BÍ TÍCH THÁNH THỂ - Nguồn gốc của Bí tích Thánh Thể

 

 

 

 

CHƯƠNG 3: NGUỒN GỐC CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Khi nói đến việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (số 1323) đã trích dẫn Hiến chế về Phụng vụ Thánh của Công đồng Vaticanô II :

“Trong bữa tiệc sau hết, vào đêm bị nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó, Hy Tế Thập Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Hội Thánh tưởng nhớ sự chết và phục sinh của Người : đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc Vượt Qua. Trong tiệc này, chúng ta nhận được Chúa Kitô làm của ăn, được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm vinh quang tương lai” (PV 47).

I.    CÁC VĂN BẢN TÂN ƯỚC TƯỜNG THUẬT VIỆC THIẾT LẬP THÁNH THỂ

Các tác giả Phúc Âm Nhất Lãm và thánh Phaolô lưu truyền cho chúng ta bản tường thuật việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, trong khi thánh Gioan thuật lại những lời của Đức Giêsu tại hội đường Capharnaum, những lời chuẩn bị cho việc thiết lập Bí tích Thánh Thể: Đức Giêsu tự xưng mình là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. (x. GL 1338)

Chúng ta có 4 bài tường thuật : Mt 26,26-29 ; Mc 14,22-24 ; Lc 22,19-20 ; 1Cr 11,23-25. Ở đây, để có bản văn chính xác, chúng ta trích theo bản dịch Kinh Thánh của cha Nguyễn Thế Thuấn, DCCT, 1976.

“Đương lúc họ ăn, thì Đức Giêsu cầm lấy bánh và chúc tụng rồi bẻ ra và ban cho họ. Ngài nói : “Hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta”. Đoạn cầm lấy chén và tạ ơn, Ngài ban cho họ mà rằng : “Hãy uống chén này hết thảy ; vì này là Máu Ta, Máu Giao Ước đổ ra vì nhiều người để nên ơn tha tội. Và Ta bảo các ngươi : từ nay Ta sẽ không còn uống đến hoa quả giống nho này nữa cho đến ngày ấy, ngày Ta sẽ uống thứ mới với các ngươi trong nước Cha Ta” (Mt 26,26-29)

“Và đương lúc họ ăn, Ngài cầm lấy bánh, chúc tụng, rồi Ngài bẻ ra và ban cho họ và nói : “Hãy cầm lấy ! Này là Mình Ta !”. Đoạn cầm lấy chén, tạ ơn, Ngài ban cho họ và họ uống chén này hết thảy. Và Ngài nói với họ : “Này là Máu Ta, Máu Giao Ước đổ ra vì nhiều người. Quả thật, Ta bảo các ngươi : Ta sẽ không uống đến hoa quả giống nho nữa, cho đến ngày ấy, ngày ta sẽ uống thứ mới trong Nước Thiên Chúa” (Mc 14,22-24)

Khi giờ đã đến, Người lên giường tiệc làm một với các tông đồ, và Ngài nói cùng họ : “Ta ước ao khao khát ăn lễ Vượt qua này với các ngươi trước khi Ta chịu khổ nạn. Vì Ta bảo các ngươi : “Ta không còn ăn lễ ấy bao giờ nữa cho đến khi nào nên trọn trong Nước Thiên Chúa”. Rồi cầm lấy chén rượu, Ngài tạ ơn và nói : “Các ngươi hãy cầm lấy chén này mà chia với nhau ; vì chưng, Ta bảo các ngươi : từ nay Ta sẽ không uống đến hoa quả giống nho nữa, cho đến khi Nước Thiên Chúa đến” Đoạn cầm lấy bánh và tạ ơn, Ngài bẻ ra và ban cho họ mà rằng : “Này là Mình Ta phải thí ban vì các ngươi ; hãy làm sự này mà nhớ đến Ta”. Và chén sau bữa ăn, cũng như vậy, mà rằng : “Chén này là Giao Ước Mới trong Máu Ta, phải đổ ra vì các ngươi” (Lc 22,19-20)

Vì chưng, chính tôi đã chịu lấy nơi Chúa điều tôi truyền lại cho anh em. Là : Chúa Giêsu trong đêm Ngài bị nộp, Ngài đã cầm lấy bánh và tạ ơn xong, Ngài đã bẻ ra và nói : “Này là Mình Ta vì các ngươi, hãy làm sự này mà nhớ đến Ta”. Cũng vậy về chén, sau khi dùng bữa tối xong, Ngài nói : “Chén này là Giao Ước Mới trong Máu Ta, các ngươi hãy làm sự này mỗi khi uống, mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi lần anh em ăn bánh ấy và uống chén ấy, anh em loan báo sự chết của Chúa, cho tới lúc Ngài đến” (1Cr 11,23-26)

A.    TÌM HIỂU BẢN VĂN

Chúng ta có bốn bản văn Tân Ước đề cập đến việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể trong khung cảnh Bữa Tiệc Ly. Đối chiếu tổng quát, chúng ta thấy Mt giống McLc giống 1Cr.

