Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG Năm A (Rm 15, 4-9) 04/12/2016

"Chúa Ki-tô cứu rỗi hết mọi người"

Trích thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu thành Rô-ma

 

4 Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy.

5 Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Ki-tô Giê-su đòi hỏi

.6 Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

7 Vậy, anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Ki-tô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa.

8 Thật vậy, tôi xin quả quyết: Đức Ki-tô có đến phục vụ những người được cắt bì, để thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ, đó là do lòng trung thành của Thiên Chúa.

9 Còn các dân ngoại có được tôn vinh Thiên Chúa, thì đó là do lòng thương xót của Người, như có lời chép: Vì thế giữa muôn dân con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa.

 

Đây là một câu đáng viết bằng chữ vàng: « 4 Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy ». Xác tín rằng Lời Chúa chỉ có một mục đích để dạy dỗ chúng ta và là nguồn mạch lòng cậy trông và can đảm, đó là chìa khoá để tiếp cận Thánh Kinh. Một khi chúng ta bắt đầu tiếp cận với một tiên nghiệm tích cực như thế thì các bài sẽ sáng lên. Nói cách khác, Lời Chúa lúc nào cũng là Tin Mừng.

Một cách thực tế, điều này có nghĩa là nếu chúng ta không nhận ra một lời nói nào đó, giải thoát ta là chúng ta chưa hiểu Lời ấy. Nhưng không hiểu không phải là cái tội. Phải tiếp tục cố gắng để khám phá ra Tin Mừng, luôn luôn hiện diện trong Lời Chúa. Khi chúng ta tung hô Lời Chúa trong Thánh Lễ, hay khi chúng ta nói lên: « Phúc Âm (tức là Tin Mừng) Chúa Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta », không phải chỉ là đơn sơ một công thức. Nhưng đó là ý nghĩa của đức tin chúng ta. Như nhà văn La Fontaine nói: « Trong ấy chứa đựng một kho tàng », việc chúng ta phải làm, là đào sâu để khám phá ra.

Không lạ gì Lời Chúa nuôi dưỡng lòng cậy trông chúng ta vì lẽ, rốt cuộc chỉ có một đề tài: loan báo chương trình tuyệt vời của Thiên Chúa, điều Thánh Phao-lô gọi là « Kế hoạch yêu thương của Chúa », tức là những lời yêu thương của Ngài dành cho nhân lọai. Lời tuyên bố long trọng về Sách Thánh mở đầu một lời cảnh báo cụ thể cho các tín hữu thành Rô-ma. Không hiểu ai báo cho thánh nhân biết chuyện gì xảy ra trong cộng đồng này, nơi ngài chưa bao giờ bước chân đến… Nhưng nếu đọc kỹ có thể đoán ra có vấn đề giữa hai phe: những Ki-tô hữu gốc Do Thái và những người gốc dân ngọai. Nhóm thứ nhất vẫn tuân giữ mọi cách giữ đạo Do Thái, nhất là cách ăn uống, những người kia cho rằng những bó buộc ấy đã lỗi thời.

Chúng ta vẫn biết vấn đề này đã nhanh chóng đầu độc những cộng đồng Ki-tô hữu. Tuỳ nơi, tuỳ cộng đồng, điều này tác động cả hai chiều: hoặc những Ki-tô hữu gốc Do Thái muốn áp đặt cách giữ đạo của họ cho những người họ cho là theo ngẫu tượng giáo. Hoặc những Ki-tô hữu đến từ ngẫu tượng giáo, tự cho mình có tư tưởng cao hơn vì thế không bắt buộc phải theo những cách giữ đạo lỗi thời. Hình như trường hợp thứ hai này đã xảy ra tại Rô-ma. Dù sao đi nữa có bất hoà với nhau và có thể có những trường hợp khinh miệt nhau.

Ngay chúng ta trong thế kỷ thứ XXI này cũng không tránh được những tranh luận như thế: các phe phái mang tên khác nhưng ngay trong Giáo hội Công giáo Rô-ma, có nhiều dạng nhạy cảm khác nhau trở thành xung khắc và có khi thật sự trở thành những cuộc tranh chấp. Điều khác ngày nay để tránh xung đột thì mỗi người chọn gia nhập một giáo xứ hay một nhóm nào thích hợp với mình… Không chắc gì về lâu về dài đó là giải pháp ôn hoà nhất.

Ở Rô-ma họ chọn giải pháp khác, đó là chung sống với nhau. Thánh Phao-lô không nói: hãy tránh xa nhau ra, chia cộng đồng làm hai, một bên là tín hữu gốc Do Thái, một bên gốc dân ngoại. Nhưng trái lại thánh nhân khuyên họ chung sống với nhau: « 5 Xin … anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Ki-tô Giê-su đòi hỏi. 6 Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. »

Như thường lệ - ví dụ như trong Thư thứ nhất gửi các tín hữu thành Cô-rin-tô - Thánh Phao-lô muốn cho mỗi bên thay đổi cách hành xử của mình chỉ theo một chủ đích: đó là chọn thái độ xây dựng cộng đồng. Ngài nói đại để như: « Đừng hành động theo sở thích của mình; hãy hành động theo cách thích hợp nhất để xây dựng công đồng ». Ngài dùng động từ « thiết lập », là một từ ngữ dùng trong công trình xây dựng.

Mỗi cộng đồng Ki-tô là một công trình phải xây dựng, ngày qua ngày. Mỗi người chúng ta cũng phải mang lại một chút gì là xi-măng nhẫn nại và chấp nhận lẫn nhau. Trong vài câu trước bài đọc của chúng ta Thánh Phao-lô nói: « 19 Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau » (14, 19) và: « 2 Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng. » (15, 2)    

Như thường lệ, nguyên tắc hành xử của Ki-tô hữu phải bắt chước chính Chúa Giê-su. Ngay trong đọan Thánh Kinh trước bài đọc của chúng ta, Thánh Phao-lô cho chúng ta mẫu gương Chúa Ki-tô đã chỉnh lại cách hành xử của mình không theo sở thích, nhưng để phục vụ anh em. Trong bài này chúng ta đọc: « Đức Ki-tô có đến phục vụ những người được cắt bì, để thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ, đó là do lòng trung thành của Thiên Chúa... Vì thế giữa muôn dân con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa ». Kết luận: hãy chấp nhận lẫn nhau, Do Thái cũng như Dân ngọai nay trở thành Ki-tô hữu, đừng quan tâm gì quá khứ của nhau, hãy hát lên ngợi khen Thiên Chúa, một bên vì lòng trung tín với Ngài, một bên vì lòng thương xót của Ngài.

***

Tác giả: bà Marie Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com