Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CN XII TN Năm A (Tv68, 8-10.14 và 17. 33-35) 25/06/2017

"Lạy Chúa xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi."

 

8 Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thoá mạ,
chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày.

9 Anh em nhà kể con như người dưng nước lã,
hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi.

10 Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân.
Lời kẻ thoá mạ Ngài, này chính con hứng chịu.

14 Lạy CHÚA, phần con xin dâng Ngài lời nguyện,
lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân.
Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày,
vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ.

17 Lạy CHÚA, xin lấy lòng nhân hậu mà đáp lại lời con;
xin mở lượng hải hà mà đoái thương nhìn đến.

33 Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên,
người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi.

34 Vì CHÚA nhận lời kẻ nghèo khó,
chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm.

35 Ca tụng Chúa đi, hỡi trời cao đất thấp,
hỡi biển sâu cùng hải vật muôn vàn!

 

Hay, thật là hay, tác giả bài thánh vịnh tin chắc vào câu cuối (« Vì CHÚA nhận lời kẻ nghèo khó, chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm » c34) nghĩ như thế mới có thể sáng tác mấy câu trước đó. Lý do là bài thánh vịnh này chính là tiếng kêu cầu khẩn của một kẻ khốn cùng, một người bị xúc phạm, có thể đang bị cầm tù. Có vẻ như một tín hữu bị bách hại vì lòng tin của mình, bởi có câu: « Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thoá mạ, chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày. Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân. Lời kẻ thoá mạ Ngài, này chính con hứng chịu » (c8,10)

Bách hại, than ôi bách hại là một tình trạng thông thường ở Ít-ra-en. Một đàng thì các ngôn sứ đều bị bách hại giữa lòng dân tộc của họ: đó là trường hợp của Giê-rê-mi-a (x Bài đọc 1) và các ngôn sứ khác cũng như thế. Đàng khác, và chủ yếu là dân chúng bị bách hại bởi những dân tộc khác. Nghĩ cho cùng, không lạ gì dân được Chúa chọn làm ngôn sứ cho Ngài, phải lãnh số phận như các ngôn sứ cá thể.

Thế nhưng tại sao một ngôn sứ ít khi nào chết trên giường bệnh ? Tại sao phải chịu hỗ thẹn, chịu những lời thoá mạ ? Cũng như sau này Chúa Giê-su nói: « Con Người phải chịu đau khổ nhiều » (Lc 9, 22). Tại sao không thể tránh được ? Có thể nói một ngôn sứ là người thông dịch của Chúa, ngôn sứ là môi miệng của Chúa, vì các ngài tuyên xưng Lời của Chúa. Thế nhưng ta biết rằng: « Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta » và luôn luôn có một khoảng cách giữa tư tưởng của chúng ta và tư tưởng của Thiên Chúa như khoảng cách giữa trời và đất, như sách I-sa-i-a nói (Is 55, 8,9). Nếu người ngôn sứ nói lên tiếng vang trung thành của tư tưởng Thiên Chúa, thì lúc nào cũng mâu thuẫn với gần như mọi người; lúc nào các ngôn sứ cũng bị lên án là đi ngược dòng với đời. Lời của các ngài, có khi sự hiên diện của ngài chỉ là một lời gọi công lý, lời gọi thánh thiện (theo nghĩa thương yêu anh em mình), lời gọi sống quảng đại, chia sẻ ... những điều chúng ta không muốn nói tới. Nói những lời hay ý đẹp, rất dễ, nhưng các ngôn sứ ít khi nói lời lẽ êm tai, các ngài kêu gọi tu chỉnh cuộc sống, đó mới là điều gây phật ý. Lời rao giảng của các ngôn sứ thật sự giống như những đèn rọi, soi thẳng vào những góc kẽ đời chúng ta và đặc biệt thái độ chúng ta đối với tha nhân. Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta chọn tắt đi ánh sáng chiếu soi ấy.

Có những lúc, sự đối kháng tràn ngập người ngôn sứ. Ông Mô-sê có những lúc thối chí; Ê-li-a van xin được chết; Giê-rê-mi-a tiếc được sinh ra. Đây là vài hàng soi sáng Bài đọc Một của Chúa nhật này:

«14 Thật đáng nguyền rủa ngày tôi được sinh ra.
Ngày mẹ tôi sinh ra tôi không đáng được chúc lành.

