Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật XI Thường Niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Sh 19,2-6a)

 

“Ðối với Ta, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một dân tộc hiến thánh”.

Trích sách Xuất Hành.

 

2 Họ đã nhổ trại rời Rơ-phi-đim tới sa mạc Xi-nai, và dựng trại trong sa mạc. Ít-ra-en đóng trại ở đó, đối diện với núi.Thiên Chúa hứa ban giao ước

3 Ông Mô-sê lên gặp Thiên Chúa. Từ trên núi, ĐỨC CHÚA gọi ông và phán: "Ngươi sẽ nói với nhà Gia-cóp, sẽ thông báo cho con cái Ít-ra-en thế này:

4 Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta.

5 Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta.

6 Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh.

Vài tuần sau phép lạ giải thoát khỏi đất Ai cập. Mọi sự đã sẵn sàng để lập một hòa ước nghiêm túc nhất trong lịch sử nhân loại : Thiên Chúa kết giao ước với dân Ít-ra-en. Giữa lúc đó nhiều thử thách đã trải qua trong sa mạc : nước đắng tại Ma-ra, đói, khát. Tại Rê-phi-đim dân chúng phẫn nộ trước nạn khát, đến nỗi ông Mô-sê gọi nơi này là « Masa và Mêriba »có nghĩa là tranh cãi và gây chuyện. Mỗi lần như thế Chúa ở cạnh dân Ngài và giúp họ vượt qua thử thách.

Chính vì xuất phát từ trải nghiệm sự trung thành của Thiên Chúa, dân Ít-ra-en giờ đây có thể dấn thân vào Giao Ước. Quan hệ trong giao ước chỉ có thể xây dựng trên lòng tin cậy, và sự tin cậy phát xuất từ trải nghiệm : có thể nói Chúa đã chứng minh điều ấy. Trong lịch sử Ít-ra-en, sự việc nhắc lại công trình giải thoát của Thiên Chúa luôn đi trước các lề luật được ban ra. Chúng ta đang trong sách Xuất Hành chương 19, ngay trước khi ban các lề luật, vì bản Thập Giới được ban bố trong chương 20.

Cảnh trí được sẵn sàng, và ở đây chúng ta nghe đoạn mở đầu của Giao Ước, bài giảng giáo đầu của Thiên Chúa. Ngài mở đầu bằng những lời sau đây : «  Các ngươi đã thấy điều gì ta làm ở Ai-Cập, ta đã cho nâng các ngươi dưới đôi cánh như chim đại bàng để mang các ngươi đến với ta » hình ảnh chim đại bàng rất quen thuộc ở Ít-ra-en,  như chúng ta tìm thấy trong sách Đệ Nhị Luật đoạn suy niệm về Giao Ước.

« 10 ( Chúa) Gặp thấy nó giữa miền hoang địa, giữa cảnh hỗn mang đầy tiếng hú rợn rùng, Chúa ấp ủ, Chúa lo dưỡng dục, luôn giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa.11 Tựa chim bằng trên tổ lượn quanh, giục bầy con bay nhảy, xoè cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên mình. »( Đnl32,10,11) Sách TOB ( Nhóm phiên dịch đa tôn) trong phần chú giải nói rằng có  khách du lịch kể lại rằng chim đại bàng hay kên kên cũng làm như thế khi chúng tập cho con biết bay : chúng lượn vẽ quanh các con những vòng bay thật lớn  …và mỗi lần bay qua các con đáp trên đôi cánh cha mẹ ( P. Buis). Điêu này muốn nói rằng Chúa gánh dân Ngài không để dùng làm nô lệ, nhưng để tập chúng bay tự chính mình…Thiên Chúa thật là Chúa giải thoát và dạy dân Ngài sống tự do.

Bài giảng của Chúa tiếp tục « 5 Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta.6 Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh » ( Xh 19,5-6). Chúa chọn dân tộc này là một sở hữu riêng tư của Chúa, vì lẽ đó người ta gọi Ít-ra-en là dân Chúa chọn. Đó cũng là một niềm ngạc nhiên thán phục cho dân Do Thái. Ví dụ chúng ta vừa nghe trong chúa nhật vừa qua : «Chúa không đối xử với dân nào như vậy,
không cho họ biết những điều luật của Người.
 » ( Tv 147)

