Chia sẻ hành đạo

Bài chia sẻ Chứng nhân Ultreya 10/12/2016

Ultreya1612 ChiThanh

 

Kính thưa Cha linh hướng và quý anh chị,

Tôi là Têrêsa Phạm Ngọc Thanh, khóa 6 của phong trào Sàigòn, thuộc nhóm Hồng Tỉ Muội, xin chia sẻ cùng Cha và quý anh chị về chủ đề: ”Mỗi thai nhi là khuôn mặt của Đức Giêsu Kitô”.

Trong “Thư Chung gửi Cộng đồng Dân Chúa” ngày 7 tháng 10 năm 2016, các giám mục Việt Nam tham dự Đại hội XIII Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề nghị chủ đề Mục vụ gia đình cho ba năm (2016-2019) với điểm nhấn cho Năm mục vụ 2017 là Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân. Trong các chủ đề được đề nghị thảo luận, có đề tài về sinh sản có trách nhiệm: mở ngỏ đón nhận sự sống.

Nhân dịp này, tôi muốn chia sẻ cùng Cha và anh chị em những nỗ lực thánh hóa môi trường của tôi khi tham dự giảng dạy trong lớp dự bị hôn nhân cho các bạn trẻ về đề tài sinh sản.

Chúng ta đang sống trong mùa Vọng. Trong những ngày này, tôi cùng đồng hành với Mẹ Maria và bà Ê-li-sa-bét, hai phụ nữ đã cưu mang bào thai trong lòng mình với niềm hân hoan tạ ơn Thiên Chúa. Tôi đọc lại đoạn Tin Mừng theo thánh Luca: “Bà Ê-li-sa-bet vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: ”Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? ... đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng... (Luc 1, 41-44). Hai sản phụ gặp nhau và hai thai nhi cũng gặp nhau. Thai nhi Gioan Tẩy giả lớn hơn thai nhi Giê-su 6 tháng. Thánh kinh không nói rõ khi Đức Ma-ri-a đi thăm bà Ê-li-sa-bét thì phôi thai Giê-su được bao nhiều ngày hay bao nhiêu tuần, nhưng phôi ấy đã bắt đầu làm việc truyền giáo rồi với sự tác động của Chúa Cha tiếp tục công trình tạo dựng và Chúa Thánh Thần, Đấng ban tình yêu và sự sống. Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong sự hình thành con người từ lúc thụ thai.

Khi tôi chia sẻ mầu nhiệm sự sống của bào thai, tôi đã đề nghị các bạn trẻ trong lớp dự bị hôn nhân sống đức tin trong khi học hỏi về sự hình thành bào thai trong lòng người phụ nữ. Tôi không chỉ trình bày sự hình thành và phát triển của bào thai dưới cái nhìn khoa học mà thôi, nhưng luôn mời gọi các bạn trẻ đối chiếu với Kinh Thánh và cho các bạn thấy niềm tin và khoa học không mâu thuẫn với nhau nhưng bổ túc cho nhau .

Hiện nay với sự phát triển của những kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là siêu âm và kính hiển vi hiện đại, bác sĩ và sản phụ có thể theo dõi sự phát triển của phôi (dưới 8 tuần) và thai từ lúc thụ tinh cho đến khi trẻ được sinh ra. Mỗi bước phát triển là một mầu nhiệm và sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi. Không phải tự người mẹ nắn từng bộ phận của trẻ như bà mẹ đã nói với 7 người con chịu tử đạo trong sách 2 Ma-ca-bê: ” Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hóa càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo muôn loài...” (sách 2 Ma-ca-bê 7, 22-23).

Trong 9 tháng, người mẹ cưu mang một mầm sống, một con người trong lòng tử cung. Mầm sống mới là kết quả của tình yêu giữa đôi vợ chồng, phát xuất từ một trứng của người mẹ kết hợp với một tinh trùng của người cha (cả trứng và tinh trùng đều do Thiên Chúa tạo dựng trong buồng trứng của người nữ và tinh hoàn của người nam). Trong lúc cưu mang mầm sống mới, tình yêu vợ chồng giúp bào thai lớn lên với những chất dinh dưỡng được mẹ truyền qua lá nhau và dây rốn. Nhưng bà mẹ có trực tiếp nắn hoặc thêu dệt nên cơ thể, tinh thần và linh hồn của thai nhi không?

Thánh vịnh 138 đã nói: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng... Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêudệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con, đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự” (TV 138, 13-16).

