Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật Lễ Mình Máu Thánh Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Đnl 8, 2-3, 14-16)

 

"Người sẽ ban cho các ngươi của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới."

Bài trích Sách Đệ Nhị Luật

 

2 Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh (em) phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em), xem anh (em) có giữ các mệnh lệnh của Người hay không.

Người đã bắt anh (em) phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh (em) ăn man-na là của ăn anh (em) chưa từng biết và cha ông anh (em) cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh (em) nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra

14 Thiên Chúa của anh (em), Đấng đã đưa anh (em) ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.

15 Người đã dẫn anh (em) đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh (em) uống.

16 Trong sa mạc, Người đã cho anh (em) ăn man-na, thức ăn mà cha ông anh (em) chưa từng biết, để bắt anh (em) phải cùng cực và thử thách anh (em), hầu làm cho anh (em) được hạnh phúc trong tương lai.

 

Ký ức một dân tộc, cũng như rễ cây: ngày nay ta thấy cây nhưng không thấy rễ cây… tuy nhiên, cây sống được nhờ rễ, có thể nói tất cả trông cậy vào rễ. Hãy tưởng tượng một cây nói: « Tôi muốn tách rời khỏi rễ, nó làm tôi không di chuyển được, hay tệ hơn, nó cản trở không cho tôi bay bổng lên. » Ta có thể tưởng tượng sau đó là gì, cây sẽ chết đi. Thật sự mà nói, tương lai của cây là trong rễ của nó.

Khi ông Mô-sê nói: « anh em hãy nhớ lại » hay « anh em đừng quên », cũng như ông nói « đừng cắt đi khỏi cội rễ của mình », tương lai của anh em nằm trong sự tín trung vào cội rễ của anh em. Ông Mô-sê không quay về quá khứ bằng tình cảm; nhưng ông hoàn toàn hướng về tương lai, và ông quan tâm đến sự trung tín vào cội rễ của dân tộc. Cũng như ông nói « nếu anh em muốn đứng vững ngày mai, đừng quên hôm nay, anh em có được ngày nay và nhờ ai anh em có được như thế ».

« Hãy nhớ », đây là cách ta thường nói trong gia đình. Muốn hai chữ này xuất phát từ môi ta, phải có những tình huống trọng đại, một quan hệ quan trọng. Trong trường hợp ấy, có những nơi, những đồ vật, những tháng ngày trở nên những nơi, những vật đáng ghi vào ký ức, những ngày tháng đáng ghi nhớ; có những khúc nhạc cũng tương tự như thế… Thế thì, « ghi nhớ vào ký ức » tức là chìm đắm vào trải nghiệm, tìm lại những lúc phấn chấn ban đầu, những lễ đính hôn, cũng như múc lấy nghị lực để tiếp tục lên đường. Khi Chúa nói (qua trung gian ông Mô-sê) « Hãy nhớ »; « Đừng quên » đó là Ngài gọi trở về nguồn cội của trải nghiệm nền tảng của Giao Ước.

Thật vậy, điều ông Mô-sê nhắc lại cho dân mình là trải nghiệm sống còn của Giao Uớc suốt những chuỗi ngày. Ông gợi lại những sự kiện hết sức cụ thể: « Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc » (c2). Dĩ nhiên đó là lịch sử trong « Xuất Hành ». Và ông nhắc lại tất cả những thử thách đời sống trong sa mạc: « phải cùng cực, phải đói… sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. » (c 3…15). Ông cũng nhắc lại chính Chúa đã cho họ vượt qua những khó khăn ấy: « … đã cho anh (em) ăn man-na là của ăn anh (em) chưa từng biết và cha ông anh (em) cũng chưa từng biết » (c3); Người đã dẫn anh (em) đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh (em) uống » (c15)… Đoạn này nhắc lại cho chúng ta tất cả thời gian vượt qua sa mạc Si-nai, được kể lại trong sách Xuất hành hay sách Dân số. Tất cả những điều ấy, đó là cái giá phải trả để được có tự do.

