PT Cursillo Sài Gòn Hành hương Năm Thánh Nhà thờ Tân Phú 04/06/2016

ChurchTanPhu03

 

PHẦN 1: HÀNH HƯƠNG NĂM THÁNH

I.  NGHI THỨC KHAI MẠC.

Cộng đoàn tụ họp lại cuối nhà thờ cử hành nghi thức khai mạc.

HÁT: THEO LÒNG THƯƠNG XÓT

LM: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

: Amen.

LM: Xin Thiên Chúa là niềm trông cậy, ủi an của chúng ta, ban cho anh chị em được tràn đầy bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần.

: Và ở cùng cha.

Chủ sự dùng những lời sau đây hoặc tương tự để dọn lòng những người hiện diện bước vào cuộc hành hương.

LM: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta đang hành hương đây một thời gian đặc biệt của ơn thánh. Vậy chúng ta đã tin tưởng đi đến những nơi thánh, giờ đây chúng ta được thúc đẩy từ bên trong để canh tân tâm hồn. Những đền thánh mà chúng ta đã kính viếng là dấu chỉ nhà Thiên Chúa không do tay người phàm làm ra, tức là Thân Mình Chúa Kitô, mà chúng ta là những viên đá sống động được tuyển chọn, được dựng xây trên Người là viên đá góc tường.

LỜI CHÚA - (Pr 2, 4-12)

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ

4 Anh em thân mến, khi đến cùng Chúa là viên đá sống động, bị người ta loại bỏ, nhưng đối với Thiên Chúa là viên đá được tuyển chọn và quí giá, 5 thì anh em như những viên đá sống động mà Thiên Chúa dùng để xây dựng tòa nhà thiêng liêng, thành hàng tư tế thánh thiện, để hiến dâng của lễ thiêng liêng đáng được Ngài chấp nhận nhờ Chúa Giêsu Kitô. 6 Vì thế, có lời Thánh kinh rằng: “Này Ta đặt tại Sion viên đá góc tường, được tuyển chọn và quý giá; ai tin vào đó, sẽ không phải hổ thẹn”.

7 Vậy, vinh dự cho anh em là những người tin; nhưng đối với những kẻ không tin, thì “Viên đá mà thợ xây loại bỏ, đã trở thành đá góc tường” 8 và là “viên đá vấp ngã và tảng đá chướng ngại”; họ vấp ngã vì không tin vào Lời, và số phận của họ là thế.

9 Còn anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để loan báo những kỳ công của Ngài, Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Ngài.

10 Xưa kia anh em không phải là dân Thiên Chúa, nhưng nay là dân của Ngài; xưa kia anh em không được xót thương, nhưng nay được thương xót.

11 Anh em thân mến, tôi khuyên anh em như những khách trọ và lữ hành, anh em hãy xa lánh những đam mê xác thịt luôn chống lại linh hồn; 12 anh em hãy ăn ở lương thiện giữa dân ngoại, để dù người ta vu khống anh em như những người gian ác, nhưng do việc lành của anh em, mà họ phải tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Ngài đến viếng thăm.

Đó là lời Chúa.

Tùy nghi, chủ sự có thể nói ít lời với những người hiện diện, giải thích bài đọc Kinh Thánh để họ có thể hiểu được ý nghĩa của việc cử hành

LỜI CẦU

LM: Chúng ta hãy khẩn khoản nài xin Chúa là Chúa trời đất, Đấng đã muốn cho nhân tính của Đức Kitô có trọn vẹn thần tính, và nguyện rằng:

: Lạy Chúa, từ đền thánh Chúa xin nhìn đến và chúc lành cho dân Chúa.

NHD: Lạy Cha chí thánh, Cha đã muốn dùng cuộc xuất hành vượt qua để hình dung cách mầu nhiệm cho dân Cha thấy trước con đường cứu độ phải đi, xin ban ơn để khi dấn bước trên những nẻo đường đời, chúng con biết mở rộng cõi lòng và tự nguyện đi theo Cha. - CĐ.

NHD: Cha đã đặt Giáo Hội như một đền thánh nơi trần gian để nên ánh sáng đích thực chiếu soi mọi người, xin làm cho nhiều dân tộc ở khắp nơi tìm về với Hội Thánh và bước đi trên những nẻo đường của Cha. - CĐ.

NHD: Là Thiên Chúa, Cha đã quả quyết rằng không thành đô nào nơi trần gian có thể tồn tại, xin cho chúng con biết tin tưởng tìm kiếm thành đô thiên quốc. - CĐ.

NHD: Cha đã dạy phải nhận ra sự hiện diện của Cha trên mọi nẻo đường đời, xin cho chúng con được Con Cha làm bạn đồng hành lúc đi đường, và là vị đồng bàn khi bẻ bánh. - CĐ.

LỜI NGUYỆN CHÚC LÀNH

LM: Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, từ mọi dân tộc, Chúa đã chọn cho Chúa một dân biết tôn kính Chúa và thực thi những việc tốt lành: Chính Chúa đã ban thần khí đánh động tâm hồn những người anh chị em này để họ trung thành gắn bó với Chúa và mau mắn phụng thờ Chúa hơn; chúng con nài xin Chúa đoái thương tràn đổ phúc lành xuống trên họ, để khi vui mừng trở về nhà, họ biết dùng lời nói mà ca ngợi và dùng việc làm mà công bố cho mọi người những kỳ công của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

CĐ: Amen

Cộng đoàn rước tiến vào nhà thờ

HÁT: ĐI TRONG AN BÌNH

II.  SUY NIỆM MẦU NHIỆM KINH MÂN CÔI

Đọc kinh Tin-Cậy-Mến.

NĂM SỰ VUI, Mầu Nhiệm Thứ Hai

ĐỨC MẸ ĐI THĂM BÀ ÊLIZABETH

LỜI CHÚA Lc 1, 39-45

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi…, bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlizabeth. Bà Êlizabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên và bà được tràn đầy Chúa Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu, tôi được Thân Mẫu Chúa đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.

Đó là lời Chúa.

Kính mời cộng đoàn ngồi.

SUY NIỆM

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Niềm vui là nét chính yếu trong cuộc hội ngộ với bà chị Êlizabeth, nơi đó tiếng nói của Mẹ Maria và sự hiện diện của Đức Kitô trong cung lòng Mẹ đã khiến cho Gioan nhảy lên vui sướng.” Như thế, “Niềm Vui Của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp được Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Ngài đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh”

Thinh lặng một chút.

Mang Ngôi Lời trong dạ, Đức Maria đã vội vã đến thăm để giúp người chị họ trong lúc sinh nở. Con Thiên Chúa cư ngụ trong tâm hồn và đong đầy trái tim Mẹ bằng tình yêu và niềm vui. Cuộc viếng thăm đượm tình người lại được đổ đầy tình Chúa. Hai bà mẹ gặp nhau bắc nhịp cầu cho cuộc gặp đầy ân sủng giữa hai con trẻ. Trong tác động của Thánh Thần, Gioan đã bắt đầu sứ mạng ngôn sứ khi nhảy mừng trước Đấng Cứu Độ còn ẩn giấu trong dạ mẹ. Qua việc viếng thăm gia đình Giacaria của Đức Maria, Thiên Chúa thực hiện lời hứa thăm viếng Dân Ngài và tuôn đổ tình yêu cứu độ trên nhân loại.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết gìn giữ tâm hồn trong sạch và thưa tiếng “vâng” trước mọi lời Chúa mời gọi, để tâm hồn chúng con luôn được đầy tràn sự hiện diện của Chúa, đầy tràn ân sủng và niềm vui, ngõ hầu trong mọi cuộc gặp gỡ, chúng con luôn tỏa rạng tình yêu Chúa cho tha nhân. Amen.

Kinh Lạy Cha, Mười kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh,

Lạy Chúa Giêsu…

Cộng đoàn đứng.

HÁT: XIN BAN CHO CON

KINH NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

Lạy Chúa Giêsu Kitô,/ Chúa dạy chúng con phải có lòng thương xót như Cha trên trời, /và ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.

Xin tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Chúa và chúng con sẽ được cứu độ./ Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa / đã giải thoát ông Zakêu và thánh Matthêu / khỏi ách nô lệ bạc tiền;/ làm cho người đàn bà ngoại tình và thánh Mađalêna / không còn tìm hạnh phúc nơi loài thụ tạo;/ cho thánh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi chối Chúa,/ và hứa ban thiên đàng cho kẻ trộm có lòng hối cải.

