Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT GIÁNG SINH Năm A (Tv96, 1-13) 25/12/2016

"Hôm nay sự sáng chiếu giãi trên chúng ta, và Chúa đã giáng sinh cho chúng ta"

 

1 CHÚA là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên,
vui đi nào, ngàn muôn hải đảo!

2 Mây u ám bao phủ quanh Người,
bệ ngai rồng là công minh chính trực.

3 Ngọn lửa hồng mở lối tiên phong,
đốt tiêu tan địch thù tứ phía.

4 Ánh chớp của Người soi sáng thế gian,
địa cầu trông thấy mà run sợ;

5 núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan
vị Chúa Tể hoàn cầu.

6 Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực,
hết mọi dân được thấy vinh quang Người.

7 Nhục nhã thay ai thờ ngẫu tượng,
huênh hoang vì những vật hư vô này.
Chư thần chư thánh, phục bái Chúa đi!

8 Được biết thế, Xi-on tưng bừng hoan hỷ;
thành thị miền Giu-đa hớn hở nhảy mừng
vì những phán quyết của Ngài, lạy CHÚA.

9 Chính bởi vì Ngài, muôn lạy CHÚA,
là Đấng Cao Cả trên khắp địa cầu,
Ngài trổi vượt chư thần hết thảy.

10 Kẻ yêu CHÚA, hãy ghét điều gian ác,
Người giữ gìn tính mạng kẻ hiếu trung,
giải thoát họ khỏi tay phường độc dữ.

11 Ánh sáng bừng lên chiếu rọi người công chính,
niềm vui làm rạng rỡ kẻ lòng ngay.

12 Trước nhan thánh CHÚA, người công chính hãy vui mừng
tưởng nhớ Thánh Danh mà dâng lời cảm tạ.

 

Dĩ nhiên, ngày nay với ánh sánh của Chúa Ki-tô Phục Sinh, khi chúng ta nói: « Chúa là Vua » chúng ta nghĩ ngay đến Chúa Giê-su. Nhưng bài Thánh vịnh này được sáng tác để ca ngợi Chúa Ít-ra-en. Bây giờ chúng ta hãy bắt đầu suy niệm như bài này được sáng tác.

« CHÚA là Vua hiển trị », từ ngay những chữ này ở đầu bài, chúng ta cũng biết Thánh vịnh này tôn vinh Chúa là vua duy nhất, đức vua mà tất cả các tiểu vương trên trái đất đều phải cúi đầu bái phục! Thiên Chúa là Chúa Duy Nhất, là vua duy nhất… Sở dĩ tất cả Thánh Kinh nhấn mạnh như thế vì điều này không phải hiển nhiên! Chống lại thờ bụt thần luôn là một cuộc chiến quan trọng của lòng tin Ít-ra-en. Chúng ta đọc trong bài này: « Ngài trổi vượt chư thần hết thảy. » trong một câu khác: « Chư thần chư thánh, phục bái Chúa đi! ».

Chúng ta nên rõ, những câu này không phải nhìn nhận có những chúa khác, mà là những đấng thấp hơn : « Hãy nghe đây Ít-ra-en Thiên Chúa, Chúa chúng ta là MỘT », đó là câu đầu của kinh tin kính Ít-ra-en. Những câu như: « Ngài trổi vượt chư thần hết thảy;  Chư thần chư thánh, phục bái Chúa đi! », rất rõ ràng đối với Thánh Kinh. Đấng duy nhất trên đời này xứng cho ta quỳ bái lạy đó là Thiên Chúa, Chúa Ít-ra-en, Chúa Duy Nhất. Tất cả những bái lạy trước những thực thể khác đều là ngẫu tượng. Hơn nữa cũng vì thế mà Chúa Giê-su bị kết án và hành quyết: Ngài dám quả quyết Mình là Thiên Chúa. Như thế là một kẻ phạm thượng, và ai phạm thượng thì phải bị loại ra khỏi dân Chúa chọn (Chúa chọn chính là để loan báo Chúa Duy Nhất cho thế giới).

Cũng phải nói rằng tất cả các dân tộc chung quanh Ít-ra-en đều thờ đa thần. Có lẽ chỉ trừ Ai-cập trong một thời gian ngắn thờ thần duy nhất là Pha-ra-ông, dưới thời A-kê-na-ton khoảng năm 1350 trước CN. Nhưng suốt lịch sử Thánh Kinh, dân Chúa chọn chung đụng thường xuyên với những dân tộc thờ phượng đa bụt thần. Và đức tin Ít-ra-en hơn một lần bị chao đảo… Trong những lúc ấy các ngôn sứ so sánh Ít-ra-en như một người vợ bất trung. Các ngài gọi là ngọai tình, là đĩ điếm… nhưng đồng thời, các ngài cũng trấn an họ vì Chúa luôn tha thứ.

