Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT II MC Năm A ( Tv32, 4-5.18-20. 22) 12/03/2017

"Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài".

 

4 Vì lời CHÚA phán quả là ngay thẳng,
mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.

5 Chúa yêu thích điều công minh chính trực,
tình thương CHÚA chan hoà mặt đất.

18 CHÚA để mắt trông nom người kính sợ Chúa,
kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương,

19 hầu cứu họ khỏi tay thần chết
và nuôi sống trong buổi cơ hàn.

20 Tâm hồn chúng tôi đợi trông CHÚA,
bởi Người luôn che chở phù trì.

22 Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy CHÚA,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

 

(c5) «… tình thương CHÚA chan hoà mặt đất » phải có lòng tin vững vàng mới có thể thốt lên câu này! Có lẽ đây mới là đặc điểm của người tín hữu: trải qua suốt cuộc sống của họ, trong ấy niềm vui có, thử thách cũng có, dù thế nào đi nữa mặt đất vẫn chan hòa tình thương của Chúa. Phải mất một chặng đường dài được Mặc Khải, nhân loại mới khám phá ra một sự thực nền tảng, đó là: Chúa là tình yêu, và mặt đất (hiểu ở đây là mọi tạo vật) chan hòa tình yêu của Ngài. Thực ra (tôi nhận xét có một mối liên quan tuyệt vời giữa những bài đọc của chúa nhật Mùa Chay thứ hai này với chúa nhật thứ nhất), khi tác giả sách Sáng thế nói về A-đam là nói về con người, trước khi được mặc khải tình yêu Thiên Chúa, một người sống trong tình yêu ấy mà không hề ý thức.

Tôi xin trở lại câu truyện vườn Địa Đàng, chúng ta đã đọc trong chúa nhật thứ nhất Mùa Chay năm nay: con người biết mình được tạo dựng để sống và thống trị một « mảnh vườn tuyệt vời » (đó là ý nghĩa của « vườn Địa Đàng ») nhưng chỉ vì ngờ vực giới răn Thiên Chúa làm cho con người lạc mất con đường dẫn đến cây trường sinh, mặt dầu đã được dành cho ông. Hẳn các bạn còn nhớ câu truyện có nói rõ: trong vườn ấy Chúa cho « mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác » (St 2, 9). Tất cả các thứ cây ấy đều có thể ăn trái chỉ trừ « cây cho biết điều thiện điều ác ». Thì ở đây, tác giả ngụ ý nói trong bài tường thuật, khi Chúa cảnh báo A-đam đừng ăn trái của cây cho biết điều thiện điều ác, lẽ ra con người và người đàn bà phải tin cậy, phải hiểu rằng đó là để tránh cho họ sự dữ.

Hẳn các bạn biết câu của nhà triết học Kierkegaard: ngược lại với tội lỗi không phải là nhân đức mà là đức tin, (lòng cậy trông). Chính vì lòng cậy trông ấy đã khiến cho ông Áp-ra-ham bỏ xứ mà ra đi, ra đi chỉ vì một lệnh của Chúa; nhưng thực ra, một lệnh có ghép với một lời hứa hạnh phúc… Tuy nhiên muốn phó thác cả đời mình vì những lời hứa, cũng phải có lòng cậy trông hoàn toàn vững vàng. Cũng phải tin rằng ông Áp-ra-ham đã nghe rõ lời Chúa nói «  Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi … Ta sẽ làm cho ngươi ... » (St 12, 1b-2a), có nghĩa là ta gọi ngươi vì ngươi, vì quyền lợi của ngươi. Vấn đề của A-đam là đã tin trái ngược lại, tưởng rằng lệnh của Chúa có ý định xấu. Và suốt lịch sử của dân Chúa chọn, dao động giữa hai thái độ, lúc thì tin tưởng vững vàng nơi Chúa của mình, ý thức rằng cùng đích trung tín với những giới luật Chúa là hạnh phúc vì sở dĩ Chúa ban cho Lề Luật là để cho con người hạnh phúc. « Vì lời CHÚA phán quả là ngay thẳng » đó là (c4) của bài Thánh vịnh hôm nay, đó là lời của lòng tín thác. Lúc khác thì trái ngược lại, dân chúng phản đối, nghe theo bụt thần: trung thành với Chúa làm chi, nghe theo Lề Luật làm chi ? Quá khắc khe và vì lý do gì mà phải theo ? Ai có thể bảo đảm rồi sẽ hạnh phúc ? Chúng tôi muốn tự do, muốn làm gì thì làm… chỉ vâng lời chính mình.