1.    Bốn bản văn, hai truyền thống

Bốn bản văn tường thuật về việc thiết lập Thánh Thể không phải là những tường thuật “lịch sử tại chỗ” nhằm cung cấp cho chúng ta đúng những gì Chúa đã nói và đã làm trong đêm Ngài bị nộp, nhưng với mục đích trình bày cho chúng ta những mẫu cử hành phụng vụ Thánh Thể tại các cộng đoàn của các tác giả. Từ đó, ta thấy những khác biệt trong bốn bản văn phát xuất là do môi trường Phụng vụ. Dựa vào cử hành Phụng vụ của cộng đoàn, các tác giả xác nhận rằng Bữa Tiệc Thánh này phát xuất từ chính Chúa Giêsu, nhưng mỗi tác giả trình bày mầu nhiệm Thánh Thể theo nhãn quan của mình. Từ đó, ta thấy 4 bản văn thuộc về hai truyền thống phụng vụ :

-    Mc / Mt : Truyền thống Palestina

-    Lc / Phaolô :Truyền thống Antiôkia

Điều chúng ta ghi nhận đầu tiên là từ ngữ “Giao Ước” đều gặp thấy ở trong cả bốn bản văn của hai nguồn truyền thống đó :

-    Mc / Mt : “Này là Máu Thầy, Máu Giao Ước

Truyền thống này dường như muốn gợi lại một cách có chủ ý “Giao Ước Sinai” (x. Xh 24,8) : Môsê lấy máu mà rảy trên dân. Ông nói : “Này là máu Giao Ước đã ký kết với các ngươi”

-    Lc / Phaolô :“Chén này là Giao Ước Mới trong Máu Ta”

Truyền thống này gợi lại lời công bố Giao Ước Mới mà Giêrêmia đã công bố (x. Gr 31,31-34)

Từ đó, ta có thể nói rằng hai truyền thống này độc lập với nhau. Câu hỏi được đặt ra tiếp theo : đâu là truyền thống và bản văn diễn tả gần nhất Lời tuyên bố của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly ?

Về phương diện lịch sử của các bản văn, chúng ta thấy bản văn của thánh Phaolô : 1Cr 11,23-25 là bản văn có sớm nhất (khoảng năm 53-54).

Nhưng khi phân tích bản văn này, ta thấy :

a. Phaolô nói rằng ngài chỉ truyền lại điều ngài đã lãnh nhận từ Chúa, tức là từ cộng đoàn và cộng đoàn đã lãnh nhận từ các tông đồ và các tông đồ lãnh nhận từ nơi Chúa. Ở đây, Phaolô chỉ muốn nói rằng Tiệc Thánh phát xuất từ Chúa.

b. Việc bản văn của Phaolô hoàn toàn tương tự với bản văn của Luca khiến chúng ta có thể nói rằng bản văn của Luca chính là công thức phụng vụ của Giáo Hội đương thời.

c. Như vậy, bản văn của Luca phải có trước bản văn của Phaolô và là bản văn kỳ cựu nhất

2.    Hai lời tuyên bố trên bánh và rượu

Qua việc phân tích bốn bản văn, ta thấy :

a. Cả bốn bản văn đều đồng nhất với nhau khi ghi lại lời của Đức Giêsu tuyên bố trên bánh : “Này là Mình Ta”. Tuy nhiên, ta thấy có sự khác nhau về lời trước đó ;

-    Mt : “Hãy cầm lấy mà ăn

-    Mc : “Hãy cầm lấy

-    Lc1Cr : không có lời mời “Hãy cầm lấy

Lời nói sau khi tuyên bố trên bánh, ta thấy cũng có sự khác nhau :

-    McMt : chỉ nói “Này là Mình Ta” mà sau đó không nói thêm gì cả.

-    Lc1Cr : “Này là Mình Ta, vì các ngươi”.

Như thế, Luca và Phaolô có ý nối kết Thân Thể Chúa với cái chết cứu độ của Chúa.

Ngoài ra, Luca và Phaolô nhắc tới mệnh lệnh lập lại nghi thức để tưởng nhớ đến Chúa, trong khi đó MtMc không nói đến.

b. Lời tuyên bố trên chén rượu tuy có sự khác nhau, nhưng chỉ là những khác biệt thứ yếu, bên ngoài :

-    Lc / Phaolô : “Chén này là Giao Ước Mới trong Máu Ta

-    Mc / Mt : “Này là Máu Ta, Máu Giao Ước

c. Cả hai truyền thống đều nói về chén máu đổ ra để thiết lập Giao Ước.

d. Từ đó, ta ghi lại những điểm chính yếu của nguồn các truyền thống :

Này là Mình Ta” (= Thịt của Ta)

Này là Máu Giao Ước của Ta (= Giao Ước trong Máu Ta) đổ ra vì nhiều người”.

3.    Khung cảnh lời tuyên bố của Đức Giê-su

Lời tuyên bố của Chúa Giêsu xảy ra trong khung cảnh Lễ Vượt Qua của người Do Thái hay ít ra là trong bầu khí Bữa Ăn Vượt Qua.

Hằng năm, Bữa Tiệc Vượt Qua đối với dân Israel là bữa tiệc của ngày lễ kỷ niệm biến cố dân được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, đồng thời hướng lòng Dân về viễn tượng ơn cứu độ trong ngày Đấng Mêsia xuất hiện. Chúng ta sẽ tìm hiểu Lễ Vượt Qua của người Do Thái và diễn tiến bữa ăn Vượt Qua như thế nào, để rồi tìm hiểu xem Bữa Tiệc Ly có phải là Bữa ăn Vượt Qua hay không.

a.    Lễ Vượt qua của Người Do Thái

Đối với người Do Thái, Lễ Vượt Qua là lễ lớn nhất trong năm và là trọng tâm đời sống tôn giáo của họ.

Chúng ta sẽ tóm tắt các giai đoạn trong quá trình hình thành của đại lễ này cho đến thời Chúa Giêsu.

(1). Giai đoạn 1 : Lễ mùa xuân của thời dân du mục

Lễ Vượt Qua có lẽ là một lễ đã có từ lâu đời nơi những dân du mục. Sau những tháng mùa đông, trời bắt đầu ấm áp trở lại, cỏ mọc xanh tốt, người ta chuẩn bị đưa đàn chiên, dê ra đồng cỏ. Đây cũng là mùa mà các động vật mới sinh ra một thời gian ngắn, phải di chuyển với đàn súc vật, chấp nhận tất cả những hiểm nguy của đời du mục. Những người du mục tin thần thánh phù hộ cho các súc vật nhỏ bé của họ, với điều kiện là họ dâng lên cho thần thánh những con vật đầu lòng.

