Lời Chúa CN

Cầu nguyện với Lời Chúa theo Lectio Divina - Chúa nhật XVI Thường Niên năm A 2023

“CỨ ĐỂ CẢ HAI LỚN LÊN CHO ĐẾN MÙA GẶT...”

Tin Mừng Matthêu 13,30

 

Hát 1 thánh ca khai mạc

Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.

 

Nhân Danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.

Lạy Thiên Chúa, Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng của Chúa để họ được trở về nẻo chính đường ngay. Xin ban cho những người xưng mình là Kitô hữu biết tránh mọi điều bất xứng, và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.  Amen. 

(Sách Lễ, Lời nguyện Tuần 15 Thường Niên)

 

1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Một người công bố Tin Mừng theo Thánh Mátthêu 13, 24-30.

Mọi người đứng lắng nghe.

Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.

 

2 - SUY NIỆM

Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ để ghi nhận 1 lời chạm đến tôi dựa vào 3 câu hỏi gợi ý sau đây:

  • Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa GIÊSU?

Tôi biết Chúa tôi rõ hơn ở điểm nào?

  • Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở đểm nào?

Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa hơn ở điểm nào ?

  • Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa ?

Nếu quen làm Lectio Divina trong Nhóm hay ở gia đình, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình

Không giải thích.

 

3 - CHIÊM NGHIỆM ĐỂ NHẬN RA Ý CHÚA

Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ: Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào.

 

  1. Chúa Giêsu nói Người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất” (câu 24-25).

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn "cỏ lùng mọc chung với lúa" để trả lời thắc mắc trước tình trạng người lành kẻ dữ chung sống trong thế giới.

  • Ông Chủ gieo giống tốt. Kẻ thù gieo cỏ lùng.
  • Đầy tớ muốn đi gom cỏ lùng, nhưng ông chủ sợ làm hại cả lúa.
  • Ông nói: “Hãy chờ đến mùa gặt, cỏ lùng sẽ bị gom và bó lại để đốt đi, còn lúa thì được thu vào kho lẫm.”

Tại sao Thiên Chúa không ra tay loại trừ những kẻ gieo đại dịch,  không trừng phạt những bạo chúa gây chiến tranh, nghèo đói, không kết án người tham lam như thùng không đáy khiến bao người khốn khổ, những tổ chức làm hại môi trường thiên nhiên, gây biến đổi khí hậu...? Trước đây có câu hát “Kẻ thù tôi đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai?” Tại sao ông chủ lại có thái độ như thế ? Ông chủ là ai? Kẻ thù là ai? Thái độ của tôi là sao?

....................................................................................................

....................................................................................................

 

  1. "Ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?" Ông chủ đáp: "Đừng ... Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.”

Chúa Giêsu cầu nguyện: “Con không cầu xin Cha đem họ ra khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17, 15).

Thiên Chúa giàu lòng thương xót con người đã được Ngài dựng nên giống hình ảnh mình, rồi sai Chúa Con xuống trần gian để chịu chết cứu độ nhân loại, lại ban sức mạnh của Thánh Thần trên các môn đệ để “là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem...cho đến tận cùng trái đất” (Công vụ 1,8), kêu gọi mọi người “sám hối, và chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội, và nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2, 38). Tôi có cảm nhận được tấm lòng của Thiên Chúa và sống làm chứng lòng thương xót của Ngài chưa? Hay vẫn muốn làm như các đầy tớ xin chủ đi nhổ cỏ lùng?

....................................................................................................

....................................................................................................

 

  1. Chiêm nghiệm 3 : Tự chọn theo Lời Chúa đã chạm đến mình.

....................................................................................................

....................................................................................................

 

4 - CẦU NGUYỆN

Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.

Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.

* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.

 

Lời nguyện kết thúc Thánh vịnh Đáp ca 85

Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng,
giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin;
lạy Chúa, xin lắng nghe lời con cầu khẩn,
tiếng con van nài, xin để ý lưu tâm.

Lạy Chúa, muôn dân chính tay Ngài tạo dựng
sẽ về phủ phục trước Thánh Nhan, và tôn vinh danh Ngài.
Vì Ngài thật cao cả, và làm nên những việc lạ lùng ;
chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa.

Phần Ngài, muôn lạy Chúa,
Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi,
Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín.
Xin đoái nhìn và xót thương con.

Sáng danh...

 

5 - HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN

  • Tôi chọn 1 câu Lời Chúa để suy ngẫm và học thuộc.

.....................................................................................................

  • Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Rôma

“Thưa anh em, có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.

Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa. (Rm 8,26-27)

Tôi suy đi ngẫm lại lời này, và tự hỏi từ nay mình phải có tâm tình thái độ nào đối với Thần Khí khi cầu nguyện?

.....................................................................................................

.....................................................................................................

 

CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Việc Chúa cho chúng ta thời gian thuận tiện để hoán cải không bao giờ được xem là điều hiển nhiên. Cơ hội mới này phải khơi dậy nơi chúng ta ý thức biết ơn và đánh thức chúng ta từ sự mê ngủ của mình.

Mặc dù đôi khi có sự hiện diện bi thảm của sự ác trong cuộc sống chúng ta, cũng như trong đời sống của Giáo Hội và thế giới, cơ hội này được ban để chúng ta thay đổi cuộc sống cho thấy ý muốn nhân hậu của Thiên Chúa, không cắt ngang cuộc đối thoại cứu độ với chúng ta. Trong Chúa Kitô chịu đóng đinh, “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2 Cr 5,21), ý muốn cứu độ này đã khiến Chúa Cha đổ xuống trên Con của Ngài tất cả tội lỗi chúng ta, như cách diễn tả của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: “đặt Thiên Chúa chống lại Thiên Chúa”, (x. Deus caritas est, 12). Vì Thiên Chúa cũng yêu thương kẻ thù của Ngài (x. Mt 5,43-48)…..

Đặt mầu nhiệm vượt qua ở trung tâm cuộc sống của chúng ta có nghĩa là cảm thấy trắc ẩn, thương cảm đối với vết thương của Chúa Kitô bị đóng đinh nơi nhiều nạn nhân vô tội của các cuộc chiến tranh, trong các cuộc tấn công vào sự sống, từ sự sống của người chưa được sinh ra đến sự sống của người già và các hình thức bạo lực khác nhau. Chúng cũng có trong các thảm họa môi trường, sự phân phối không đồng đều các tài nguyên của trái đất, nạn buôn người dưới mọi hình thức và ước muốn không cùng về lợi nhuận, một hình thức thờ ngẫu tượng.

(trích Sứ điệp Mùa Chay 2020)

 

Xin ACE cùng hiệp thông với các ý cầu nguyện trong tháng 07 trên trang web của PT.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com