Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN – NĂM C (Tv 137, 1-5 7-8) 10/02/2019

Lạy Chúa, trước mặt các Thiên Thần, con đàn ca mừng Chúa.

 

(1 Của vua Đa-vít.)
Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ,
Ngài đã nghe lời miệng con xin.
Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa,

2 …Xin cảm tạ danh Chúa,
vì Ngài vẫn thành tín yêu thương,
đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài
trên tất cả mọi sự.

3 Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại,
đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn.

4 Lạy CHÚA, mọi đế vương dưới trần đều cảm tạ
khi nghe những lời miệng Ngài phán ra.

5 Họ sẽ ca ngợi đường lối CHÚA:
"Vinh quang CHÚA vĩ đại dường bao! "

7 Cho dù con gặp bước ngặt nghèo,
Chúa vẫn bảo toàn mạng sống con.
Địch thù đang hằm hằm giận dữ,
Ngài ra tay chận đứng,
lấy tay uy quyền giải thoát con.

8 Việc CHÚA làm cho con, Ngài sẽ hoàn tất;
lạy CHÚA, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.

 

Bài Thánh vịnh hôm nay rất ngắn, chúng ta được đọc gần trọn bài, mỗi câu, mỗi chữ đều mang ý nghĩa một quá trình lịch sử. Dĩ nhiên, chỉ có một lịch sử ấy thôi, thường gặp trong mọi Thánh vịnh: Giao Ước Thiên Chúa và It-ra-en. It-ra-en là dân của Chúa, được Ngài mặc khải Chúa là Tình Yêu: là ngôn sứ của Chúa, có sứ vụ truyền lại mặc khải ấy cho cả nhân loại. Tôi nghĩ đây là ý nghĩa của bài Thánh vịnh 137 này. Một lần nữa, ở đây chính It-ra-en nói, chữ «tôi» có ý xưng hô cho cả cộng đồng như trong mọi Thánh vịnh. Tôi xin đọc lại từng từ, từ câu đầu, và các bạn sẽ thấy bài này không trong suốt lắm đâu. Nhất là khi chuyển ngữ làm cho càng tế nhị.

Phụng vụ chúng ta chọn dịch từ tiếng Hy-lạp, nhưng chúng ta không nên quên nguyên thủy bài được viết bằng tiếng Do Thái. Thế nhưng, bài dịch sang tiếng Hy-lạp đã có chỗ khác nhau rồi. Ví dụ như, có một số Thánh vịnh bắt đầu bằng «Của vua Đa-vít», không được đọc ở đây, lý do là không ai hiểu ý nghĩ của cụm chữ này là gì. Rất ít khả năng là vua Đa-vít viết bài Thánh vịnh này; thế nhưng, chắc chắn, lòng ngài luôn nặng tình, biết ơn Chúa. «Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ». Chúng ta nghe văng vẳng đâu đây, như tiếng vang trong sách Đệ Nhị Luật: «5 Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)» (Đnl 6, 5). Và tại sao phải tạ ơn?  Bởi vì «Ngài đã nghe lời miệng con xin» (c1). Chúng ta hiểu ngay là Ngài đã nhậm lời con xin; nhưng có lẽ phải tìm hiểu xa hơn. Đấy là bản dịch Hy-lạp: trong ấy, tác giả có lý khi nhấn mạnh đến trải nghiệm dân tộc It-ra-en, thường được Chúa nhậm lời. Nhưng trong bản gốc Do Thái, câu này có nghĩa trái ngược lại. Đó là: Tôi (có nghĩa là It-ra-en), nghe những lời từ miệng Ngài, tức là được Ngài thân tình dạy bảo cho. Đó là một mặt của Giao Ước mà tôi đã đề cập từ đầu bài.

«Ngài đã nghe lời miệng con xin. Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa»: đây cũng là điều khó nghĩ, hay khác biệt giữa hai bản dịch Do Thái và Hy-lạp. Theo nghĩa Do Thái, chữ «thiên thần» đọc là «Ê-lô-him» có nghĩa là các thần. Trong trường hợp này, không nên xem sự khác biệt giữa hai bản dịch, cả hai đều hướng chúng ta nghĩ đến: «Con đàn ca giữa chư vị thiên thần». Đó là câu của người tín hữu đem vào phụng vụ, trong đó các tôi tớ Chúa hát không ngừng: «Thánh, thánh, thánh Chúa là Thiên Chúa các đạo binh» «Con đàn ca giữa chư vị thiên thần». Đó là lời tuyên xưng đức tin dân It-ra-en. Chỉ có Chúa là Thiên Chúa, trong lúc các vị thần Ê-lô-him (tức là các bụt thần các dân tộc khác) là hư không. Nếu các bạn  mày mò nghiên cứu thêm, tiếng Xi-ri-ắc dịch là các «vua». Như thế có nghĩa «Tôi đàn ca giữa các vua» có nghĩa là: It-ra-en, đừng quên sứ vụ của ngươi là chứng nhân trước các quốc gia. Tất cả các nghĩa ấy làm phong phú thêm cho nhau, vì Lời Chúa là lời hằng sống trong lòng những người lắng nghe, từ thế hệ này sang thế hệ khác. «2 … Xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương», cụm chữ «thành tín yêu thương», đây là một thành ngữ để nhắc lại Giao Ước của Thiên Chúa và công trình của Ngài, dành cho dân Ngài chọn. Đó là định nghĩa của Thiên Chúa về Ngài đã cho ông Mô-sê: «Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín» (Xh 34, 6) Cuối bài, chúng ta lại tìm thấy một đề tài Tình Yêu Thiên Chúa. «muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương», đấy là điệp khúc của bài Thánh vịnh 136 (135), bài này cũng nhắc lại cuộc giải phóng thời Xuất Hành: «có thần nào… đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như ĐỨC CHÚA» (Đnl 4, 34). Sự kinh ngạc của dân It-ra-en về công trình của Thiên Chúa dành cho họ được thể hiện trong mỗi câu: «32 Anh (em) cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh (em), từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng?... 35 Chính anh (em) đã được cho thấy những điều đó, để biết rằng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa và ngoài Người ra không có thần nào khác nữa» (Đnl 4, 32…35)

Cuối bài Thánh vịnh là một lời nguyện: «Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang» vì tình yêu Thiên Chúa là muôn đời và chúng ta xác tín rằng Ngài không bao giờ «bỏ dở dang»

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com