Những người Do Thái phiêu bạt sang Ai Cập có lẽ vẫn giữ phong tục này. Nguyên thủy, đây là một lễ gia đình, được mừng vào mùa xuân, ngày trăng tròn, 14 tháng Nisan. Người ta dâng lên Thiên Chúa một con chiên đực hay một con dê đực được một năm tuổi để cầu phước cho đàn vật. Con chiên được dâng làm của lễ “phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một năm tuổi” (Xh 12, 5). Con chiên sẽ bị cắt cổ, máu bôi lên cửa, thịt được nướng lên, không được bẻ gẫy một xương nào. Sau đó, người ta phải ăn vội vã ngay đêm đó và không được để sót lại gì cho đến hôm sau ; phải đốt tất cả những gì còn lại.

Lễ giết chiên này thuộc về giai đoạn du mục nay đây mai đó của dân Do Thái. Lễ này đã có từ rất xa xưa, có lẽ từ thời Abraham, trước cả Môsê và cuộc xuất hành, và cũng có thể đây chính là lễ mà Chúa nói với Môsê đến xin Pharaon “xin cho chúng tôi đi ba ngày đường vào sa mạc để tế lễ Đức Chúa, Thiên Chúa chúng tôi (Xh 3,18 ; 5,1).

(2) Giai đoạn 2 : Lễ Vượt Qua và cuộc xuất hành

Trong bối cảnh dân Do Thái bị đàn áp và sống thân phận nô lệ trên đất Ai cập, với biến cố Xuất Hành, lễ Vượt Qua đã mang một ý nghĩa mới. Máu chiên con bôi trên cửa nhà người Do Thái vừa là dấu hiệu giải thoát vừa là dấu hiệu người Do Thái thuộc về dân Thiên Chúa, được Thiên Chúa phù hộ và cứu khỏi ách thống trị của người Ai cập. Dân Do Thái giờ đây kinh nghiệm được tình yêu và quyền năng của Giavê Thiên Chúa, Đấng cứu thoát họ. Kinh nghiệm này trở thành trọng tâm niềm tin của Dân Thiên Chúa. Từ đây tất cả những tâm tình và tư tưởng tôn giáo của dân Israel đều xoay quanh cái trục này.

Lễ Vượt Qua được hiểu theo nghĩa “Giavê đã vượt qua”. Về sau, người ta mới thêm vào những yếu tố khác như con chiên vượt qua, vượt qua Biển Đỏ.

Đó là lễ tế Vượt Qua mừng Đức Chúa, Đấng đã vượt qua các cửa nhà của con cái Israel tại Ai cập, khi Người đánh phạt Ai cập và cho các nhà chúng ta thoát nạn” (Xh 12,27).

Lễ Vượt Qua dần dần được đưa vào phượng tự và gắn thêm một nghi thức, đó là sát tế những con so giống đực để chuộc lại các con trai đầu lòng. Nghi thức này nhắc lại việc Đức Chúa sát hại mọi con đầu lòng trong đất Ai cập, của loài vật cũng như loài người (x. Ds 3,13 ; Xh 13,14-15).

(3) Giai đoạn 3 : Lễ Vượt Qua và Lễ Bánh không men

Việc ăn chiên vượt qua theo phong tục của người du mục được kết hợp với lễ Bánh không men là lễ của dân Cananéens. Đó là lễ đầu năm của người dân làm nông nghiệp. Bắt đầu vụ mùa mới, người ta muốn bỏ hết các thứ men cũ dùng trong việc chế biến lương thực. Vì thế người ta sử dụng một thứ bánh không men để lưu ý là thời gian cũ đã qua, bắt đầu bước vào giai đoạn mới. Hai lễ này thường được mừng vào cùng một khoảng thời gian, nên việc kết hợp chúng lại trở nên dễ dàng. Vả lại lễ Bánh không men nhập vào lễ Vượt Qua làm cho lễ này mang thêm một chiều kích mới : sự sống luôn luôn phải mới mẻ, cũ phải qua đi, chỉ có mới tồn tại.

Chúng ta khó biết được khi nào thì Lễ Bánh không men và Lễ Vượt Qua kết hợp lại với nhau thành một.

SáchXuất Hành 12,17-20 cho thấy ý nghĩa ngày Lễ Bánh không men và những chỉ thị liên quan đến việc mừng Lễ này :

- Ý nghĩa : “vì vào chính ngày đó, Ta đã đưa các đạo binh của các ngươi ra khỏi đất Ai cập

- Chỉ thị về cách mừng lễ : “Ngày 14 tháng Nisan, từ buổi chiều, các ngươi sẽ ăn bánh không men, cho đến buổi chiều ngày 21. Trong bảy ngày, không được giữ men trong nhà các ngươi, vì phàm ai ăn bánh có men, người đó sẽ bị khai trừ khỏi cộng đồng Israel, bất luận là ngoại kiều hay bản xứ. Các ngươi không được ăn các thứ bánh có men, dù ở đâu, các ngươi cũng phải ăn bánh không men”.

Chúng ta đọc thêm Lv 23,5-8Đnl 16,1-3

Nguồn gốc của Lễ Bánh không men gắn với việc cầu mùa, nhưng khi Lễ Bánh không men kết hợp với Lễ Vượt Qua thì ý nghĩa của “bánh không men” trở thành “bánh khổ cực” :

Trong vòng bảy ngày, anh em sẽ ăn bánh không men, thứ bánh khổ cực, vì anh em đã phải vội vã ra khỏi đất Ai cập, để mọi ngày trong đời, anh em nhớ ngày ra khỏi đất Ai cập” (Đnl 16, 3).

(4) Giai đoạn 4 : Lễ Vượt Qua, Lễ của Đền thờ.

