Ngày 13 tháng ba này, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ bước qua năm thứ tư triều giáo hoàng. Ngài sẽ kỷ niệm tròn ba năm ngày được bầu, với Năm Toàn xá, một thời gian để Giáo hội được kêu gọi thể hiện cho thế giới thấy khía cạnh thương xót của Thiên Chúa, một Năm Thánh Bất thường với ít sự kiện hơn, nhưng nhiều bí tích hơn đồng thời tái khám phá những việc làm thương xót riêng tư và thiêng liêng. Kỷ niệm năm thứ ba này khá trùng hợp với việc phát hành huấn dụ giáo hoàng về gia đình, kết quả của hai Hội đồng. Một trong các yếu tố của triều giáo hoàng Phanxicô là sự thay đổi phương thức làm việc của Hội đồng các Giám mục và nỗ lực đưa các Giáo hội địa phương, các giáo xứ và mọi cộng đoàn chung phần trong một tiến trình suy tư chung.
Một giáo hội tiến tới
Trong bài phỏng một năm trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng và tại công nghị hồng y, Đức Bergoglio đã mượn lời trong hội nghị V của các giám mục Mỹ La tinh ở Aparecida 2007, mà nhắc lại rằng
‘Mọi hoạt động thông thường của Giáo hội diễn ra trong nhãn tượng sứ mạng. Điều này cho thấy những căng thẳng rất mạnh giữa trung ương và ngoại vi, giữa giáo xứ và giáo hạt. Chúng ta cần phải đi ra khỏi bản thân và hướng về vùng ngoại vi. Chúng ta cần tránh căn bệnh phần hồn của một Giáo hội gói kỹ trong thế giới của mình, khi Giáo hội bị biến thành như thế, thì nó lâm bệnh. Đúng thật là khi đi ra các ngả đường, cũng đồng nghĩa với nguy cơ có thể gặp tai nạn, chuyện cũng xảy ra với bất kỳ người bình thường nào. Nhưng nếu Giáo hội cứ gói kín trong bản thân, thì nó lão hóa. Và nếu phải chọn giữa một Giáo hội thương tích vì đi ra các ngả đường, với một Giáo hội thu mình bệnh hoạn, thì chắc chắn tôi sẽ chọn cái đầu tiên.
Chúng ta phải tìm cách kết nối với các gia đình không dự phần trong giáo xứ. Thay vì là một Giáo hội chào đón và đón nhận, chúng ta cần cố gắng để trở nên một Giáo hội đi ra khỏi bản thân, đi đến với những người nam nữ không dự phần trong đời sống giáo xứ, không biết gì nhiều và thờ ơ với Giáo hội. Chúng ta tổ chức các buổi truyền giáo ở quảng trường, nơi nhiều người thường tụ họp, chúng tôi cầu nguyện, cử hành thánh lễ, rửa tội sau khi chuẩn bị ngắn gọn. Đây là phong cách nên có của một giáo xứ và giáo phận. Hơn thế nữa, chúng ta cũng phải vươn ra những người ở xa, qua các phương tiện truyền thông, trang web và các thông điệp ngắn gọn.’
Sức mạnh của trìu mến
Đức hồng y Bergolio cũng lặp lại những lời trên với các hồng y trước mật nghị hồng y, và những lời này cũng xuất hiện trong ‘Niềm vui của Tin mừng’ bản đồ đường đi nước bước của triều giáo hoàng Phanxicô. Trung tâm triều giáo hoàng Phanxicô là ‘sự hoán cải mục vụ’ và chứng tá của một Giáo hội mang lấy ‘tình trạng các linh hồn’ [salus animarum] trong tim mình, thể hiện dung nhan của Thiên Chúa thương xót và chào đón. Trong thông điệp gởi các giám mục Brazil vào tháng bảy 2013, Đức Giáo hoàng đã nói: ‘‘Chăm sóc mục vụ’ không gì khác ngoài thực thi tình mẫu tử của Giáo hội Bà sinh nở, cho bú mớm, nuôi dạy, sửa đổi, chăm bẵm và dẫn dắt bằng chính đôi tay mình …. Vậy nên chúng ta cần một Giáo hội có thể tái khám phá dạ mẫu tử của lòng thương xót. Không có lòng thương xót, thời nay chúng ta có ít cơ hội để là một phần trong thế giới của những con người ‘bị tổn thương’ đang cần được thông hiểu, tha thứ, và yêu thương.’
