Lời Chúa CN

Tìm hiểu Kinh Thánh Chúa nhật XVI Thường Niên Năm A - Marie-Noëlle Thabut

BÀI ĐỌC 1 (Kn12, 13.16-19)

 

"Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn trở lại"

Trích sách Khôn ngoan

 

13 Vì Chúa chăm sóc mọi loài.
Ngoài Ngài ra, chẳng còn thần nào khác
để Ngài phải chứng tỏ
rằng các phán quyết của Ngài không bất công.

16 Chính do sức mạnh của Chúa
mà Chúa hành động công minh,
và vì Chúa làm bá chủ vạn vật,
nên Chúa nương tay với muôn loài.

17 Khi không có ai tin rằng Chúa nắm trọn quyền năng,
thì Ngài tỏ sức mạnh ;
còn ai đã biết mà vẫn to gan, thì Ngài trị tội.

18 Nhưng Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh.
Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con,
nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn.

19 Làm như thế Chúa đã dạy dân rằng :
người công chính phải có lòng nhân ái.
Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề
là người có tội được Ngài ban ơn sám hối.

 

Phong tục tập quán văn chương thời Thánh Kinh không giống thời nay chúng ta: Họ không ngần ngại quy cho vị vua vĩ đại, có tiếng yêu thích sự khôn ngoan là vua Sa-lô-môn, một quyển sách viết 900 năm sau khi vua đã băn hà do một tác giả vô danh. Sách mang đề tựa «Sách Khôn ngoan vua Sa-lô-môn», mặc dù nội dung không liên quan gì đến vị vua lớn này, có chăng là nhờ ngài là người đưa vào vương triều Giê-ru-sa-lem, sự quan tâm đến việc nghiên cứu triết học, những gì ngài lãnh hội từ Ai-cập. (Hoàng hậu, vợ ông là một công chúa Ai-cập).

Tên sách được gọi là Sách «Khôn ngoan vua Sa-lô-môn», được viết bằng tiếng Hy-lạp, trên đất Hy-lạp vào những thập niên sau cùng trước khi Chúa Ki-tô đến, là một tập tiểu luận rao giảng đức tin cổ truyền Do-thái dành cho đọc giả có văn minh Hy-lạp, đối với những người này, tình yêu sự khôn ngoan (Triết học) là một đức tính cao cả nhất. Vì là triết gia, họ đặt câu hỏi : Thế nào là mãnh lực tâm lý? và làm thế nào để chiếm hữu được nó? Người tín hữu trả lời: Chính Thiên Chúa, người được đánh giá là có sức mạnh là người có lòng từ bi nhân hậu «Khi không có ai tin rằng Chúa nắm trọn quyền năng, thì Ngài tỏ sức mạnh» (c17); trái lại, Thiên Chúa là Đấng không ngớt nhân từ vì Ngài là đấng duy nhất toàn năng: «Nhưng Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con, nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn.» (c18)  

Ở đây, bài so sánh quyền năng Thiên Chúa với ý muốn quyền năng con người: Chính vì con người không có sức mạnh trong chính mình, do vậy họ thấy cần phô trương sức mạnh; ngược lại Thiên Chúa chứng tỏ quyền năng vô biên của Ngài bằng lòng từ bi và kiên nhẫn «Nhưng Ngài là Đấng công chính, cai trị muôn loài thật công minh. Và kết án kẻ không đáng trừng phạt là điều xa lạ đối với Chúa quyền năng.» (kn12, 15)