Nhưng thật lạ lùng, ở đây ông Mô-sê trình bày những thử thách ấy như thời gian tập sự Chúa đòi hỏi: « Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh (em) phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em) » (c2). Trong thử thách ấy ta tìm thấy sự thật, hai sự thật: sự thật về sự nghèo khó của chúng ta và sự thật về lòng trắc ẩn không đổi thay của Thiên Chúa. Không có những can thiệp liên tục của Thiên Chúa, dân chúng có lẽ đã phải chết dần chết mòn: trước hết vì đói và khát; còn những người sống sót không chết vì đói khát thì cũng sẽ chết vì rắn và bò cạp. Nhưng có Chúa hiện diện, mỗi lần như thế Ngài can thiệp vào và bài tường thuật nói rõ như một phép lạ trong mỗi lần Chúa hành động: bánh ma-na là một lương thực chưa bao giờ có trước đây « …cho anh (em) ăn man-na là của ăn anh (em) chưa từng biết và cha ông anh (em) cũng chưa từng biết » (c3) Còn nước: « Người đã dẫn anh (em) đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước (mà không chết). Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh (em) uống. » 

Tất cả những điều ấy là phương pháp sư phạm của Chúa. Một câu khác trong chương này nói: « Suy nghĩ lại, anh (em) phải nhận biết rằng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), giáo dục anh (em), như một người giáo dục con mình. »(Đnl 8, 5). Tất cả chương trình sư phạm ấy chỉ có một mục đích duy nhất: để cho chúng ta có thói quen tự nhiên nói « chính là Ngài »: « Anh (em) phải nhớ lại … Thiên Chúa của anh (em), Đấng đã đưa anh (em) ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. » 

Nhưng tại sao phải học những thứ ấy ? Có lợi ích gì cho ai ? Chúa cần chúng ta có lời cám ơn như thế sao ? Có phải Ngài như những ân nhân chờ đợi sự biết ơn đời đời không ? Dĩ nhiên là không. Nghĩ như thế là, một lần nữa chúng ta tưởng tượng một Thiên Chúa giống hình ảnh chúng ta. Sự thật là, sở dĩ Chúa muốn chúng ta nhìn nhận chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài, vì đó là lẽ sống của chúng ta. Sách Sáng Thế nói chúng ta sống nhờ vào hơi thở của Ngài; sách Đệ Nhị Luật nói cách khác: « người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra »  (c3), hơi thở của Ngài, Lời nói của Ngài.

Chúa muốn dân Ngài được tự do; Ngài không muốn chúng ta trở thành nô lệ người khác. Thế nhưng chúng ta biết rằng bài này, cũng như tất cả sách Đệ Nhị Luật không phải từ ông Mô-sê; sách được viết rất lâu sau ông, chính vào lúc sợ rằng từ từ dân được Chúa chọn rơi vào quên lãng. Cư ngụ trong đất Ca-na-an không còn đói khát hay những hiểm nguy của sa mạc… nhưng nay phải chống trả lại với một mối nguy mới, trầm trọng hơn nhiều: đó là sự tôn thờ bụt thần dân Ca-na. Chống lại sự lây lan ấy, chỉ có một loại thuốc ngừa: sự tín trung của dân với Giao ớc, đó là một cách cụ thể, tuân theo các điều răn.

Rõ ràng, được hay thua là chỗ ấy. Khởi đầu, bài chúng ta nói rõ: « Người thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em), xem anh (em) có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. » (c2). Hơn nữa câu ngay trước bài đọc chúng ta nói: « Tất cả mệnh lệnh mà tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh em hãy lo đem ra thực hành để anh em được sống, được trở nên đông đúc và được vào chiếm hữu đất mà ĐỨC CHÚA đã thề hứa với cha ông anh em. » (Đnl 8, 1).

« Người đã bắt anh (em) phải cùng cực » (c3), lời nhắc nhở có tính cứu độ vào lúc quá sung sướng, bỏ các điều răn của Giao ước vào xó các bảo tàng như những món đồ cũ. Thế kỷ này sang thế kỷ khác dân tộc It-ra-en tự xây dựng bằng cách tín trung với những gốc rễ của mình; Chúa Giê-su để chống lại kẻ cám dỗ, Ngài chỉ cần đọc lại những lời từ sách Đệ Nhị Luật: « người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra ».

