Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật XV Thường Niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Is 55, 10 -11)

 

Chúng làm cho đất phì nhiêu

Trích sách Tiên tri Isaia.

 

10 Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,

11 thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của Ta,
chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.

 

Trong một xứ chan hòa ánh nắng mặt trời, vạn vật chỉ chờ cơn mưa đầu mùa để đơm hoa, các hình ảnh sách tiên tri I-sa-i-a rất biểu đạt: «Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn» (c10). Trong bài này người ngôn sứ áp dụng Lời của Thiên Chúa. Hiệu quả Lời của Thiên Chúa là một đề tài được ưa chuộng trong Cựu Ước, và đặc biệt trong sách thứ hai tiên tri I-sa-i-a (chương 40 đến 55), trong đó bài hôm nay thực tế gồm đoạn kết. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa nói được và Lời Ngài hữu hiệu: «Thiên Chúa phán… Liền có như vậy» (St1, 6). «Ta đang canh thức để thi hành lời Ta» ( Gr1, 12). Chữ «davar» theo tiếng Do Thái vừa có nghĩa lời nói và sự kiện. Trong lúc vua Sa-lô-môn chúc phúc toàn dân với lời sau đây: «Chúc tụng ĐỨC CHÚA, Đấng đã ban cho Ít-ra-en dân Người được nghỉ ngơi, đúng y như Người đã phán, không sai một lời nào trong tất cả những lời tốt lành Người đã dùng ông Mô-sê, tôi tớ Người, mà phán» (1V8, 56)

Công hiệu của Lời Chúa không phải đặc thù nơi đức tin Ít-ra-en. Bên Ai-cập và Mê-sô-pô-ta-mi-a họ tưởng tượng rằng sự tạo dựng vạn vật do lời một vị thần thiêng. Nhưng điều đặc biệt nơi Ít-ra-en, đây là một «lời tốt đẹp», như vua Sa-lô-môn nói: Thiên Chúa của chúng ta nói được để mặc khải và ban sự sống và hạnh phúc cho con cái Ngài. Chúa chúng ta không như các bụt thần mãi mãi câm miệng và không làm gì được cho chúng ta («Có mắt có miệng không nhìn không nói » Tv115, 5); «Thế nhưng giả như có ai kêu, nó chẳng đáp lời, cũng chẳng cứu ai khỏi cơn khốn quẫn» (Is46, 7) Ngài không như con người, thỉnh thoảng quên lời hứa của mình, hay không giữ nữa. «Thiên Chúa không phải là phàm nhân mà gian ngoa được, cũng chẳng là con người mà phải hối hận. Phải chăng Người nói mà không làm? Hay Người phán mà không thực hiện?» (Ds23, 19) ; «Người phàm nào cũng đều là cỏ, mọi vẻ đẹp của nó như hoa đồng nội. Cỏ héo, hoa tàn khi thần khí ĐỨC CHÚA thổi qua. Phải, dân là cỏ: Cỏ héo, hoa tàn, nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững» (Is40, 6…8) Hơn nữa xác tín vào lòng tín trung của Chúa với Lời Ngài là cội nguồn của lòng tin Ít-ra-en.«Không phải vì anh (em) công chính hay vì lòng anh (em) ngay thẳng mà anh (em) sắp được vào chiếm hữu đất của chúng... ĐỨC CHÚA làm như vậy để giữ vững lời Người đã thề với cha ông anh (em), là ông Áp-ra-ham, ông I-xa-ác và ông Gia-cóp» (Đnl9, 5)  

Vì thế đề tài lắng nghe rất quan trọng trong Thánh Kinh: Sở dĩ Chúa nói, vì hạnh phúc của chúng ta, chúng ta chỉ còn biết lắng nghe, Chúa tôn trọng tự do. «Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống» (Is55, 3). Lời Ngài hữu hiệu. Đó là ý nghĩa đoạn văn này, nhưng phải có một điều kiện duy nhất đó là phải tìm một mảnh đất tốt để lời ấy nảy mầm (Xem Phúc Âm Chúa nhật hôm nay: (Mt13, 1-23) bài dụ ngôn người gieo giống)