Xin cho chúng con được nghe những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria,/ như thể Chúa đang nói với mỗi người chúng con: / “Nếu con nhận ra hồng ân của Thiên Chúa!”/ Chúa chính là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình,/ Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót: / Xin làm cho Hội Thánh phản chiếu gương mặt hữu hình của Chúa trên trái đất này./ Chúa là Đấng phục sinh vinh hiển,/ Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng mặc lấy sự yếu đuối / để có thể cảm thông với những người mê muội lầm lạc./ Xin làm cho tất cả những ai tiếp cận với các ngài / đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa quan tâm, yêu mến và thứ tha.

Xin sai Thần Khí Chúa đến xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con,/ để Năm Thánh Lòng Thương Xót này/ trở thành năm hồng ân của Chúa cho chúng con;/ và để Hội Thánh Chúa, với lòng hăng say mới,/ có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo,/ công bố sự tự do cho các tù nhân và những người bị áp bức,/ trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa.

Lạy Chúa Giêsu,/ nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót,/ xin ban cho chúng con những ơn chúng con đang cầu xin./ Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời./ Amen.

HÁT: LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA.

III.  SUY NIỆM VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT

LỜI CHÚA: Lc 15, 3-7

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

3 Khi ấy, Chúa Giê-su kể dụ ngôn này:

4 "Ai trong các ông, giả sử có trăm con chiên và lạc mất một con, há người ấy lại không bỏ chín mươi chín con ngay nơi hoang vắng, mà ruổi theo con chiên lạc, cho đến khi tìm ra con chiên lạc đó ư? 5 Tìm được rồi, há người ấy lại không mừng rỡ, quàng nó trên vai mình, 6 và về đến nhà, lại không gọi cả bạn bè hàng xóm, mà phân phô với họ thế này sao: Bà con hãy chia vui với tôi, tôi may đã tìm thấy con chiên lạc của tôi!? 7 Tôi bảo các ông: Cũng vậy, trên trời sẽ có vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là vì chín mươi chín người công chính, những kẻ không cần phải ăn năn!"

Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM

THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU -
NGUỒN THƯƠNG XÓT

Thánh Tâm Chúa Giêsu là Trung Tâm Thương Xót, nơi tuôn chảy Nguồn Tình với hai dòng Máu và Nước – như đã được mặc khải cho Thánh nữ Maria Faustina.

Ai cũng có tim nhưng không ai thấy tim. Mặc dù tim không nhìn thấy nhưng khả dĩ cảm nhận, và tim là một cơ phận rất quan trọng, vì tim là trung tâm phân phối sự sống. Tim còn đập là còn sống. Tim hoạt động âm thầm nhưng nuôi sống cả cơ thể. Mặc dù não là trung tâm điều khiển – ví như bộ tổng tham mưu, nhưng vẫn phải nhờ tim bơm máu. Người ta có thể chết lâm sàng chứ chưa chết thật bởi vì tim còn hoạt động, dù nhịp đập rất yếu. Những người bị chứng bại não, sống đời thực vật, không biết phân biệt điều gì, nhưng họ vẫn sống nhờ tim vẫn hoạt động. Chừng nào tim ngừng đập thì sự sống mới chấm dứt!

Thánh Tâm Chúa Giêsu là nguồn mọi hồng ân, là nguồn cứu độ, là mạch thương xót, là suối yêu thương, vì chính Thánh Tâm đã tuôn trào Nước và Máu để tẩy rửa và cứu độ các tội nhân – trong đó có mỗi người chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã nhắn nhủ: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 28-30). Không ai lại không đau khổ, yếu đuối, mệt nhọc, tội lỗi,… thế nên không thể không cần Thánh Tâm Chúa Giêsu và Lòng Chúa Thương Xót.

Đừng bao giờ quên rằng Chúa Giêsu luôn mong muốn chúng ta trú ngụ nơi Thánh Tâm Ngài, không chỉ ghé thăm mà ở lại đó mãi mãi: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Ước gì mỗi chúng ta biết tìm về nghỉ ngơi nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu – Cao Nguyên Yêu Thương và Đại Dương Thương Xót!

Ơn cha mẹ mà chúng ta đáp đền cả đời còn chưa cân xứng huống chi Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Nhưng thật là diễm phúc cho chúng ta vì Chúa Giêsu đã xác nhận: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5, 32). Ngài đến thế gian để TÌM và CỨU những gì đã mất (Lc 19, 10), chỉ cần chúng ta tin vào tình yêu cao cả của Thiên Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ không thất vọng. Chỉ có chúng ta rời bỏ Chúa chứ Chúa không bao giờ rời xa chúng ta!

Thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã dùng miệng lưỡi ngôn sứ Êdêkien để mặc khải Thánh Ước: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Ít-ra-en, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được” (Ed 34, 11-13). Đó là lời hứa chắc chắn, vì Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín trong mọi lời nói và mọi việc làm. Thật tuyệt vời!

Hồng ân nối tiếp hồng ân, Ngài lại tiếp tục thề hứa: “Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ít-ra-en. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34, 14-16). Thật hạnh phúc khi được nương bóng cánh của vị mục tử như vậy! Nhưng lại thật bất hạnh nếu chúng ta cố chấp, như Chúa đã cảnh báo: “Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu“ (Mt 23, 37; Lc 13, 34).

Nếu thực sự có niềm tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, chúng ta khả dĩ tự nhủ và xác định với mọi người điều này: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Tv 23, 1), và có thể tự hào nói: “Chúa là gia nghiệp đời tôi” (Tv 16, 5). Đó cũng là một cách tuyên xưng Lòng Chúa Thương Xót.

Nói về đức tin, Thánh Phaolô giải thích rạch ròi: “Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên thì có quyền trông cậy” (Rm 5, 2-4). Quả thật, đây là một chuỗi hệ lụy vô cùng kỳ diệu!

Còn nữa, và cũng để cho chúng ta an tâm, thánh nhân tiếp tục giải thích “dài hơi” thêm một chút: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ Máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (Rm 5, 5-9).

Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót, hết lòng yêu thương muôn loài, đặc biệt là những kẻ xấu xa nhất, thậm chí Ngài còn chết vì họ – tức là chúng ta. Theo thế gian, cách yêu như vậy bị coi là mù quáng, ngu xuẩn, điên rồ,… Chắc hẳn chỉ có người điên mới hành động như thế. Vậy mà Chúa Giêsu đã yêu như thế. Nếu Ngài không “yêu điên rồ” như vậy thì chúng ta làm sao có được ngày nay?

Quả nhiên là vậy, “nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Ngài, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy” (Rm 5, 10). Mà không phải chỉ có thế, Thánh Phaolô xác định: “Chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa” (Rm 5, 11).

Trình thuật Tin Mừng hôm nay (Lc 15, 3-7) khá ngắn gọn, chỉ có 128 từ (theo bản dịch Việt ngữ, bản của VietCatholic). Đoạn Tin Mừng này là một trong các dụ ngôn về Lòng Chúa Thương Xót.

Một hôm, nhóm Pharisêu và các kinh sư xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Những người Pharisêu và các kinh sư là ai? Đó là những nhà thông luật, giữ luật nghiêm túc hơn người, giỏi giang hơn người, đạo đức hơn người, nói năng lưu loát hơn người, sang trọng hơn người, địa vị hơn người, quyền lực hơn người,… thậm chí có thể có ngoại hình “dễ nhìn” hơn người và giàu có hơn người, nhưng cũng hợm hĩnh, ỷ lại, hống hách và kiêu ngạo hơn người. Ngày nay người ta gọi dạng đó là “chảnh”. Nói chung, cái gì ở họ cũng hơn người ráo trọi!

Nhóm Pharisêu và các kinh sư kia cũng chẳng ai xa lạ, tức là chính chúng ta ngày nay, chứ chẳng ai trồng khoai đất này đâu!

Thấy vậy, Đức Giêsu mới kể cho dụ ngôn này: Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”. Vậy, tôi nói cho các ông hay: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”.

Người ta luôn thấy những “cái lạ” ở Chúa Giêsu, và người ta cảm thấy khó chịu. Vâng, Ngài lại gây “sốc” vì nói điều “nghịch nhĩ” quá! Ngài “điên” thật rồi! Có 99 con chiên béo tốt mà dám bỏ để cố gắng đi tìm duy nhất con chiên yếu đuối, bệnh hoạn, xấu xí,… Quả thật, chúng ta không thể nào hiểu nổi! Nhưng cũng chính nhờ cách “yêu điên” ấy của Chúa Giêsu mà chúng ta mới được phục hồi cương vị làm con và đồng hưởng thừa kế gia sản Nước Trời đấy!