Tác giả bài thánh vịnh biết rõ những dao động của dân Chúa. Mời gọi họ trở lại dìm lòng xác tín, vào đức tin, đó là con đường duy nhất để xây dựng hạnh phúc lâu dài. Lòng xác tín vào đức tin ấy dựa vào một trải nghiệm qua nhiều thế kỷ. Có thể nói chính vì ta đã có nhiều thử thách nhưng « mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin » (c4). Trong nguyên ngữ bài này chữ « làm » có nghĩa mạnh hơn trong tiếng Pháp: từ « làm » của Thiên Chúa, là kỳ công của Ngài, công trình cứu độ dân Ngài. Thật sự, qua kinh nghiệm dân Chúa chọn, có thể nói: « CHÚA để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, » (c18) vì Chúa trông nom họ như Người Cha trông nom con mình, như sách Đệ Nhị Luật nói lúc qua hoang địa sau khi giải phóng khỏi Ai-cập.

Các bạn hẳn đã chú ý cụm chữ « người kính sợ Chúa » được giải thích trong câu kế tiếp: đó là những « kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương ». Thật xa với sự sợ hãi, còn trái ngược lại! Hẳn các bạn cũng còn nhớ, qua câu 13 thánh vịnh 102 ( 103) chúng ta đã gặp một định nghĩa khác của kính sợ Thiên Chúa, đó là thái độ tin tưởng của người con đối với lòng trìu mến, yêu thương của cha mình « Như người cha chạnh lòng thương con cái, CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn ». Tác giả thánh vịnh còn tiếp trong bài hôm nay « hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn. » (c19). Một lần nữa ở đây, chính kinh nghiệm nói lên; không thể nào còn sống nếu Chúa không can thiệp, mà cũng không sao còn sống lúc phải đi xuyên qua sa mạc. Còn « buổi cơ hàn » ở đây hẳn là ngụ ý nói đến bánh Ma-na Chúa đã cho rơi xuống đúng lúc trong thời Xuất Hành, khi nạn đói bắt đầu đe dọa. Trải nghiệm về sự quan tâm của Thiên Chúa, tất cả dân Chúa chọn có thể chứng minh điều ấy suốt mọi thời đại, và một khi hát: « mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin » là lúc nhắc lại tên của Ngài: « Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín » (Xh 34, 6) đã được mặc khải cho ông Mô-sê.   

Bài thánh vịnh 32 bắt đầu bằng: « Người công chính, hãy reo hò mừng CHÚA, kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen ». Đây là một bài ca hoan hỉ, ngợi khen « Người công chính » - tiếng Do thái gọi là hassidim - là những người sống trong mối quan hệ Giao Ước với Thiên Chúa, quan hệ cậy trông và yêu thương. Toàn bài thánh vịnh ca ngợi những lý do của sự ngợi khen:  tình yêu của Ngài luôn luôn thể hiện, Lời Chúa, giải thoát khỏi Ai-cập, được nâng đỡ trong mọi cuộc chiến … Thiên Chúa lúc nào cũng đồng hành với con cái Ngài và đặc biệt trong cơn thử thách. Chúa chăm chút những kẻ trông cậy nơi Ngài, những kẻ phó thác vào Ngài.

Định nghĩa của từ « kính sợ Chúa » được rõ ràng nhờ sự đối xứng của đoạn thứ hai: những kẻ kính sợ là những những ai đặt hết hy vọng vào tình yêu của Ngài, « cứu họ khỏi tay thần chết » (c19) (không phải sự chết thể lý); có thể tin cậy nơi Ngài: « Vì lời CHÚA phán quả là ngay thẳng… đáng cậy tin » (c4). Cũng đừng quên hai từ đồng nghĩa: « lời CHÚA » và « việc Chúa làm »: Chúa nói gì thì làm như thế! Và đây là nguồn cậy trông tốt đẹp nhất cho chúng ta: « dự án cứu độ của Chúa không chỉ là một lời hứa, là một thực tế đang được xây dựng ». Cả bài Thánh Vịnh là lời cổ vũ cho lòng cậy trông, bởi vì: « tình thương CHÚA chan hoà mặt đất ».

Đoạn cuối là một lời nguyện xin được cậy trông: « Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy CHÚA, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài ». Và chúng ta cũng hiểu nghĩa cách phát biểu trong cấu trúc ngữ pháp này: đây không phải một xác tín. Không phải « tình thương luôn đổ xuống chúng con » nhưng là lời mời gọi tín hữu mở lòng lãnh nhận tình thương ấy.

Trong câu 22 có cụm chữ: « chúng con hằng trông cậy ». Đây là chiều kích sau cùng của bài thánh vịnh: sự chờ đợi của dân tộc Ít-ra-en. Chúng ta nên chú ý những từ « chờ đợi, hi vọng, cậy trông ». Chính trong lòng cậy trông ấy người Tôi Trung kín múc năng lực: không phải năng lực của chính mình mà do Chúa ban cho.

***

 Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com