Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật XVII Thường Niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (1V3, 5.7-12)

 

"Xin ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan" 

Trích sách các Vua quyển thứ nhất.

 

5 Tại Ghíp-ôn, đang đêm ĐỨC CHÚA hiện ra báo mộng cho vua Sa-lô-môn, Thiên Chúa phán: "Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho."

7 Và bây giờ, lạy ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đa-vít, thân phụ con, mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cầm quyền trị nước.

8 Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, cũng không đếm nổi.

9 Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?"

10 Chúa hài lòng vì vua Sa-lô-môn đã xin điều đó.

11 Thiên Chúa phán với vua: "Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử,

12 thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một t hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp

 

Vừa mới được tôn vương, vua đến thánh địa Ghíp-ôn, cách Giê-ru-sa-lem vài ki-lô-mét, để dâng một lễ hiến sinh (sách nói rõ đến ngàn súc vật). Nơi đây vua đọc một lời nguyện bất hủ, khắc ghi vào ký ức dân tộc It-ra-en như một mẫu gương. Nhưng để hiểu tầm quan trọng của bài này phải đọc trọn bài và đặt trong cả văn cảnh, vì nếu chỉ đọc những hàng này trong phụng vụ mà thôi, ta sẽ có nguy cơ tô thắm cho vua Sa-lô-môn đủ thứ đức tính! Thực tế không mấy đáng tán thưởng cho nhà vua: Con đường đạt đến ngai vua đầy rẫy những biến cố bất ngờ không được thánh thiện cho lắm, kể cả những thủ đoạn chính trị và những vụ ám sát. Có ít nhất ba người anh nhắm đến địa vị này; để nói rằng cơ may của ông để làm vua thật mong manh. Các cuộc đấu tranh huynh đệ tương tàn của các anh giúp ông dọn chiến trường (x.1 Vua) và mẹ của ông, hoàng hậu Bét-sa-bê sẽ tiếp tay ông làm tiếp công việc. Trong lúc A-đô-ni-gia, một trong ba người anh sống sót, đang tận hưởng cuộc chiến thắng, bà dàn xếp để nhanh chóng phỏng tay trên. Sa-lô-môn được gấp rút phong vương ở suối Ghi-khôn. Và dân chúng lúc nào cũng sẵn sàng tung hô vị tân vương, nếu là một người khác thì cũng thế. Sa-lô-môn đạt được mục đích của mình, ông ngự trên ngai. Chỉ còn thủ tiêu những ai đối lập, điều mà ông không chờ đợi để hành động.

Bề ngoài không phải một vị thánh lớn đang trình diện trước Thiên Chúa! Và sở dĩ đức khôn ngoan của ông trở nên thần thoại, chúng ta nhận xét điều này không đến với ông ngay từ đầu. Đó là một ân sủng của Chúa (người viết bài này ao ước chúng ta nhớ đến sự thật căn bản ấy). Sa-lô-môn biết rằng bây giờ phải trị vì, điều này đối ông thật là khó, và từ đó ông mới bắt đầu tỏ ra khôn ngoan và sáng suốt. Lý do là vị vua trẻ tuổi này, đã hiểu ít nữa một điều - và đó là phẩm chất duy nhất của ông - sự khôn ngoan là điều quý giá nhất trên đời [Thánh Mát-thêu nói là kho báu và là hòn ngọc trong Phúc Ấm hôm nay (Mt13, 44-46)] và chỉ có Thiên Chúa mới nắm được chìa khóa của sự khôn ngoan thật. Vì lẽ đó, lời nguyện vua Sa-lô-môn tại thánh địa Ghíp-ôn là một mẫu gương khiêm nhường và cậy trông. «lạy ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đa-vít, thân phụ con, mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cầm quyền trị nước…Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?» (c7…9)

Câu trả lời của Chúa vượt mọi kỳ vọng của ông: «Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, (phải chăng đây là một chút mỉa mai? Không phải Chúa không biết Sa-lô-môn tự mình làm được những điều này), thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp» (c11, 12)   .

