NHẬP ĐỀ.
Bí tích Thánh Thể hoàn tất việc khai tâm Kitô giáo. Những người đã được Phép Rửa nâng lên tham dự hàng tư tế vương giả và nhờ Bí tích Thêm Sức trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô cách sâu xa hơn, nay nhờ Bí tích Thánh Thể được cùng với toàn thể cộng đoàn tham dự vào hy lễ của Chúa Giêsu (x. GL 1322). Truyền thống Phụng vụ trong sáu thế kỷ đầu luôn luôn cử hành các Bí tích khai tâm Kitô giáo mà ngày nay ta gọi là Phép Rửa - Thêm Sức - Thánh Thể như một toàn thể thống nhất. Bộ ba này đã trở thành khuôn mẫu và quy tắc cho việc gia nhập Kitô giáo.
Thánh Augustinô đã diễn tả hành trình gia nhập Kitô giáo này bằng một biểu tượng tuyệt vời để nói lên tính năng động gắn bó của bộ ba này :
“Như những hạt lúa mì, anh em đã được chứa vào các kho lẫm khi bước vào bậc dự tòng ; rồi trong suốt thời gian dự tòng, anh em đã được nghiền nát bởi các cuộc chay tịnh và các lần trừ tà ; sau đó anh em tới giếng rửa tội để được thấm nước, rồi được nướng chín trong lửa Chúa Thánh Thần. Anh em đã trở nên tấm bánh của Chúa. Vậy anh em hãy là những gì anh em xem thấy và hãy nhận lấy những gì anh em là” (Bài giảng 227 và 272).
Như vậy, từ Phép Rửa, cửa ngõ đưa người tân tòng vào Giáo Hội đến Bí tích Thánh Thể là một hành trình duy nhất gồm nhiều giai đoạn. Nếu Phép Rửa là khởi điểm thì Thánh Thể là chóp đỉnh của hành trình. Vấn đề cốt yếu trong hành trình này là trở thành những chi thể của thân-thể-giáo-hội của Chúa Kitô (Corps ecclésial du Christ) bằng cách tham dự vào Thân-Thể-Thánh-Thể của Ngài (Corps sacramentel du Christ).
Hành trình gia nhập Giáo Hội được hoàn tất và phải dẫn người tân tòng đến Thánh Thể. Đến với Giáo Hội để đến với Chúa Kitô và kết hiệp với Chúa Kitô để trở nên chi thể trong thân-thể-giáo-hội của Ngài. Chính bằng cách hiệp thông với Thân Mình Đức Kitô mà người tân tòng hoàn toàn trở nên thành viên của Giáo Hội. Bí tích Thánh thể xác định chúng ta thuộc về Giáo Hội. Cả hai Bí tích đều được xây dựng trên mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Kitô.
Như vậy, Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức tìm thấy hướng đi nơi Thánh Thể. Thánh Phaolô nói: Phép Rửa là một sự ngụp lặn vào trong sự chết với Chúa Kitô để cùng được “mai táng” (x. Rm 6,3), “cùng đóng đinh” (x. Rm 6,6), “cùng tháp vào Người” (x. Rm 6,5) để được “cùng sống với Người” (x. Rm 6,8)
Chết với Đức Kitô và sống lại với Đức Kitô (x. Rm 6,4-6), người Kitô hữu được mời gọi hiến dâng thân xác mình như một của lễ dâng hiến trong Hy tế Thánh Thể. Khi dâng Thánh Lễ, người Kitô hữu dâng chính mình cùng với Đức Kitô.
Bí tích Thánh Thể là một mầu nhiệm không thể nào diễn tả và thấu triệt được. Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin, dấu chỉ và bảo chứng “tình yêu đến cùng” (Ga 13,1) Đức Kitô để lại cho Giáo Hội. Do đó, Bí tích Thánh Thể là kho tàng vô gíá của Giáo Hội.