Mẹ Teresa Calcutta xác định “chuỗi hệ lụy” rất kỳ diệu: “Kết quả của IM LẶNG là CẦU NGUYỆN, kết quả của CẦU NGUYỆN là ĐỨC TIN, kết quả của ĐỨC TIN là TÌNH YÊU, kết quả của TÌNH YÊU là PHỤC VỤ, kết quả của PHỤC VỤ là BÌNH AN”.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn êm ái dịu dàng, con thành tâm xin lỗi Ngài vì con đã thường xuyên quên Ngài, thế nhưng Ngài vẫn không ngừng thương xót con, mặc dù con chẳng là gì và hoàn toàn bất xứng. Xin giúp con nhận biết Chúa và nhận biết chính con, nhờ đó con có thể yêu mến Ngài trọn vẹn. Xin ân thương và tha thứ những thiếu sót của con, lạy Đấng giàu lòng thương xót, và xin dạy con biết cách “yêu điên” của Ngài. Xin Nước và Máu Thánh Ngài tẩy rửa cuộc đời con, và xin cho con cũng được vĩnh cư nơi Thánh Tâm Ngài, hôm nay và mãi mãi. Ngài là Đấng hằng sống, hiển trị cùng Chúa Cha và hiệp nhất với Chúa Thánh Thần muôn đời. Amen.

(Trầm Thiên Thu)

Một phút thinh lặng

NGHE NHẠC: TÔN NHAN THƯƠNG XÓT

IV.  CHẦU THÁNH THỂ

LẠY CHÚA GIÊSU, XIN THƯƠNG XÓT CON!

(x. Mt 9,27; Lc 18,13)

Kính mời cộng đoàn đứng.

HÁT: LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

LỜI DẪN NHẬP

Kính thưa Cộng đoàn,

Trong Tông sắc “Dung Mạo Lòng Thương Xót”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Chúng ta cần liên tục chiêm ngắm mầu nhiệm của lòng thương xót. Đó là suối nguồn của niềm vui, sự thanh thản và bình an. Ơn cứu rỗi của chúng ta phụ thuộc vào đó. Lòng Thương Xót là từ ngữ mạc khải các mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Lòng Thương Xót là hành động cuối cùng và tối thượng qua đó Thiên Chúa đến gặp chúng ta. Lòng Thương Xót là luật cơ bản ngự trị trong trái tim của mỗi con người đang chân thành nhìn vào đôi mắt của anh chị em mình trên đường đời. Lòng Thương Xót là cầu nối liên kết giữa Thiên Chúa và con người, trong khi mở lòng chúng ta ra cho một niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi bất chấp tội lỗi ngập tràn của chúng ta.”

Con Thiên Chúa đã đến làm người, Ngài bước vào thế giới, bước vào tâm hồn của mỗi người để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự dữ, hầu ban cho chúng ta ơn bình an và mở ra cho cuộc đời ta một tương lai cứu độ, mang đầy niềm vui và hy vọng toàn vẹn.

Hôm nay, hành hương về đây, chúng ta ước muốn bước qua ngưỡng Cửa Lòng Thương Xót, là chính Trái Tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu, để hưởng nếm tận nguồn tình thương của Thiên Chúa, ngõ hầu tội lỗi được thứ tha, tâm hồn thương tích được chữa lành. Nhờ đó, cuộc đời và gia đình chúng ta thấm đậm niềm vui, bình an nhờ xây trên nền tảng của Lòng Thương Xót. Đồng thời, chúng ta tìm lại sự sống tươi trẻ và lòng nhiệt thành mới mẻ để loan báo tình thương của Thiên Chúa cho mọi người.

Xin Chúa đưa mỗi người chúng ta vào cuộc gặp gỡ Chúa cách sâu xa trong Giờ Chầu này, và xin Chúa thương thực hiện nơi chúng ta những điều mà Chúa muốn cho ta.

Chủ sự tiến ra đặt Mình Thánh Chúa (mời quỳ).

HÁT: CON MẾN YÊU.

Thinh lặng giây lát rồi NHD đọc cách tâm tình thờ lạy.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện với chúng con nơi tấm Bánh Thánh nhỏ bé này. Một sự hiện diện khiêm hạ và thinh lặng tột cùng, nhưng đầy quyền năng chân lý và tình thương có thể chạm đến tâm hồn chúng con, tha thứ, cứu độ và đổi mới cuộc đời chúng con.

