Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT XXV TN Năm C (1Tm2, 1-8) 18/09/2016

"Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi người. Ngài muốn cho mọi người được cứu độ."

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông Đồ gởi Ti- mô- thêu.

 

1 Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người,

2 cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh.

3 Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta,

4 Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.

5 Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su,

6 Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.
Điều này đã được chứng thực vào đúng thời đúng buổi.

7 Và để làm chứng về điều này, tôi được đặt làm người rao giảng và làm Tông Đồ -tôi nói thật chứ không nói dối- nghĩa là làm thầy dạy các dân ngoại về đức tin và chân lý.

8 Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc.

 

Câu trung tâm của bài này hẳn là câu sau đây : « Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, 4 Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý». Trung tâm trong nhiều chiều kích : trung tâm của bài vì là trung tâm của tư tưởng Thánh Phao-lô ; và trung tâm vì là điều quan trọng nhất lịch sử loài người. « Chúa muốn cho mọi người được cứu độ ». Mỗi chữ đều có tầm quan trọng của chữ ấy : « Chúa muốn » đó là mầu nhiệm thánh ý Chúa, như Thánh Phao-lô nói trong ( Ep1, 9-10) : « thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. 10 Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn ». Ý Chúa là kế hoạch cứu độ, thiên ý này nhằm tất cả mọi người : «  Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, 4 Đấng muốn cho mọi người được cứu độ ».

Tác giả nhấn mạnh để chúng ta hiểu chiều kích hoàn vũ của Chúa. Tôi xin trình bày lại « Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, 4 Đấng muốn cho mọi người được cứu độ…, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin…cho tất cả mọi người,…Đức Ki-tô Giê-su, 6 Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người ». Trong câu 4, chữ « và » cũng có thể hiểu « tức là »  « 4 Đấng muốn cho mọi người được cứu độ « tức là » nhận biết chân lý ». Sự thật là Thiên Chúa yêu thương chúng ta, luôn ở bên cạnh chúng ta để tràn tình yêu của Ngài cho chúng ta. Được cứu độ là nhận biết sự thật ấy, nhận biết ở đây không bằng tri thức nhưng theo nghĩa Thánh Kinh, tức là sống điều mình tin, lãnh nhận tình yêu Chúa tràn lên chúng ta. Bao giờ con người chưa biết tình Chúa yêu ta, và không sống tình yêu ấy, bấy giờ con người còn như là những tù nhân. Chúa Ki-tô đến, chính là để giải thoát chúng ta. Điều này là ý nghĩa câu 6 : «6 Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người. », vì thế mỗi khi chúng ta thấy trong Thánh Kinh chữ « Giá chuộc »chúng ta có thể thay thế để hiểu bằng « đấng giải thoát ». Chúa Ki-tô đến để loan báo bằng lời nói và hành động tình Chúa yêu con người. Tin vào tình yêu ấy ; sống tình yêu ấy, là được cứu độ.

Vì thế, một lời nguyện thật sự, lời nguyện Chúa có thể chấp nhận được – như Thánh Phao-lô nói – đó là nói với Chúa về kế hoạch của Ngài, thấm nhuần kế hoạch yêu thương ấy để có thể loan báo Tin Mừng ấy tung ra như làn bom nổ. Trong nghĩa này chúng ta có thể so sánh Thánh Lễ ngày chúa nhật như một buổi họp công trường, buổi họp công trường của Nước Trời. Trong đời thường sáng ngày thứ hai chúng ta kiểm tra tiến các công việc chúng ta đang tiến hành. Cũng như thế, mỗi chúa nhật Ki-tô hữu gặp lại để kiểm tra công việc của kế hoạch Thiên Chúa. Và theo bức thư gửi cho Ti-mô-thê, công trường của Thiên Chúa rất rõ ràng, công trường của Thiên Chúa có chiều kích hoàn vũ toàn diện. Cũng vì lẽ ấy phần phụng vụ trước kia gọi là « Lời nguyện giáo dân » ngày nay gọi là « Lời nguyện hoàn vũ », cả hai đều đồng nghĩa.

« Lời nguyện giáo dân » có nghĩa là Lời nguyện của những người có đức tin, tức là lời nguyện của những người tin rằng Chúa là «  4 Đấng muốn cho mọi người được cứu độ ». Vững lòng tin như thế, tin vào tình yêu Thiên Chúa cho cả nhân loại, chúng ta đọc kinh Lạy Cha. Trong kinh này không phải chúng ta nêu lên những gì nhân loại cần đến, cũng như thông báo cho Chúa biết. Công cụ tốt nhất để chuẩn bị Lời Nguyện Giáo Dân có lẽ là một bên tay ta cầm quyển Lời Chúa, tay kia cầm tờ báo trong đó có đủ tin tức trên khắp các lục địa. Trang bị như thế chúng ta có thể lắng nghe Thần Khí cho chúng ta biết thế giới cần những gì , và hướng các nỗ lực chúng ta để thay đổi.

Điều sau cùng đáng chú ý là ở đây chúng ta có một mẫu tuyệt vời lời, kinh Do Thái trước khi có lời kinh Ki-tô, nếu chúng ta biết Kinh Do Thái trong Cựu Ước, kinh này giống nguyên vẹn như lời Thánh Phao-lô : «  lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người ». Không đợi chi đến Tân Ước mới cầu xin - khẩn nguyện - nài xin - tạ ơn cho tất cả mọi người. Cũng không đợi chi đến Tân Ước mới biết dự án Thiên Chúa gồm cả nhân loại. Ngay cả tư thế cầu nguyện hai tay giơ lên trời không phải xuất phát từ Ki-tô hữu. Chúng ta còn nhớ lời nguyện của ông Mô-sê tại Rê-phi-đim trong sa mạc Xi-nai. Lời nguyện Ki-tô hữu đúng là lời nguyện từ người « chị » là lời nguyện Do Thái. Hơn nữa người ta còn tìm thấy nơi các ngôi mộ cổ có những hình tượng điêu khắc nhiều người trong tư thế cầu nguyện này của Mô-sê, còn được gọi là tư thế Ô-ran.

Xin lưu ý trong câu sau cùng Thánh Phao-lô nhấn mạnh, không phải ở tư thế cầu nguyện nhưng trong tâm tình lúc cầu nguyện : «  8 Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc ». Làm sao tham dự vào công trình tình yêu cứu độ của Chúa cho mọi người mà với tâm hồn đầy giận hờn, xung khắc ? Rất có thể ở đây, trong bài này chúng ta nhận ra có dấu hiệu những khó khăn trầm trọng, những đối kháng, những sự chia rẻ, hay cả tình trạng bách hại của cộng đồng nhận lá thư này từ Thánh Phao-lô ? Chúng ta không thể đưa ra những giả thuyết chắc chắn vì không ai biết rõ thư này viết vào thời điểm nào. Ngay cả không biết chính Thánh Phao-lô là tác giả hay không, hoặc một phần hoặc toàn thư ?. Nhưng không cần biết thư này viết vào lúc nào, điều cốt yếu là dù thời nào, dù trong tình cảnh khó khăn nào đi nữa cũng đừng quên Thiên Chúa là : « 4 Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. »

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com