Huấn quyền của Đức Phanxicô cũng gồm tóm trong những lời sau với các giám mục, một trong những bài nói chuyện quan trọng của Đức Giáo hoàng trong chuyến viếng thăm mục vụ Mễ Tây Cơ. ‘Trên tất cả, Đức Mẹ Guadalupe, dạy chúng ta biết rằng uy quyền duy nhất có thể chinh phục lòng người, chính là sự trìu mến của Thiên Chúa. Sự trìu mến của Thiên Chúa làm phấn khởi và lôi cuốn, khiêm nhượng mà thắng vượt, mở ra và tuôn trào, đây không phải là sức mạnh của các khí cụ hay thế lực luật lệ, nhưng là sự yếu đuối vô biên của tình yêu Thiên Chúa, là uy lực không thể cưỡng lại của sự dịu dàng trìu mến và lời hứa bất bi bất dịch của lòng thương xót.’
Ba năm trong triều giáo hoàng Phanxicô, vẫn còn nhiều mảng đang còn trong tiến trình làm việc. Trong khi hệ thống tài chính và kinh tế của Tòa Thánh đã vào guồng, thì cải cách Giáo triều Roma lại dường như chậm hơn nhiều. Tái tổ chức truyền thông Vatican, là những bước đi đầu tiên. Có vẻ khá rõ ràng với những lời của Đức Giáo hoàng rằng sự cải cách của tâm hồn, ‘sự hoán cải mục vụ’ là điều kiện cần thiết để cải tổ cơ cấu. Có một nguy cơ, trong Vatican và cả các giáo hội địa phương, đó là khi một vài từ khóa hay khẩu hiệu được nhào nặn, xào xáo để có một món dễ ăn. Thực sự thì, chứng thực và huấn dụ của Đức Giáo hoàng mong muốn đưa ra cho tất cả mọi người, từ Giáo triều, các giám mục, linh mục, tu sỹ và cả giáo dân, một thâm ý phúc âm hóa khá là khác biệt. Không có tinh thần phúc âm hóa sâu sắc, thì cải cách dễ chạy theo các hình mẫu kiểu kinh doanh và sa vào kỹ thuật, không còn giữ được bản chất của Giáo hội, một thể chế không giống bất kỳ công ty đa quốc nào.
Địa chính trị không cần địa chính trị
Trên trường quốc tế, triều giáo hoàng Phanxicô theo bước các bậc tiền nhiệm, với nỗ lực tập trung xây dựng các cầu nối với bất kỳ ai có, dù chỉ là chút lóe lên, của thiện chí muốn đối thoại. Đức Giáo hoàng đã chỉ ra rằng thế giới đang lao nhanh đến thế chiến phân mảnh. Nhưng những mảnh này dường như đang ngày càng lớn hơn. Từ các nỗ lực không muốn cô lập Putin, cho đến đối thoại với nguyên thủ các quốc gia Hồi giáo, đến chuyến viếng thăm Cuba, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Sri Lanka và Phi Luật Tân, chưa kể đến tầm quan trọng của các nỗ lực đại kết. Đức Phanxicô nói về ‘đại kết trong máu’ hiệp nhất các Kitô hữu thuộc những phái khác nhau, ngài ôm Đại Thượng phụ Constantinople Bartholomeo, và đã tìm được cách hoàn thành giấc mơ của các bậc tiền nhiệm là lần đầu tiên gặp gỡ Thượng phụ của Matxcơva và toàn nước Nga. Hiệp nhất Kitô giáo không chỉ quan trọng cho sự sống các Giáo hội, mà còn là dấu chỉ quan trọng của hòa bình trên thế giới.
Điểm chốt
Huấn dụ của Đức Phanxicô qua các cử chỉ, các chuyến tông du, và những lời nói, đã đặt ra chất vấn cho hình mẫu phát triển đương thời. Đức Giáo hoàng đã một lần nữa soi rọi và hiện đại hóa các chương bị lãng quên trong Huấn giáo Xã hội của Giáo hội, giúp chúng ta diễn giải giai đoạn khủng hoảng hiện thời. Trong tông thư Chúc tụng Chúa [Laudato Si] về bảo vệ tạo vật, ngài giải thích rằng bảo vệ môi trường vì các thế hệ tương lai cũng gắn chặt với giải pháp cho các vấn đề đói nghèo đang tác động đến đa phần dân số thế giới. Những lời ngài viết trong tông huấn Niềm vui của Tin mừng và về sau trong Chúc tụng Chúa, nói về ‘nền kinh tế này giết người’ là đối tượng tranh luận và chỉ trích của những người cho rằng hệ thống kinh tế hiện thời là giải pháp khả dĩ nhất, những người ủng hộ ‘thị trường tự do’ dù cho cuối cùng nó không thực sự ‘tự do’ chút nào. Những lời không dễ nghe của Đức Giáo hoàng đã kéo mọi người về lại với tình thế bi kịch của sự chậm phát triển và các hậu quả thảm khốc của chiến tranh, cùng với các lợi ích kinh tế giấu mình sau những cuộc chiến tranh đó.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch