Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT GIÁNG SINH Năm A (Tt 3, 4-7) 25/12/2016

"Chúa đã cứu độ ta theo lượng từ bi Người"

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

 

4 Nhưng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại.

5 Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới.

6 Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta.

7 Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Ki-tô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời, như chúng ta vẫn hy vọng.

 

Dân đảo Cơ-rê-tơ mang nhiều tiếng xấu thời Thánh Phao-lô. Một thi sĩ bản xứ, Epiménide de Cnossos, vào thế kỷ thứ VI trước CN coi: « Người dân đảo Cơ-rê-tơ là phường dối trá, ngu xuẩn ác độc, bụng bất lương ». Thánh Phao-lô, khi nói về thi sĩ này, ngài cho rằng lời chứng của ông có thực. Thế nhưng từ những người dân đảo Cơ-rê-tơ đầy khuyết điểm này Thánh Phao-lô cố gắng biến họ thành những Ki-tô hữu. Dường như ngài phải khó khăn lắm.

Trong cuộc hành trình truyền giáo thứ ba Thánh Phao-lô mới đến Cơ-rê-tơ để khởi sự công trình truyền giáo như những nơi khác. Sau đó thánh nhân để ông Ti-tô ở lại với sứ mạng tổ chức cộng đồng Ki-tô mới vừa được thành lập. Bức thư cho Ti-tô này gồm những lời khuyên bảo của đấng sáng lập cộng đồng cho người từ nay giữ trách nhiệm ở đấy.

(Vì những lý do về thể văn, từ ngữ và những mốc lịch sử, những nhà chuyên môn về các thánh thư Thánh Phao-lô nghĩ rằng thư gửi cho Ti-tô này (cũng như thư gửi cho Ti-mô-thê) chỉ được viết vào cuối thế kỷ thứ nhất, tức là 30 năm sau khi Thánh Phao-lô qua đời, nhưng trung thành với tư tưởng thánh nhân và để bổ sung công trình của ngài. Vì không thể xác định được, chúng ta tiếp tục xem Thánh Phao-lô là tác giả, vì chính nội dung mới là điều chúng ta quan tâm. Hơn nữa, dù thư này được viết vào thời nào đi nữa, phải tin rằng những khó khăn của dân đảo Cơ-rê-tơ vẫn còn!)

Về nội dung, thư Thánh Phao-lô gửi dân đảo Cơ-rê-tơ đặc biệt ngắn: chỉ vỏn vẹn ba trang và chúng ta đang đọc phần cuối chương 2 (Phần đầu của chương 3 còn được đề nghị cho đêm Vọng Giáng Sinh và Lễ Chúa Giê-su nhận Phép Rửa, năm C). Tất cả những gì trước và sau các phần được đọc này, chứa đựng những lời khuyên hết sức thực tế, dành cho thành viên cộng đồng, già, trẻ, nam hay nữ, chủ nhân và nô lệ. Thánh Phao-lô không quên những người trách nhiệm cộng đồng. Sở dĩ Thánh Phao-lô nhấn mạnh họ phải không có chỗ nào chê trách, thì phải hiểu rằng sự thật điều này không hiển nhiên như thế. « Thật vậy, giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn » (Tt 1, 7). Có một loạt lời khuyên như thế cho ta một khái niệm, thế nào là những tiến bộ cần phải đạt tới: thường thì một nhà có kinh nghiệm sư phạm không thử liều ban cho những lời khuyên bảo, bằng thừa.

Điều thú vị cho chúng ta là cách kể rõ ràng ăn khớp với nhau giữa những lời khuyên có tính cách luân lý với đọan chúng ta đang đọc. Đoạn này, trái lại là một bài tường thuật thần học về mầu nhiệm đức tin, nhưng đối với Thánh Phao-lô phương diện này dẫn đến phương diện kia. Chính Bí Tích Rửa Tội làm cho chúng ta trở nên con người mới. Thánh Phao-lô vừa cho chúng ta một loạt lời khuyên và đưa ra một lý do duy nhất để lý giải là: « ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ », như thánh nhân nói. Hơn nữa ai tò mò tìm trong Thánh Kinh, sẽ thấy trong sách lễ Mi-sa thiếu một chữ quan trọng.

Trong Thánh Kinh bài chúng ta đọc thật sự câu 4 bắt đầu bằng chữ: « vì », (Hãy ăn ở tốt lành) «  ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người ». Điều này có nghĩa là luân lý Ki-tô giáo khởi nguồn bằng sự kiện hội tụ của lịch sử nhân loại: đó là Chúa Ki-tô Giáng Sinh. Khi Thánh Phao-lô nói: « ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ » phải hiểu là: « Thiên Chúa làm Người ». Vì lẽ đó cách chúng ta làm người cũng thay đổi: « Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới » (3, 5).

Kể từ nay bộ mặt thế giới được thay đổi, và từ đó cách chúng ta sống cũng thế. Nhưng cũng tuỳ chúng ta có quan tâm đến sự thay đổi ấy hay không. Và thế giới chờ đợi chúng ta minh chứng điều ấy. Không phải để xứng đáng lãnh nhận điều gì (« 5 Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới. ») nhưng chỉ để làm chứng tá mà thôi. Thiên Chúa Nhập Thể là một Mầu Nhiệm đến tận như thế đó. Thiên Chúa muốn cứu độ cả nhân loại chứ không riêng gì ta mà thôi! « ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người ». Nhưng Ngài cần chúng ta để chu toàn.

Chính vì thế, có thể nói sự thay đổi toàn nhân loại là trong chương trình Thiên Chúa, vì kế hoạch Thiên Chúa dự kiến từ đời đời là hội tụ tất cả chúng ta quanh Chúa Giê-su Ki-tô, khắng khít nhau nên một với Ngài. Tập hợp nhau, nghĩa là vượt qua những điều chia cách chúng ta, những ganh đua, những hận thù, để chúng ta trở nên một! Con đường còn dài, thật vậy người không có đức tin cho rằng đó là ảo tưởng. Nhưng người có đức tin quả quyết như thế vì đó là lời hứa của Thiên Chúa, một xác tín! Thánh Phao-lô cũng nói như thế (trong câu (2, 13) chúng ta không đọc hôm nay): « chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang ». Thật rất thường, chữ «  » ở đây nên hiểu « nghĩa là ». Như thế nên hiểu: « chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, » đó là ngày « Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang ». Đây không phải một cách che mắt không muốn thấy sự thay đổi ấy đến chậm, nhưng đây là một cách tuyên xưng lời kinh tin: chúng ta dám quả quyết tình yêu của Chúa Ki-tô sẽ có tiếng nói cuối cùng.

Sự xác tín, sự chờ đợi ấy là động cơ chính của mọi phụng vụ. Trong nghi thức dâng lễ, các tín hữu không quay về quá khứ, nhưng họ đã là một người duy nhất đứng hướng về tương lai. Đến ngày tận thế, nếu phải có một người làm phóng viên, người ấy sẽ viết: « và họ sẽ đứng lên mọi người như một. Người ấy có tên là Giê-su-Ki-tô. »

***

Tác giả: bà Marie Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com