***

 

THÁNH VỊNH (Tv147, 12-15, 19-20)

 

"Giê-ru-sa-lem hởi, hãy ngợi khen Chúa"

 

12 Giê-ru-sa-lem hỡi, nào tôn vinh CHÚA!
Này Xi-on, hãy ca ngợi Thiên Chúa của ngươi!

13 Then cửa nhà ngươi, Chúa làm cho thêm chắc,
con cái trong thành, Người giáng phúc thi ân.

14 Cõi biên cương, Người thiết lập hoà bình,
và cho ngươi no đầy lúa mì tinh hảo.

15 Người tống đạt lệnh truyền xuống đất,
lời phán ra, hoả tốc chạy đi.

19 Chúa bày tỏ lời Người cho nhà Gia-cóp,
chiếu chỉ luật điều cho Ít-ra-en.

20 Chúa không đối xử với dân nào như vậy,
không cho họ biết những điều luật của Người.
Ha-lê-lui-a!

 

Để hiểu rõ những đề tài xen lẫn nhau trong thánh vịnh 147, nên đọc trọn bài. Trong bài bằng tiếng Do Thái, bài thánh vịnh bắt đầu và kết thúc bằng chữ Alleluia, vì thế, chúng ta biết trước bài này ca ngợi điều gì. Thật vậy, lời ca ngợi Thiên Chúa của Ít-ra-en luôn luôn kể lại lần lượt không biết chán những công trình của Thiên Chúa cho loài người, nói chung và cho dân Ngài nói riêng. Các công trình của Thiên Chúa ấy, là hai điều không thể tách ra được, đó là công trình tạo dựng và ơn cứu độ.

« Giê-ru-sa-lem hỡi, nào tôn vinh CHÚA! Này Xi-on, hãy ca ngợi Thiên Chúa của ngươi! » Những anh chị kỳ cựu trong chúng ta nhận ra đây bài « Lauda Sion salvatorem ». Dù sao đi nữa câu này cũng giúp chúng ta nhận ra thời điểm chính xác: đây là lúc vừa từ Ba-by-lon trở về, tức là cuối thế kỷ thứ VI; lúc ấy phải xây lại thành phố, dựng lại Đền Thánh. Nếu không có sự trợ giúp của Thiên Chúa không có gì có thể thực hiện được: « Then cửa nhà ngươi, Chúa làm cho thêm chắc, » (c13) 

Trong bài thánh vịnh trước (trong bài tiếng Do Thái, hai bài thánh vịnh đi liền nhau) Thiên Chúa được gọi là «Đấng xây dựng lại Giê-ru-sa-lem » và «quy tụ dân Ít-ra-en tản lạc về. » (Tv146, 2). Nhưng Chúa không làm như công việc của kiến trúc sư: việc dân được hồi hương thật sự là một ân huệ được xử trắng án, Thiên Chúa đã thứ tha dân Ngài, và ơn tha thứ ấy thật như là một sự tái tạo dân Ngài. Đấy là lý do tại sao bài thánh vịnh này, cũng như nhiều bài khác, trộn sát nhau, một đàng vẻ đẹp của thiên nhiên và đàng khác mãnh lực của Lời Chúa. « Thiên Chúa phán: "Phải có ánh sáng." Liền có ánh sáng.. » (St 1, 3). Chúa nói trong bài thơ Tạo dựng bất hủ trong sách Sáng Thế, chính sách này được viết trong khi bị lưu đày. Chính là Thiên Chúa Đấng «quy tụ dân Ít-ra-en tản lạc về » (Tv 146, 2) đã tạo ra tinh tú. Tất cả là công trình của Lời tác tạo của Ngài vì đó là lời của tình yêu và tha thứ.

Bỗng nhiên, sự chồng chéo các đề tài lên nhau cách đó trở thành một loại tuyên xưng đức tin: sự biến đổi huyền diệu của thiên nhiên, gần như không có chuyển tiếp từ cảnh úa chết bên ngoài của mùa đông đến sự hồi sinh của mùa xuân là hình ảnh của dân tộc được phục sinh sau lời tha thứ: « Người tống đạt lệnh truyền xuống đất, lời phán ra, hoả tốc chạy đi. Tuyết tựa lông chiên, Chúa trải dài, sương giá như tro, Người rải rắc. Làm mưa đá, Chúa tung từng miếng nhỏ, chịu nổi làm sao giá lạnh của Người! Chúa phán một lời là băng giải tuyết tan, thổi gió lên nước liền tuôn chảy. » (c15-18) 