Tác giả nói trong bài này bằng ngôi vị thứ hai, vì từ chương trước đó, Ngài dạy cho chúng ta như một lời kinh tạ ơn dài : «Quyền năng Chúa luôn luôn vĩ đại, ai chống nổi cánh tay dũng mãnh của Ngài? Nhưng Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải.» (11, 21.23). Sách được viết rất trễ, sau bao nhiêu năm nhẫn nại theo phương pháp sư phạm của Chúa, vì lẽ ấy không ngạc nhiên gì ta thấy lời nguyện này nói lên sự trưởng thành của đức tin dân Chúa chọn.  Nơi đây có hai mặc khải của dân Chúa, mặc khải về Thiên Chúa, mặc khải về con người. Trước tiên, sau bao nhiêu thế kỷ, có sự thay đổi nơi các tín hữu trong cách nhìn Thiên Chúa: Họ học được Thiên Chúa là đấng từ bi nhân hậu giàu lòng tha thứ [«Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối.» (c19)] rằng quyền năng của Ngài không huyên náo, nhưng là tình yêu thật sự, không có gì thắng được, nhưng vẫn kín đáo. Từ đó - và đây là phương diện thứ hai của đức tin Ít-ra-en - cái nhìn về con người thay đổi và cùng với cái nhìn ấy, lý tưởng con người cũng thay đổi. Nếu Chúa chỉ là tình yêu nhân hậu và chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh của Ngài, thế thì dần dần ta phải từ bỏ mọi ý tưởng bạo lực và quyền thế: «Làm như thế Chúa đã dạy dân rằng: người công chính phải có lòng nhân ái.» (c19)  

Hai ơn hoán cải ấy là một hành trình dài. Vì vấn đề của chúng ta, là phàm nhân, hai cái nhìn như thế không phải tự nhiên mà có: Mầu nhiệm Thiên Chúa tình yêu, chúng ta vô phương với tới được bằng trí tuệ: «Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.» (Is55, 8-9) Cũng chính điều đó, vị tiên tri vĩ đại là Elia đã được mặc khải ở Hô-rép (1V19) (xem Chúa nhật XIX TN A): Thiên Chúa toàn năng không ở trong bão táp, không ở trong lửa, trong động đất mà trong ngọn gió thoảng vi vu. Đến lượt Chúa Giê-su, Ngài cũng như thế; Chúa nói với các môn đệ: «Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.26 Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em» (Mt20, 25-26) vì sao thế? Vì lẽ sứ mạng của chúng ta là quy tụ càng ngày càng nhiều hơn xung quanh Đấng «nương tay với muôn loài.» (Kn12, 19)

***

 

THÁNH VỊNH (Tv85, 5-6.9-10.15-16a)

 

Đáp : Lạy Chúa, Chúa nhân hâu và khoan dung.

 

5 Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng,
giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin;

6 lạy CHÚA, xin lắng nghe lời con cầu khẩn,
tiếng con van nài, xin để ý lưu tâm.

9 Lạy Chúa, muôn dân chính tay Ngài tạo dựng
sẽ về phủ phục trước Thánh Nhan, và tôn vinh danh Ngài.

10 Vì Ngài thật cao cả, và làm nên những việc lạ lùng;
chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa.

15 Phần Ngài, muôn lạy Chúa,
Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi,
Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín.

16 Xin đoái nhìn và xót thương con,

Thông thường người ta dễ dàng gán cho vua Sa-lô-mon những bài viết về sự khôn ngoan, và ghép tên vua Đa-vít vào nhiều thánh vịnh ( như bài 85 hôm nay) được viết rất lâu sau ngài. Nhưng, thật vậy, trong lời cầu nguyện, gọi là «  theo vua Đa-vít », bởi vì, mặc dù vị vua này vĩ đại và được dân chúng mến thương, ngài vẫn biết sống khiêm nhu và ý thức mình là một người tội lỗi được thứ tha, và cho đến cuối đời nơi ngài lúc nào cũng tràn lòng thán phục vì những hồng ân Chúa ban. Đấy cũng là điều kiện của dân được Thiên Chúa chọn : thụ hưởng sự mặc khải không lời nào tả được của «  Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín. » họ không ngần ngại nhận mình bé nhỏ, nghèo nàn, vì bởi định nghĩa, Đấng từ bi nhân hậu ưa thích những kẻ bần cùng : « Lạy CHÚA, xin lắng tai và đáp lời con, vì thân con nghèo hèn túng quẫn.»  (c1) 