Tôi nói rõ đó là một điều ngạc nhiên thán phục. Thánh Kinh mời gọi sống điều ấy như một sứ vụ chứ không phải để tự cao tự đại : « 7 ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân.8 Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà ĐỨC CHÚA đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pha-ra-ô, vua Ai-cập» ( Đnl7 :7-8)

Tuy nhiên không vì thế mà Ngài không chỉ là Chúa của riêng Ít-ra-en mà là Chúa của toàn thế giới, cũng nên nhắc lại trong lúc mọi dân tộc nghĩ rằng có chúa cho riêng dân tộc mình, và đồng hành với mình. Các bạn đọc rõ điều ấy trong ((Gr23 :23-24) « 23 Phải chăng Ta chỉ là Thiên Chúa khi ở gần, chứ không phải Thiên Chúa khi ở xa? Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. 24 Có ai ẩn mình trong nơi bí mật mà Ta lại không thấy. Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta lại không làm cho trời đất đầy tràn hay sao? Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.».Hay là trong sách I-sa-i-a (Is62 :1)  được nhắc lại trong (Cv7 :49) Một lần nữa trong (Đnl10 :14-15)  « 14 ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), làm chủ cõi trời và các tầng trời cao nhất, cõi đất và muôn loài trong đó.15 Nhưng chỉ có cha ông của anh (em) là được ĐỨC CHÚA đem lòng quyến luyến yêu thương; sau các ngài, giữa muôn dân, Người đã chọn dòng dõi các ngài tức là anh em, như anh em thấy ngày hôm nay »

Thế nhưng Giao Ước là một sự cam kết giữa đôi bên « nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta » Chúa nói trong (c5) bài hôm nay. Trong sách Đệ Nhị Luật tôi tìm thấy lời ghi chú đẹp nhất : « 17 Hôm nay, anh (em) đã làm cho ĐỨC CHÚA tuyên bố rằng Người sẽ là Thiên Chúa của anh (em), rằng anh (em) phải đi theo đường lối của Người, giữ các thánh chỉ, mệnh lệnh, quyết định của Người, và nghe tiếng Người.18 Hôm nay, ĐỨC CHÚA đã khiến anh (em) tuyên bố rằng anh (em) sẽ là dân thuộc quyền sở hữu của Người như Người đã phán với anh (em), và rằng anh (em) sẽ giữ mọi mệnh lệnh của Người,19 rằng Người sẽ cho anh (em) vượt mọi dân tộc Người đã tạo dựng, xét về vinh dự, danh tiếng và vinh quang, rằng anh (em) sẽ là một dân thánh hiến cho ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), như Người đã phán.» (Đnl26 :17-19) 

Một dân tộc thánh, như câu sau cùng của bài đọc chúng ta hôm nay  một vương quốc tư tế, một dân thánh. Một vương quốc tư tế, tức là một dân tộc hướng tế cho Chúa, một dân tộc trong ấy Chúa múc lấy niềm vui, như sách Khôn Ngoan nói. Một dân tộc được gọi lớn lên theo chiều kích của toàn nhân loại. Sách Khải Huyền Thánh Gioan cũng đã thấy trước.  « muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân10 Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ làm chủ mặt đất này.» ( Kh5 :9.10) 

***

 

THÁNH VINH ( Tv 99 :1-5)

 

Đáp : Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi

 

1 Thánh vịnh. Để tạ ơn. Hãy tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu,

2 phụng thờ CHÚA với niềm hoan hỷ,  vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo.

3 Hãy nhìn nhận CHÚA là Thượng Đế, chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người, ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt.

4 Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn, tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi, tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người.

5 Bởi vì CHÚA nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.

Hiếm khi được nói rõ trong Thánh Kinh : việc Thánh Vịnh này được sáng tác để dùng trong phụng vụ phục vụ một lễ tạ ơn. Bài được gọi là « Thánh Vịnh Tô-đa »trong tiếng Do Thái, có nghĩa là Cám ơn, trong tiếng Hy-lạp gọi là eukaristô (Thánh Thể). Ngay đầu bài chúng ta thấy ngay bài hôm nay dùng để hát lễ trong Đền ! Hãy tung hô phụng thờ - Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn - tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợichúc tụng danh Người.

Rõ ràng chúng ta đang trong nghi lễ phụng vụ. Bản tiếng Do Thái còn rõ ràng hơn : « Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn, tới khuôn viên đền vàng » (c4) Đây là điều minh chứng rằng sách Thánh Vịnh là loại sách lễ khi vào Đền Thánh Giê-ru-sa-lem, sau khi được giải thoát khỏi Ba-by-lon, giống như chúng ta tìm thấy sách lễ khi vào nhà thờ chúng ta ngày nay.