Và Chúa không ngừng ở đây. Phụng vụ hôm nay, rất tiếc không cho chúng ta nghe tiếp, mặc dù đây là một bài học về lòng quảng đại của Chúa: «Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt đời ngươi không có ai trong các vua được như ngươi» (c13) .

Đây là một mặc khải tuyệt vời cho chúng ta: Không phải một vị thánh trình diện trước mặt Chúa, nhưng bởi vì cầu nguyện khiêm nhu, ông được nhậm lời, điều này làm cho nghĩ đến người thu thuế nào đó trong bài dụ ngôn (Lc18, 9-14). Sau cùng và nhất là chúng ta được mặc khải một lần nữa nhờ vua Sa-lômôn, rằng Chúa tiếp tục ân ban và tha thứ không kể gì quá khứ, dù không mấy thánh thiện đi nữa. Vì thế chúng ta hãy suy nghĩ lại ý nghĩa chữ «tha thứ» là một ân huệ vượt trên hết mọi xúc phạm.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv118, 57&72.76-77.127-130)

 

Đáp: Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp của Chúa biết bao!

 

(LND: Trong bộ sách L’Intelligence des Ecritures, tác giả không làm bài suy niệm cho Tv này, mà gởi về Chúa nhật thứ VI Thường Niên A, vì hôm đó trong phụng vụ cũng được đọc thánh vịnh 118. Xin nhắc lại hôm ấy bài đọc 1 là một đoạn sách Huấn Ca, còn hôm nay chúng ta đọc Sách thứ nhất Các Vua ) Sau đây là bài suy niệm cho Chúa nhật thứ VI thường niên năm A.

Bài Thánh Vịnh hôm nay là một tiếng vang thật thích hợp với đoạn sách Huấn Ca trong Bài Đọc Một. Bài này cũng cùng tiếp theo một suy niệm. Cả các ý được triển khai (dĩ nhiên có khác giữa hai bài nhưng rất liên kết với nhau) là con người, chỉ tìm thấy hạnh phúc trong sự tín thác vào Thiên Chúa và vâng theo các điều răn của Ngài. Tai họa và sự chết, khởi đầu cho con người khi sống tách rời con đường thanh thản tín thác vào Thiên Chúa. Để thấm vào đầu chúng ta lòng ngờ vực Thiên Chúa, và những điều răn của Ngài. Như thế, cứ chỉ làm theo ý mình, có thể nói đó là dấn thân vào một con đường sai lầm, một ngõ cụt. Đó là vấn nạn của A-đam và E-và, theo tường thuật sự sa ngã trong vườn Địa Đàng.

Chúng ta nhận ra trong vị trí phụ, ở hàng sau của bài thánh vịnh, đề tài hai con đường khi suy niệm Bài Đọc Một. Theo sách Huấn Ca, chúng ta là lữ khách trên một hành trình bất tận, luôn luôn phải rà soát lại con đường mình đi… Phúc cho ai trong chúng ta tìm thấy con đường tốt cho mình! Vì hai con đường luôn mở ra trước mặt, một bên dẫn đến hạnh phúc, một bên dẫn đến bất hạnh.

Hạnh phúc, theo bài Thánh Vịnh này thật giản dị. Đúng ra con đường đối với một tín hữu là theo Lề Luật của Thiên Chúa: «1 Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp CHÚA TRỜI» Người tín hữu biết thế nào vẻ dịu êm của cuộc sống trong khi tín trung vào các điều răn Thiên Chúa, đấy là điều bài Thánh Vịnh muốn nói.

Bài thánh vịnh 118 (119) là bài dài nhất các thánh vịnh, và các câu được chọn trong phụng vụ hôm nay chỉ là một phần nhỏ, tương đương với một khúc của bài thơ. Thật ra bài gồm 172 câu, nghĩa là có 22 khúc, mỗi khúc có 8 câu. Những con số 22 và 8 không phải là một sự ngẫu nhiên.

