MẸ MARIA , MẪU GƯƠNG TRUYỀN GIÁO
Kính thưa Cha và quý anh chị,
Ngày mai 21.10.2012 là ngày Chúa Nhật Truyền Giáo. Tôi tự hỏi , tại sao ngày Truyền Giáo được Giáo Hội chọn trong tháng Mân Côi, tháng dâng kính Đức Mẹ, cùng với Đức Mẹ chiêm ngắm tình thương của Thiên Chúa, bằng những tràng chuỗi đơn sơ và thành kính nhất qua lối cầu nguyện theo Tin Mừng?
Hôm nay tôi rất hân hạnh được chia sẻ về đề tài “Mẹ Maria, mẫu gương truyền giáo” để cùng với Cha và các bạn trong phong trào Cursillo chiêm ngắm cách Mẹ truyền giáo và cách tôi tập tễnh bước theo Mẹ trên đường truyền giáo dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần .
I. MẸ MARIA, MẪU GƯƠNG TRUYỀN GIÁO
Trong thư thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Rô-ma, ở đoạn đề cập đến việc sống khiêm nhường và bác ái trong cộng đoàn, thánh Phao-lô có viết:” Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện”(Rm 12,12).
1. Mẹ truyền niềm vui ơn cứu độ
Chúng ta hãy nhìn ngắm cách Mẹ để Chúa Thánh Thần tác động tâm hồn Mẹ.” Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối cao sẽ ngự xuống trên bà”(Lc 1,35) và hoa trái của Chúa Thánh Thần là hoan lạc và bình an. Sứ vụ truyền giáo là sứ vụ của người mang tin vui, tin cứu độ, tin được Thiên Chúa đoái thương. Được Thánh Thần tác động, Mẹ “đã vội vã lên đường” mang niềm vui đến gia đình ông Za-ca-ri-a và bà E-li-sa-bét và không quản ngại gian nan . Tại đó Mẹ đã công bố Tin Mừng về những ơn trọng đại Thiên Chúa đã làm cho Mẹ:” Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn”(Lc 1,49).Sau khi Chúa Giê-su sinh ra, Mẹ đã trực tiếp giới thiệu Chúa Giê-su cho các mục đồng và các nhà đạo sĩ(Lc 2,16-20; Mt 2,11-12). Cách Mẹ cầu nguyện là chiêm ngắm những điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ, là cuộc trao đổi, đối thoại giữa những khó khăn, thử thách, như khi Mẹ đi tìm Chúa trong đền thờ Giê-ru-salem khi Chúa Giê-su được 12 tuổi, như trong cuộc khổ nạn của Chúa.
Đối với Đức Mẹ, truyền giáo là đem chính niềm vui của Chúa Giê-su cho nhân loại, niềm vui Mẹ đã gặp thấy và cưu mang trong lòng Mẹ. Đức Ma-ri-a là công trình tuyệt hảo của Chúa Thánh Thần. Chính Mẹ cũng mang niềm vui đến tiệc cưới Ca-na khi phát hiện việc thiếu rượu và báo cho Chúa Giê-su:”Họ hết rượu rồi”( Ga 2,3).
2. Mẹ truyền giáo qua sự thinh lặng nội tâm
2.1. Sự thinh lặng được biểu hiện qua sự cân bằng giữa sự buông bỏ và bám chấp: Mẹ buông bỏ ý riêng, lý luận theo người đời (“Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”- Lc,1,34) để vâng theo thánh ý Chúa(”Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”-Lc 1,38). Mẹ buông bỏ Chúa Giê-su chết treo trên thánh giá để chấp nhận thánh Gio-an và Giáo hội làm con cái mình(x.Ga 19,26-27; Cv 1,14).
2.2. Sự thinh lặng còn được biểu hiện ở việc ngừng mọi phê phán xét đoán trong não trạng về người khác. Trong các biến cố xảy ra từ việc không tìm được chỗ trọ để sinh con, việc trốn sang Ai Cập, việc tìm kiếm con bị lạc trong đền thờ 3 ngày, cách Chúa Giê-su trả lời khi Mẹ nói:” Họ hết rượu rồi!”- “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và đến tôi?”(Ga 2,3-4), việc chứng kiến cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su … Mẹ vẫn thinh lặng, suy đi nghĩ lại trong lòng để khám phá ra ý nghĩa của các biến cố ấy, thay vì phán đoán theo kiểu loài người.
