Lời Chúa CN

PHÚC ÂM Lễ MẸ THIÊN CHÚA (Lc 2, 16-21) 01/01/2017

Alleluia, alleluia!

- Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông,
nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. - Alleluia.

-----------------

"Họ đã gặp thấy Maria, Giu-se và Hài Nhi… và tám ngày sau người ta gọi tên Người là Giê-su"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca

 

16 Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.

17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.

18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.

19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.

20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

 

Bài này mới được nghe, có vẻ như một giai thoại, nhưng thật ra có ý nghĩa thần học thâm sâu: tất cả những chi tiết đều có giá trị.

Trước hết là những người chăn chiên: thời ấy là những người không mấy đáng tin tưởng, những người sống ngoài lề xã hội, nghề họ không cho phép dự lễ ở các nhà nguyện Do Thái và giữ ngày sa-bát. Thế nhưng họ lại là những người đầu tiên được báo tin sự kiện đảo lộn lịch sử nhân loại! Và trên thực tế, họ trở nên những tông đồ đầu tiên, những chứng nhân: họ kể lại, mọi người lắng nghe, họ làm mọi người kinh ngạc!

Tất cả được diễn ra trong một thị trấn nhỏ là Bê-lem - tên này có nghĩa là « nhà của bánh » - và hài nhi lại nằm trong máng cỏ: hình ảnh tuyệt vời của Đấng đến làm của ăn cho nhân loại.

« Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng ». Trái lại, sự kiện này làm cho các người mục đồng nói nhiều, Đức Maria ngắm nhìn và suy gẫm thầm trong lòng. Phải chăng Thánh Lu-ca muốn đối chiếu với thị kiến « Con Người » của tiên tri Đa-ni-en ? Sau thị kiến Đa-ni-en thú thật: « Các tư tưởng của tôi, Đa-ni-en, làm tôi rất xao xuyến; mặt tôi biến sắc. Nhưng tôi giữ những sự ấy trong lòng » (Đn 7, 28). Hẳn đó là cách thánh sử Lu-ca cho diễn ra trước mắt chúng ta định mệnh vĩ đại của hài nhi này.

Hơn nữa tên Ngài đã là một mạc khải mầu nhiệm về Ngài. Giê-su nghĩa là Chúa cứu độ, và sở dĩ không như Thánh Mát-thêu, Thánh Lu-ca không nói nguồn gốc của tên Giê-su, thì ngài cũng đã nói lên điều này bằng cách nhắc lại câu của thiên thần trước đó vài câu: « Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra » (Lc 2, 11). Đồng thời, cũng như thư gửi tín hữu Ga-la-ta viết, Ngài sống triệt để liên đới với dân tộc Ngài: như mọi trẻ em Do Thái, ngày thứ tám Ngài cũng được cắt bì. « người sống dưới Luật Mô-sê để chuộc những ai sống dưới Lề Luật ».

Sau cùng, không thể nào không nhận xét (ở đây cũng như bốn bài đọc trong ngày Lễ) tính kín đáo của nhân vật Maria, trong lúc phụng vụ hiến dâng tên ngày lễ là Maria Mẹ Thiên Chúa. Có lẽ sự im lặng này là một sứ điệp cho chúng ta: vinh quang của Đức Maria chính là trong sự đơn sơ chấp nhận làm mẹ Thiên Chúa, biết hoàn toàn đặt mình, một cách khiêm nhường, phục vụ cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất. Mẹ không phải là trung tâm của Chương trình Cứu độ, trung tâm Chương trình Cứu độ là Chúa Giê-su, đấng mang tên là Chúa Cứu Độ.  

***

Tác giả: bà Marie Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com