Tại sao bài có 22 khúc? Bởi vì có 22 chữ cái trong vần A B C Do Thái: mỗi câu bắt đầu bằng một chữ cái và các khúc lại cũng theo vần A B C. Văn thể này theo tiếng Pháp gọi là Acrostiche, nhưng ở đây không phải là một kỳ công văn chương, một thành tích! Đây chính là một sự tuyên xưng đức tin: Bài thánh vịnh tôn vinh Lề Luật, sự chiêm ngắm một ân huệ từ Thiên Chúa, đó là Lề Luật (những giới răn). Còn hơn một bài thánh vịnh, nên xem như một lời kinh cầu nguyện. Một kinh cầu nguyện tôn vinh Lề Luật, điều không vinh dự gì, thú nhận là khá xa lạ với chúng ta!

Điều rất lạ, một trong những đặc điểm của Thánh Kinh là tình yêu Lề Luật thật sự chiếm hữu người Tín Hữu. Những giới răn không áp đặt cho chúng ta như những gì phải chịu lụy, mà là những lời khuyên, những lời khuyên duy nhất dẫn đến để sống cuộc đời hạnh phúc: «Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp CHÚA TRỜI». Khi người của Thánh Kinh nói lên câu này, họ thật lòng nghĩ như thế. Đây dĩ nhiên không phải là một phép màu. Những người tuân theo Lề Luật có thể gặp mọi gian khổ ở đời, nhưng trong các trường hợp bi đát ấy, người tín hữu biết rằng, con đường duy nhất tin tưởng vào Thiên Chúa có thể đem đến cho họ bình an trong tâm hồn.

Chẳng những Lề Luật không phải bị gánh chịu như một việc áp đặt, nhưng được xem như một món quà nhưng không, đến từ Thiên Chúa ban cho dân Ngài, cảnh báo họ tránh mọi con đường lầm lẫn. Lề Luật được xem như một biểu hiện sự quan tâm của Chúa Cha đối với con cái Ngài; cho một người bạn để tránh những điều hiểm nguy. Mọi người tin rằng Chúa ban Lề Luật, và Lề Luật được xem như một món quà. Vì Chúa không chỉ hài lòng giải thoát dân Ngài khỏi nô lệ Ai Cập. Nếu để mặc họ, Ít-ra-en có nguy cơ sa ngã vào những xiềng xích, e rằng tệ hại hơn nữa. Có thể xem như việc Chúa ban Lề Luật: đại loại như trao ban phương thức sử dụng sự tự do.Vì vậy Lề Luật là biểu hiện của tình yêu Chúa dành cho dân Ngài.

Cũng phải nói, không chờ đến Tân Ước mới khám phá ra Chúa là Tình Yêu và Lề Luật không có chủ đích gì khác hơn là dẫn chúng ta đến con đường tình yêu. Tất cả Thánh Kinh là lịch sử kinh nghiệm bước đầu về tình yêu, và cuộc sống huynh đệ của dân tộc được Chúa chọn. Sách Đệ Nhị Luật chép: «4 Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. 5 Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)» (Đnl 6, 4-5). Ít lâu sau, Chúa Giê-su làm cho gần nhau hơn hai điều răn ấy, chúng ta có thể nói Ngài đã tóm lược cả Lề Luật Do Thái.