Nếu chúng ta tin vào những câu trước, những câu chúng ta vừa đọc (Is55, 6-9), điều đặc biệt nhất của Lời Chúa là một lời tha thứ và hòa giải «Hãy tìm ĐỨC CHÚA khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với ĐỨC CHÚA - và Người sẽ xót thương - về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ. Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta» (Is55, 6-8). Sứ vụ của bài này ở đây «không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,» (c10) là sứ vụ loan báo sự tha thứ nhưng không của Chúa, và từ đó là sự hoà giải nhân loại với Ngài: Có thể hiểu rốt cục rồi Chúa cũng hoà giải nhân loại với Ngài, vì «Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý » (1Tm2, 4) … ngay cả khi phải gửi Ngôi Lời vào thế gian : «Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!» (Lc9, 35)

Đến lượt các môn đệ được gửi đi, như những sứ thần của hoà giải : «Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải» (2Cr5, 18). Như sách Do Thái nói : «Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời» (Dt1, 1-3) Ngôi Lời không quay về Chúa Cha «sẽ không trở về… nếu chưa đạt kết quả» là hoà giải.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv64, 10-14)

 

ĐÁP CA: Hạt giống rơi vào đất tốt, và sinh hoa kết quả.

 

10 Thăm trái đất, Ngài tuôn mưa móc,
cho ngập tràn phú túc giàu sang,
suối trời trữ nước mênh mang,
dọn đất sẵn sàng đón lúa trổ bông.

11 Tưới từng luống, san từng mô đất,
khiến dầm mưa cho hạt nẩy mầm,

12 bốn mùa Chúa đổ hồng ân,
Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi.

13 Vùng hoang địa xanh rì ngọn cỏ,
cảnh núi đồi hớn hở tươi xinh,

14 chiên cừu phủ trắng đồng xanh,
lúa vàng dưới lũng rung rinh dạt dào,
câu hò tiếng hát trổi cao.

 

Bài thánh vịnh này khởi đầu gợi lên nhiều nghi thức của Đền Giê-ru-sa-lem [«Lạy Thiên Chúa, ca tụng Ngài ở Xi-on, thật là chính đáng» (c2)]. Nơi đây các tín hữu đến dâng của lễ tạ ơn, sau một lời khấn [«thật là chính đáng, điều khấn hứa cùng Ngài, phải lo giữ trọn.» (c2)]; cũng nơi đây là nơi đến xin tha thứ: «thân mang đầy tội lỗi; bao tội ác đè bẹp chúng con, nhưng phần Chúa, Chúa tha thứ cả.» (c4)

Dân được Chúa chọn đến tạ ơn ân huệ Chúa ban. Địa vị của họ cũng đáng ước ao cho các chi tộc khác, như địa vị các tư tế: «Phúc thay kẻ được Ngài tuyển chọn và cho ở tại khuôn viên đền Ngài. Ân huệ nhà Chúa, chúng con tận hưởng, lộc thánh đền Ngài, lại được đầy no.»(c5) Nhưng điều được tuyển chọn ấy không làm quên đi dự án cứu độ của Thiên Chúa, bao gồm tất cả nhân loại, và biết rằng tất cả các dân tộc một ngày kia sẽ được cứu độ. Bài ca nhập lễ mai táng xưa (Requiem) lấy hai câu 2 và 3 bài thánh vịnh, và đặc biệt: «Chúa là Đấng nghe lời cầu khẩn, mọi phàm nhân sẽ đến với Ngài» (c3) (theo tiếng Latinh: «ad te omnis caro veniet»)

Vẻ thơ điền viên, các câu được đọc trong phụng vụ hôm nay không làm quên đi nội dung của bài thánh vịnh, là bài tạ ơn người tội lỗi được thứ tha (hãy hiểu: Ít-ra-en được hồi hương sau lưu đày, chờ ngày tất cả nhân loại cũng được hòa giải). Con cái Ít-ra-en không chỉ nhìn hời hợt trên mặt mọi sự, dù cho mọi điều có đẹp đến đâu. Hơn thế nữa, sự phì nhiêu các ân huệ Chúa ban cho thiên nhiên, gợi lên rất trung thực những hồng ân biết bao cao cả, tuyệt vời và hơn thế nữa, bao lần không ngớt được tha thứ: «thân mang đầy tội lỗi; bao tội ác đè bẹp chúng con, nhưng phần Chúa, Chúa tha thứ cả.» (c4); «Ngài công minh đáp lại lời chúng con bằng những việc lạ lùng kinh hãi» (c6) Lúc bấy giờ sự phán xét Thiên Chúa được hiểu là một sự phán xét cứu độ.