Khi dân đã vào Đất Hứa, trên bình diện lịch sử, không có bằng chứng nào cho thấy người ta đã mừng lễ Vượt qua cách long trọng, mãi cho tới thời cải cách của vua Giosia tựa vào việc khám phá “Sách Đệ Nhị Luật” trong khi trùng tu lại Đền thờ (2V 22-23). Cuộc cải cách này nhấn mạnh đến việc tập trung cần thiết cho sự sống còn của đất nước Giuđa : một Thiên Chúa duy nhất, một dân tộc duy nhất, một nơi thờ phượng duy nhất là Đền thờ Giêrusalem. Cuộc cải cách để lại dấu vết sâu đậm trên đời sống tôn giáo của Dân Chúa : hằng năm người ta về Giêrusalem để cử hành lễ Vượt Qua.

Trong lễ Vượt Qua, giờ đây cô đọng tất cả lịch sử cứu độ. Biến cố Xuất Hành vẫn là trọng tâm. Nhưng ngoài cái đêm thiên thần vượt qua và Môsê đưa dân Chúa ra khỏi Ai Cập, đêm Vượt qua còn bao hàm - theo như sách Targum - ba đêm khác nữa : đêm thứ nhất là lúc Thiên Chúa khởi sự công trình tạo dựng, lúc bóng tối còn bao phủ địa cầu và Lời của Người đóng vai trò tác tạo ; đêm thứ hai là lúc Thiên Chúa ký kết giao ước với Abraham, hứa ban cho ông một miêu duệ như sao trên trời, như cát dưới biển, đêm này còn bao gồm hy tế Isaac ; đêm thứ ba là đêm xuất hành ra khỏi Ai cập, đêm giải thoát, để dân Israel có thể phụng thờ Thiên Chúa, để dân trở thành “sở hữu” của Thiên Chúa, dân riêng của Thiên Chúa ; đêm cuối cùng là lúc Đấng Mêsia cánh chung xuất hiện, lúc “Con Người” đến trên mây trời để hoàn tất lịch sử cứu độ.

Vì ý nghĩa lớn lao đó, mà Lễ Vượt Qua càng ngày càng trở nên quan trọng trong Do Thái giáo.

SáchĐệ nhị luật 16,5-7 ra chỉ thị về việc mừng Lễ Vượt Qua như sau :

“Anh em hãy giết chiên dê và bò làm lễ vật Vượt Qua dâng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, ở nơi Đức Chúa chọn cho Danh Người ngự… Anh em không thể giết lễ vật vượt qua ở thành nào khác trong những thành mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em ban cho anh em. Nhưng chỉ ở nơi Đức Chúa chọn cho Danh Người ngự, anh em mới được giết lễ vật vượt qua, vào buổi chiều khi mặt trời lặn, chính lúc anh em ra khỏi Ai cập. Anh em sẽ nấu mà ăn ở nơi Đức Chúa chọn, Thiên Chúa của anh em chọn, rồi sáng ngày anh em sẽ quay về lều trại mình”.

Người ta cho rằng quy luật mừng lễ Vượt Qua như sách Đệ nhị luật vừa mô tả đã được mừng long trọng vào khoảng từ năm 622 khi vua Giôsia thực hiện công cuộc canh tân Phụng vụ :

“Vua truyền lệnh sau đây cho toàn dân : “Hãy cử hành Lễ Vượt qua kính Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, theo nghi thức ghi chép trong sách Giao ước này”. Người ta chưa bao giờ cử hành một lễ Vượt Qua nào như thế từ ngày các thủ lãnh cai trị Israel, cũng như suốt thời các vua Israel và các vua Giuđa. Mãi đến năm thứ 18 triều đại vua Giôsia, người ta mới cử hành lễ Vượt Qua kính Đức Chúa như vậy tại Giêrusalem”. (2V 23,21-23 ; 2Sb 35).

Kể từ thời gian này, lễ Vượt Qua trở thành Đại lễ của quốc gia Do Thái và của Do Thái giáo, được cử hành trong Đền Thờ. Và cũng từ đó, nghi thức càng thêm phức tạp và nhiều quy luật được ấn định : khi có lý do chính đáng, như bị nhiễm uế vì xác chết hay vì đường xa, có thể được gia hạn mừng Đại lễ này vào tháng hai cùng ngày, lúc xế chiều (=14 tháng sau tháng Nisan). Nhưng, khi không có đủ lý do chính đáng mà bỏ không mừng lễ thì phải bị “vạ tuyệt thông”, tức là bị loại ra khỏi cộng đồng dân Israel và bị mắc tội. (x. Ds 9,10-13).

Với quy định này, Giêrusalem trở thành trung tâm hành hương cho cả nước. Giờ giết chiên tại Đền thờ được quy định là “vào lúc chập tối” (Xh 12,6). Vào thời Đức Giêsu, cuộc hành hương rất đông, nên thay vì chập tối, các thầy Lêvi phải giết chiên từ 12g trưa. Máu chiên bị sát tế được rảy trên bàn thờ, phần thịt chiên thì giao lại cho người sở hữu đưa về gia đình để ăn lễ Vượt Qua.

b.    Bữa tiệc Vượt qua

- Chén rượu thứ nhất (chén khai vị) :

Đầu tiên, người ta rót đầy chén thứ nhất, Mỗi người lần lượt uống chén rượu thứ nhất (=chén khai vị). Gắn liền với nghi thức này là một lời kinh chúc tụng Thiên Chúa : “Chúc tụng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng con, Ngài là Vua vũ trụ, là Đấng ban cho chúng con sản phẩm từ cây nho

- Ăn khai vị :

Uống chén rượu khai vị xong, những người dự tiệc rửa tay và bắt đầu ăn khai vị gồm có rau tươi nhiều loại, nhưng bắt buộc phải có thứ rau đắng chấm với nước dấm. Ăn khai vị xong, người ta dọn lên bàn tiệc thịt chiên con và bánh không men, rót đầy chén thứ hai. Nhưng không ai được đụng đến thức ăn thức uống.