Tôi xin trở lại Mối Phúc Thật lạ kỳ của câu thứ nhất. «Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp CHÚA TRỜI.» Chúng ta có dịp suy nghĩ về ý nghĩa của cụm từ “hạnh phúc thay”, chúng ta cũng có dịp xem cách dịch từ nguyên bản có nghĩa là «trên đường tiến lên». Như thế chúng ta có thể đọc: «Hỡi người biết noi theo luật pháp hãy vững lòng bước đi trong tin tưởng». Tác giả bài Thánh Vịnh xác tín rằng đây là đời sống và hạnh phúc của mình nên hát lên bài thánh vịnh-lời nguyện này như đang cầu nguyện. Sau ba câu đầu là những lời xác quyết về hạnh phúc con người khi giữ Lề Luật, còn 173 câu kia hướng thẳng đến Thiên Chúa với một thể văn, có lúc thì chiêm ngắm, lúc thì van xin, như câu sau đây: «18Xin mở mắt cho con nhìn thấy luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao.» Và lời cầu nguyện cứ như thế tiếp tục không ngừng với những cung cách tương tự hay gần giống như thế. Ví dụ trong mỗi khúc, bằng tiếng Do Thái, trở lại tám chữ, lúc nào cũng tám chữ ấy để miêu tả Lề Luật. Chỉ có những kẻ đang yêu mới dám lặp lại không nhàm chán…

Tám chữ lúc nào cũng tám chữ ấy, tám câu trong mỗi khúc trong 22 khúc. Số 8 trong Thánh Kinh là con số có ý nghĩa tạo dựng mới. Sự Tạo Dựng tiên khởi của Thiên Chúa được hoàn tất trong 7 ngày, thế thì ngày thứ tám là ngày của sự tạo dựng mới, những «trời mới và đất mới», như một lời tuyệt vời của Thánh Kinh. Sự Tạo Dựng cuối cùng này sẽ xuất hiện lúc nhân loại sống theo lề luật Thiên Chúa, có nghĩa là trong tình yêu, vì hai điều là như nhau.

***

BÀI ĐỌC 2 (Rm 8, 28-30)

 

"Người đã tiền định cho chúng ta trở nên giống hình ảnh Con Người"

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Rô-ma

 

28 Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định

29 Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.

30 Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang.

 

Hôm nay các phi hành gia bay vụt lên tận không trung, đủ độ cao so với trái đất, để chiêm ngắm nó trọn vẹn qua một ánh mắt. Các nhà thiên văn có những viễn vọng kính đủ mạnh để nhìn xuyên thấu đêm tối và có ý tưởng về tổ chức vũ trụ. Cũng tương tự như thế, Thánh Phao-lô, trong vài hàng, ngài nói cho chúng ta tầm nhìn của ngài về kế hoạch muôn thuở Thiên Chúa đang thực hiện trong lịch sử nhân loại.

Chính Chúa là Đấng có sáng kiến, dĩ nhiên rồi; và có một điều cũng tất nhiên, Thánh Phao-lô nói, đề án Thiên Chúa là một đề án tình yêu «Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người» (c28). Thế nào cũng có người buộc miệng phản đối: Thế đối những ai không yêu mến Thiên Chúa, dự án tình yêu ấy không có à? Đây là một cách hiểu sai thư Thánh Phao-lô và cả Thánh Kinh. Thật vậy, Thánh Phao-lô giải thích ngay «những ai yêu mến Chúa»: là «những ai được gọi theo kế hoạch của Ngài» (Dịch theo Thánh Kinh Đa Tôn TOB). Và chúng ta cũng biết «kế họach» của Chúa là qui tụ tất cả loài người, ngay cả toàn vũ trụ. Theo như bài, mọi người đều biết trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô: «Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô,» (Ep1, 9-10). Chính xác. Thánh Phao-lô chiêm ngắm điều ấy trong bài này.

Thế nhưng đây là kế họach yêu thương, thì chỉ có thể thực hiện được khi có tình yêu đáp trả. Vì lẽ ấy, từ khi khởi đầu mặc khải, Chúa nói: Hãy yêu mến Ta, hãy tin tưởng nơi Ta vì Ta yêu các con. Đó là, đối tượng của điều răn cốt tử được trao qua ông Mô-sê cho dân tộc Ít-re-en. «Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em).» (Đnl6, 5)