Chúng con hết lòng cảm tạ Chúa về muôn ân phúc mà Chúa đã tuôn đổ trên cộng đoàn Cursillo và trên từng người Cursillista chúng con.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng con nên tinh tuyền và dẫn chúng con vào cuộc gặp gỡ sâu xa, thân tình với Chúa, để chúng con được đón nhận dồi dào ơn sủng, có sức đổi mới và làm phong phú cuộc sống thường ngày của chúng con từ cuộc hành hương này.

Thinh lặng một phút. Mời cộng đoàn đứng. Chủ sự đọc Tin Mừng.

LỜI CHÚA - Ga 19,31-35

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Hôm đó là ngày áp lễ, người Do Thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày Sabát, mà ngày Sabát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.

Đó là Lời Chúa.

Cộng đoàn ngồi.

SUY NIỆM

Khi Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá, những người lính thấy Người đã chết nên không đánh gãy ống chân Người. Thay vào đó, một anh lính đã đâm cạnh sườn thẳng trái tim Người và “… máu cùng nước chảy ra” . Điều này xảy ra đúng vào giờ con chiên Vượt Qua bị giết trong đền thờ Giêrusalem. Điều đó đã biểu tỏ Đức Kitô là “Con Chiên Vượt Qua” đích thực, thanh khiết và hoàn hảo.

Khi Đức Kitô khởi đầu sứ vụ, Gioan Tẩy giả đã giới thiệu về Ngài: “Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Điều mà lúc đó chỉ là một ý hướng mầu nhiệm hướng về tương lai, thì giờ đây trở thành hiện thực. Đức Kitô là “Con Chiên” được Thiên Chúa tuyển chọn để mang lấy tội lỗi của nhân loại và “cất nó đi” trên Thập giá.

Dòng nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu, được các giáo phụ coi là hình ảnh về hai bí tích căn bản của ơn cứu độ: Bí tích Thánh Thể và Thánh Tẩy. Hai dòng chảy này là dòng chảy mới, tạo thành Giáo Hội và canh tân con người. Trong buổi tạo thành, Evà phát sinh từ cạnh sườn của Ađam đang ngủ, Giáo Hội là Evà mới cũng phát sinh từ cạnh sườn của Chúa Giêsu là Ađam mới đang an nghỉ trên Thập giá.

Trái Tim Chúa Giêsu mở ra trên Thập giá như cánh cửa mở ra để đưa con người vào nguồn ơn tha thứ, vào tình yêu cứu độ. Đó là những thương tích của tình thương và nhờ các thương tích này mà “chúng ta được chữa lành…”

- Nhờ Đức Kitô, chúng ta được tha thứ tội lỗi, được giao hòa với Thiên Chúa là Cha, được sống sự sống mới bởi mối hiệp thông đầy hạnh phúc với Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần.

- Nhờ Đức Kitô, chúng ta tìm lại được ơn bình an cao cả mà mình Thiên Chúa mới có thể trao tặng. Đó là hoa trái chiến thắng của Chúa Giêsu trên sự dữ nhờ máu của Ngài đổ ra trên Thập giá.

- Nhờ Đức Kitô, chúng ta có được một tương lai tươi sáng hy vọng. Đó là sự sống đời đời. Tương lai sau cùng này hướng dự định cuộc đời ta về những chân trời không bị giới hạn và chóng qua, nhưng là bao la và sâu thẳm, mang lại ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống hiện sinh.

Tóm lại, cái cốt lõi của Kitô giáo đã được biểu lộ trong Trái Tim của Chúa Giêsu. Trong Đức Kitô, toàn bộ nét mới mẻ của Tin Mừng đã được mạc khải và được ban tặng cho ta. Tình yêu đã cứu chuộc chúng ta và đã làm chúng ta sống trong sự vĩnh cửu của Thiên Chúa… Vì vậy, Trái Tim của Chúa Giêsu giờ đây đang kêu gọi quả tim của chúng ta, mời gọi chúng ta ra khỏi chính mình, bỏ đi những xác tín con người, để đặt niềm tin nơi Chúa, và theo gương Chúa, biến đổi con người chúng ta thành quà tặng tình yêu một cách trọn vẹn cho tha nhân.

Thinh lặng 1 phút.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trong thế giới kỹ thuật khoa học tiến bộ vượt bực ngày nay, con người dư thừa vật chất, giàu có tiền bạc và sung túc tiện nghi… Con người dễ dàng đến với nhau bằng các phương tiện giao thông mau lẹ và liên lạc với nhau bằng nhiều kỹ thuật tân tiến. Nhưng nhân loại có thực thỏa nguyện và hạnh phúc không?

