Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN II PHỤC SINH Năm A (Cv 2, 42-47) 23/04/2017

"Tất cả mọi kẻ tin, đều sống hòa hợp với nhau và để mọi sự làm của chung."

Trích sách Tông Đồ Công Vụ

 

42 Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.

43 Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ.

44 Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung.

45 Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.

46 Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.

47 Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.

 

Có lẽ câu quan trọng nhất bài này là câu sau đây: « Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ » (c47b). Chính Chúa cho họ vào! Còn phần chúng ta, Chúa gọi chúng ta làm gì ? Có lẽ chỉ vỏn vẹn sống như những cộng đồng Ki-tô, xứng với danh nghĩ đó. Vì thế Thánh Lu-ca vừa cho chúng ta chương trình sống đời sống Ki-tô như chúng ta vừa nghe. Nếu tôi không lầm tôi tính ra có bốn điểm: nghe lời giảng dạy các Tông Đồ, sống hiệp thông tình huynh đệ, tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện. Tôi xin suy nghĩ từng điểm một.

Thứ nhất nghe các Tông Đồ giảng dạy. Trong những năm sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su, không có những minh chứng được viết ra dưới hình thức Phúc Âm hay thánh thư các tông truyền; những bài viết đầu tiên chỉ từ khoảng chừng năm 50. Có một khoảng thời gian khá dài việc loan truyền đức tin chỉ dựa vào những chứng nhân truyền khẩu của các Tông Đồ. Ngay cả đến ngày hôm nay, lời nói thật khiêm nhu của các tín hữu Ki-tô hay thái độ của họ trong cuộc sống - trong gia đình, trong sở làm, trong các hội đoàn - còn có giá trị hơn những bài giáo lý. Dù sao việc tìm về cội nguồn đức tin của chúng ta, hoặc bằng các bài viết hay truyền khẩu, vẫn là nhu cầu cốt tử, chúng ta vẫn biết rõ như thế. Có biết bao nhiêu người trong chúng ta không có thức ăn thiêng liêng từ khi rước Lễ trọng thể (ngày nay gọi là ngày tuyên xưng đức tin), khám phá ra sự trơ trụi, bất lực trước những vấn nạn của cuộc sống cho chính họ, hay cho những người thân.

Điều thứ hai luôn luôn hiệp thông với nhau. Chính từ: « Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau » (Ga 13, 35), Chúa Giê-su nói. Giáo huấn này càng rõ, càng bị quên lãng. Chúng ta không được đòi hỏi gì khác thường, chỉ có lòng thương yêu nhau; đấy là điều đánh giá chúng ta, một lần dứt khoát, những cuộc cãi nhau và những điều nói xấu nhau, những cố chấp của chúng ta và những khi chia rẽ nhau. Sự hiệp thông trong tình huynh đệ ấy được thể hiện một cách cụ thể, khi tôi nghe Thánh Lu-ca nói: « Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. » (c44-45).

Điều thứ ba: siêng năng tham dự lễ bẻ bánh. Đó là ngôn ngữ thời ấy để nói đến Thánh Lễ ngày nay của chúng ta. Dĩ nhiên họ không làm trong Đền Giê-ru-sa-lem mà trong nhà của họ. Phần sau của bài nói rõ điều này: « Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia » (c46). Thánh Lu-ca nêu lên việc bẻ bánh như một đòi hỏi của đời sống cộng đồng. Điều này muốn nói lên ít nữa ba điểm: chẳng những thực hiện bí tích Thánh Thể là thiết yếu cho mỗi chúng ta trong đời sống đức tin, nhưng còn cốt yếu hơn nữa, cộng đồng thiếu mất đi một thành viên nếu tôi không tham dự thường xuyên bí tích Thánh Thể. Cuối cùng, một cộng đồng bị thiệt thòi trầm trọng một khi bị cất đi nguồn lực thường xuyên ấy: điều này dĩ nhiên đặt tất cả vấn đề cho các cộng đồng Ki-tô không có linh mục, có khi đã từ lâu, trong lúc những giáo xứ trong các thành phố lớn, chúng ta phải tạo cả một bộ mẫu giờ Lễ để thoả mãn mọi đòi hỏi. Chúng ta phải khâm phục tính năng động của đức tin những anh em chúng ta trong những nước ít may mắn hơn ở điểm này.

Điểm thứ tư, cầu nguyện. Trên thực tế Thánh Lu-ca nói: « Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. » (c46). Bài này đem lại hai lời giải thích rõ ràng. Trước tiên, những Ki-tô hữu đầu tiên không vì thế mà không còn là người Do Thái; họ tiếp tục sống trung thành với Do Thái giáo và vẫn theo nhịp cầu nguyện chung của cộng đồng. Chúng ta biết rằng lời cầu nguyện của Do Thái luôn luôn có hai phương diện song song, ngợi khen và xin ơn. Thâm sâu hơn, điều này nhắc nhở chúng ta: liên hệ với Chúa luôn luôn là quan hệ với dân của một dân tộc; chúng ta có thể trắc nghiệm trong mỗi thánh vịnh. Hay có thể nói, lời cầu nguyện luôn ở chủ từ « số nhiều »: ngay khi chúng ta cầu nguyện riêng trong góc phòng, chúng ta cũng cầu nguyện liên đới  với anh em chúng ta, vì chúng ta là một với Chúa Giê-su Ki-tô. Không phải là điều hiển nhiên mà trong bài kinh Chúa Giê-su dạy chúng ta đọc « Lạy Cha chúng con… ».

Họ « ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ », điều này nói lên sự cố gắng thường xuyên, chăm chỉ nhưng không nhất thiết là hoàn hảo. Nhiều đọạn khác trong sách Công Vụ chứng minh có những thiếu xót. Nhưng đối với Thánh Lu-ca đó những tiêu chuẩn của đời sống đích thực người Ki-tô: có thể nói, đây là một cuộc xét mình qua bốn điểm trong đời sống người Ki-tô, hay đúng hơn là cách đánh giá những cộng đồng của chúng ta. Không thể có một đời sống Ki-tô đích thực nếu không có sự về nguồn thường xuyên đức tin chúng ta; không có đời sống hiệp nhất trong tình huynh đệ; không thực hiện thường xuyên bí tích Thánh Thể; không có cầu nguyện cộng đồng. Như thế vừa đòi hỏi cố gắng nhiều nhưng cũng vừa đem lại bình tâm…

Rất đòi hỏi cố gắng, bởi vì chắc chắn không một ai trong chúng ta có can đảm nói trung thành với cả bốn điểm trên; bình tâm bởi vì đó là những tiêu chuẩn trắc nghiệm cho một cộng đồng, hơn là cho cá nhân từng người chúng ta. Trong đời sống mọi người cũng có những lúc thiếu xót điểm này hay điểm nọ, và cộng đồng bổ sung cho những khiếm khuyết của những thành viên của mình, gần giống như trong đêm Phục Sinh, tất cả những ngọn nến cá nhân thấp lên là hình ảnh của đức tin chung của cộng đồng. Và nếu nến tôi tắt, thì người bên cạnh thắp lại cho tôi.

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com