Bài thánh vịnh hôm nay được sáng tác cho một lễ tạ ơn, và luôn luôn tạ ơn Giao Ước. Một lần nữa, thật rõ ràng. Bài thánh vịnh này rất ngắn nhưng mỗi câu đều gợi lên cả lịch sử dân Do Thái, đức tin toàn dân tộc Ít-ra-en ! Gần như mỗi từ đều nhắc đến Giao-Ước. Xin đừng quên trung tâm truyền thống Do Thái, ký ức được nhắc lại từ thế hệ này đến thế hệ khác, là Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta và lập Giao Ước với chúng ta. Đấy là trung tâm điểm của đức tin và lời cầu nguyện của toàn dân này ( nói đúng hơn chính đức tin chung ấy làm nên  Ít-ra-en là một dân tộc). Chúa chọn dân tộc này( có thể nói Chúa đã « tuyển chọn ») Chúa đã giải thoát và củng cố, kết Giao Ước với họ ( chính là ý nghĩa bài đọc một của ngày chúa nhật thứ XI hôm nay của chúng ta). Giao Ước là trung tâm điểm của Thánh Kinh. Để thuyết phục diều này, chỉ cần đọc lại từng câu, hay từng chữ của bài thánh vịnh. 

« Hãy tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu » (c1), đây là bản dịch cho bài hát phụng vụ, trong lúc trong bản Do Thái là bốn chữ YHWH, không có cách nào đọc khác hơn là Ya-vê. Ông Mô-sê đã được mặc khải trong giai đoạn bụi gai bừng cháy ( Xh3), trong ấy ông được Thiên Chúa mặc khải Chúa vừa là Đấng Siêu việt vừa là Đấng gần gũi. Tên của Chúa được mặc khải cho ông Mô-sê nói lên tất cả điều này :  bốn chữ nổi tiếng YHWH ( mà chúng ta không đọc được cũng không chuyển ngữ được) nói lên điều Chúa không ở trong tầm tay chúng ta ! Trong lúc đó ông Mô-sê được Chúa mặc khải hoàn toàn sự gần gũi với Ngài : «Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta , Ta đã nghe tiếng chúng kêu than ... Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng»  (Xh33 :7)

« Hãy tung hô »cụm chữ này được dùng trong trường hợp rất đặc biệt, cho một vị vua mới lên ngôi, ngày dược đăng quang …Ở đây là một cách nói « vua thật sự chính là Thiên Chúa » « hỡi toàn thể địa cầu » : Đây là lời dân Ít-ra-en tuyên bố trước hạn, họ thấy ngày mà toàn nhân loại đến tung hô Thiên Chúa ! Chúa cũng nóng lòng muốn thấy sự cứu độ của Ngài được mặc khải cho toàn thể nhân loại…Thế nhưng chúng ta có nóng lòng như Ngài không ? Dù sao đi nữa nên chú ý rằng dân Ít-ra-en không bao giờ quên việc được tuyển chọn là một ơn gọi để phục vụ mọi dân tộc. Đặc biệt trong các thánh vịnh chúng ta thấy luôn luôn hai đề tài Ít-ra-en được tuyển chọn và tính cách phổ cập của ơn cứu độ do Thiên Chúa đề nghị ( một lần nữa chúng ta chú ý bài thánh vịnh này là tiếng vang hoàn hảo với bài đọc một, trích từ sách Xuất Hành)

« phụng thờ CHÚA với niềm hoan hỷ » - «phụng thờ »(c2) : trong lúc trong ký ức dân Ít-ra-en Ai-cập khi còn là xứ đô hộ Ít-ra-en được gọi là « nhà phụng thờ », ngày nay dân Chúa chọn khám phá ra « phụng thớ » là một chọn lựa của người tự do. Có một quyển sách nổi tiếng giới thiệu sách Xuất Hành là sách « từ phụng thờ đến phục vụ »

«  Hãy nhìn nhận đấng YHWH là Thiên Chúa »chúng ta nhận ra nơi đây kinh tin kính « Sêma Ít-ra-en »  « Ít-ra-en hãy nghe đây, Thiên Chúa, Chúa chúng ta là MỘT ».- « Ngài tạo dựng chúng ta và chúng ta thuộc về Ngài » đây là lời nhắc lại cuộc giải thoát khỏi Ai-cập và đồng thời cũng là lời tuyên xưng về Giao Ước. Dân chúng không quên trước kia họ là nô lệ  bên Ai-cập : Chính Thiên Chúa làm từ những người nô lệ thành những người tự do, biến những kẻ bỏ trốn thành một dân tộc. Suốt cuộc phiêu lưu qua sa mạc Si-nai dân tộc này, dưới sự hướng dẫn của ông Mô-sê, tập sống Giao Ước do Thiên Chúa đề nghị.