Mỗi thế hệ và thời đại diễn tả đức tin theo cách suy tư và ngôn ngữ của mình. Ngày nay, khi đề cập đến Thánh Thể, người ta chú trọng nhiều đến các khoa học nhân văn và lịch sử và nhiều người tập trung việc nghiên cứu vào lãnh vực biểu tượng và việc sử dụng biểu tượng.
Các nhà nghiên cứu lịch sử Phụng vụ lại chú tâm vào việc làm sáng tỏ những nét phong phú của các nền Phụng vụ cổ xưa và từ đó cho thấy sự tiến triển của thần học về Bí tích Thánh Thể theo dòng thời gian.
Các nhà chú giải Kinh Thánh thường đi vào hướng phân tích các bản văn về Thánh Thể một cách sâu sắc, cung cấp cho chúng ta một nguồn thông tin sâu rộng về các tập tục và nghi thức của Do Thái giáo, nhờ đó bữa tiệc mà Đức Giêsu đã cử hành với các tông đồ trước khi chịu khổ nạn xuất hiện dưới một luồng sáng mới.
Tuy nhiên, Thánh Thể không phải là một hiện tượng ta có thể hiểu được từ bên ngoài, nhưng nó mang một chiều sâu khôn dò mà chỉ con mắt đức tin mới nhìn thấy được.
Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội, là trung tâm và tột đỉnh của mọi sinh hoạt Giáo Hội (x. GH 11).
Công Đồng Vaticanô II, với bận tâm mục vụ, đặc biệt đã bàn về Bí tích Thánh Thể trong chương II của Hiến chế về Phụng vụ, và rất nhiều lần trong những văn kiện khác (x. GH 11 ; LM 5 ; TG 9 ; HN 22). Điều này nói lên ý thức sâu xa của Giáo Hội trước tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể. Giáo Hội không thể đào sâu bất cứ một khía cạnh nào trong sinh hoạt của mình mà không tiếp xúc với mầu nhiệm Thánh Thể, bởi vì Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể.
Thánh Thể là sự sống của Giáo Hội. Thánh Thể làm nên Giáo Hội. Thánh Thể là nguồn mạch vô tận của đời sống thiệng liêng (x. DT 6), là trung tâm và tuyệt đỉnh của đời sống cộng đoàn kitô giáo (x. GM 30), là linh hồn của đời sống Phụng vụ.
Chúng ta nói về Bí tích Thánh Thể với tất cả lòng tin, bởi vì đó là “Mầu nhiệm đức tin” như đề tựa Thông điệp về Thánh Thể (Mysterium Fidei) của Đức Phaolô VI, ban hành ngày 03.09.1965; (PV 48) mà đức tin là điều chúng ta lãnh nhận từ Giáo Hội. Vì thế, chúng ta phải nói về Thánh Thể cách khiêm nhường, đến với Thánh Thể cách chăm chú, và đón nhận bằng đức tin của Giáo Hội. Chúng ta hãy nghe lời thánh Justinô nhắn nhủ : “Tiên vàn các bạn hãy cầu nguyện, để các cánh cửa dẫn tới ánh sáng mở ra cho các bạn, vì không ai có thể thấy và hiểu, nếu Thiên Chúa và Đức Kitô của Người không cho hiểu” (Đối thoại với Tryphon, 7).
CHƯƠNG 1: TIẾP CẬN VỚI BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Có nhiều con đường giúp các nhà thần học suy tư về Thánh Thể, bởi vì Thánh Thể gồm hai yều tố : vừa là thực tại của thế giới này vừa là một mầu nhiệm. Thánh Irênêô khi suy tư về Thánh Thể đã viết như sau : “Thánh Thể được cấu thành do hai yếu tố, một thuộc về đất, một thuộc về trời” (Chống các lạc giáo, IV, 18,5). Thực tại của bánh và rượu, thực tại của cộng đoàn cử hành bữa ăn. Thực tại của sự hiện diện của Đức Kitô chết và sống lại trong Thánh Thể. Điểm khởi hành cho suy tư thần học về Thánh Thể vì thế sẽ rất quan trọng, hoặc chúng ta đi từ bên ngoài, hoặc từ chính mầu nhiệm. Và cũng có con đường dẫn ta đến ngõ cụt.