- Chén rượu thứ hai :

Bây giờ mới thực sự nghi thức lễ Vượt qua ! Người chủ nhà cầm lấy bánh không men đọc lời khai mạc : “Đây là bánh khổ cực (x. Đnl 16,3) cha ông chúng ta đã ăn bánh trên đất Ai Cập. Ai đói hãy đến mà ăn ! Ai cần hãy đến mà dùng bữa tiệc Vượt qua với chúng tôi !

Rồi người ta chia nhau bánh không men và cùng ăn với nhau.

Tiếp đó, người ta đứng lên đọc phần đầu các thánh vịnh Hallel, gồm hai Thánh vịnh 113 và phần đầu của Thánh vịnh 114.

Người ta uống chén rượu thứ hai. Trước khi uống chén này, chủ nhà thường nhắc nhớ cho con cháu về ý nghĩa tiệc vượt qua : “Khi con cháu anh em có hỏi anh em : “Nghi lễ này có y nghĩa gì đối với quý vị ?” Anh em sẽ trả lời : Đó là lễ tế Vượt Qua mừng Đức Chúa, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Israel tại Ai Cập khi Người đánh phạt Ai Cập và cho nhà chúng ta thoát nạn” (Xh 12,26-27).

- Chén rượu thứ ba :

Người ta đọc một lời chúc tụng rồi nhập tiệc. An và uống thoải mái, ngoài con chiên, nếu có, còn có trứng, thịt và các món ăn khác.

Sau khi ăn, người chủ nhà chúc lành cho chén thứ ba, thường gọi là “chén chúc tụng”. Người chủ nhà đọc : “Lạy Thiên Chúa nhân từ, Đấng thương ban cho chúng con được dự những ngày của Đấng Mêsia và đời sống của thế giới tương lai ! Đấng đã ban ơn cứu độ cho vua của Người và ân sủng trên những kẻ được xức dầu, trên Đavít và dòng dõi người đến muôn đời ! Đấng xây dựng các tầng trời cao thẳm và đổ tràn bình an trên chúng con và dân Israel. Xin chúc tụng Chúa. Amen !”.

- Chén rượu thứ tư :

Sau khi đã dọn dẹp xong mọi thức ăn trên bàn, người ta chỉ để lại một chén chung cuối cùng. Đổ đầy rượu lần cuối.

Tất cả thực khách đứng lên hát phần cuối của Thánh vịnh Hallel, tức là gồm các Tv 114-118

Hát xong, người ta cùng uống chén thứ tư và rời bàn tiệc.

Thường buổi tiệc chấm dứt vào nửa đêm, tức là tiệc Vượt qua, bình thường kéo dài từ lúc mặt trời lặn cho đến nửa đêm, là giờ Đấng Mêsia ngự đến, theo quan niệm của người Do Thái (x. Mt 25,6),

Như vậy, lời truyền phép trên bánh được Đức Giêsu nói khi bẻ bánh khai mạc Tiệc Vượt Qua và lời truyền phép trên rượu chỉ được thực hiện sau bữa ăn, trên “chén chúc tụng”, tức là chén thứ ba. Giữa hai lần truyền phép là bữa tiệc chiên.

4.    Bữa Tiệc Ly có phải là bữa ăn Vượt Qua không ?

a. Trước hết, cả 4 Phúc âm đều đống ý với nhau về sự kiện Đức Giêsu chết vào ngày thứ sáu (x. Mc 15,42 ; Mt 27,63 ; Lc 23,54 ; Ga 19,31.42)

b. Theo Phúc âm nhất lãm (Mc 14,12.17-18 : “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh không men là ngày sát tế chiên vượt qua” // Mt 26,17.20-21 ; Lc 22,7-14) thì bữa Tiệc Ly là bữa ăn Vượt qua. Đức Giêsu đã mừng Lễ Vượt qua với các môn đệ vào thứ năm, chiều ngày 14 tháng Nisan. Như vậy, Đức Giêsu chết ngày thứ sáu, 15 tháng Nisan, tức là Lễ Vuợt qua.

c. Niên biểu của Gioan lại khác, và có lẽ cách tính của Gioan đúng hơn. Theo Ga 19,14, vụ kiện trước dinh tổng trấn Philatô xẩy ra vào ngày áp Lễ Vượt Qua, khoảng 12 giờ trưa. Trong ngày đại lễ, nhất là đại lễ Vượt Qua, người ta không được phép xử án và nhất là không bao giờ thực hiện án tử hình. Như thế, Đức Giêsu chết sau 12 giờ trưa, ngày thứ sáu, trước ngày Sabát (x. Ga 19,31) tức là ngày 14 tháng Nisan, lúc chiên vượt qua bị sát tế trong khuôn viên Đền thờ (năm đó ngày Sabát lại là ngày Vượt qua). Người Do Thái giết chiên tại Đền thờ vào sau trưa ngày 14 tháng Nisan và người ta ăn chiên vượt qua vào ban chiều ở trong thành, trong gia đình hay trong từng nhóm (x. Xh 12,1-4) vì chiều ngày 14 tháng Nisan, sau mặt trời lặn đã là khởi điểm của ngày 15 Nisan rồi.

Như vậy, theo Phúc âm Gioan, bữa Tiệc Ly không phải là bữa ăn Vượt Qua mà chỉ có khung cảnh Lễ Vượt Qua hay hướng tới Lễ Vượt Qua.

Cho dù không công nhận Bữa Tiệc Ly là bữa ăn Vượt Qua, các nhà chú giải Kinh Thánh đều phải công nhận ít nhất là nó xảy ra trong bầu khí lễ Vượt Qua. Chắc chắn, Đức Giêsu vừa nghĩ đến lễ Vượt Qua, vừa nghĩ đến cái chết sắp tới của Ngài.