Sách Đệ Nhị Luật triển khai cũng đề tài này « Giáo huấn của tôi như giọt mưa thánh thót, lời tôi dạy bảo tựa sương móc nhỏ sa, khác nào mưa rơi trên nội cỏ, giống như nước đổ xuống đồng xanh. » (Đnl 32, 2). Chúng ta nghe câu này như một tiếng vang trong bài suy niệm bất hủ của tiên tri I-sa-i-a về Lời Chúa, hơn nữa bài suy niệm này cũng phát xuất gần như vào thời kỳ ấy: « Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó. Phải, các ngươi sẽ ra đi mừng rỡ hân hoan, rồi lũ lượt kéo về bình an vô sự.Trước mặt các ngươi, đồi núi sẽ cất giọng reo hò, cây cỏ ngoài đồng sẽ vỗ tay. » (Is 55, 10-12)  

Và lúc bấy giờ chúng ta hiểu rõ công trình ấy là gì. Công trình của Lời Chúa, điều tiên tri I-sa-i-a đề cập đến, đó là sự loan báo tha thứ! Ít-ra-en hưởng đặc ân được Thiên Chúa mặc khải hiểu rõ sứ điệp ấy: sực mặc khải ấy, chính Chúa là tha thứ. Chúng ta hãy nghe bài thánh vịnh 102 (103) « CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta. » (c8-12). Lời tha thứ ấy dân tộc Ít-ra-en được đặc ân nghe trước hết « Chúa không đối xử với dân nào như vậy, không cho họ biết những điều luật của Người. Ha-lê-lui-a! » Điều luật của Người, có nghĩa là Tha thứ, theo cách nói của Thiên Chúa!

Lời tha thứ ấy là điều con người khao khát. Đó là ý nghĩa của những câu đầu bài thánh vịnh chúng ta vừa đọc « Cõi biên cương, Người thiết lập hoà bình, và cho ngươi no đầy lúa mì tinh hảo. Người tống đạt lệnh truyền xuống đất, lời phán ra, hoả tốc chạy đi. » (c14, 15). Hãy nhớ bài trích sách Đệ Nhị Luật được đọc ngày lễ Mình và Máu Chúa (và không phải là sự ngẫu nhiên mà chúng ta đọc thấy nói về bánh « người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra. » (Đnl, 3c)… Hơi thở của Ngài, Lời Ngài, lời tha thứ của Ngài. Những ngày lưu đày họ dùng bánh nước mắt, bánh lòng chua xót; nay hồi hương, đây là thời của đầy dư, bánh lúa mì no nê. Nhưng xin đừng nhầm, sự đầy dư ấy là từ sự chuộc tội (như trong thánh vịnh 129). Sự tha thứ của Thiên Chúa còn chắc chắn hơn sự trở lại bốn mùa trong năm, mùa này sang mùa khác lại đến.

***

 

BÀI ĐỌC 2 (1Cr 10, 16-17)

 

"Có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ là một thân thể."

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô

 

16 Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?

17 Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.

 

Trong bài chúng ta vừa đọc Thánh Phao-lô gửi cho tín hữu thành Cô-rin-tô được đóng khung trước và sau bằng hai điều khuyến cáo hết sức quan trọng. « anh em thân mến, hãy xa lánh việc thờ ngẫu tượng » (1Cr 10, 14), và cuối đoạn này có câu: « Hay là ta muốn làm cho Chúa phải ghen tương? » (c22), câu này cũng có cùng nghĩa. Mỗi lần Thánh Kinh nói đến Chúa ghen tương là nói về thờ phượng bụt thần.

Trong đoạn này Thánh Phao-lô nhắm vào một vấn đề chính xác, và nếu đặt ngoài văn cảnh ấy thì rất khó hiểu. Đạo Ki-tô không thực hiện hy lễ súc vật; nhưng Do Thái giáo không phải là tôn giáo duy nhất thực hiện, nhiều tôn giáo khác cũng làm như thế. Nơi các tôn giáo khác, dù là Do Thái Giáo, hay một tôn giáo khác sau hy lễ thường có một bữa ăn ngay trong đền thờ, họ dùng thức ăn là thịt con vật được hiến tế với ý nguyện kết hợp với thần thiêng. Và như thế, trong dân thành Cô-rin-tô có những kẻ trước khi được hoán cải đã tham dự vào cuộc tế lễ súc vật của đạo Hy Lạp và các bữa ăn sau dịp tế lễ ấy.