15 Thật đáng nguyền rủa kẻ làm cho cha tôi hớn hở mừng vui
khi báo tin cho người:
"Một người con, một bé trai đã được sinh ra cho ông."

16 Chớ gì kẻ đó giống như các thành
bị ĐỨC CHÚA phá đổ, không chút xót thương.
Chớ gì sáng sớm nó nghe tiếng kêu cứu,
và giữa trưa nghe tiếng hò xung trận.

17 Tại sao tôi đã không chết ngay trong lòng mẹ
để mẹ tôi nên nấm mồ chôn tôi,
và lòng bà cưu mang tôi mãi mãi?

18 Tôi đã lọt lòng mẹ để làm chi?
Phải chăng chỉ để thấy toàn gian khổ, buồn sầu,
và thấy cuộc đời qua đi trong tủi hổ?
» (Gr20, 14-18)

(Nhân dịp này xin lưu ý đoạn thánh vịnh hôm nay rất giống sách Gióp). Người hát thánh vịnh (trong những câu không có trong phụng vụ chúa nhật hôm nay) tự sánh mình như một người sắp chết đuối, hụt chân và không còn sức để trèo lên: « Con bị lún sâu xuống chỗ sình lầy, chẳng biết đứng vào đâu cho vững, thân chìm ngập trong dòng nước thẳm, sóng dạt dào đã cuốn trôi đi. » (c3) (Nghe câu này chúng ta có cảm tưởng như nghe tiên tri Giô-na)

Nhưng dù dưới đáy sâu của vực thẩm, một ngôn sứ thật không mất lòng cậy trông: những Lời đã gây bao gian truân nay lại là Lời nâng đỡ cho chính mình. Bài thánh vịnh chúng ta vừa đọc, sau một loạt than vãn, trở thành một lời nguyện để sau cùng kết thúc bằng lời tạ ơn, vì ngôn sứ quả quyết, dù gì đi nữa ngài sẽ được nhậm lời.

« Lạy CHÚA, phần con xin dâng Ngài lời nguyện,
lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân….2 Lạy Chúa Trời, xin cứu vớt con, vì nước đã dâng lên tới cổ.

Con bị lún sâu xuống chỗ sình lầy,
chẳng biết đứng vào đâu cho vững,
thân chìm ngập trong dòng nước thẳm,
sóng dạt dào đã cuốn trôi đi.

Kêu hoài nên kiệt sức, họng con đã ráo khô;
đôi mắt đã mỏi mòn bởi trông chờ Thiên Chúa..
»(c14, 3-4)

Ở đây dường như chúng ta đang nghe chính ngôn sứ Giê-rê-mi-a, một ngày nọ bị vất xuống đáy giếng vì đã có những lời về Đền Thánh không làm vừa ý mọi người: « Phải chăng các ngươi coi nhà này, coi nơi danh Ta được kêu khấn là hang trộm cướp sao? » (Gr 7, 11). Đến phiên Chúa Giê-su cũng nói lên những lời tương tự lúc đuổi những người buôn bán trong Đền và Thánh Gio-an đã trích lời sau đây nhân dịp ấy: « Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân » (Ga 2, 17), đó là câu Thánh Gio-an trích từ thánh vịnh của chúng ta hôm nay.

Sau cùng, bài thánh vịnh kết thúc bằng lời nguyện tạ ơn: đây là một đặc thù của lời nguyện Do Thái, lời thỉnh cầu và tạ ơn luôn luôn hoà lẫn chặt chẽ với nhau . Ở đây người đọc thánh vịnh đã hát lên lời vinh thắng: chẳng những mình được cứu độ, mà toàn dân cuối cùng sẽ được nghe tiếng Thiên Chúa nói và hạnh phúc cho mọi người sẽ tràn ngập khắp nơi: « Tôi sẽ hát bài ca chúc mừng Danh Thánh, sẽ dâng lời cảm tạ tán dương Người. Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên,người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi. » (c31-33)

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com