I. ĐI TỪ DẤU CHỈ BÁNH RƯỢU.
Thần học kinh viện dựa trên sự phân biệt của triết học Aristote giữa bản thể và tùy thể để giải thích sự hiện diện thực sự (realiter) và theo bản thể (substantialiter) của Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, nhờ việc “chuyển bản thể” hay “biến thể” (transsubstantiation).
Tuy nhiên, con người ngày nay, với những kiến thức khoa học hiện đại khó hiểu được lối giải thích này. Ngoài ra, lý thuyết này chưa đạt đến Thánh Thể, bởi vì nó không đả động gì đến mối liên hệ của Bí tích Thánh Thể với Mầu nhiệm Vượt Qua mà chỉ thuần túy đứng trên bình diện chiều ngang (nghĩa là bánh biến thành Mình Chúa, ruợu thành Máu Chúa) cũng như không đề cập đến khía cạnh hy tế (sacrifice) là khía cạnh cốt yếu của Mầu nhiệm Thánh Thể.
Một con đường suy tư mà ngày nay nhiều người nói đến là “chuyển ý nghĩa” (transsignification),“chuyển mục đích” (transfinalisation). Điểm khởi hành của suy tư này là nhấn mạnh đến “ý nghĩa”. Con người có khả năng đem đến một ý nghĩa, tạo ra những thực tại mới bằng cách ấn định một ý nghĩa mới cho sự vật, nhất là trong quan hệ tình yêu. Từ đó, cách suy tư này đưa ra giải thích : khi Chúa Giêsu ban tặng cho ta tấm bánh bẻ ra, là dấu chỉ cái chết của Người, Người tự hiến trong một tình yêu tuyệt đối và qua đó sáng tạo một ý nghĩa mới đến mức tối đa. Nhờ lòng tin, người tín hữu nhận ra sự hiện diện này trong biểu tượng, hiệp thông với sự tự hiến của Đức Kitô và hiến mình cho kẻ khác : các yếu tố (bánh và rượu) vẫn y nguyên, nhưng mang một ý nghĩa, một mục đích mới nghĩa là “chuyển ý nghĩa” hay “chuyển mục đích”.
Edward Schillebeeckx, một thần học gia người Hòa Lan đã đưa ra một giải thích mới về sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể theo chiều hướng này. Ông viết :
“Trong chương này, chúng tôi phải làm cho bạn đọc hiểu rằng môi trường sống của chúng ta ngày nay bắt buộc chúng ta phải minh giải thế giới biểu tượng đã đem cho chúng ta tín điều Biến Thể (Transsubstantiation). Sỡ dĩ bắt buộc như vậy chính là để có thể giữ nguyên vẹn ý hướng gốc của tín điều và tìm lại được ý nghĩa thực tiễn của nó. Lập đi lập lại từng câu của tín điều, thì có khác gì việc chẳng ai đòi hỏi, mà cứ đưa ra một cách vô trách nhiệm bằng chứng buộc tội niềm tin Kitô giáo của chúng ta….
Một việc vô trách nhiệm về mặt thần học là đưa Biến Thể, vốn là nền tảng cho cách hiện diện đặc biệt, gọi là hiện diện Thánh Thể, ra khỏi bình diện bí tích. Người ta sẽ phải đặt nó vào chính dấu hiệu, nghĩa là dấu hiệu thánh thể, mà đồng thời vẫn giữ tính hiện thực của Biến thể như đã được công nhận trong tín điều của Công Đồng Triđentinô. Muốn minh giải biến thể về mặt siêu hình học, người ta đã phải dùng đến các phạm trù của triết lý về thiên nhiên ; trong khi đó, tính hiện thực căn bản hàm chứa trong khái niệm đó phải sáng tỏ trên bình diện của hoạt động biểu tượng vốn gắn liền với bí tích, một thực thể hiện diên trong một dấu hiệu…
Tính hiện thực của sự vật không phải là những gì mà giác quan của chúng ta và phân tích khoa học dựa trên các giác quan nắm được, mà là những gì đối với Đức Kitô. Quyền năng tối thượng của Đức Kitô khiến mọi sự hiện hữu là hiện hữu cho Người. Vậy khi Đức Kitô thực sự tự cống hiến chính mình trong bánh và rượu, là những tặng phẩm tốt lành của Thiên Chúa, thì đã diễn ra một cuộc biến đổi khách quan từ trong nền tảng, một sự Biến Thể bánh và rươu trở thành dấu hiệu nói lên việc Đức Kitô thực sự tự hiến chính mình…
Cơ sở cho toàn bộ tiến trình Thánh Thể là việc Đức Kitô thật sự tự hiến chính mình cho người đồng loại, và, trong chính động tác đó, cho Chúa Cha. Yếu tính của Người hệ tại chỗ đó : “Con Người Giêsu Kitô là Đấng tự hiến”. Cuộc sống lịch sử của Đức Giêsu dưới thế này có giá trị vĩnh cửu hay không cũng hệ tại ở điểm này. Như đã nói trên đây : liên hệ giữa mỗi người với Đức Kitô thượng giới cũng đồng thời là tưởng niệm về cái chết của Người trên thập giá, một biến cố thuộc về lịch sử.
Bí tích Thánh Thể là mô hình xuất hiện diễn tiến đó trên phương diện bí tích, diễn tiến việc tự hiến của Đức Kitô cho Chúa Cha diễn ra trong hình thái của một cuộc tự hiến vì loài người. Cuộc tự hiến này theo mô hình một bữa tiệc tưởng nhớ, bánh và rượu mất ý nghĩa trần tục và trở thành biểu tượng của cuộc tự hiến đó : Anh em cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy. Nhưng xét cho cùng, việc tự hiến của Đức Kitô không nhằm bánh và rượu mà nhằm người tín hữu ; đối với họ, sự hiện diện thực là chắc chắn, nhưng qua và trong sự dâng tiến bánh và rượu. Nói cách khác, Đức Chúa, Đấng tự hiến, hiên diện một cách bí tích. Trong bữa tiệc tưởng niệm, bánh và rượu trở thành chủ đề cho một cuộc thiết lập ý nghĩa mới, không phải do con người mà là do Đức Chúa, Đấng đang sống trong Giáo Hội ; nhờ đó bánh và rượu trở thành dấu hiệu cho sự hiện diện thực sự của Đức Kitô, Đấng tự hiến chính mình cho chúng ta. Việc thiết lập ý nghĩa của Đức Kitô diễn ra trong Giáo Hội và giả thiết trước, như một điều kiện trọng yếu sự hiện diện của Đức Kitô trong Giáo Hội, trong cộng đoàn được quy tụ và trong người chủ sự Thánh Lễ Tạ Ơn”.
Lối giải thích này hợp với sự nhậy cảm của con người ngày nay hơn, nhưng nếu lối giải thích này không chấp nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu thì nó sẽ trái với giáo huấn của Giáo Hội.
II. ĐI TỪ CỘNG ĐOÀN TẬP HỌP VÀ BỮA ĂN
Thánh Thể chủ yếu được xem như một bữa tiệc. Bữa ăn cộng đoàn biểu lộ cách tự nhiên tình huynh đệ giữa những người đồng bàn. Trong bữa tiệc Thánh Thể, các môn đệ họp nhau nhân danh Đức Giêsu, có Đức Giêsu ở giữa. Ngài hiện diện không phải trong tấm bánh nhưng trong cộng đoàn tín hữu.