Cũng giống như thế, các câu trong sách tiên tri I-sa-i-a được nghe trong Bài đọc Một nói lên trước tiên về mưa và tuyết để gợi lên một thực tế duy nhất quan trọng, đó là Lời Chúa tác động (xem bài suy luận trên): «Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.» (Is55, 10-11) Và chúng ta đã thấy, Lời ấy của Chúa là Lời thứ tha.

Thế nhưng đối với một tín hữu, lời tha thứ đồng nghĩa với một sự tái tạo thật sự: vì thế nội dung sự tạo dựng rất hiện hữu trong bài này. Gợi lên vẻ đẹp của thiên nhiên trong bài này chỉ để gợi ý đến những trời mới; đất mới: «Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem… Vì Giê-ru-sa-lem, Ta sẽ hoan hỷ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng. Nơi đây, sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la.» (Is65, 17…25). Thật vậy: «Lạy Thiên Chúa, ca tụng Ngài ở Xi-on, thật là chính đáng» (c2), trong khi chờ ngày hồng ân mà chỉ Thiên Chúa mới biết, ngày ấy Ngài sẽ quy tụ muôn dân về Giê-ru-sa-lem, nơi ấy nhà Ngài sẽ được gọi «nhà cầu nguyện của muôn dân.» (Is56, 7)

***

 

BÀI ĐỌC 2 (Rm8, 18-23)

 

"Các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa."

Trích thư Thánh Phao-lô tông đổ gửi tín hữu Rô-ma.

 

18 Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.

19 Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.

20 Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy

21 là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.

22 Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.

23 Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.

 

Chúng ta hãy tưởng tượng sự ra đời của một tuyệt tác nghệ thuật, một tượng đồng khổng lồ chẳng hạn. Tôi có trong đầu một cái thánh giá thật to lớn do một nhà điêu khắc Tiệp tặng cho giáo xứ tôi; ngày nay nó tuyệt vời nhưng phải qua biết bao nhiêu khó nhọc, từ nhỏ đến lớn, mới có ngày nay! Từ ngày đầu tiên, người nghệ sĩ biết mình làm gì? Đi về đâu? Phải trải qua nhiều kiên nhẫn cùng thời gian ; qua nhiều giai đoạn. Lúc ban đầu, có thể có những thất bại…Trong nhiều trường hợp người nghệ sĩ điêu khắc cần có những người cộng sự. Những người này cũng chịu nhọc nhằn, nguy cơ công việc bạc bẽo này sẽ về đâu ? Vì chỉ có người nghệ sĩ mới có thể tưởng tượng khi công trình hoàn tất sẽ như thế nào. Vẻ đẹp thấy trước đó, nhưng làm sao miêu tả, làm sao chia sẻ cho những người cùng cộng tác? Những người ấy cần có một lòng trông cậy mạnh mẽ để dấn thân vào công trình ấy.

Có thể so sánh công trình của Thiên Chúa với sự ra đời của một tuyệt tác nghệ thuật, hơn nữa Thánh Phao-lô cũng có nói đến sự sanh nở. Vì tạo dựng không phải là một sự kiện của quá khứ; đó là một dự án đang được thi công. Hiện nay chỉ có Chúa mới có thể miêu tả công trình một khi hoàn tất. Ai đang hoàn tất công trình ấy? Chúng ta đây, mỗi người trong phần vụ nhỏ bé của mình, nhưng nhất là Thần khí, Đấng thổi vào thế gian để thế gian quay về với Thiên Chúa. «chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.» (c23). Cũng nên hiểu rõ. Chúng ta không chờ đợi được giải thoát khỏi thân xác; chính thân xác chúng ta, tức là toàn vẹn con người chúng ta, nay còn bị gông xiềng trói buộc, tức là còn kết nối với tội lỗi, cuối cùng sẽ được cứu thoát, tự do, sống như con cái Thiên Chúa.