Hình như, theo văn cảnh của thư Thánh Phao-lô, có vài người trong những người ấy còn muốn tiếp tục tham dự vào những bữa ăn cúng trong đền các bụt thần. Về điều này Thánh Phao-lô quả quyết, phải chọn lựa: hoặc kết hiệp với Thiên Chúa hằng sống hay tìm một sự kết hợp nào khác. Không thể nào vừa ngồi vào bàn với Thiên Chúa vừa vào bàn các bụt thần.

Một vấn đề khác khó hơn được đặt ra. Các phần thịt dư thừa từ các súc vật hiến tế trong các đền thờ bụt thần đem bán cho các cửa hàng thịt. Một Ki-tô hữu mua về dùng không đồng lõa với thờ phượng bụt thần hay có ? Vấn đề này làm nhức nhối Giáo hội ban đầu, chiếm một chỗ quan trọng trong sách Tông đồ Công vụ (ch15), trong thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma (ch 14 và 15) và trong thư này gửi tín hữu thành Cô-rin-tô (8 đến 10).

Đối với vài người, bởi vì các bụt thần không hiện hữu có thể ra chợ mua về ăn trong nhà phần thịt cúng đó, đơn giản chỉ là thịt mà thôi. Thánh Phao-lô không thấy gì trở ngại với điều kiện không xúc phạm các Ki-tô hữu kỹ tính hay những người không phải Ki-tô hữu, ngạc nhiên thấy những Ki-tô hữu đồng tình với thờ phượng bụt thần. Lý luận của ngài luôn chỉ dựa vào một nền tảng. Thánh Thể Chúa đưa chúng ta kết hợp với Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô. Bây giờ chúng ta mới hiểu tại sao Thánh Phao-lô nhấn mạnh đến ý nghĩa của bữa ăn trong phụng vụ Ki-tô giáo: « Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, … là dự phần vào Máu Đức Ki-tô… Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, … là dự phần vào Thân Thể Người …»  Từ ngữ ngài dùng (bằng tiếng Hy-lạp là koinonia) gợi lên một quan hệ thân tình, lệ thuộc vào nhau, một sự liên đới thâm sâu). Chúa Ki-tô nói cách khác, Ngài dùng chữ «  Giao ước »: « Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em. » (Lc 22, 20; Mc 14, 24; Mt 26, 28). Giao ước theo Thánh Kinh có nghĩa là sự lệ thuộc vào nhau, một lời cam kết liên đới với nhau: khẩu hiệu vĩ đai nhất là: « Các ngươi sẽ là dân Ta chọn, và Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi. » (Gr 30, 22). Nơi Chúa Giê-su đấng hoàn tất Giao ước với nhân loại, và cũng nơi Chúa Giê-su nhân loại đón nhận chương trình của Thiên Chúa và đáp lại Ngài. Ngài là Đấng giữ liên hệ với Thiên Chúa bằng đối thoại không tì bóng, được đề nghị cho A-đam, tức là cho cả nhân loại. Đó là tất cả mầu nhiệm Chúa Giê-su vừa là Người vừa là Thiên Chúa: nơi Ngài, Thiên Chúa đề nghị tình yêu của Ngài, và cũng nơi Ngài, nhân loại đáp lại bằng cách tạ ơn. Nơi Ngài, Thiên Chúa nói, mặc khải (Ngài là Ngôi Lời, là Lời của Chúa); và cũng nơi Ngài, nhân loại đáp lại Lời Ngài. Nơi Ngài, Chúa hiến mình; cũng nơi Ngài nhân loại đón nhận món quà của Thiên Chúa. Các bạn hẳn nhận ra sơ đồ của nghi thức phụng vụ, chính nơi ấy giao ước được hoàn tất.

Đây là một mặc khải vô cùng lớn lao cho dân Ít-ra-en: Thiên Chúa Siêu Việt trở nên Thiên Chúa Thật Gần Gũi. Điều này là một sự thật vĩ đại trong phép Thánh Thể, đối với chúng ta là một mầu nhiệm của Thiên Chúa Siêu Việt và đồng thời chúng ta cũng được tham dự vào vòng thân mật của Ngài, vào đời sống thiêng liêng của Ngài: không phải con người với lên Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đến gần con người. Thế thì Bí Tích Thánh Thể là bữa tiệc kết hiệp như tất cả các tôn giáo khác nhưng của lễ tế đã thay đổi: của lễ Chúa chờ đợi, không phải cắt tiết con vật, mà dâng hiến cuộc đời chúng ta. Như thánh vịnh 39 đã nói, « Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: "Này con xin đến! » (c7,8a). Chúa Ki-tô đã làm như thế. Tất cả đời người của Ngài được dâng hiến, và phục vụ anh em Mình. Và khi chúng ta tham dự vào buổi tiệc Thánh Lễ, chúng ta kết hiệp đời sống chúng ta với đời Ngài để dâng lên Chúa Cha.