Thế nhưng, một cuộc tập họp các tín hữu không phải là việc thánh hiến bánh và rượu và một bữa tiệc dù chan hòa tình huynh đệ đến đâu cũng không phải là việc cử hành Thánh Thể.
III. ĐI TỪ KINH NGHIỆM CON NGƯỜI
Chắc chắn có rất nhiều kinh nghiệm nơi con người mà từ đó ta có thể suy tư để tiếp cận với Bí tích Thánh Thể. Chẳng hạn, chúng ta có thể khởi đi từ kinh nghiệm quý giá nhất đồng thời là khát vọng thâm sâu nhất nơi con người là “tình yêu” để rồi khám phá ra tuyệt đỉnh của tình yêu nơi Bí Tích Thánh Thể, đó là sự tự-hiến (don de soi). Hay đi từ hai kinh nghiệm rất cụ thể của đời người, đó là : “viếng thăm” và “bữa ăn”, để từ đó có thể sống bí tích Thánh Thể cách sống động hơn, gần gũi hơn.
IV. ĐI TỪ NHỮNG TÊN GỌI CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Mầu nhiệm khôn tả này thật phong phú nên đã được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau và mỗi danh hiệu chỉ nói lên một góc cạnh của mầu nhiệm này. (x. GL 1328-1332).
-Lễ Tạ ơn : Bí tích Thánh Thể được gọi là Lễ Tạ ơn vì đây chính là việc tạ ơn Thiên Chúa (x. LM 5). Tân ước dùng các từ Hy lạp eucharistein (x. Lc 22,19) và eulogein (x. 1Cr 11,24), gợi nhớ lại việc người Do Thái, đặc biệt trong bữa ăn, ca ngợi Thiên Chúa vì những kỳ công Ngài đã thực hiện : sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa.
-Bữa ăn của Chúa : Bí tích Thánh Thể còn đươc gọi là “bữa ăn của Chúa” (Cena Domini), vì Giáo Hội tưởng nhớ bữa tiệc ly của Chúa cùng ăn với các môn đệ tối hôm trước ngày chịu chết. Bữa ăn này cũng nói lên sự tiền dự vào “ bữa tiệc cưới Con Chiên” tại Giêrusalem trên trời (x. PV 48)
-Lễ bẻ bánh : Bí tích Thánh Thể được gọi là Lễ bẻ bánh (Fractio panis), vì trong bữa Tiệc Ly (x. Mt 26,26 ; 1Cr 11,24), Chúa Giêsu dùng nghi thức của người Do Thái để chúc tụng Thiên Chúa và chia bánh cho những người đồng bàn như người chủ tiệc thường làm (x. Mt 14,19 ; 15,16 ; Mc 8,6.19). Nhờ việc bẻ bánh, các môn đệ nhận ra Chúa sau Phục sinh (x. Lc 24,13-45). Vì vậy, các Kitô hữu tiên khởi gọi những buổi cử hành Thánh Thể là Bẻ Bánh (x. Cv 2,42-46 ; 20,7-11). Với thuật ngữ này, họ muốn nói : tất cả những ai cùng ăn một tấm bánh được bẻ ra là Chúa Kitô, thì được hiệp thông với Ngài và làm nên một thân thể duy nhất trong Ngài (x. 1Cr 10,16-17 ; GH 7 ; TG 36).
-Đồng bàn (Synaxis) : Bí tích Thánh Thể còn được Phaolô gọi là “Đồng bàn” vì được cử hành trong cộng đoàn tín hữu. Cộng đoàn thánh thể là hình ảnh hữu hình của Giáo Hội (x. 1Cr 11,17-34 ; x. PV 47 ; GH 3,11,26 ; HN 2,15)
-Cuộc tưởng niệm (Mémorial) : Bí tích Thánh Thể còn được gọi là “cuộc tưởng niệm” Chúa Giêsu chịu chết và sống lại.