Còn một di tích khác của cuộc chiến chống thờ lạy bụt thần trong Thánh Kinh, đó là những dữ liệu cho các tác giả để xác quyết Thiên Chúa là Duy Nhất. Một biểu trưng đáng kể nhất có lẽ là chương đầu tiên của Thánh Kinh, đó là bài tường thuật cuộc tạo dựng trong chương đầu của Sách Sáng Thế. Sách này được sáng tác do các tư tế trong lúc lưu đày tại Ba-by-lon, tức là vào thế kỷ thứ VI trước CN. Thời ấy ở Ba-by-lon họ tin rằng trên trời có nhiều thần - hơn nữa các thần đối nghịch với nhau - và có những vị muốn tạo con người với ý định làm nô lệ cho họ: hạnh phúc của con người không phải là điều họ quan tâm. Cuộc Tạo dựng được thực hiện từ những gì còn lại của xác một nữ thần quái dị và, con người là một thứ hỗn hợp: nó phải chết nhưng cũng hiện hữu trong người một phần thần thiêng từ xác của một vị ác thần.

Các tư tế phải đánh dấu sự khác biệt hoàn toàn với nững biểu tượng trái ngược hẳn với kế hoạch của Thiên Chúa. Để bắt đầu, phải lặp lại rằng cuộc Tạo Dựng nhất thiết là tốt đẹp: không phải hỗn hợp xác chết quái dị của một thần dữ bị thất trận. Vì thế một câu tuyệt vời được lặp lại như một điệp khúc: « Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. »  Kế tiếp để xác quyết chỉ có một Thiên Chúa, không thể nào lầm lẫn được - để không thờ mặt trời như một thần, mặt trăng như một nữ thần - tác giả còn không màng cho chúng cái tên. Bài chỉ nói: « Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm » (St 1, 14). Mặt trời mặt trăng được quy về chức năng hữu dụng của chúng mà thôi; tóm lại chỉ là hai bóng đèn. Đấy, chúng được đặt về chỗ đứng của chúng! Và cuối cùng, nhất là Thiên Chúa tạo nên con người theo hình ảnh của Ngài, giống Ngài, và ban cho quyền bá chủ các Tạo vật. Phải được Thiên Chúa mạc khải mới có thể tin một điều như thế!

Nơi đây, trong bài Thánh Vịnh này có một điều đánh dấu sự vĩ đại của Chúa Duy Nhất, là cách miêu tả những biến cố xáo trộn quy mô lớn của vũ trụ khi Ngài hiện ra (lửa, ánh chớp, mây, bóng tối, động đất): « 4 Ánh chớp của Người soi sáng thế gian, địa cầu trông thấy mà run sợ ». Mỗi lần chúng ta gặp các cảnh tượng được miêu tả như thế này, đó là cách nhắc lại cuộc gặp gỡ vĩ đại của Mô-sê và Thiên Chúa trên núi Xi-nai.

Sau cùng có một điều rất thú vị trong Thánh Vịnh này là sự đặt kề nhau của hai phần câu đầu: « 1 CHÚA là Vua hiển trị! Hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên »… có nghĩa là vương quốc Thiên Chúa trải dài khắp hoàn cầu, hầu ban hạnh phúc cho loài người, và để địa cầu nhảy mừng lên! Một lần nữa, chúng ta gặp phương diện hoàn vũ rất quan trọng này được mạc khải trong Thánh Kinh: « 6 Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực, hết mọi dân được thấy vinh quang Người. » Tại sao câu này được viết theo văn thể quá khứ ? - Bởi vì các dân tộc đã được thấy các kỳ công Thiên Chúa làm cho dân tộc mình. Nhưng người ta chờ đợi Một Ngày toàn thể nhân lọai cuối cùng nhận ra sự công minh chính trực của Thiên Chúa. Khi ấy mới có thể hát lên rằng: « ngàn muôn hải đảo! 2 Mây u ám bao phủ quanh Người, bệ ngai rồng là công minh chính trực ».

Trong những câu khác, - rất tiếc không được đọc hôm nay - khái niệm Ít-ra-en được chọn, một lần nữa được xác định: « 8 Được biết thế, Xi-on tưng bừng hoan hỷ; thành thị miền Giu-đa hớn hở nhảy mừng vì những phán quyết của Ngài, lạy CHÚA. » (Tv96, 8) Hai phương diện (Ít-ra-en được chọn và cả nhân loại được cứu độ) luôn luôn gắn liền nhau trong Thánh Kinh. Một chiều kích khác cũng luôn luôn hiện diện, đó là niềm vui. Chúng ta còn nhớ, sau khi hoàn tất công trình Tạo Dựng: « 31Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! » (St 1, 31)

***

Tác giả: bà Marie Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com