Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN X THƯỜNG NIÊN NĂM B (St 3, 9-15) 10/06/2018

"Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miệu duệ người phụ nữ. "

 

Trích sách Sáng Thế.

 

9 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: "Ngươi ở đâu? "10 Con người thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn."11 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi: "Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không? "12 Con người thưa: "Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn."13 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: "Ngươi đã làm gì thế?" Người đàn bà thưa: "Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn."14 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán với con rắn:

"Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất

trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú.

Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.

15 Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,

giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy;

dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó."

 

Chúng ta còn nhớ trong sách Sáng Thế. Chúa tạo nên một mảnh vườn có đủ thứ cây, chính giữa vườn Chúa trồng cây hằng sống, và một nơi khác trong vườn, cây cho biết điều thiện và điều ác. Đến đây, chúng ta nên ghi chú cây này không được xác định được trồng nơi nào trong vườn. Chúa giao cho con người mảnh vườn ấy để trồng trọt và gìn giữ nó. Lệnh Chúa rất đơn giản: «Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn» (St2, 16b). Sau đó, Chúa tạo nên người đàn bà. Con rắn xuất hiện và bắt đầu cuộc đối thọai: «Có thật Thiên Chúa bảo: "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?» (St3, 1); với lòng ngay, người đàn bà đính chính: «Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: "Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.» (St2, 17b) Lòng bà ngay thẳng tưởng mình đính chính lời con rắn, nhưng vô tình lại bóp méo sự thật. Một khi bắt đầu cuộc đối thọai với con rắn, cái nhìn của bà bị méo mó. Như câu ngạn ngữ nói «một cây che lấp cả cánh rừng»! Lúc bấy giờ, đối với bà cây trái cấm lại ở giữa vườn (không phải cây sự sống). Hơn nữa, bà không lặp lại chính xác lời cấm của Chúa, Chúa nói: «trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn» (St2, 17). Còn người đàn bà thì nói: «Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.» (St3, 3) Thế rồi, con rắn tiếp tục áp đảo tinh thần: «Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác…» (St3, 4b,5). Ông bà sẽ trở nên bằng các thần thánh chỉ chỉ cần một cử chỉ đơn giản như một phép mầu…Thật khó cưỡng lại được, và người đàn bà sa chước cáp cám dỗ. Bài tường thuật nói ngắn gọn: «Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.» (St3, 6b-7).

Từ trước đến nay, việc họ trần truồng (thể hiện sự yếu đuối) không bao giờ cảm thấy làm phiền nhau. Đoạn trên một chút chúng ta có thể đọc: «Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau.» (St2, 25). Có thể nói, hai người trong suốt lẫn nhau, người đàn ông ngạc nhiên thán phục tiếp đón người phụ nữ mới được tạo thành: «Con người nói: "Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!» (St2, 23). Kể từ nay họ thấy xấu hổ đứng trước mặt nhau; họ lấy khố che thân. Không còn trong suốt nữa, khi xưa việc họ trần truồng, sự yếu đuối của họ không làm phiền chi trước mặt Thiên Chúa: chính vì họ tin tưởng nơi Ngài. Nhưng con rắn viện lý «mở mắt họ», bằng cách nói nhỏ, với họ Chúa không phải  đồng minh với họ, Ngài muốn giữ điều tốt lành cho riêng mình, còn có thể Ngài sợ ông bà: «Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác» (St3, 5)

Thực ra họ đã thực sự được mở mắt nhưng cái nhìn bị trệch hướng: từ nay họ sống sợ sệt Thiên Chúa, vì thế mà họ muốn lẩn trốn. Thế nhưng Chúa tìm và hỏi họ: «Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?» (St3, 11) Rõ ràng, kế họach của Thiên Chúa bị làm trái đi: lẽ ra con người không phải ý thức về sự trần truồng - yếu đuối như thế; lẽ ra họ sống điều kiện này một cách bình an chứ không phải sợ sệt,  ngại ngùng như họ vừa cảm nghiệm. Nghe Chúa hỏi, người đàn ông và người đàn bà nói sự thật, không thêm bớt gì: mỗi hai người đều nghe lời khuyến dụ và bất tuân. Người đàn ông nói: «Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn» (St3, 12) và người đàn bà nói thêm: «Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.» (St3, 13). Tóm lại tất cả đến từ con rắn.

Chúng ta có thể rút ra một kết luận: sự dữ không ở trong con người, và đây là một điều xác quyết chủ yếu từ Thánh kinh. Đứng trước các nền thông minh cho rằng nhân loại vốn xấu xa, lời Mặc Khải quả quyết: «sự dữ hiện hữu ngoài con người». Khi nhân loại đi nhầm đường là khi họ bị gạ gẫm, bị cám dỗ. Tất cả các cuộc đấu tranh của các ngôn sứ trong suốt lịch sử Thánh Kinh chính là nhắm đến các sự cám dỗ đe dọa lòai người. 

Bài này còn đi xa hơn, Chúa nói với con rắn: «Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú.» (St3, 14), tức là điều dữ bị Chúa nguyền rủa. Trong Thánh kinh những gì làm Chúa giận dữ là những điều phá huỷ con người. Điều này có nghĩa là sự dữ hoàn toàn xa lạ với Thiên Chúa. Đây là một vấn nạn chúng ta thường tự hỏi: sự dữ từ đâu đến? Có phải chăng Chúa muốn như thế? Thánh kinh trả lời bằng hai điều: nó không đến từ Thiên Chúa, như chúng ta vừa thấy, và nó cũng không hiện hữu trong bản tính con người.

Người đàn ông cũng như người đàn bà có lý trăm lần khi muốn trở nên như các thần thánh, và hơn nữa Chúa không trách họ vì điều ấy, vì Ngài tạo dựng họ giống hình ảnh Thiên Chúa, và luồng hơi Chúa thổi là hơi thở con người. Nhưng họ lại để sa chước cám dỗ lòng tham của mình, muốn tự làm lấy, như  một cử chỉ ma thuật; và họ chỉ trải nghiệm điều bất hạnh. Có lẽ cũng vì thế, Thiên Chúa cấm cây cho biết điều thiện điều ác? Phải chăng Thiên Chúa không muốn họ biết điều dữ?

Thế nhưng, tất cả không có gì hoàn toàn mất và đó là Tin mừng thứ ba của bài này: «Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó» (St3, 15). Đây là lời tuyên bố một cuộc chiến. Một cuộc chiến mà kết thúc được biết chắc chắn. Và chính Thiên Chúa loan báo: nó sẽ bị gót chân giày người phụ nữ đạp đầu; đây là một cách nói trừu tượng, nhân loại sẽ thắng. Sự dữ không có tiếng nói cuối cùng. Đọc lại bài này, truyền thống Ki-tô nhận ra lời tuyên bố sự toàn thắng của Êva Mới, đó là Đức Maria. Vì lẽ ấy, người ta gọi đây là Tiền-Tin-Mừng, đó là Trước Tin Mừng. Dĩ nhiên, tác giả viết bài này từ lúc vua Salômon, rất có thể không biết được đối tượng một cách cụ thể như thế. Nhưng dù sao điều chắc chắn là một ngày gần đây sự dữ sẽ bị tiêu diệt.

 

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com