Chúng con không thấy như vậy. Thế giới càng tiến bộ về khoa học, thì dường như con người lại càng nhiều bồn chồn, lo âu và sợ hãi; càng nhiều người đói khổ, cô đơn, bị chà đạp, thất vọng và tự tử… Đó là vì con người tuy giàu của cải vật chất, nhưng lại nghèo tấm lòng. Tiền bạc không mang lại hạnh phúc mà nhân đức và tấm lòng mới mang lại sự bình an và thanh thản. Sống trong biệt thự sang trọng cũng không mang lại hạnh phúc cho những trái tim cằn cỗi, ích kỷ và lạnh lùng.

Trong ngôi nhà chung của nhân loại, chiến tranh, bạo lực, kỳ thị chủng tộc và tôn giáo đang gây nên biết bao mất mát và khổ đau cho con người. Chúng con đang làm trái đất phong phú và xinh đẹp này trở nên cằn cỗi và dơ bẩn. Chúng con đang tự hủy diệt chính mình. Nhìn vào đất nước chúng con, nền kinh tế tuy phát triển, nhưng chúng con lại phải đối diện với sự suy đồi về giáo dục, về đạo đức dẫn đến bao tội ác kinh hoàng như mất cả tính người. Sống trong một thế giới dẫy dụa trong tội ác, sự chết, chúng con xác tín rằng chỉ có lòng thương xót của Chúa mới có thể kềm hãm sự dữ và giải thoát chúng con.

Không thiếu những gia đình chúng con đang trải qua những thách đố lớn lao. Vợ chồng chạy theo dục vọng ích kỷ, thiếu trách nhiệm, ngay cả phản bội nhau. Nhiều gia đình trẻ đang trên bờ vực của phân ly. Con cái chúng con thường xuyên hít thở bầu khí tham lam, ham muốn hưởng thụ hơn là chứng kiến những gương sáng của lòng nhân ái, hiếu thảo và nghĩa tình để bước theo. Những trò chơi trên mạng và những loại kích thích là những tên cám dỗ đầy ma lực đưa chúng đến bất hạnh và sự chết. Đó là những tên trộm ma mãnh rình rập cướp đi tương lai của con cái, của gia đình chúng con. Thực gia đình chúng con đang rất cần đến lòng thương xót của Chúa chữa lành và cứu độ.

Bản thân chúng con còn bị trói buộc bởi tính ích kỷ, kiêu căng, cố chấp hoặc dối trá, bất công. Chúng đang làm hại đời con và làm khổ tha nhân. Chúng con chưa làm tròn bổn phận với Chúa, với gia đình và bản thân. Chúng con đang đau đớn để thú nhận điều mà thánh Catarina nói: “Con người phải thẹn thùng vì thấy mình được yêu thương quá nhiều nhưng lại không yêu thương Đấng Tạo Thành mình, sự sống thật của họ” . Chúng con rất cần đến Chúa xót thương cất khỏi đời con những gánh nặng tội lỗi, thói hư và thánh hóa đời con trong ơn sủng thần linh.

Thiếu lòng thương xót của Chúa, cuộc đời chúng con chắc chắn sẽ xấu xa, bất hạnh và gia đình của chúng con không thể đứng vững trong tình yêu trung tín và hạnh phúc chân thực.

Thinh lặng 1 phút.

HÁT: TRONG TRÁI TIM CHÚA.

Hát xong, kính mời cộng đoàn quỳ.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thân xác mang bệnh, nhất là những chứng nan y, hẳn chúng con nôn nóng tìm gặp thần y để có được thần dược chữa lành. Rất thường trong nỗi khổ đau, bất hạnh và tuyệt vọng này, chúng con cũng chạy đến nài xin lòng thương xót của Chúa cứu chữa thân xác chúng con. Nhưng thường chúng con lại không có được nỗi lo, sự bồn chồn như vậy khi tâm hồn bệnh tật. Nhiều khi là một cơn bệnh trầm kha đang hủy diệt sự sống thần linh, giết chết ý nghĩa cuộc đời và hạnh phúc gia đình, đè nặng trên đời con tai họa lớn lao, thế nhưng chúng con lại không có được con mắt đức tin tỉnh thức để nhận ra tình trạng khốn cùng này. Chúng con không chỉ xa lìa Chúa là nguồn sống và niềm vui tại thế, mà còn có thể mất đi cả sự sống và hạnh phúc đời đời.