Thánh Phao-lô nói «những ai Người đã biết từ trước» (c29). Ở đây cũng thế, có nguy cơ làm cho hiểu lầm Chúa chọn lựa như con người thường làm: thừa nhận hay không thừa nhận một đứa trẻ, tỏ ra quay về không thờ ơ hay chống đối về đứa trẻ ấy. Chúng ta đều biết, qua Thánh Kinh ý nghĩa của chữ «biết». Chữ này có nghĩa là một cuộc gặp gỡ thân tình, sâu thẳm nhất, và cuộc gặp gỡ ấy, chính là điều Chúa đề nghị cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai. Trước hết cho dân tộc Ít-re-en, Chúa loan báo, mặc cho những lỗi lầm và chối bỏ của họ, Chúa cho toàn dân đi vào trong vòng mật thiết với Ngài: «giao ước Ta đã lập với cha ông chúng... Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: "Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA", vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. Ít-ra-en sẽ tồn tại mãi» (Gr31, 32-34)  

Lời hứa ấy không chỉ dành cho dân Ít-ra-en. Biết bao lần, ông Mô-sê loan báo rằng kế hoạch ấy của Thiên Chúa dành cho cả loài người: «Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc…Ngày ấy, người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là ĐỨC CHÚA chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ.» (Is25, 6…9) Và chỗ khác: «nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân.» (Is56, 7) (x bài suy niệm CN XX TN)  

Thánh Phao-lô miêu tả chương trình cứu độ tuyệt vời ấy bằng nhiều giai đoạn. Đây không phải diễn biến theo thời gian, nhưng là cái nhìn như một bức hình toàn cảnh, giúp khám phá ra cái lô-gíc tuyệt vời qua những sáng kiến của Thiên Chúa. Đầu tiên Ngài gửi Con của Mình; chính Chúa Con: «Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu.» (Cl1, 18). Như thế, những kẻ đáp trả tình yêu của Chúa, giống Người Con đã thực hiện thiên ý cứu độ của Chúa Cha. Giống như họ bị thu hút bởi tình yêu tuyệt vời ấy để trở thành: «… con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô» (Rm8, 17) Thánh Phao-lô có thể nói cuộc gặp gỡ ấy làm cho họ hoàn toàn hài hoà với Thiên Chúa (công chính), nhờ thiên tính (thánh hóa) có thể làm cho họ trở thành những tham dự viên, và ngay từ bây giờ thừa hưởng vinh quang của Ngài. Lúc bấy giờ, ta hiểu trong câu sau sự chiêm ngắm này, tại sao Thánh Phao-lô viết: «Vậy còn phải nói gì thêm nữa?» (Rm8, 31)

***

 

PHÚC ÂM (Mt 13, 44-46 hoặc 44-52)

 

Alleluia, alleluia!

Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em - Alleuia.

-----------------

«Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thử ruộng đó» 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

44 "Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

45 "Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp.

46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

47 "Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá.

48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.

49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính,

50 rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

51 "Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?" Họ đáp: "Thưa hiểu."

52 Người bảo họ: "Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ."

 

Đây là ba - hay nói đúng hơn là bốn - câu chuyện đầy lý thú và là bốn bài học. Nơi đây tìm thấy những nhân vật vĩ đại, đối phó với những tình huống mang đầy tính cách giáo dục trong Nước Trời. Có một người cày ruộng tìm thấy một kho tàng ẩn dấu trong thửa ruộng không thuộc về mình, một kho tàng làm ông hoa mắt. Một người bán buôn đứng trước một viên ngọc trai tuyệt vời ông hằng mơ ước, những người làm nghề chài lưới mang về một mẻ lưới đầy cá, đến nỗi phải mất thời gian để lựa, thứ nào giữ lại, thứ nào vứt xuống biển và sau cùng là một điền chủ có đầy đủ tiền để tậu những gì mình cần.

