Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH Năm A (Is 60, 1-6) 08/01/2017

"Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi"

Trích sách Tiên tri I-sa-i-a

 

1 Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi.

2 Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân;
còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.

3 Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.

4 Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem,
tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi:
con trai ngươi từ phương xa tới,
con gái ngươi được ẵm bên hông.

5 Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ,
lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ,
vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả,
của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.

6 Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha:
tất cả những người từ Sơ-va kéo đến,
đều mang theo vàng với trầm hương,
và loan truyền lời ca tụng ĐỨC CHÚA.

 

Có thể tin rằng dường như tiên tri I-sa-i-a đã dự trù các nhà chiêm tinh đến thăm tại Bê-lem. Đọc bài này trong dịp lễ Hiển Linh thật cám dỗ để tin như thế. Nhưng không, I-sa-i-a, như mọi khi nói cho những người đương thời. Hơn nữa ngài không nói về Bê-lem, một thị trấn nhỏ không đáng chi, nhưng về Giê-ru-sa-lem. Ngài dự trù một tương lai vinh quang. Và khi tôi nói « vinh quang », từ này không quá đáng đâu!

Có ánh sáng trong mỗi câu: các bạn có nhận xét chăng những từ ngữ biểu hiện ánh sáng và bóng tối; những từ ngữ đối chiếu với ánh sáng suốt đọan này? « Vì ánh sáng của ngươi đến rồi; Kìa bóng tối bao trùm mặt đất; ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả; Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi; vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi ». Ánh sáng của Giê-ru-sa-lem chiếu đến nỗi làm lu mờ đi những nơi khác; cạnh Giê-ru-sa-lem tất cả có vẻ tối tăm: « Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi » 

Chúng ta quen cách phát biểu như thế của các ngôn sứ. Khi các ngài hứa sẽ có ánh sáng tức là lúc ấy không mấy được ánh sáng chiếu; sự thật về mặt tinh thần, mọi người còn đang trong đêm tối. Cách nói như thế không phải nói dân chúng đang sảng khóai, nhưng trái lại đang thật sự u buồn: có trong đêm tối, mới chờ dấu hiệu của bình minh. Và chính vai trò của ngôn sứ là đem lại can đảm, nhắc lại ngày sẽ đến.

Sứ điệp của I-sa-i-a hôm nay là: anh em có cảm tưởng như trong con đường hầm, nhưng ở cuối đường là ánh sáng. Hãy nhớ lại lời hứa: ngày ấy sẽ đến, mọi người sẽ nhận ra Giê-ru-sa-lem là Thành Thánh. Kết luận: đừng buông tay, hãy bắt đầu làm việc, hãy dồn hết sức lực xây lại Đền Thờ, như các bạn đã hứa.

Hẳn các bạn muốn nói với tôi, ngôn sứ I-sa-i-a đâu nói rõ như thế. Thật vậy nhưng chúng ta được thông báo rõ hơn nhờ tiên tri Khác-gai. Nhờ ngài chúng ta biết việc dân từ Ba-by-lon về không đáp ứng mọi chờ đợi. Những người bị lưu đày đã về, đúng thế nhưng đừng tưởng mọi sự tốt đẹp như mọi người nghĩ. Trước hết có những kẻ đã ở lại sống khá vất vả trong thời gian chiến tranh và lúc đất nước bị chiếm đóng. Và chắc chắn rằng của cải những kẻ lưu đày bị chiếm giữ, khó tránh được. Cuộc lưu đày kéo dài 50 năm chứ có ít gì! Kế đến, những người bị đày trở về mong tìm lại chỗ đứng của họ, tìm lại của cải trước kia. Thế nhưng cuộc lưu đày kéo dài 50 năm, có nghĩa là phần đông những người ra đi đã chết bên ấy, những người trở về là con hay cháu của họ. Cuộc hội ngộ không đơn giản chút nào… Sau cùng còn có những người xứ ngoài đến cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, và ở khắp xứ, trong bối cảnh mọi sự bị đảo lộn như thế có những tập quán, những tôn giáo khác được hội nhập. Nói tóm lại, thế giới ấy không mấy thích hợp để sống chung với nhau…

Lý do chính yếu để chia rẽ là việc xây lại Đền thờ. Vì ngay lúc những người đi đày trở về - vua Ky-rô cho phép năm 538 - những người đầu tiên lập lại bàn thờ cũ trong Đền Giê-ru-sa-lem và khởi sự cử hành phụng tự như xưa. Đồng thời chính họ khởi sự xây lại Đền thờ. Bầu khí sốt sắng và xúc động cao độ, tiếng cười và nước mắt lẫn lộn. Sách Ét-ra kể rằng: « Không ai có thể phân biệt được tiếng reo hò vui sướng với tiếng khóc của dân, vì dân lớn tiếng reo hò và tiếng họ vọng đi xa » (Er 3, 13) 

Thì lại xảy đến, những người bị xem như lạc giáo muốn xen vào. Làm cho cộng đồng siết chặt lại với nhau và từ chối sự giúp đỡ ấy, nguy hiểm cho đức tin. Đền thờ của Chúa Duy Nhất không thể để cho những người khác xây, sau này họ lại muốn cử hành các phụng tự khác! Như dự đoán, sự từ chối này gây bất bình trầm trọng, và từ nay những người bị đuổi khéo, làm tất cả để phá rối. Hết, không còn công trường, không còn mộng xây lại Đền Thánh! Năm này đến năm khác trải qua, mọi người nản lòng: ngày trở về xứ bao nhiêu năm chờ đợi, nay đáng thất vọng.

Nhưng nản lòng, thối chí là không xứng đáng với dân tộc mang lấy lời hứa của Thiên Chúa. Vì thế, vào năm 520 trước CN, khoảng giữa mùa thu, ngày chót của Lễ Lá có một ngôn sứ - được ít người nói tới, chỉ rao giảng trong 6 tháng, sách của ông rất ngắn (3 trang trong Thánh Kinh chúng ta) - tiên tri Khác-gai quyết định lay tỉnh dậy các đồng hương của ông. Đề tài của ngài là: hết rồi, đừng than vãn nữa, hãy bắt tay vào việc, xây lại Đền Giê-ru-sa-lem. Và ngài nói tương tự như những gì chúng ta nghe từ ngôn sứ I-sa-i-a, và chính ngài cho chúng ta có thể tưởng tượng bối cảnh nào ngôn sứ I-sa-i-a nói với chúng ta trong bài.

Để lên tinh thần quân ta, hai vị ngôn sứ chỉ có một lập luận, nhưng thật vững chắc: Giê-ru-sa-lem là Thành Thánh, thành được Chúa chọn, và để dấu chỉ sự Hiện Diện của Ngài hiện hữu. Vì lẽ chính Thiên Chúa đã cam kết với vua Sa-lô-môn, lấy quyết định: « … xây một ngôi nhà kính danh ĐỨC CHÚA » (1Sb 22, 7), mà ngày nay, nhiều thế kỷ đã qua, ngôn sứ I-sa-i-a dám nói với những người đồng hương: « 1 Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi. » Và ở cuối bài các dân tộc tập hợp nhau lại không lầm; họ hát lên bài ca tán tụng, bài ca không dành cho thành phố hay dân chúng mà tán tụng Thiên Chúa: « tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng ĐỨC CHÚA. » Năm này đến năm khác, cử hành lễ Hiển Linh nhắc lại chúng ta dự án vĩ đại của Thiên Chúa cho tất cả nhân loại. Phần chúng ta hãy biết nhận định, như tiên tri I-sa-i-a, những tia sáng đầu tiên của bình minh giữa đêm của chúng ta.

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com