Khi hát : «Hãy nhìn nhận CHÚA là Thượng Đế, chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người »(c3) không nên hiểu rằng Chúa là Đấng tạo dựng nhưng Ngài là Đấng tập hợp chúng ta thành một dân tộc.

Câu đầu của « kinh Tin Kính » Ít-ra en không phải  « Tôi tin kính Đức Chúa Trời » nhưng là «  Tôi đi vào Giao Ước » bởi vì đầu tiên họ khám phá ra Thiên Chúa là Đấng giải thoát, chỉ sau đó mới hiểu rằng ơn giải thoát ấy không khởi đầu nơi chúng ta mà bắt đầu khi Tạo Dựng thế gian. Trong Thánh Kinh việc suy gẫm về công trình Tạo Dựng được linh ứng từ đức tin vào Thiên Chúa Đấng giải thoát. Điều này có nghĩa là Thánh Kinh không được viết theo cách chúng ta thường đọc : Thánh Kinh không bắt đầu bằng miêu tả sự Tạo Dựng, rồi sau đó những sự kiện trong đời của dân được Chúa chọn, như tường thuật lại một câu chuyện. Thật ra  chỉ sau khi nói về ơn giải thoát mới tường thuật sự Tạo Dựng.

«  Dân Ngài »chúng ta hãy làm quen với cụm chữ  rất đặc biệt của đức tin Do Thái, chỉ cụm chữ này cũng đủ nói lên Giáo Ước ( cũng như cụm chữ « Chúa chúng ta » )bởi vì lời hứa của Thiên Chúa khi đề nghị Giao Ước nói rằng «2 Các ngươi sẽ là dân Ta chọn,
và Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi
 » ( Gr 30 :22)

«  Đời đời Chúa trọn tình thương » cũng là một điệp khúc của Giao Ước. Chúng ta nhận ra ngay vì đây là điệp khúc của Thánh Vịnh 135 (136) : toàn một Thánh Vịnh để kể lại sự cứu độ khỏi Ai Cập, cuối mỗi câu bằng  «  Đới đời Chúa trọn tình thương »

« Lòng thành tín Chúa trải bao thế hệ » (Tv119 :90) câu này đồng nghĩa với Đời đời Chúa trọn tình thương, hai câu này nhắc lại cho chúng ta nghe cặp đôi chữ thường gặp trong Thánh Kinh «  tình yêu và chung thuỷ ». Đó là cách nói về Thiên Chúa ta không sợ lầm.

***

 

BÀI ĐỌC 2 (Rm5,6-11)

 

Nếu chúng ta được giao hòa cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của Ngài

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Rô-ma

 

6 Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta.

7 Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng.

8 Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

9 Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.

10 Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.

11 Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa.

Bạn hãy tưởng tượng mình đang đi trong rừng. Con đường mòn của bạn đổ ra con đường chéo và bạn không biết phải rẽ sang bên phải hay bên trái. Nếu bạn chọn đúng hướng, mỗi bước đi của ban sẽ làm bạn gần đích bạn đã chọn hơn, nhưng nếu bạn chọn sai, mỗi bước làm bạn xa hơn đích một chút…

Đấy cũng là cách Thánh Phao-lô trình bày cho kiếp người trong thư gửi thành Rô-ma. Theo thánh nhân, đời người là một sự chọn lựa giữa hai hướng đi, trước khi Chúa Giê-su con người lầm lạc. Tất cả phần đầu của thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Roma miêu tả con người phải tự định hướng : « bị lầm lạc » như Ngài nói trong thư gửi tín hữu thành Phi-líp-phê. Đọc phần đầu thánh thư này chúng ta không thể không buộc miệng nói lên « thật tội nghiệp cho nhân loại »…giống như trong các phim hiện nay, chúng ta thấy rối lên như mớ bòng bong giữa hận thù và bạo lực không nguôi, không thể nào thoát ra được. Sau đây là một câu làm ví dụ, trong phần đầu : « 12 Người người đã lìa xa chính lộ, chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi; chẳng có một ai làm điều thiện, dẫu một người cũng không.»( Rm3,12 trích Is59,7-8) 

