Các nhóm thân hữu

Những điểm chính yếu trong việc chia sẻ của hội nhóm.

 

NTH DiemChinhyeuTrong mỗi khóa Cursillo, trước khi bế mạc, chúng ta đều được mời gọi tham dự buổi Ultreya sắp tới, và nhất là việc thành lập nhóm hay tham gia vào các nhóm đã có sẵn. Cả hai hình thức nhóm họp này của Phong trào Cursillo đều là những cơ hội để các Cursillista gặp gỡ, chia sẻ và nâng đỡ nhau trong đời sống Ngày Thứ Tư.

Đây chính là môi truờng để chúng ta cùng học hỏi và chia sẻ với nhau về tinh thần trách nhiệm, về sự trưởng thành và đời sống tông đồ của người Kitô hữu. Vì thế việc chia sẻ đời sống nội tâm cá nhân trong những buổi hội nhóm và Ultreya luôn được nhắc nhở và khuyến khích như một sinh hoạt cần thiết, nhằm mang lại lợi ích cho những người tham dự cũng như cho chính cá nhân của người chia sẻ. Tuy nhiên muốn có được một kết quả lâu dài và không gây ảnh hưởng có hại cho những sinh hoạt chung, chúng ta cần tìm hiểu xemđâu là những yếu tố giúp cho việc chia sẻ được thành công?

Như chúng ta đã biết, đời sống thiêng liêng của người Cursillista được xây dựng trên thế kiềng ba chân là: Sùng Đạo, Học Đạo vàHành Đạo. Vì thế, những điều mà mình trải qua trong đời sống về ba khía cạnh Sùng đạo, Học đạo và Hành đạo chính là kinh nghiệm sống ngày thứ tư của mỗi người, trong đó bao gồm những phương cách mà ta đã dùng để thực hiện các việc đạo đức, sự cố gắng và cách thức mà chúng ta thực hiện trong việc học hỏi và tìm kiếm ý Chúa, cùng với những kinh nghiệm có được trong công tác tông đồnhư sự cố gắng, sự thành công, những trở ngại và cách vượt qua các trở ngại v..v.. Đây chính là những điểm chính yếu trong việc chia sẻ của hội nhóm.

1- Sùng Đạo:

Đầu tiên để chia sẻ với nhau về việc sùng đạo, chúng ta sẽ tự hỏi“Trong tháng qua tôi đã dùng phương cách nào để củng cố sự liên hệ giữa tôi với Đức Kitô?“. Mục đích của câu hỏi là để giúp chúng ta nhìn lại những gì đã hứa, xem chúng ta thực hiện được những gì và học hỏi thêm được gì? Điều quan trọng là chia sẻ phương cách nào giúp chúng ta phát triển đời sống thiêng liêng trong tháng qua, và tại sao phương cách ấy có lợi.

Câu hỏi thứ hai của việc sùng đạo: “Trong tháng qua lúc nào ta cảm thấy sự hiện hữu của Chúa một cách rõ ràng nhất?” Tìm được câu trả lời cho câu hỏi này là chúng ta đã có được những giây phút cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa. Thí dụ qua những biến cố trên thế giới như thiên tai, bão lụt, chiến tranh v..v.. hoặc những biến cố xảy ra cho chính bản thân chúng ta.

Đôi khi không cần phải có những biến cố lớn lao chúng ta mới có được cảm nghiệm mà ngay cả khi chúng ta thấy được sự thiếu vắng Chúa trong tâm hồn, thì đó cũng chính là ta đã ý thức được sự hiện diện của Chúa rồi. Điểm quan trọng nhất là những ý thức về sự hiện hữu của Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh và khi chúng ta chia sẻ cho nhau về những nhận thức này, chúng ta sẽ có thêm nhiều hiểu biết mới về cảm nghiệm hơn.

2- Học Đạo:

Trong lãnh vực học đạo, câu hỏi chính được đặt ra trong buổi hội nhóm: “Trong tháng qua ta đã làm gì để hiểu biết hơn về Thiên Chúa?”. Chúng ta hãy kiểm điểm lại xem chúng ta có giữ lời hứa đọc kinh thánh, đọc sách thiêng liêng, để chia sẻ những điều chúng ta đã học với những người trong nhóm không? Những điều chúng ta học được đã thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta thế nào? Nó có đem lại những điều hữu ích cho người khác không?

Học đạo không lệ thuộc khả năng thông minh, nhưng nhờ vào thiện chí. Học đạo không phải chỉ giới hạn trong việc đọc sách, nhưng bao gồm tất cả mọi cơ hội chúng ta có, để thay đổi cái nhìn của chúng ta theo đường lối của Phúc Âm, chẳng hạn qua biến cố thời sự xảy ra chết chóc, đau thương cho con người, như bão lụt, cuồng phong, thiên tai, khủng bố. Từ đó chúng ta có được bài học về yêu thương, bác ái, tha thứ, hiệp nhất. Để rồi tiếp theo chúng ta có thêm được suy nghĩ thực tế là chúng ta phải làm một điều gì, tuy nhỏ bé để xoa dịu nỗi đau thương cho tha nhân...

