Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 Lễ MẸ THIÊN CHÚA (Gl 4, 4-7) 01/01/2017

"Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ"

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Ga-la-ta

 

4 Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật,

5 để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.

6 Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi! "

7 Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.

 

Tôi xin đọc nhanh gọn bài từ đầu. Trước hết chúng ta thấy: « 4 Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới ». « Hồi viên mãn »: đối với những tín hữu Do Thái Giáo và sau này Ki-tô Giáo là một khái niệm rất quan trọng của đức tin. Thật vậy, lịch sử không phải là một cuộc bắt đầu lại bất tận, nhưng là hành trình tiệm tiến của nhân loại đi tới hoàn tất, hướng đến thực hiện kế hoạch Thiên Chúa, « kế họach yêu thương của Thiên Chúa ». Đây là đề tài chính yếu trong các thư Thánh Phao-lô, và thiết tưởng đây là cái chìa khóa để đọc khi tiếp cận các thư ấy, không chỉ những bài từ Thánh Phao-lô: thực ra đó là chìa khóa để đọc tất cả Thánh Kinh kể từ Cựu Ước.

« Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật » trong vài chữ Thánh Phao-lô miêu tả cho chúng ta toàn thể mầu nhiệm ngôi vị Chúa Giê-su: Con Thiên Chúa, người như mọi người, Do Thái như mọi người Do Thái. Cụm chữ « con một người đàn bà » được thấy rất thường trong Thánh Kinh, và chỉ muốn nói « một người như mọi người ». Chúng ta tìm thấy trong (G1 4, 1); (Hc 10, 18); (Mt 11, 11); (Lc 7, 28); (G1 5, 14; 25,4). « sống dưới Lề Luật » có nghĩa là chấp nhận kiếp sống con người như dân Ngài.

« để chuộc ». Chữ này chúng ta đã gặp qua nhiều lần - và biết có nghĩa là giải thoát, giải phóng, « để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử »… không phải sống dưới Lề Luậtlàm nghĩa tử… có một giai đoạn phải trải qua. Một người sống dưới Lề Luật là một người sống theo lệnh truyền: như một nô lệ. Người con thì sống trong tình yêu và cậy trông: có thể vâng lời cha, nghĩa là đặt tai dưới lời của cha, vì tin cậy nơi cha; vì biết lời cha nói ra chỉ vì tình yêu. Tác giả nhấn mạnh, chúng ta đi từ sống theo Lệnh Truyền, đến vâng lời như những người con.

Sự biến chuyển qua thái độ người con, tin tưởng vào cha mình, sở dĩ chúng ta có thể biến chuyển như thế là nhờ: « Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Áp-ba, Cha ơi! », Cha theo tiếng A-ram. Tiếng thét duy nhất có thể cứu chúng ta, trong mọi tình huống, đó là chữ « Áp-ba », Cha, đó là tiếng kêu thét của một đứa trẻ. Xác tín rằng, dù trong tình huống nào đi nữa Thiên Chúa là Cha đối với chúng ta, và Ngài chỉ có thể nhân từ đối với chúng ta, Chúa Ki-tô đến sống giữa chúng ta, đó là thái độ người Con đối với Cha, thay mặt cho chúng ta.

Thánh Phao-lô còn tiếp: « anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa ». Phải hiểu chữ này theo nghĩa thật mạnh. Thừa kế, có thể hiểu rằng tất cả những gì của Ngài được hứa dành cho chúng ta. Thế nhưng phải can đảm mới dám tin như thế… đó mới là vấn đề cho chúng ta. Tôi nghĩ khi Chúa xem chúng ta như « những người kém lòng tin! » (Mt 8, 26), là Ngài muốn nói lên điều ấy: chúng ta không dám tin sức mạnh của Chúa ở trong chúng ta, chúng ta không dám tin những gì của Ngài là của ta, tức là khả năng tình yêu của Ngài ở trong ta.

Hẳn các bạn cho tôi kiêu căng mới cả quyết như thế! Nhưng không, Thánh Phao-lô cũng nói rõ: « đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa »: chúng ta không cần phải xứng đáng mới được như thế, nếu không thì không hi vọng gì- nhưng chỉ vì nhờ ơn Chúa, một cách nhưng không. Tôi bắt đầu hiểu tại sao có câu « tất cả là hồng ân ».

***

Tác giả: bà Marie Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com