Khi thánh Phao-lô nói khi chúng ta không có sức làm được gì,(c6) thì đấy là ngài muốn nói : chúng ta không thể thoát ra tội lỗi, hay là, nói cách khác, chúng ta không thể tìm ra con đường đúng đắn ; mỗi bước chúng ta đi làm chúng ta xa dần Chúa, như thế chúng ta luôn bị vắng Chúa. Thế nhưng Chúa Giê-su Ki-tô giải thoát chúng ta khỏi cái mớ bòng bong ấy và dẫn chúng ta theo con đường ngay. Lời thông báo lớn nhất của bài đọc hôm nay là : chúng ta đang đi sai hướng, Chúa Giê-su đem chúng ta trên con đường đúng hướng. Đấy là điều Chúa làm. Các bạn hẳn để ý các chủ từ được chia theo thì đã qua :  « Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải »…Chúa Giê-su đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa. Trong hai cách nói công trình của Thiên Chúa và Chúa Ki-tô và chúng ta là kẻ được thừa hưởng.  « Anh em đã được cho không » trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu.(10,8)

Thánh Phao-lô đã nói rõ ràng trong phần đầu thánh thư : « 22 Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai.»(Rm3 :22)

Chúng ta hãy đọc lại câu (10)  «Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người » Có nhiều câu tương tự trong bài :  « theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta.»(c6b)…« Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta» (c8a)…« chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra»(c9a). Chúng ta rất quen thuộc với những câu ấy, từng lặp đi lặp lại dễ dàng « Chúa Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta ». Nhưng đồng thời các câu ấy gây khó khăn cho chúng ta và đối với vài người trong chúng ta có vẻ quá đáng. Phải chăng Thiên Chúa đòi hỏi đến cái chết đẫm máu của Con Ngài, trong lúc Thiên Chúa là Tình Yêu ? Ngài đòi hỏi một sự đáp trả ghê rợn cho những lỗi lầm của con người ? Phải chăng Ngài đòi hỏi cái chết người công chính vì tội lỗi của kẻ khác ?  

Điều chúng ta vừa đọc nơi Thánh Phao-lô, về công chính hóa một cách nhưng không, bằng ân huệ, không cấm chúng ta hiểu các câu trên đây về cái chết của Đức Ki-tô như một loại đáp trả giữa Thiên Chúa và chúng ta, hay giữa Thiên Chúa và Đấng Ki-tô…Không có kế toán trong tình yêu vô tận của Thiên Chúa ; ngay nơi chúng ta, vốn không mấy biết yêu, chúng ta cũng nói  « khi yêu không nên tính toán »…

Chúng ta hãy thử hiểu câu : «Chúa Kitô chết vì tội lỗi chúng ta  » , không liên quan gì đến tính toán hay xứng đáng. Hãy lấy ví dụ một người chết để cứu sống một người. Ví như một người trong đội phòng cháy chửa cháy chết trong một hoả hoạn : người ấy không đứng ra  « chuộc » sự cứu rỗi những người gặp nguy trong cơn hỏa hoạn ;  người lính cứu hỏa biết có nguy cơ khi cứu người và anh đã chết, trong lúc không một ai muốn chết kể cả anh ta. Sau này báo chí có lẽ viết cái chết của người lính cứu hỏa là cái giá phải trả, và anh đã trả bằng mạng sống của mình, trên thực tế đâu có gì là thương mại. Điều gây ra sự chết là lòng tận tâm tột cùng của anh ta vượt qua hiểm nguy.  Anh ta chấp nhận sự hiểm nguy vì tình yêu tha nhân ; anh ta ý thức và đảm nhận những hiểm nguy ấy. Cũng vì lẽ ấy, Đấng Ki-tô rao giảng tình yêu của Chúa và tình yêu tha nhân, sự bất bạo động, và tha thứ, đã chấp nhận mặc dù biết sẽ không có gì thích thú, Ngài đã chấp nhận sự rủi ro và tiếp tục sống những gì Ngài giảng; Ngài đã chết vì hận thù và bạo lực, từ chối lời nói tình yêu và tha thứ. Ngài không chết do ý muốn hay vì bàn tay của Thiên Chúa nhưng vì bàn tay con người. Tuy nhiên điều tuyệt vời là tình yêu Thiên Chúa, Ngài là tình yêu, Chúa Ki-tô chết và tuyên xưng đức tin của Ngài vào sự tha thứ.