Điều này đem chúng ta đi rất xa, Thánh Phao-lô còn nói chúng ta thuộc về một phần của thân thể Chúa Ki-tô: « khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, … là dự phần vào Thân Thể Người » (c16). Sở dĩ chúng ta thật sự thuộc về một thân thể của Người là vì Chúa có thể cho ta sống cùng một đời sống của Người. Khi Thánh Au-gút-ti-nô nói cho những người rước Mình Thánh Chúa: « Hãy trở nên Đấng bạn lãnh nhận, bây giờ hãy nhận lấy con người bạn vừa hiện hữu ». Thánh nhân nói rõ rằng chúng ta trở nên mình và máu Đức Giê-su Ki-tô, có nghĩa là đến phiên chúng ta những cuộc đời hiến dâng để phát sinh nhân loại mới.

Thật vậy, một khi chúng ta tham dự vào Bí Tích Thánh Thể, điều này không chỉ liên hệ riêng chúng ta: Chúa Giê-su đã nói rõ Ngài dâng đời Ngài cho muôn dân, và khi Ngài dâng thân Ngài làm của ăn, chính là cho cả nhân loại. Lúc bấy giờ chúng ta chứng kiến lời tiên tri I-sa-i-a được hoàn tất: « Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. ĐỨC CHÚA phán như vậy. Ngày ấy, người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là ĐỨC CHÚA chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ. » (Is2 56, 9). Như một tiếng vang, các Ki-tô hữu tuyên xưng: «  Thật vậy, đây là mầu nhiệm đức tin ».

***

 

PHÚC ÂM (Ga 6, 51-59)

 

Alleluia, alleluia!

- Chúa phán: Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; 
ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. - 
Alleluia.

------------------

"Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an

 

51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."

52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? "

53 Đức Giê-su nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.

54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết,

55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.

56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.

57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.

58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời."

59 Đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um.

 

Sau bài giảng này, rất nhiều người bỏ Chúa Giê-su ra đi: điều Chúa nói không thể chấp nhận được. Khi ấy Ngài quay sang nhóm Mười Hai và Ngài hỏi họ: « Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao » (Ga 6, 67). Chính lúc ấy Thánh Phê-rô trả lời « Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời» (Ga 6, 68).

Đây là điều nghịch lý của đức tin chúng ta: những lời này đối với loài người không thể hiểu được, thế nhưng những lời ấy làm cho chúng ta sống. Chúng ta nên noi theo con đường Thánh Phê-rô: sống nhờ những lời ấy, đễ  nuôi dưỡng chúng ta và để nó thấm vào nội tâm chúng ta không tự cho mình có thể giải thích nó. Đây là một bài học quan trọng: không phải trong sách vở để tìm giải thích của bí tích Thánh Thể; tốt hơn là để Chúa Ki-tô dẫn chúng ta vào mầu nhiệm sự sống của Ngài.

Có một từ lập đi lập lại trong bài này, đó là sự sống: « Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống » (c51). Sách Do Thái nói rõ «… Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài » (Dt 10, 9) và ý Chúa, chúng ta biết rằng, thế gian được sống. Một đời sống như món quà được ban nhưng không: « bánh tôi sẽ ban tặng ». Tất cả đều là quà tặng. Ngôn sứ I-sa-i-a đã tiên báo « Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào. Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng? Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị. Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, để trọn bề nhân nghĩa với Đa-vít. » (Is 55, 1-3)

Thứ gì làm cho chúng ta sống, đó là sự hiến thân của Chúa Ki-tô cho chúng ta, điều chúng ta gọi là sự hy sinh của Ngài. Nhưng cũng không nên hiểu nhầm chữ « hy sinh ». Suốt lịch sử Thánh Kinh chúng ta đã chứng kiến những thay đổi, thật sự là một hoán đổi về quan niệm hy sinh. Chúng ta có thể khám phá trong phương pháp sư phạm này nhiều giai đoạn, trải qua nhiều thế kỷ. Một cách tự phát họ nghĩ rằng muốn liên hệ với Thiên Chúa (Chữ hy sinh theo tiếng Pháp, « sacrifice » bắt nguồn từ đó, gốc La-tinh là « sacrum facere », làm điều thánh thiên) thì phải giết. Nghĩ cho cùng họ tưởng rằng muốn vào thế giới của Thiên Chúa là sự sống, là phải trả lại những gì thuộc về Ngài, đó là sự sống, thế thì phải giết.  

