiện là một đức tính luân lý căn bản của xã hội. Và dĩ nhiên Chúa không cố tình dạy trái với luân lý căn bản. Sở dĩ Chúa dùng tấm gương có vẻ khích động này là để làm cho ta suy nghĩ về một điều hệ trọng, và ý nghĩa chứa đựng trong câu sau cùng : câu này đặt cho chúng ta phải chọn lựa cấp bách giữa Chúa và tiền của : « Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được. ».

Và Chúa Giê-su nêu lên một loạt những điều đối lập nhau : con cái đời này và con cái ánh sáng, việc nhỏ với việc lớn, tiền của bất chính và của cải chân thật, của cải của người khác, và của cải dành riêng cho mình. Tất cả những điều đối kháng nhau như thế được nêu lên với một chủ đích : làm cho chúng ta khám phá ra tiền của chỉ là điều phỉnh phờ, cống hiến cả đời để « làm ra tiền », là lầm đường. Điều này hệ trọng như thờ phụng bụt thần mà các ngôn sứ không ngừng tố cáo.

Trong câu : « Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được », chữ làm tôidĩ nhiênmang ý nghĩa tôn giáo. Chỉ có Một Chúa, anh em chớ tạo ra bụt thần, vì đó là con đường dẫn đến nô lệ. Chúng ta đã từng nghe sứ điệp tối quan trọng ấy qua lời ông Mô-sê, sách Sáng Thế trong chúa nhật vừa qua về con bê bằng vàng. Thiên Chúa thì giải thoát ( tất cả Cựu Ước dạy chúng ta như thế )…các bụt thần thì biến chúng ta thành nô lệ. Và tiền của rất có thể biến thành một bụt thần , tức là thành một mục đích thay vì chỉ là một phương tiện. Một khi bị ám ảnh phải tìm bằng được tiền của, sẽ sớm biến ta thành nô lệ : không còn thời gian nào để nghĩ đến chuyện khác !. « Hãy cảnh giác về những sở hữu chúng ta hầu không để bị chiếm hữu » là một nguyên tắc tốt. Chính vì thế ngày Sa-bát cũng có ý nghĩa ấy : mỗi tuần tìm lại giá trị những gì không lợi nhuận, vô giá. Đấy là một cách giữ lấy tự do.

Tiền Của có thể phỉnh phờ bằng hai cách. Trước hết nó làm cho chúng ta tưởng rằng nó mang lại hạnh phúc, nhưng một ngày nào đó, chúng ta cũng phải bỏ lại tất cả. Trong câu sau đây của Chúa Giê-su : « hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc… » cụm chữ « phòng khi hết tiền bạc » là ngụ ý nói sau khi chết. Người ta thường nói « Có ích gì là một người giàu nhất trong những chủ nhân các nấm mồ của nghĩa địa ! ». Điều thứ hai Tiền Của phỉnh phờ chúng ta là làm cho chúng ta tưởng rằng đó là sở hữu của riêng ta. Chúa Giê-su không bảo chúng ta khinh khi tiền của, nhưng hãy dùng nó để phục vụ Nước Trời, tức là phục vụ tha nhân. Tiền của có giá trị của nó, cố tình từ chối nó có thể là ngu xuẩn và giả hình. Nhưng chúng ta không sở hữu nó để chỉ dùng cho riêng ta một cách ích kỹ, chúng ta chỉ là những quản gia. Chúa Giê-su dùng chữ : « của cải của người khác » vì đó không phải là sở hữu riêng của chúng ta. Thật vậy, không nên là người chủ nấm mồ giàu nhất nghĩa địa nhưng cũng nên là người giàu tiền của để giúp ích cho tha nhân.

Trong câu : « trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính » chữ trung tín rất quan trọng : Chúa tin cậy nơi chúng ta. Chúa giao cho chúng ta làm quản gia tiền của, chúng ta là những quản gia có tinh thần trách nhiệm…tất cả những của cải, trên bất cứ lãnh vực nào được Chúa trao ban như trao cho những quảng gia, để chúng ta chia ra, tạo hạnh phúc chung quanh chúng ta.

Hiểu như thế mới rõ hơn bài dụ ngôn trên : người quảng gia sắp bị thôi việc, tặng món quà chót với tiền của chủ nhân để kết bạn với những người sau này sẽ trả ơn. Điều này hoàn toàn bất lương nhưng anh ta tìm ra một giải pháp khá mưu mẹo để bảo đảm tương lai. Và cái mẹo ở đây là dùng Tiền Của như một phương tiện chứ không phải là cứu cánh.

Không phải Chúa khen ngợi sự bất lương, nhưng sự khôn khéo. Chúng ta chờ gì mà không dùng những giải pháp khéo léo để bảo đảm tương lai ?... và việc muốn làm ra tiền biến con người có nhiều sáng kiến. Chúa Giê-su cũng muốn nỗ lực của chúng ta cho hoà bình và công lý cũng sẽ biến chúng ta sáng tạo hơn ! Ngày mà chúng ta tận dụng thời gian và chất xám chúng ta để sáng tạo những giải pháp cho hoà bình, công lý và chia sẻ, hơn là dùng nỗ lực ấy để tìm tiền của, ngày ấy bộ mặt của nhân loại sẽ thay đổi. Riêng khi chúng ta dùng bấy nhiêu thời gian cho sự liên đới và chia sẻ bằng thời gian chúng ta kiếm tiền của, nhiều điều có thể được thay đổi rồi!

Tóm lại ý nghĩa bài này có thể phát biểu như thế này : hãy nhất quyết chọn Thiên Chúa và phục vụ Nước Trời như bạn nỗ lực tìm tiền của. Các con của ánh sáng biết rằng Tiền Của chỉ là một việc nhỏ và Nước Trời là việc lớn. Họ phục vụ cho « tiền của » không như phục vụ một thần thiên, nhưng dùng nó cho Nước Trời.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com