Hai bài dụ ngôn đầu rất giống nhau: Hai nhân vật có một khám phá. Đối với người đầu tiên, đây là một sự hoàn toàn ngẫu nhiên; ông đang làm việc trong cánh đồng của chủ, lưỡi cày chạm vào một thứ gì được chôn cất ở đấy và có thể bị bỏ quên từ lâu: một kho báu, một phúc lộc không bao giờ ngờ, sẽ thay đổi đời mình đây! Đối với người thứ hai, trái lại, sau một thời gian dài tìm kiếm, ông mới tìm được viên ngọc của đời mình. Tin Mừng khiến chúng ta chú ý đến sự khác biệt tính tình của hai nhân vật: Người thứ nhất nở rộ niềm vui của mình trước sự khám phá («rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy» (c44)), người thứ hai không tỏ ra gì, ông chỉ lạnh lùng tính toán tiền bạc «ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.» (c46) 

Cả hai người đứng trước giá trị của những gì mình tìm thấy, bán tất cả gì mình có để mua lấy. Bài học rất rõ ràng: Nước Trời đó, anh em có cơ hội để không đánh mất: «Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.» (Mc1, 15) Đối với người thanh niên giàu có của cải thế gian và thiêng liêng, đến hỏi Chúa: «Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?» (Mc10, 17) Chúa Giê-su trả lời «Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi» (Mc10, 18…21)  Đấy là những gì Ngài chờ đợi nơi những người nhận Tin Mừng của Nước Trời. Để đáp lại, tùy theo tình cảnh và ơn gọi riêng của mỗi người, nhưng không lợi dụng cơ may kỳ diệu trước mặt, để làm tất cả hầu nhận được món quà hồng ân Thiên Chúa, quả thật là một điều ngu xuẩn: Tại sao cân nhắc từng tí? Tại sao phải tính toán trước món quà như thế? Làm như thế sẽ như người thanh niên giàu có, chỉ tìm cho mình sự sầu muộn.

Chính Chúa Giê-su giải thích ý nghĩa bài dụ ngôn tiếp theo, bài người đánh cá kéo lưới đầy cá và hối hả lựa cá: «Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (c49,50). Chúng ta tìm lại nơi đây, hình ảnh kinh khủng gợi lên cảnh phán xét tận thế, khi Chúa Giê-su giải thích bài dụ ngôn cỏ lùng: Chỉ có Chúa mới biết phần nào tốt, phần nào xấu trong mỗi người. Giai đoạn cuối cùng đời người tỏ ra như một cuộc thanh tẩy lớn lao. Tất cả những gì xấu, từ nay sẽ được loại ra để lại những gì là hình ảnh giống Thiên Chúa. Đó là những gì tiên tri Ma-la Khi đã nói «Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta…Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt.3 Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lê-vi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc.Bấy giờ, đối với ĐỨC CHÚA, chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính.» (Ml3, 1…3)   

Còn bài dụ ngôn thứ tư, ngắn hơn nhiều, chỉ giản dị so sánh «kinh sư… đã được học hỏi về Nước Trời» với người «chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ» (c52). Thật vậy, cả hai đều cần trong nhà: những đồ mới, còn tốt đem ra sử dụng, những quần áo mới mặc những ngày lễ, và cả những dụng cụ cũ đã dùng rồi nhưng ta quen tay sử dụng, những giẻ lau cũ rất cần trong nhiều trường hợp. Tóm lại những món cũ kỹ luôn luôn sẵn sàng sử dụng. Đó là điều Chúa Giê-su miêu tả «kinh sư… đã được học hỏi về Nước Trời»Kinh sư là người quen thuộc với Thánh Kinh, tức là Cựu Ước. Người môn đệ là người gắn bó với Chúa Giê-su và được nghe Chúa nói «Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời» (Mt13, 11)  Chúng ta cũng biết những mầu nhiệm được Chúa Giê-su mặc khải múc lấy cội nguồn như thế nào trong Giao ước thứ nhất; chúng ta cũng biết Giao Ước có ý nghĩa như thế nào và được Chúa Giê-su hoàn tất ra sao. Biết cả cái này và cái kia, đó chính là kho báu vĩ đại và duy nhất ấy.

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com