Trong đoạn đầu lịch sử Thánh Kinh, dân Do Thái thực hiện giống như các dân tộc khác những lễ tế máu với người và súc vật, và từ lúc ban đầu cuộc gặp gỡ Thiên Chúa với dân Ngài chọn. Chính từ ông Áp-ra-ham điều ấy bị cấm ngặt. « Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! »(St 22, 12). Và từ lúc ông Áp-ra-ham không bao giờ đặt lại điều cấm ấy. Mỗi lần họ thấy phải làm như thế, các ngôn sứ lặp lại các lễ tế người là một điều ghê tởm trước mắt Thiên Chúa. Từ thời ông Áp-ra-ham đã như thế, Thánh kinh mở ra chân trời mới (với lễ tế của Men-ki-xê-đê) bằng cách biểu hiện một lễ tế lên Thiên Chúa Tối Cao, chỉ vỏn vẹn dâng lên bánh và rượu (St 14). Thế nhưng họ vẫn thực hiện lễ tế máu trong nhiều thế kỷ nữa. Chúa cần nhẫn nại nhiều với chúng ta; như thánh Phê-rô nói: « Một ngày như ngàn năm » (2Pr 3, 8)

Giai đoạn thứ hai, chính Mô-sê đưa dân tộc của ông bước qua giai đoạn ấy. Trong khi vẫn giữ những nghi thức truyền thống, ông cho những nghi thức ấy một ý nghĩa mới. Kể từ nay điều quan trọng là Giao Ước với Thiên Chúa cứu độ. Sau đó là đến cả một chương trình giáo dục của các ngôn sứ: đối với các ngài, vượt hơn nhiều của lễ tế, đó là tấm lòng kẻ tế lễ, một tấm lòng biết yêu thương. Và các ngài không tiếc một lời khắc khe nào dành cho những kẻ bạc đãi anh em mình trong lúc trình diện trước Thiên Chúa, tay mang đầy của tế lễ. « tay các ngươi đầy những máu. » I-sa-i-a nói (Is 1, 15), (ngụ ý nói máu súc vật hy tế không che được mắt Thiên Chúa bàn tay dấy máu của anh em bị ngược đãi), Và tiên tri Hô-sê có câu bất hủ, Chúa Giê-su sau này lặp lại: « Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ » (Hs 6,6). Tiên tri Mi-kha tóm lược bài học ấy một cách tuyệt vời: « Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn. » (Mk 6, 8)

Giai đoạn cuối cùng của phương pháp sư phạm ấy, đó là những bài ca bất hủ của Người Tôi Trung trong sách thứ hai Ngôn sứ I-sa-i-a. Xuyên qua bốn tài liệu ấy, sự hi sinh thật sự Chúa chờ đợi nơi chúng ta được mặc khải. Hi sinh (làm điều thánh thiêng) là đi vào kết hợp với Thiên Chúa, không phải giết một sinh vật nào; nhưng là sống, và làm cho anh em ta sống để trở thành những người phục vụ họ.

Tân Ước thường giới thiệu Chúa Giê-su như Người Tôi Trung trong sách I-sa-i-a. Đời sống Ngài đã được dâng hiến trọn vẹn từ ngày bước vào đời, như sách Do Thái nói. Tất cả cuộc đời trần thế của Ngài là của lễ tế hoàn hảo như Thánh Kinh cố gắng khắc sâu vào trí não nhân loại: « Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời » (c51). Và từ nay, từ sự sống Chúa Ki-tô ban, chúng ta nhận lãnh chính đời sống của Thiên Chúa. « Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. » (c57). Điều hoán cải cuối cùng chúng ta cần phải làm, đó là không làm điều « thánh thiêng » nữa mà lãnh nhận Sự Sống Chúa ban.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com