Trong Bữa Tiệc Ly, Ngài đã nói lên ý nghĩa của cái chết mà Ngài sắp phải chịu, đó là một cái chết tự hiến, một cái chết cứu chuộc, một cái chết mang lại sự sống, mang lại ơn giải thoát. Máu Ngài sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội, như máu chiên con bôi lên cửa nhà người Do Thái, để con đầu lòng của họ được tha chết. Dù là dựa vào Gioan hay vào các Tin Mừng Nhất Lãm, không thể chối cãi ý nghĩa Vượt Qua mà Đức Giêsu vừa gán cho cái chết của Ngài trên thập giá, vừa gán cho việc thiết lập bí tích Thánh Thể.

Riêng đối với Gioan, ông còn muốn nhấn mạnh rằng Đức Giêsu là Con chiên Vượt Qua mới, nên đã chọn cách diễn tả để cho thấy sự trùng hợp nói trên.

Như vậy, trong bữa Tiệc Ly, khi Đức Giêsu cùng mừng lễ Vượt Qua với các tông đồ, Người đã đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho lễ Vượt Qua của người Do Thái. Tiệc Ly tiên trưng cho cuộc Vượt Qua mới : trong cuộc tử nạn và phục sinh, Đức Giêsu vượt qua để về cùng Chúa Cha. Cuộc Vượt Qua này được cử hành trong bí tích Thánh Thể. Bí tích này hoàn tất lễ Vượt Qua của người Do Thái và tiên báo cuộc Vượt Qua cuối cùng của Hội Thánh vào vinh quang của Nước Trời (x. GL 1340).

Tóm lại, khi chúng ta nói : “Bữa Tiệc Ly là Bữa tiệc Vượt Qua” thì phải hiểu rằng đây là cách nói theo phương diện thần học, chứ không mang tính lịch sử.

B.    TÌM HIỂU Ý NGHĨA CỦA VIỆC THIẾT LẬP THÁNH THỂ

Như ta đã nói ở trên, cả ba tác giả Phúc âm nhất lãm đều đề cập đến khung cảnh bữa Tiệc Ly là bữa ăn Vượt Qua. Đối với các ngài, chính trong bữa tối này, Bí tích Thánh Thể đã được thiết lập, và Lễ Vượt Qua cũ được chuyển sang Lễ Vượt Qua mới. Các tác giả nhất lãm rất chú ý tới việc chuẩn bị bữa tối Vượt Qua sau cùng của Chúa Giêsu trước giờ tử nạn : “Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu ?” (Lc 22,11). Chúng ta có thể nói rằng trong Phúc âm nhất lãm, bữa Tiệc Ly đã báo trước và hàm chứa biến cố hiến tế vượt qua của Chúa Giêsu, giống như trong sách các ngôn sứ, một hành vi biểu trưng đôi lúc loan báo một biến cố, chẳng hạn ngôn sứ Giêrêmia đập bể chiếc bình của người thợ gốm (x. Gr 19,1tt).

Hiểu theo chiều hướng trên, việc Chúa Giêsu bẻ bánh và thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly là một hành vi mang tính biểu trưng và tiên tri cao vời nhất trong lịch sử cứu độ. Khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã tiên báo, và một cách mầu nhiệm, Ngài đã mong đợi những điều sắp sửa xảy đến, đó là cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài.

Trong khi các tác giả Phúc âm nhất lãm nhấn mạnh đến thời điểm sát tế “mầu nhiệm” (trong bữa Tiệc Ly) thì Gioan lại nhấn mạnh đến thời điểm sát tế “thực sự” trên thập giá. Như vậy, cùng một biến cố Chúa Giêsu chịu sát tế, nhưng được nhìn dưới hai góc độ khác nhau.

Từ đó, biến cố làm nên mầu nhiệm Thánh Thể chính là biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta gọi đó là biến cố, bởi vì đó là sự kiện độc nhất vô nhị cả về thời gian lẫn không gian, xảy ra duy nhất một lần trong lịch sử và không bao giờ lập lại. (x. Dt 9,26)

Tuy nhiên, những điều này không phải đơn thuần là những “sự kiện” suông ; có thể nói được có một lý do, một nguyên nhân đưa đến sự kiện này, đó chính là tình yêu. Thánh Thể phát xuất từ tình yêu (x. Ep 5,2). Thánh Thể đến với chúng ta như một tuyệt tác và tặng phẩm của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Ba Ngôi đều có mặt trong việc thiết lập này : Chúa Con tự hiến mình, Chúa Cha là Đấng đón nhận hiến lễ, và nhờ Chúa Thánh Thần, Chúa Con hiến tế cho Chúa Cha (x. Dt 9,14).

Từ đó, chúng ta sẽ hiểu hơn ý nghĩa những lời tuyên bố trên bánh và rượu của Chúa Giêsu được kết hợp với lời mời gọi : “Hãy cầm lấy mà ăn - Hãy cầm lấy mà uống”.

– Chúa Giêsu, bánh cầm trong tay và đang có chiên tế lễ vượt qua trước mặt Ngài. Ngài nói : “Này là Mình Thầy”.

– Sau bữa ăn, tức đã ăn chiên tế lễ Vượt Qua, bữa ăn tạ ơn vì máu chiên đã đổ ra nhắc lại máu giải thoát năm xưa, Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu trong tay. Ngài nói : “Này là Máu Thầy”.

Ý nghĩa việc đó là : chính Chúa Giêsu (Mình và Máu) là Chiên Vượt Qua thật, chiên đã được hiến tế (= đổ máu ra).