Xin cho chúng con hôm nay ý thức sâu xa sự bất lực của mình trước tội lỗi và sự dữ đang thống trị và cột trói cuộc đời chúng con, để chúng con can đảm chạy đến với Chúa, ngả mình vào vòng tay của Chúa, để lòng thương xót của Chúa chữa lành tâm hồn tật nguyền của chúng con, kéo chúng con ra khỏi tình trạng nô lệ cho tội lỗi và sự chết, dẫn chúng con vào mảnh đất của sự sống và bình an.

Trở về đời thường sau cuộc hành hương này, xin cho chúng con can đảm giũ bỏ thói hư, tật xấu, thoát khỏi dòng thác cuồng nộ tham vọng vẩn đục của thế gian, để dìm sâu đời con vào biển cả tình thương nơi Trái Tim Chúa, cho tình yêu bao dung, dịu hiền, khiêm hạ, hiến mình phục vụ của Chúa dần thấm nhập lòng chúng con, biến đổi cuộc đời chúng con thành dòng suối ngọt ngào của tình thương Chúa, không ngừng lan tỏa niềm vui và hy vọng tới gia đình và mọi người.

Thinh lặng 1 phút. Cộng đoàn đứng dâng lời nguyện chung.

LỜI NGUYỆN CHUNG

LM:     Anh chị em thân mến,

Chúng ta khiêm tốn nài xin Chúa Giêsu tuôn đổ lòng thương xót của Ngài trên chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và tật xấu, dẫn chúng ta tiến vào đời sống ân sủng và tự do của người con Thiên Chúa

NHD: Lạy Chúa Giêsu là dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa, xin chiếu tỏa lòng thương xót của Chúa trên chúng con, để thanh tẩy chúng con khỏi mọi tội lỗi và đổ đầy lòng chúng con sự sống thần linh và niềm vui cứu độ.

: Lạy Chúa, xin đổ tràn lòng thương xót của Chúa trên chúng con!

NHD: Lạy Chúa, Chúa đã bày tỏ lòng thương xót thẳm sâu khi nhập thể làm người để chia sẻ đến cùng phận người của chúng con; Xin cho những người nghèo đói, khổ đau, tù tội, lưu đầy, bị bỏ rơi và những người đang gánh chịu những bất công/ biết tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, để được an ủi và đỡ nâng. - CĐ.

NHD: Lạy Chúa, Chúa đã tỏ bày lòng thương xót đến tột cùng trên Thập giá; Xin cho tất cả những ai đang đắm chìm trong tội lỗi, sớm nhận biết tình thương của Chúa, để hoán cải trở về với Chúa, hầu đón nhận ơn tha thứ, chữa lành mà vui sống bình an. - CĐ.

NHD: Lạy Chúa Giêsu, Chúa tiếp tục thể hiện lòng thương xót nơi Bí tích Thánh Thể; Xin cho các Kitô hữu chúng con hết lòng mộ mến Bí tích Tình Yêu này, để cuộc đời chúng con mỗi ngày được lớn lên trong sự sống thần linh/ và trở nên tấm bánh đượm lòng thương xót của Chúa được bẻ ra trao tặng mọi người. -

LM: Lạy Chúa Giêsu, xin thương nhận những ý nguyện mà chúng con dâng lên Chúa hôm nay. Xin cho chúng con biết mở rộng tâm hồn đón nhận lòng thương xót của Chúa, để cuộc đời chúng con cũng trở nên khí cụ tình thương của Chúa cho mọi người. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

: Amen.

Cộng đoàn quỳ.

HÁT và đọc Lời Cầu Nguyện cho Đức Giáo Hoàng.

HÁT: TANTUM ERGO

Lời Nguyện - Phép Lành Thánh Thể.

HÁT: CURSILLISTA HÀNH KHÚC

-------o0o-------

Phụ trách chương trình:   Học hội Ki-tô Giáo Tân Phú

Chương trình hành hương lần tới: Vào lúc 9 giờ sáng thứ Bảy ngày 02/07/2016 tại nhà thờ Hòa Hưng, hạt Phú Thọ.

PHẦN 2: TƯỜNG THUẬT BUỔI HÀNH HƯƠNG

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com