Phụng vụ nói rằng: «chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con» (c23) phát biểu như thế cũng đã tuyệt vời rồi, nhưng cũng nên tìm hiểu các cách diễn đạt khác, vì thực tế điều Chúa hứa cho chúng ta, thực sự không thể diễn đạt được. Vì lẽ ấy bản dịch đa tôn còn giữ chữ «sản phẩm đầu mùa»: «Chúng ta, là kẻ nhận được những sản phẩm đầu mùa của Thần Khí, rên xiết trong lòng chờ ngày được chấp nhận…». Theo Thánh Kinh chữ «sản phẩm  đầu mùa» có nghĩa chung: vừa của có lúc ban đầu vừa lời hứa sẽ có lúc thu hoạch. Thật là một hình ảnh đẹp để nói lên chúng ta đã có số tiền đặt cọc của sự cứu độ vĩnh viễn, «Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.» (Rm5, 5). Và chúng ta có thể chấp nhận vì đã có rồi phần đầu, do chúng ta được tác động bởi Thần Khí, nên chúng ta rên xiết chờ ngày được thay đổi toàn diện.  

«Người đã sai Chúa Thánh Thần như ân huệ khởi đầu đến với các tín hữu, để Chúa Thánh Thần kiện toàn công trình của Người nơi trần gian, và hoàn tất công việc thánh hóa.( Kinh nguyện Thánh Thể IV), «công việc thánh hoá», tức là mọi thay đổi. Hiện nay, việc tạo dựng còn trong quyền lực của hư không: quyền lực mãnh liệt phát động toàn diện sự tạo dựng thường chống lại chính sự tạo dựng, đây là hiện tượng của mọi hình thức của bạo lực. Nhưng trong trời mới; đất mới chúng ta mong chờ - nói đúng hơn là hướng về đó cho ta tiến tới – mãnh lực ấy là lòng say mê hiệp nhất: «Nhưng, theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị.» (2Pr3, 13). Lúc ấy sự tạo dựng sẽ  «được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang» (c21) 

Hình như ở đây Thánh Phao-lô nói chung cả sự tạo dựng vũ trụ không riêng gì về chúng ta. Về điểm này, ngài chỉ trích lại một đề tài quen thuộc của người thạo Thánh Kinh. Ví dụ như đối với những người này, sự bất hài hòa do chọn lựa sai lầm của A-đam làm cho toàn vườn địa đàng, tức là cả sự tạo dựng bị lôi cuốn vào hỗn độn: «đất đai bị nguyền rủa vì ngươi» (St3, 17). Ngược lại, một khi sự công chính ngụ lại trên trái đất, chẳng những con người mà cả súc vật cũng sẽ có hòa bình. Vì loài người thuộc về vũ trụ, và được tạo dựng không thể không có vũ trụ. Đó là ý nghĩa của bài dụ ngôn tuyệt vời của tiên tri I-sa-i-a «Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.» (Is11, 6-9) [Xem thêm (Is65, 17) trong suy niệm thánh vịnh 64-65 cùng chúa nhật ấy]

Cùng với sự phục sinh con cháu A-đam sẽ có đổi mới mọi sự: «Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. … tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy… là có ngày cũng sẽ được giải thoát mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang» (c19-20-21)

Đối với những cộng sự thông thường của nghệ nhân chúng ta có một đặc ân vô cùng. Chúng ta được thấy trước tác phẩm khi hoàn tất: «Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.» (Ga1, 14)

***

 

PHÚC ÂM (Mt13, 1-9 hoặc 1-23)

 

Alleluia, alleuia!

- Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hóa chúng con trong sự thật” - Alleuia!

-----------------

"Kìa có người gieo giống đi gieo lúa"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

1 Hôm ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ.

2 Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ.

3 Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.

4 Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.

5 Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu;

6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.

7 Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt.

8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.

9 Ai có tai thì nghe."

10 Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?"

11 Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.

12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.

13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu.

14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy;

15 vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.

16 "Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.

17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

18 "Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống.

19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường.

20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận.