- Bữa Ăn mang nhiều yếu tố : ăn lương thực, diễn tả sự bình an, tin tưởng, huynh đệ, tha thứ… Vì thế, những người ăn Bánh và uống Chén rượu của Đức Giêsu thì được tham gia vào lời chúc lành của Ngài…

Bánh (= Mình Đức Giêsu) – Rượu (= Máu Đức Giêsu) – cái chết của Ngài đem lại ơn tha tội. Ăn bánh và uống rượu có nghĩa là tham dự vào cái chết của Ngài, tham dự vào kết quả mà cái chết ban ơn cứu độ đem lại.

II.    “CÁC CON HÃY LÀM VIỆC NÀY MÀ NHỚ ĐẾN TA !”

Sau lời truyền phép trên Bánh là lệnh truyền lặp lại nghi thức đó (x. Lc 22,19).

Từ “nhớ” là từ liên kết một cách rất lý tưởng giữa Bí tích Thánh Thể với lễ Vượt Qua của người Do Thái, đây cũng là một dịp “Lễ Tưởng Nhớ” (Xh 12,24). Điều này có tầm quan trọng rất lớn, đến nỗi thánh Phaolô đã phải nhắc đến hai lần lệnh truyền này của Chúa Giêsu trong trình thuật về việc thiết lập bí tích Thánh Thể và ngài còn cụ thể hoá về nội dụng của việc “tưởng nhớ” như sau : “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền sự chết của Chúa” (1Cr 11,26). Nội dung ở đây chính là cái chết của Chúa Kitô.

Tưởng nhớ” bắt nguồn từ chữ Hy Lạp “anamnèsis”. Đây không phải là một hồi tưởng lại quá khứ đơn thuần, một kỷ niệm giống như kỷ niệm ngày sinh nhật hay ngày giỗ một người quá cố, nhưng đây là hiện tại hóa một biến cố trong quá khứ và biến cố này vẫn còn sức mạnh đối với cuộc sống hiện tại của chúng ta.

Tưởng nhớ” là ý niệm Kinh Thánh. Theo Kinh Thánh, “tưởng nhớ” là nhớ lại một biến cố trong lịch sử cứu độ, trong lúc ý thức rằng nó được hiện tại hoá và ta được tham dự thực sự vào biến cố ấy.

“Ngày ấy đối với các ngươi sẽ thành kỷ niệm, và các ngươi sẽ mừng ngày ấy như khánh lễ mừng Giavê. Qua các thế hệ, các ngươi sẽ mừng lễ như luật điều vạn đại”. (Xh 12,14)

“Trong ngày ấy, ngươi sẽ thuật lại cho con cái ngươi rằng : ấy chính là vì điều Giavê đã làm cho ta hồi ta ra khỏi Ai cập” (Xh 13,9).

Biến cố xuất hành là biến cố trung tâm của dân Israel. Biến cố này thuộc về quá khứ, nhưng luôn hiện tại hoá trong lòng của từng thời đại. Mỗi người con cái Israel đều cảm thấy những gì Giavê đã làm cho cha ông họ vẫn luôn còn giá trị cho “ngày hôm nay” của họ. Khi gia đình người Do Thái cử hành Lễ Vượt Qua hằng năm, người cha gia đình là người đang sống sau biến cố Vượt Qua cả ngàn năm, vẫn xác định với con cái của mình rằng Giavê đã làm cho ta hồi ta ra khỏi Ai Cập. Ông ta đâu có hiện diện trong cuộc Xuất Hành đã xảy ra cả hai ngàn năm trước, thế mà ông vẫn cảm nhận được Thiên Chúa đã cứu ông ra khỏi Ai Cập. Đây là một nét đặc trưng của ‘Tưởng nhớ” trong phụng vụ của dân Do Thái.

Như vậy, chữ “tưởng nhớ” trong Kinh Thánh không những liên hệ với quá khứ, mà còn có tương quan với cả hiện tại và tương lai. “Tưởng nhớ” không chỉ là “hồi tưởng”, là ôn lại trong ký ức những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhưng còn liên hệ tới hiện tại và chiều kích hiện tại thì quan trọng hơn ; yếu tố quá khứ chỉ là khởi đầu dẫn vào hiện tại để rồi đưa đến tương lai.

Trong tác phẩm L’Eucharistie, Max Thurian trình bày chi tiết các loại nghi lễ “Tưởng Nhớ(Mémorial) trong Cựu Ước để nỗ lực giải thích lệnh truyền “tưởng nhớ” của Chúa.

Trước hết “tưởng nhớ”, đối với Dân Chúa là nhớ lại những kỳ công của Thiên Chúa, mà quan trọng hơn cả là biến cố Xuất Hành giải thoát Dân ra khỏi Ai Cập. “Tưởng nhớ” trong một “nghi lễ tưởng nhớ” như lễ Vượt Qua không chỉ là nhớ lại, mà chủ yếu là nhớ đến, nhớ đến tình yêu cao cả của Thiên Chúa, Tình yêu toàn năng biểu lộ rõ ràng nhất trong biến cố Vượt Qua. Tình yêu ấy không chỉ là quá khứ mà là hiện tại. Ơn cứu độ của Thiên Chúa không chỉ là quá khứ mà là hiện tại.

Một loại nghi lễ “tưởng nhớ” thứ hai là :“Xin Thiên Chúa hãy nhớ”. Vào những giờ phút thử thách lớn lao, người Do Thái thường hướng lên Giavê Thiên Chúa mà kêu cầu : “Ôi lạy Chúa, xin hãy nhớ đến Đavít, và mọi công lao vất vả của người” (Tv 132,1). Họ kêu xin với Thiên Chúa như nhắc cho Thiên Chúa nhớ đến Giao Ước của Ngài, mà biểu lộ lòng thương xót và ban ơn tha thứ. Tưởng nhớ ở đây là nhắc lại, đúng hơn là “nhắc đến” tình thương của Thiên Chúa và hy vọng vào sự “trung thành” của Ngài (hesed), xin Ngài đáp cứu. Cũng có thể là nhắc cho Thiên Chúa nhớ đến những nhân vật mà Ngài đã thương yêu, tuyển chọn để thực hiện chương trình cứu độ của Ngài như Abraham, Isaac, Giacob, Môsê, Đavít.