Không có chút gì là đổi chác trong này. Có lẽ những điều này giúp chúng ta hiểu thêm Thánh Phao-lô  khi ngài nói  «  cơn thịnh nộ của Thiên Chúa ».(c9) Khi chúng ta dấn thân trên con đường sai hướng, chúng ta quay lưng lại Chúa và chúng ta có cảm tưởng như cơn thịnh nộ Chúa theo đủi chúng ta. Nhưng khi chúng ta chịu khó ngước mắt lên thánh giá, chúng ta khám phá thật sự dung nhan Thiên Chúa tha thứ nơi Chúa Ki-tô, đó là Thiên Chúa tình yêu và tha thứ. Như sách Da-ca-ri đã loan báo :  « Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu»(Dr12 :10). Lời tha thứ giải hòa với Ngài, trước mặt chúng ta không phải một Chúa thịnh nộ, mà chúng ta khám phá ra dung nhan thật sự của Ngài.

Kể từ nay như trong thánh thư gửi dân thành Ro-ma, ngay trước bài đọc chúng ta : « Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta » (Rm5 :5). Điều này có nghĩa là trước khi Chúa Ki-tô đến, con tim chúng ta khép lại với tình yêu Thiên Chúa, nhưng từ nay tim chúng ta đã mở ra cho tình yêu Thiên Chúa có thể triển khai. Chúng ta được quay lại đúng đường, sự mật thiết với Chúa Ba Ngôi được gieo vào lòng chúng ta. Và Thánh Gio-an loan báo ngay phần đầu Tin Mừng của ngài về Chúa Ki-tô : « 12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.» (Ga1 :12)  

***

 

PHÚC ÂM (Mt9, 36-10,8)

 

Alleluia, alleluia Lạy Chúa,lời của Chúa là thần trí và là sự sống ; Chúa có những lời ban sự sống đời đời.- Alleluia.

« Sau khi triệu tập mười hai môn đệ, Người sai các ông đi »

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mátthêu.

 

36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.

37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.

38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về."

1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

2 Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông;

3 ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô;

4 ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người

5 Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:

6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.

7 Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.

8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy

Chính một trong những chuyến đi rao giảng, Chúa Giê-su chia sẻ cùng mười hai Tông Đồ về sứ vụ của họ. Những gì Ngài gặp gỡ trong chuyến đi này làm cho Ngài thấy cần tìm thêm cộng tác viên. Thánh Mát-thêu nói cho chúng ta : « 35 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. 36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương» (Mt9,35-36a). Như tất cả Cựu Ước nói rằng Thiên Chúa là Chúa từ bi nhân hậu, tức là quan tâm đến sự đau khổ con người, thánh sử giới thiệu Chúa Giê-su là Đấng có lòng trắc ẩn, cả hai danh từ Do Thái cũng như Hy-lạp đều nói lên sự xúc động làm cho ruột gan quặn đau trước sự đau khổ, một cảm xúc không chỉ ở dạng tình cảm, vì thật sự nó còn dẫn đến hành động chữa lành.

Thật rõ ràng sứ vụ của những người được Thiên Chúa gửi đi ( Chúa Giê-su hay các Tông Đồ của Ngài) là một sứ vụ chữa lành. Để được thuyết phục như thế chỉ cần xem lại chương trình của chuyến đi Chúa Giê-su như Thánh Mát-thêu vừa miêu tả. Chúa Giê-su đi khắp các thành thị và làng mạc, Ngài giảng dạy, công bố Nước Trời và chữa lành…Kế đến, Ngài kêu gọi các môn đệ, thánh Mát-thêu ghi trước hết-trước khi kể tên các tên từng người- Ngài nói « :  « ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.» (10 :1)…Sau cùng khi Chúa Giê-su đã ban cho các vị chương trình, Ngài nói : «Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ »(10 :8). Đồng thời với việc rao giảng Nước Trời, các người được Chúa sai đi cũng được kêu gọi cho những dấu hiệu. Điều hay nhất khi rao giảng Nước Trời là thắng sự dữ dưới mọi hình thức. Nhưng muốn được như thế phải có cảm xúc như ruột gan quặn đau trước sự đau khổ của nhân loại.  