21 Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay.

22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.

23 Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục."

 

Dụ ngôn là một văn thể trong truyền thống Do Thái, giống như ngày nay chúng ta gọi là các truyện thần thoại. Bài có mục đích sư phạm. Đó là làm cho người nghe thay đổi quan điểm. Bài dụ ngôn không phải bài có lối ẩn dụ: mỗi đề tài của câu truyện không có tham vọng mang một ý nghĩa gì đặc biệt, người đọc phải có cái nhìn chung của bài để múc ra một bài học cụ thể.

Tại sao Chúa Giê-su nói bằng dụ ngôn? Các môn đệ cũng không ngớt hỏi Chúa câu này. Để trả lời câu hỏi ấy, Chúa bắt đầu bằng phân biệt hai loại người: «Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?" Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe và không hiểu..» (Mt13, 10-13). Để nhìn sáng hơn, sự phân biệt ấy phải đặt bài học của Chúa Giê-su trong văn cảnh. Trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu cũng như theo Thánh Mác-cô, bài học bằng dụ ngôn tiếp theo cuộc tranh cãi với các Pha-ri-sêu và các người theo các ông ấy. Chính Ngài nói về họ khi Ngài trích lời tiên tri I-sa-i-a: «vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.» (c15). Càng tự giam hãm mình bằng những xác tín riêng của mình những người nghe càng trở nên không biết tiếp thu Lời Chúa.

«Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.» (c12) câu này càng nói lên điều quan trọng: lòng phải sẵn sàng rộng mở mới hiểu được các dụ ngôn. Đây là một cách phát biểu thật thẳng thừng hai con đường, rất cổ điển trong Cựu Ước. Cuộc sống con người có thể so sánh như một con đường dẫn tới một con đường khác cắt ngang qua: đi hướng nào đây? Bên trái hay bên phải: nếu chúng ta đi đúng hướng («con đường đúng ») mỗi bước chúng ta đi, đem ta lại gần mục đích hơn: «Hãy giáo huấn người khôn, họ sẽ khôn hơn nữa. Hãy dạy bảo người công chính, họ sẽ hiểu biết thêm.» (Cn9, 9) Nếu không may chúng ta chọn không đúng hướng, mỗi bước làm cho chúng ta xa mục đích.

Rõ ràng phải biết chọn lựa: hoặc nghe, lắng tai, mở lòng, mở cả hai tai để Lời Chúa dạy dỗ và biến đổi chúng ta dần dần, hay từ chối nghe dần dần có nguy cơ trở nên điếc hẳn không còn nghe thấy gì (Mt13, 15 trích Is6, 9-10). Trong lúc ấy Chúa chỉ muốn họ được chữa lành. «rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành»  (Mt13, 15)

Bài dụ ngôn người gieo giống, cũng như lời giải thích của Chúa tỏ ra rõ ràng như một loại minh họa những cản trở của rao giảng Tin Mừng. Chúa Giê-su là Lời Chúa đến ngự trong con người (Ga1, 14); Ngài chỉ nói Lời của Chúa Cha: «Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha» (Ga14, 24) Nhưng Lời Ngài rất khó tìm đất thích hợp để được triển nở. Chính các môn đệ Ngài cũng vấp chân về bài giáo huấn ấy. Thánh Gio-an thuật lại phản ứng của họ sau khi nghe bài giảng về bánh hằng sống: «Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi…Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa…Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nửa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? "Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời?» (Ga6, 60…68) 

Bài dụ ngôn loan báo sẽ có một mùa gặt («kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục») (c23); chắc chắn rồi, nhưng phải trả với giá nào! Nước Chúa sẽ được thiết lập sau nhiều thất bại, vì đi vào sự khôn ngoan của Nước Trời chỉ có thể từ tác động của một ân sủng: «Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không» (c11); «Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe» (c16); «Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu» (c23). Điều này chỉ có thể một khi lòng mở ra quảng đại đón nhận ánh sáng từ Thiên Chúa, ánh sáng này chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi: Sự sẵn sàng ấy cũng chỉ được lãnh nhận từ Thiên Chúa. Các người Pha-ri-sêu và đám đông dân chúng chưa sẵn sàng.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com