3- Hành Đạo:

Phần kế tiếp là Hành đạo, hay nói một cách đơn giản đó là công tác tông đồ. Chúng ta tự đặt ra câu hỏi: “Trong tháng qua tôi đã làm được gì trong gia đình, nơi chỗ làm, trong môi trường mình sống để làm sáng danh Chúa?” Việc tông đồ là hành động tích cực để thay đổi được suy nghĩ, hay một việc nào đó trở nên tốt hơn theo tinh thần Kitô giáo. Chúng ta được mời gọi để trở thành môn đệ Chúa trong mọi môi trường chúng ta sống để Phúc âm hóa môi trường ấy.

Trong Khóa Ba Ngày, chúng ta thường nghe câu: Tìm bạn, trở nên bạn thân, và đem bạn đến với Chúa. Việc Phúc âm hóa không nhất thiết là phải nói về Đức Kitô với những người chúng ta gặp. Nhưng qua việc làm, bằng việc làm, tư cách, lối sống của chúng ta sẽ có ảnh hưởng mạnh hơn lời nói, để từ đó dần dần cảm hóa được những người sống quanh ta, nhất là những người chưa có cơ hội biết Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta không nên giới hạn công tác tông đồ hàng ngày bằng cách cư xử tốt với người chung quanh, nhưng chúng ta cần phải cố gắng hoạch định những công tác tông đồ một cách cụ thể.Thí dụ: chúng ta dự định Phúc âm hóa gia đình của chúng ta bằng cách đưa gia đình đi dự một nghi thức phụng vụ để họ có cơ hội đến gần Chúa hơn, hoặc đi thăm một người đang bị bịnh nặng v.. v.. Nếu có chuẩn bị chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra sự thành công hay thất bại của việc tông đồ này. Nhưng nếu chúng ta không làm gì cả thì đó không phải là thành công hay thất bại, mà là sự lười biếng, thụ động hay ích kỷ của chúng ta.

Thưa quí anh chị,               

Qua những trình bày trên đây, nếu chúng ta theo đúng những phương pháp mà Phong Trào đã nêu lên, là chia sẻ trong ba lãnh vực Sùng đạo, Học đạo và Hành đạo, thì chúng ta sẽ giữ vững cho sinh hoạt của Nhóm được bền lâu. Bởi vì nhóm không phải là nơi quy tụ lại để học hỏi Phúc âm hay chia sẻ Lời Chúa; và Nhóm cũng không phải là chỗ để anh chị em đem những chuyện ngoài đời sống thiêng liêng, để mổ xẻ phê phán người khác; nhưng Nhóm là dịp mà người Cursillista gần gũi nhau để trao đổi kinh nghiệm sống ngày thứ tư theo đúng tinh thần mà Phong trào mong muốn là làm men, làm muối cho môi trường.

Trong buổi sinh hoạt Nhóm, cũng đừng bao giờ đem cái tôi ra để bắt người khác phải nghe, mà chính mình lại không chịu nghe người khác. Nhóm không phải là chỗ người cursillista gặp nhau để sống lại những kỷ niệm của Khóa Ba ngày, nhưng phải là nơi để chia sẻ sự phát triển đời sống trong ân sủng và những công tác tông đồ trong tháng qua.

Nếu chúng ta không có sự chuẩn bị và ý thức tầm quan trọng của việc chia sẻ trong Nhóm, thì rồi việc gặp nhau sẽ trở nên buồn chán. Nếu tất cả mọi thành viên của nhóm không ý thức được sự đóng góp về những tiến bộ của việc sống đạo, học đạo, và hành đạohàng tháng, thì buổi họp nhóm chỉ là những lần gặp gỡ vô ích, không có gì để nâng đỡ tinh thần cho cá nhân và cho sự phát triển của cộng đồng.

Quí Anh chị thân mến, không ai có thể dành một khoảng thời gian nào đó, đều đặn mỗi tháng, dù mưa gió hay bận rộn cũng bỏ qua mọi công việc để đến gặp gỡ những người không mấy thân thiết; và dĩ nhiên là không thể chia sẻ những cảm nghiệm riêng tư hoặc mở lòng ra với những người như vậy. Vì thế tình bạn là một yếu tố không thể thiếu được trong một nhóm Cursillo. Trong những sinh hoạt của nhóm cần phải có một bầu khí yêu thương thật sự, một thái độ chân thành không khách sáo, và phải hoàn toàn tín nhiệm lẫn nhau, thì mọi người trong nhóm mới có thể chia sẻ một cách cởi mở chân tình. Nhờ đó việc chia sẻ mới có được kết qủa lâu dài.

Thưa quí Anh Chị,

Những điều em vừa trình bày đã được góp nhặt trong những tài liệu của phong trào nói về hậu Cursillo. Ước mong được qúy Anh Chị đón nhận làm hành trang ngày thứ tư của mình và đem ra thực hành khi cần đến. Kính chúc qúy Anh chị bền đỗ với ơn gọi của mình.

Maria Goretti Minh Tâm

(Bài chia sẻ trong Ultreya 2/2006)

http://www.cursillovietuc.com.au/camnghiem/2006/052006/ChiaSeTrongHoiNhom.htm

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com