2.3. Thinh lặng còn là thái độ không lên tiếng, không chú ý để lộ ra cho người khác biết thiện tâm của mình, như khi Mẹ được thiên thần truyền tin, Mẹ không để lộ cho thánh Giu-se biết sự thật về bào thai Mẹ đang mang , mặc dù Mẹ có nguy cơ bị ném đá đến chết! Và trong nhiều lần Đức Mẹ hiện ra trên thế giới, Mẹ không hề đính chính hay giải thích Mẹ chỉ có 1 con duy nhất là Chúa Giê-su hay còn nhiều con khác với thánh Giu-se! Mẹ chỉ kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, siêng năng lần hạt Mân Côi và tôn sùng đền tạ Trái Tim Đức Mẹ như sứ điệp Fatima để thoát khỏi sự dữ.
Thinh lặng giúp con người có một nội lực để biết giữ được sự điềm đạm trong mọi hoàn cảnh. Điều đó đã giúp Mẹ đi theo Chúa trên đường khổ giá , đứng vững dưới chân thập giá, lắng nghe những lời trăn trối của Chúa Giê-su và tiếp tục sứ mạng truyền giáo cho Giáo hội sơ khai, khởi đầu từ việc cùng nhau cầu nguyện với các tông đồ trong Nhà Tiệc Ly để Chúa Thánh Thần tiếp tục thực hiện công trình kỳ diệu của Ngài trong Đức Ma-ri-a(x.Cv 1,12-14).
II. NHỮNG BƯỚC TẬP TỄNH TRUYỀN GIÁO …
Tôixin chia sẻ vài nét về sự đồng hành của Đức Ma-ri-a trong đời tôi:
Thánh lễ đầu tiên tôi đã được tham dự là dịp lễ kính trọng thể Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ngày 15.8.1977. Sau đó tôi bắt đầu học giáo lý dự tòng từ ngày lễ Sinh nhật Đức Mẹ 8.9.1977 và được lãnh nhận ba bí tích khai tâm cùng với mẹ và em gái đêm Giáng sinh 24.12.1977. Từ lúc học giáo lý dự tòng, tôi đã được học về sự từ bỏ, sự khiêm tốn và tâm tình luôn biết tạ ơn, ngợi khen Thiên Chúa. Tôi được diễm phúc gia nhập dòng Ba Đức Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh từ năm 1980. Linh đạo Cát Minh nhấn mạnh đến sự thanh khiết của tâm hồn và “Vacare Deo”- trở nên trống rỗng để chính Thiên Chúa lấp đầy. Nếu Niết Bàn hay sự giác ngộ của Phật giáo dạy tôi tinh thần từ bỏ, thì Chúa Thánh Thần mang đến cho tôi niềm vui được khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong những cảnh ngộ của cuộc sống thường ngày. Với ơn Chúa, tôi đã từ bỏ ý riêng là sống khép kín, đơn độc, nghiêm trang, muốn dâng mình cho Chúa trong đan viện Cát Minh, để Chúa Thánh Thần tự do sử dụng tôi như một công cụ của Ngài. Trong công việc phục vụ bệnh nhân ở lĩnh vực Nhi khoa, tôi có dịp cảm nghiệm được đời sống nhỏ bé, đơn sơ của trẻ nhỏ để vào Nước Trời. Tôi bước theo chị thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu để “một tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy tha nhân” để xin Chúa Thánh Thần điều trị những bệnh nhân qua tôi. Sau này khi tham gia phong trào Cursillo, tôi rất vui vì câu châm ngôn của phong trào cũng là “một tay nắm lấy Thiên Chúa và một tay nắm lấy anh em”.
Sau 25 năm phục vụ bệnh nhân trong ngành Nhi khoa, tôi cảm nhận sự thiếu sót trong việc phục vụ bệnh nhân nếu chỉ dừng lại ở kỹ thuật y khoa và chăm sóc cơ thể bệnh nhân. Vì thế từ năm 2000, tôi đã bắt đầu đi vào lĩnh vực tâm lý học y khoa để biết lắng nghe nỗi đau khổ của bệnh nhân mà thuốc men có thể không xoa dịu được. Trong lĩnh vực này tôi càng bám vào Chúa Thánh Thần nhiều hơn vì đâu có thuốc để chữa nỗi đau tinh thần ngoài lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa.