Không phải chỉ đứng trước những nỗi đau cá nhân Chúa Giê-su chạnh lòng thương, mà trước toàn dân Ngài : «Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. »(c36). Tất cả bốn thánh sử, mỗi vị một cách cho thấy Chúa Giê-su là Đấng tập hợp dân Ngài, hầu nói lên một cách nào đó nơi Ngài nay hoàn tất những lời hứa của Cựu Ước, vì Đấng Mê-si-a mà mọi người mong đợi được giới thiệu dưới nét của một mục tử. Ví dụ như : «22 Ta sẽ cứu thoát chiên của Ta để chúng không còn bị cướp phá, Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên. Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng; nó sẽ chăn dắt chúng, đó là Đa-vít, tôi tớ của Ta: chính nó sẽ chăn dắt chúng; chính nó sẽ là mục tử của chúng » (Ed34 :22-23) và hay lần khác : « Đa-vít, tôi tớ Ta, sẽ làm vua cai trị chúng; sẽ chỉ có một mục tử duy nhất cho chúng hết thảy»(Ed37 :24) 

Về dân Ngài, quý bạn hẳn chú ý những lời khuyên của Chúa Giê-su : «Các con đừng đến nhà người ngoại và đừng vào thành người Sa-ma-ri Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. »(c5), điều chúng ta có thể hiểu rằng :  «hãy bắt đầu bằng dân Chúa chọn, để chính họ sẽ làm cho dân ngoại cảm hóa sau đó ». Nghĩa là, Chúa muốn nói, dĩ nhiên Ít-ra-en là dân được Chúa chọn và sứ mạng của nó là cảm hóa thế gian.

Bây giờ tôi xin trở lại lời khuyên sau cùng Chúa Giê-su trao cho những người Chúa sai đi : « Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy» Đây chính là tất cả chương trình của đời sống đức tin của chúng ta được tóm gọn trong hai đề nghị :1/ Ơn Chúa cho nhưng không, chúng ta hãy đón nhận nhưng không. 2/ Đến phiên chúng ta hãy tập sống sự cho nhưng không ấy. Hai điểm này, nhất là điểm đầu tiên, đối với chúng ta rất khó. Chúng ta hãy lần lượt xét từng điểm.

Điểm thứ nhất « ơn Chúa cho nhưng không ». Đó chính là ý nghĩa của chữ « ơn ». Thế nhưng lạ lùng thay chúng ta thấy vô cùng khó khăn chấp nhận ơn Chúa hoàn toàn cho nhưng không. Bằng chứng là chúng ta thường tính toán trong quan hệ chúng ta với Thiên Chúa ; chúng ta không dám tin rằng Chúa ban cho chúng ta tất cả nhưng không, chẳng chờ chúng ta tích lũy những xứng đáng !

Điểm thứ hai «hãy cho nhưng không » ; hành động như Chúa. Điều này gồm nhiều thứ, trước tiên « như Chúa, không chờ đợi ngược lại nhận được gì » được quý mến, vinh quang, tình yêu mà tất cả vô vị lợi vỉ Chúa hành động như thế «  Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấyVậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trốngCòn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,4 để việc anh bố thí được kín đáo... Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu?...hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính ( Mt5)

Sau cùng, yêu anh em mình, thì đừng chờ đợi họ xứng đáng. Điều này có nghĩa là không bao giờ nghe từ miệng bạn « những kẻ này không thú vị ». Các bạn luôn được cứu rỗi, được tha thứ nhưng không, đến phiên bạn phải biết tha thứ, giúp ích, nâng đỡ vô điều kiện. Và nếu muốn giống cho cùng Đấng đã sai bạn, thì phải biết giống người gieo giống không chờ đợi mọi cam kết. Chúa Giê-su có bao giờ làm khảo hạch tuyển dụng, trước khi chọn các Tông Đồ, nhưng Ngài đặt tin tưởng nơi họ ! Không có gì đảm bảo rằng những dân chài bên bờ hồ, đặc biệt với người thu thuế ( ngụy quyền) và người phái Zê-lô-ta ( « cách mạng »), một ngày nọ họ trở thành một ê-kíp đáng tin cậy và có hiệu quả ; không vì thế mà Chúa Giê-su không trao cho họ mùa gặt vì đã đến lúc khẩn trương rồi. Ai cũng biết một mùa gặt không thể chờ đợi được !

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com