Chúng ta có nơi bài thánh vịnh này một lời cầu nguyện mẫu : một lời cầu nguyện bộc phát khi chúng ta đứng trước sự thật, đối diện với Thiên Chúa, vừa ý thức sự nghèo hèn túng quẫn của chúng ta  vừa ý thức lòng từ bi nhân hậu của Ngài. Lúc bấy giờ chúng ta không biết nói gì hơn : « Chính Ngài là Thiên Chúa của con, xin rủ lòng thương con, lạy Chúa: con kêu con gọi Chúa suốt ngày…(c3) lạy CHÚA, xin lắng nghe lời con cầu khẩn, tiếng con van nài, xin để ý lưu tâm.(c6) …Xin đoái nhìn và xót thương con, ban sức mạnh của Ngài và xuống ơn cứu độ cho tôi tớ Ngài đây, con của nữ tỳ Ngài.(c16) » Vì thế kẻ cầu nguyện ( ở đây là dân tộc Ít-ra-en) không cầu xin (một thứ gì cụ thể) họ chỉ «  vỏn vẹn cầu nguyện ».

Cầu nguyện là với lòng nhiệt tình như thế,  tập trung quyết liệt  hướng về Chúa, khi chúng ta hoàn toàn hướng về Ngài, bởi vì chúng ta không còn chỗ nào cậy trông khác : qua đây chúng ta cảm thấy một vài điểm châm biếm nhỏ đối với các bụt thần và lòng cương quyết không quay mắt nhìn họ, vì chỉ có Chúa là Thiên Chúa : « Xin Chúa hướng lòng con, để con biết một niềm kính tôn Danh Thánh»(c11) ;  Không một thần linh sánh kịp Ngài, lạy Chúa, việc Ngài làm, quả thật vô song (c8) ; Vì Ngài thật cao cả, và làm nên những việc lạ lùng; chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa (c10). ;Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, con hết lòng cảm tạ, Thánh danh Ngài, con mãi mãi tôn vinh,(c12) ; con nâng tâm hồn lên tới Chúa.(c4) »  ( ngụ ý nói chỉ có Chúa mà thôi.)

Lòng nhiệt tình phát xuất từ lòng cậy trông, từ trải nghiệm của dân tộc ấy đã tín trung với Thiên Chúa. Câu tuyệt vời : « Muôn lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín. », trước tiên không phải là một bài giáo lý của Ít-ra-en nhưng trước hết, và từ muôn thuở là một bài tường thuật công trình cứu độ dân của Ngài. « Ngài thật cao cả, và làm nên những việc lạ lùng» (c10)  : chỉ có chữ «  lạ lùng », cũng đủ nhắc lại cuộc giải phóng khỏi Ai-cập, và sau đó sự kiện đi đày, bằng chứng và những lời hứa cứu độ vĩnh viễn khỏi gông xiềng trói buộc sự « sự tự do các con cái Thiên Chúa », trong thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma chúng ta đọc từ nhiều tuần nay. Cuộc cứu độ chưa hẳn hoàn tất.