Một ví dụ khá rõ trong Cựu Ước là “bánh trưng hiến” (pains de proposition). Đó là 12 cái bánh không men (tượng trưng 12 chi tộc) được đặt trước mắt Giavê Thiên Chúa thành hai hàng, mỗi hàng 6 cái (x. Lv 24,5-6 ; 1Sm 21,5 ; 1V 7,48). Bánh này được thay mới mỗi sáng thứ bảy (sabbat) ; bấy giờ các thầy tư tế mới được ăn (x. Lv 6,16). Trên bánh có hương thơm ngào ngạt bay lên trước tôn nhan Thiên Chúa, trước hết là để tôn vinh, chúc tụng Ngài, sau là để nhắc Ngài nhớ đến Giao Ước, đồng thời như tuyên thệ trung thành :

“Đoạn ngươi sẽ để trên mỗi chồng hương tinh chất : hương sẽ là phần kỷ niệm, hỏa tế dâng kính Giavê. Ngày hưu lễ, mỗi ngày hưu lễ, người ta sẽ soạn bánh thuẫn trước nhan Giavê, luôn mãi do tự con cái Israel dâng : giao-ước vĩnh cửu. Đó là phần của Aharôn và các con nó, chúng sẽ ăn bánh thuẫn ở một nơi thánh, vì đó là vật cực thánh đối với nó, phần của hỏa tế của Giavê : luật điều vĩnh viễn” (Lv 24,7-9).

Khi thay bánh trưng hiến, người ta đọc các thánh vịnh tưởng nhớ, ví dụ Tv 38 và Tv 70. Những thánh vịnh này là những thánh vịnh cầu cứu, chẳng hạn :

“Lạy Thiên Chúa, xin giải thoát tôi,

lạy Giavê, xin mau mau cứu giúp tôi !” (Tv 70/ 69,2)

hay là những thánh vịnh thống hối, giãi bày tâm sự, biểu lộ lòng trông cậy và xin cứu giúp :

“Xin chớ bỏ tôi, lạy Giavê,

lạy Thiên Chúa tôi, xin chớ ở xa tôi !” (Tv 38/ 37,22)

Nghi lễ “dâng hiến” (sacrifice d’oblation) cũng vậy : một phần bột tinh, một phần dầu và hương thơm được đốt lên ; phần ấy được gọi là phần “tưởng nhớ” (x. Lv 2,1-3). Tưởng nhớ ở đây có nghĩa là “tuyên xưng” sự hiện diện của Thiên Chúa, nhắc đến tình yêu trung thành của Ngài, nhắc đến các việc Ngài làm cho dân. Phần ấy còn là dấu hiệu cho Thiên Chúa biết của lễ và ý nguyện của người dâng của lễ.

Như vậy, lệnh truyền “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” của Đức Giêsu, chắc chắn không chỉ nhằm quá khứ. Cử hành Bí tích Thánh Thể theo lệnh truyền của Chúa là nhớ đến Chúa, không chỉ là quá khứ, mà là quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhớ đến Chúa là nhớ đến tình yêu của Ngài : tình yêu lớn nhất, tình yêu thí mạng sống cho kẻ mình yêu, tình yêu đã biểu lộ qua cái chết thập giá nhưng là tình yêu bất diệt, tình yêu hằng sống, tình yêu chiến thắng sự chết và làm cho sống lại.

Cử hành mầu nhiệm Thánh Thể là loan truyền việc Chúa chịu chết biểu lộ tình yêu tự hiến của Ngài, và tuyên xưng việc Chúa sống lại, vì tình yêu chiến thắng sự chết.

Tưởng nhớ” trong Bí tích Thánh Thể có đối tượng là hiện thực, là Biến cố cứu độ bao trùm mọi biến cố, là thập giá cứu độ vượt không gian và thời gian.

Trong cử hành Thánh Thể thì đối tượng chính yếu của việc tưởng nhớ là sự chết và sự sống lại của Đức Kitô : “giờ đây tưởng nhớ Con Cha đã chịu chết và sống lại”. Mầu nhiệm này là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Giáo Hội. Cái chết của Đức Kitô như cuộc xuất hành mới và sự phục sinh của Ngài như cuộc tạo dựng mới.

Một cách nào đó, nếu biến cố Xuất Hành trở thành “hiện thực” trong việc “tưởng nhớ” của dân Chúa trong Cựu Ước, đặc biệt là trong Lễ Vượt Qua, thì Thập Giá cứu độ càng trở nên “hiện thực” hơn nữa đối với Giáo Hội, là Israel mới. Sự hiện thực còn được bảo đảm là hiện tại, chứ không thuần túy là quá khứ, vì sự sống lại của Chúa. Chúa Kitô đang sống và Ngài đang đến với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể.

Các giáo phụ, đặc biệt là các giáo phụ Hy lạp, đã khai triển một linh đạo Thánh Thể phong phú dựa vào lệnh truyền của Chúa Giêsu. Theo các ngài, hoa trái thiêng liêng của Thánh Thể không gì khác hơn là việc luôn luôn tưởng nhớ đến Chúa Giêsu. Theo thánh Basiliô, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể “để khi ăn Mình Ngài và uống Máu Ngài, chúng ta sẽ luôn tưởng nhớ đến Ngài, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta” (Về bí tích Rửa tội, 3 : PG 31,1576)

LM An-tôn Nguyễn Đức Khiết

(Chương 4: Thần học của Phao-lô về Thánh Thể)

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com