-Hy lễ thánh : Bí tích Thánh Thể được gọi là “Hy lễ thánh”, vì hiện tại hóa hy lễ duy nhất của Chúa Giêsu trên thập giá (x. PV 47). Bí tích Thánh Thể còn được gọi là Hy lễ thánh lễ, Hy lễ ca ngợi (x. Dt 13,15), Hy lễ thiêng liêng (x.1Pr 2,5), Hy lễ tinh tuyền và thánh thiện (x. Kinh tạ ơn I), Hy lễ hoà giải (x. Kinh tạ ơn III) vì hoàn tất và vượt trên mọi hy lễ của Cựu ước.
- Phụng vụ thánh (divine liturgie) : Bí tích Thánh Thể còn được gọi là “Phụng vụ thánh và thần linh”, vì là tâm điểm và cách diễn tả cô đọng nhất của toàn thể phụng vụ Giáo Hội. Cũng vì thế, Bí tích Thánh Thể được gọi là Mầu nhiệm rất thánh, Bí tích cực thánh, vì là Bí tích trên các Bí tích.
-Bí tích hiệp thông : Bí tích Thánh Thể còn được gọi là “Bí tích hiệp thông”, vì kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô, Đấng ban Mình và Máu Người để tất cả trở nên một thân thể (x. 1Cr 10,16-17 ; GH 7)
- Sự thánh : Bí tích Thánh Thể còn đuợc gọi là “sự thánh” (x. Giáo huấn các tông đồ 8,13 ; Didaché 9,5 ; 10,6) theo ý nghĩa đầu tiên của “mầu nhiệm các thánh thông công” được tuyên xưng trong kinh tin kính của các tông đồ. Ngoài ra Mình Thánh Chúa còn được gọi là Bánh các thiên thần, bánh bởi trời, thuốc trường sinh. (x. Inhaxiô thành Antiokia, Eph 20,2) ; của ăn đàng…
- Thánh Lễ, Lễ Misa : Cử hành Bí tích Thánh Thể được gọi là Thánh Lễ, Lễ Misa, do từ La tinh missio có nghĩa là sai đi. Thánh lễ kết thúc với lời Giáo Hội sai các tín hữu đi vào đời để rao giảng và làm chứng cho Tin mừng Nước Thiên Chúa.
V. ĐẾN VỚI THÁNH THỂ TRONG LÒNG TIN CỦA GIÁO HỘI
Thần học Thánh Thể là công trình của các tín hữu tìm kiếm trong Giáo Hội, bằng đức tin và lòng mến của Giáo Hội. Cuốn sách Thánh Thể đòi hỏi các độc giả sống đời sống nội tâm trong ngôi nhà của mầu nhiệm và của Giáo Hội, bởi vì Giáo Hội là chủ thể của việc cử hành mầu nhiệm.
Chúng ta chỉ có thể nói về Thánh Thể trong lòng tin, nghĩa là trong thái độ lắng nghe, cởi mở và đón nhận của tâm hồn. Người tín hữu cử hành và hiểu Thánh Thể trong Giáo Hội. Mọi diễn từ về Thánh Thể phải được nói lên trong đức tin và lời rao giảng của Giáo Hội.
KẾT LUẬN
Tiếp xúc với Bí tích Thánh Thể, một mầu nhiệm vô cùng thâm sâu, chúng ta hãy cởi mở tấm hồn, như lời giáo phụ Gioan-Kim Khẩu “Hãy cúi mình trước Thánh Thể và tin vào những lời Chúa nói, như cúi mình trước Thiên Chúa”. Thánh Tôma nói “đừng dựa vào giác quan, mà hãy dựa vào đức tin và những lời sự thật của Chúa” (Tổng luận thần học III,75,1)
Lm An-tôn Nguyễn Đức Khiết