Cuộc chiến của người tín hữu lộ ra qua câu : « Lạy Thiên Chúa, phường kiêu ngạo nổi lên chống đối, bè lũ hung tàn tìm hại mạng sống con: chúng đâu có kể chi đến Ngài.»  (c14). Sự bách hại là số phận của dân của Chúa. Nhưng lòng tín trung của họ lệ thuộc vào toàn nhân loại có nhập vào dự án của Thiên Chúa hay không ; họ biết thế. Vì lẽ ấy họ cầu xin ơn trung thành với sứ vụ của họ : « Xin dạy con đường lối Ngài, lạy CHÚA, để con vững bước theo chân lý của Ngài.»  (c11) Đề tài con đường và bước đi, hay có dịp trở lại rất thường trong các thánh vịnh sám hối. Mặc dù không đứng trước một thánh vịnh như thế, nhưng bài này cũng có những lập luận sám hối, ít nữa là trong ẩn ý, thường có trong mọi lời cầu nguyện : chỉ nhìn nhận sự «  bất công », có nghĩa là sự cách biệt giữa chúng ta và dự án của Thiên Chúa. Vì hế, rất theo lẽ thường người cầu nguyện nói lên lòng ao ước bước theo con đường của Chúa. Và lời câu nguyện ấy cùng một đà mở ra chiều kích cả thế gian ; kết hiệp vào công trình Thiên Chúa « Lạy Chúa, muôn dân chính tay Ngài tạo dựng sẽ về phủ phục trước Thánh Nhan, và tôn vinh danh Ngài.»(c9). Và khi họ kêu cầu cứu, họ không chỉ xin cho họ, mà cho cả kẻ thù của họ : theo suy gẫm của tiên tri I-sa-i-a trong người tôi trung đau khổ (Is50 và Is52-53) họ biết, họ tin, và họ hy vọng sự cứu độ của Thiên Chúa sẽ là một dấu chỉ của sự hoán cải của những kẻ khác : « Xin ban cho con một điềm báo phúc, để bọn thù ghét con trông thấy mà hổ thẹn, vì, lạy CHÚA, chính Ngài giúp đỡ ủi an con.»(c17)  

Dĩ nhiên chúng ta không lạ gì tìm thấy tất cả các chiều kích ấy trong lời cầu nguyện của Chúa Ki-tô, ít nữa theo những gì được thuật lại trong các Phúc Âm. Thánh Gio-an tóm lược hay nhất có thể: « Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.» (Ga1, 1). Điều này nói lên, nơi Chúa Giê-su cầu nguyện không phải là một hành động nhất thời, nhưng là cả bản thể Ngài, trong sự hiệp nhất hoàn hảo với Cha Ngài. Và nội dung sự đối thoại không ngừng ấy với Chúa Cha, nói lên những gì ? Ngài nói : «  Nguyện Danh Cha cả sáng,nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời ». Vì, chắc chắn rồi, như mọi người thầy giỏi được xin chia sẻ sự hiểu biết của mình, thì đây chính lời cầu nguyện của Ngài, Ngài truyền cho các môn đệ một khi hỏi thầy : « Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện» (Lc11, 1) 

***

 

BÀI ĐỌC 2 (Rm8, 26-27)

 

"Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả."

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

 

 26 Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.

27 Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.

 

Chúng ta không biết cầu nguyện. Thánh Phao-lô chỉ biết nhận xét một thực tế rất dễ hiểu. Không lạ gì, con người trong sự nhỏ bé của mình tự thấy bất lực đứng trước đấng Siêu Việt. Trong một thị kiến, ông Mô-sê đứng trước mặt Thiên Chúa kinh hãi thốt lên: «Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là ĐỨC CHÚA các đạo binh!» (Is6, 5) Chúng ta thường cảm thấy nhỏ bé và bất xứng đến nỗi không thể tưởng tượng Thiên Chúa có thể nghe chúng ta: «thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?» (Tv8, 5)

May thay Thánh Phao-lô nói cho chúng ta: «Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn» (c26) Chúng ta không có lý do gì phải nản lòng. Hơn nữa trên đây, cũng trong thư này chúng ta có thể đọc: «Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta»(5, 5) Thánh Phao-lô còn nói thêm: «Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên:“Áp-ba! Cha ơi!” (8, 15) Đó cũng là lời Hứa của Chúa Giê-su cho các môn đệ: «Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến» (Ga16, 13)   

Thánh Phao-lô bình giải khả năng ấy của Chúa Thánh Thần, mặc khải các bí mật của Thiên Chúa: « Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa. Vậy ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người? Cũng thế, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa. Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.» (1Cr2, 10-12). Điều này có nghĩa là chúng ta có thể mở ra một sự giao cảm tuyệt vời nếu để cho Thần Khí dẫn dắt chúng ta đến những nơi, tự chúng ta không bao giờ với tới. «Nhưng khi người ta quay lại với Chúa, thì tấm màn mới được cất đi. Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do. Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí.» (2Cr3, 16-18)   