Việc truyền giáo của tôi là giới thiệu với tha nhân tình yêu của Chúa qua một nụ cười, qua thái độ lắng nghe tâm sự của bệnh nhân với sự trân trọng, nhất là đối với những người đang mắc bệnh nhiễm HIV và lây truyền cho con họ. Những trẻ thơ vô tội đang sống trong cảnh mồ côi, đang phải điều trị thuốc suốt đời với không ít tác dụng phụ, không biết định hướng tương lai đời mình ra sao…những trẻ này rất cần những tấm lòng nhân ái để giúp trẻ hội nhập xã hội cũng như nhiều trẻ mang những chứng bệnh nan y, khuyết tật khác.
Khi suy gẫm về câu nói của thánh Phaolô,” Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện”(Rm 12,12), tôi muốn đảo ngược thứ tự lại:
Đầu tiên là chuyên cần cầu nguyện theo gương Mẹ Ma-ri-a nghĩa là “ghi nhớ mọi kỷ niệm, và suy đi nghĩ lại trong lòng’(Lc 2,) . Nếu có thưa chuyện với Chúa là trình bày nhu cầu của tha nhân như gương Mẹ trong tiệc cưới Ca-na và nếu có xin ơn thì xin ơn Chúa Thánh Thần(x. Lc 11,13). Chúa Thánh Thần sẽ ban ơn kiên nhẫn khi gặp gian truân với sức mạnh của Chúa Thánh Thần và niềm vui phục sinh là niềm vui có được khi vượt qua gian nan thử thách.
Về việc suy gẫm Lời Chúa qua kinh Mân Côi, tôi có thói quen lần hạt Mân Côi để cầu nguyện cho các cộng đoàn tôi tham gia, trong đó có nhóm Hồng Tỉ Muội của phong trào Cursillo mới sinh hoạt được 2 tháng nay. Chúng tôi liên kết với nhau trong chuỗi Mân Côi sống để nhớ cầu nguyện cho nhau hằng ngày theo những ý chỉ cầu nguyện của mỗi người. Đối với bệnh nhân, việc lần hạt Mân Côi soi sáng cho tôi biết phải làm gì để cứu sống bệnh nhân và điều ấn tượng nhất là trước năm 1987, tỉ lệ tử vong của trẻ em mắc bệnh tiêu chảy kèm theo suy dinh dưỡng rất cao, nhưng sau khi tôi được tham dự 1 khóa tập huấn 8 ngày tại Philippines, với cách điều trị đơn giản, ít tốn kém, nhiều trẻ tiêu chảy đã được cứu sống và tỉ lệ tử vong hiện nay vì tiêu chảy còn rất thấp. Tôi luôn ghi nhớ trường hợp 2 bé song sinh bị tiêu chảy nặng sắp tử vong, nhưng khi tôi mời gia đình cùng tôi cầu nguyện bằng kinh Mân Côi thì 2 trẻ đã hồi sinh và lớn lên tốt đẹp.
Trong khóa 3 ngày tĩnh huấn, điều gây ấn tượng cho tôi nhiều nhất là nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của quý anh chị trong ban phục vụ và tôi xác tín đó là hoa quả của việc cầu nguyện của quý anh chị cũng như rất nhiều người trên thế giới. Tôi thật cảm động khi nhận được những lá thư ngỏ lời cầu nguyện cho tôi, một việc bác ái thật cao thượng khi biết cầu nguyện cho những người chưa hề quen biết nhưng được liên kết trong đại gia đình Giáo hội hoàn vũ. Cầu nguyện là một việc truyền giáo tuyệt vời và hoàn toàn vô vị lợi vì người cầu nguyện trong hy sinh âm thầm cũng như người được cầu nguyện không biết nhau mà chỉ được hiệp thông trong đức tin.
Kính xin Cha và quý anh chị tiếp tục cầu nguyện cho tôi và chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau để chúng ta cùng làm chứng cho Thiên Chúa Tình Yêu trong mọi hoàn cảnh sống của chúng ta, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Amen.
Têrêxa Phạm Ngọc Thanh #6