Chính Chúa Giê-su đã mặc khải cho chúng ta sự chiêm ngắm ấy, và mang lại niềm vui biết chừng nào. Thánh Lu-ca viết (trong dịp bảy mươi hai môn đệ trở về sau khi thi hành sứ vụ) «Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.» (Lc10, 21). Vì thế không phải than vãn chi về sự nhỏ bé của chúng ta trước mặt Chúa: đó là bí mật về trạng thái sẵn sàng của Chúa Thánh Thần. Cũng chính Thánh Phao-lô viết trong phần sau thư gửi tín hữu Rô-ma: «Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng.» (Rm15, 13)   

***

 

PHÚC ÂM ( Mt13, 24-30 hoặc 24-43)

 

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống;

Chúa có những lời ban sự sống đới đới. – Alleluia.

__________________

Hảy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

24 Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: "Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.

25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.

26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện.

27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? "

 28 Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó! " Đầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không? "

 29 Ông đáp: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.

30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."

31 Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình.

32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được."

33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.

34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn,

35 hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

36 Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe."

37 Người đáp: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.

38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần.

39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.

40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.

41 Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người,

42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.

Bài học từ bài dụ ngôn người gieo giống chúng ta được nghe trong chúa nhật vừa qua có thể được phát biểu như sau:  « Sự nảy mầm cuối cùng của Nước Trời không thể nào không có những thất bại nặng nề » Bài dụ ngôn cỏ lùng tiếp theo đúng lúc, đặt vấn đề : những lý do cội nguồn  của sự thất bại ấy, phải chăng có thể được nhanh chóng loại trừ ?

Chúng ta chỉ tìm thấy trong thửa ruộng ấy người gieo giống. Trong bài tường thuật trước nói về phẩm chất đất có tốt hay không tốt cho mùa gặt ; trong bài dụ ngôn hôm nay, có sự can thiệp của một kẻ thù ban đêm gieo cỏ dại giữa đám lúa,  lúa có nguy cơ bị bóp nghẹt. Người chuyển ngữ gọi  đó là cỏ lùng, theo tiếng Hy-lạp là Zizanion, từ đó trong tiếng Pháp nói gieo « Zizanie », tức là gieo bất hòa. Thế nhưng khó mà thay đổi phẩm chất đất, nhưng có thể can thiệp để loại sâu bọ. Thế nhưng câu truyện nói rằng chủ nhân không đồng ý làm như thế.

Bài dụ ngôn này cho chúng ta ít nữa hai bài học. Bài đầu tiên là khởi đầu giải thích vấn đề sự dữ : không phải Thiên Chúa tạo nên sự dữ, cũng như không phải ông chủ điền gieo cỏ lùng. Từ bài tường thuật cuộc Tạo Dựng cũng đã nhấn mạnh điều này : trong lúc các tôn giáo khác cho rằng các thần thánh tạo nên sự lành cũng như sự dữ, tác giả bài hôm nay quả quyết rằng tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt đẹp !( St1, 31). Về sau, sách Gióp triển khai rất dài vấn đề đau khổ khiến không ai có thể buộc tội Chúa là nguồn cội sự dữ ; ông Gióp được mời gọi chấp nhận không hiểu được và tín thác vào Chúa, để Ngài cứu độ chúng ta. Chúa Giê-su cũng có khuynh hướng ấy, vì thế Ngài quả quyết là chủ nhân chỉ gieo hạt giống tốt.

Bài học thứ hai là : chỉ có người chủ mùa gặt mới lựa khi nào ông quyết định là đúng lúc phải hành động. Chỉ có Thiên Chúa, và không có ai khác hơn Ngài được nhổ tận gốc sự dữ : « Bạn là ai mà xét đoán người nhà của kẻ khác?»  Thánh Phao-lô nói trong thư gửi tín hữu Rô-ma ( Rm14,4). Chúa Giê-su gọi chúng ta chấp nhận thân phận chúng ta là những tạo vật, trong chúng ta có sự hoà lẫn thường trực của sự dữ và sự lành. Có thể Ngài muốn nhắm đến khuynh hướng tinh hoa chủ nghĩa hiện có đây đó trong vài cộng đồng. Ví dụ như nhiều người Pha-ri-sêu, khinh miệt những người họ gọi là lớp bình dân trong xứ, những kẻ khó tuân giữ tất cả lề luật, hết các điều răn ; ngoài ra những người « Quá khích » có khi chống đối những người họ cho là nguội lạnh ( bây giờ chúng ta hiểu vì đâu là nguồn gốc cuộc chiến năm 70 sau CN). Thế nhưng chỉ có Thánh Mát-thêu là thánh sử duy nhất trong các thánh sử thuật lại bài dụ ngôn này : chúng ta có thể luận ra từ đó, cộng đồng của ngài là cộng đồng đặc biệt cần nghe bài học ấy.   

Một ngày kia, sẽ đến lúc người chủ mùa gặt sẽ nói giờ của sự chọn lựa đã điểm. Chúa Giê-su để giải thích cho các môn đệ,  Ngài dùng thể văn, và hình ảnh cổ điển của mọi cuộc phán xét trong Thánh Kinh. Luôn luôn trong cuộc phán xét, được chia làm hai bên, một bên kẻ lành, bên kia là kẻ dữ, nhưng đừng ai nhầm : không ai cả dám tự cho mình hoàn toàn tốt, mà cũng không ai có thể tự cho mình hoàn toàn xấu ! Biên giới phân chia sự lành và sự dữ, trên thực tế nằm ngay trong chính chúng ta !  Chúng ta tất cả đều là những bản thể bị phân chia. Khi tiên tri Ma-la-khi đối chiếu những người khiêm nhu với những kẻ kiêu ngạo ( Ml3, 19) khi các thánh vịnh nói đến người công chính và phường gian ác (Tv1), khi Chúa Giê-su nói đến hạt giống tốt và cỏ lùng, tất cả đều liên quan đến chúng ta : vừa khiêm nhu vừa kiêu ngạo, công chính và gian ác, hạt giống tốt và cỏ lùng ; chúng ta tìm thấy chính xác sự đối chiếu ấy trong bài dụ ngôn ngày phán xét cánh chung và trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu (Mt25, 31-46).

Như thế trên thực tế làm sao hiểu được, và làm sao dung hòa tính thô bạo dành cho kẻ dữ và phần thưởng cho người lành, một khi mỗi chúng ta đều có trong chúng ta cả hai ? Chính tiên tri Ma-la-khi cho chúng ta giải đáp : mặt trời công chính sẽ làm nảy nở những gì là tốt, và sự dữ biến đi rong nháy mắt. Bài thánh vịnh 1 cũng nói như thế nhưng với một hình ảnh khác : hạt giống tốt sẽ được gặt hái, sự dữ sẽ bị gió cuốn đi. Chúa Giê-su giải thích : người chủ mùa gặt không chịu được, một vế lúa tốt nào bị nhổ lên cùng với cỏ lùng ( 13, 19), vì thế Ngài không kết án chúng ta chung cái tốt cùng với cái xấu.

Sau câu chuyện cỏ lùng Chúa Giê-su còn thêm hai bài dụ ngôn khác rất ngắn : hạt cải và men bột ; hai bài dụ ngôn này dường như để cân lại với hai bài dụ ngôn quan trọng trước đó là những cản trở của sự phát triển Nước Trời. Ngược lại hai bài này nói lên mãnh lực nội tâm thế nào cũng sẽ triển khai một cách tuyệt vời : hạt cải và men đều  bị vùi xuống và biến đi, hạt cải phần nó sẽ trở nên cây to lớn, còn men làm cho bột dậy lên. Qua việc này, Chúa Giê-su gọi chúng ta phải có lòng tin, kiên nhẫn và khiêm nhường : hãy lưu ý sự mong manh lúc ban đầu, sự nhỏ bé của hạt cải hay của men, so với tầm vóc của kết quả. Hãy nhẫn nại : mùa gặt sẽ đến.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com