Khi tôi cho các bạn trẻ xem đoạn video mô tả sự hình thành và phát triển của bào thai, thỉnh thoảng tôi cho máy chiếu dừng lại, để các bạn có dịp nhìn ngắm công trình tạo dựng của Thiên Chúa Cha đang tiếp tục được thực hiện trong cung lòng của các sản phụ. Các bạn đã có dịp nhìn thấy những điều mà trước đây con người không được thấy khi chưa có những phương tiện kỹ thuật hiện đại. Ngành sinh-y học đã cho ta biết điều gì? Ngành này đã mô tả cho chúng ta tiến trình hình thành con người trong bụng mẹ, chứ không thể thực hiện tiến trình ấy. Ví dụ khoa học mô tả tiến trình sinh hoá phức tạp được gọi là sự hợp-giao , mà qua đó, một tinh trùng chọc thủng dần dần các lớp vỏ khác nhau của trứng . Phải mất khoảng hai mươi bốn giờ để hoàn tất và cho ra đời một thực thể gọi là hợp tử với sự hiệp nhất giữa 2 nhân trứng và tinh trùng: đó là sự thụ tinh và từ đó bắt đầu sự sống của con người.

Ðược 6, 7 ngày sau khi thụ tinh, thân hình đứa bé đo được 1,5 mm và lúc ấy, đứa bé đã có đủ khả năng chủ trì vận mệnh của nó, bởi vì, bằng một tín hiệu hoá học được gởi đi, đứa bé làm ngưng kinh kỳ của mẹ nó, bắt mẹ nó dành cho nó việc bảo vệ nó.

2 tuần sau thụ tinh, ống thần kinh được hình thành và đến 21 ngày tim phôi bắt đầu đập, lúc đó chiều dài của phôi là 2 mm. Mỗi ngày phôi dài thêm 1 mm, đến 60 ngày phôi dài 3cm và cân được 11g, đến 5 tháng, chiều dài của thai nhi là 19cm và cân được 200g. Từ tháng thứ 6, thai nhi có thể nghe được âm thanh và nhảy mừng với gương mặt sáng tươi khi nghe một điệu nhạc vui. Điều này đã được thánh sử Luca mô tả sự nhảy mừng của thai nhi Gioan Tẩy giả trong lòng bà Ê-li-sa-bét Không có nhà khoa học nào cho đến nay có thể tạo thành các bộ phận của cơ thể, ngay cả máu. Sách Khởi Nguyên cho chúng ta biết Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Thiên Chúa (Kn 1, 26-27) và mọi sự được Chúa dựng nên đều rất tốt lành . Công việc tạo dựng của Thiên Chúa đang tiếp diễn từng giây từng phút để con người từ lúc thụ tinh cho đến chết mang sự sống thể lý và linh hồn. Và sau khi xác đã lìa khỏi hồn, thì sinh linh của thai nhi vẫn còn tồn tại như những người bảo vệ sự sống đã chứng minh.

Trong thế kỷ 21, y khoa đang chứng minh cuộc sống con người bắt đầu từ lúc thụ tinh và 1000 ngày đầu đời tính từ lúc thụ tinh cho đến khi bé được 2 tuổi là thời gian quan trọng nhất cho sự phát triển suốt đời trẻ.

Vậy với sự mô tả của y học hiện đại nêu trên, liệu con người có quyền cắt đi sự sống của một phôi hay bào thai ở bất kỳ giai đoạn nào của sự phát triển không?

Trong lớp giáo lý hôn nhân, tôi có giới thiệu cho các bạn trẻ những nhà “tạm lánh” đón nhận các bà mẹ đơn thân trong thời gian cưu mang bào thai cho đến ngày sinh nở. Nếu bà mẹ không muốn nuôi con, thì có thể để cho 1 gia đình hiếm muộn nào đó nhận trẻ về làm con nuôi.

Theo thống kê của Ủy ban quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, ở nước ta, cứ một trẻ em ra đời thì có một bào thai bị phá bỏ. Trung bình, mỗi năm có 1,2 – 1,6 triệu trẻ em được sinh ra, tương ứng với đó con số bào thai bị phá bỏ. Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc xếp Việt Nam là một trong 5 nước có phụ nữ phá thai cao nhất thế giới và đứng đầu trong khu vực đông Đông Nam Á.

Tôi cũng giới thiệu các nhóm bảo vệ sự sống để các bạn tiếp cận với các nhóm ấy nếu chẳng may có thai nhi bị giết đi. Nơi an nghỉ của các thai nhi trong các nghĩa trang có thể giúp cho cha mẹ các em có cơ hội sám hối, hoán cải. Điều đặc biệt chúng ta nhắm tới là đưa các em vào lòng bàn tay Chúa vì sự sống thuộc về Chúa, thì nay dâng các em lên Chúa xin Mình và Máu Chúa cứu các em vì Chúa bảo "Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có CHÚA đón nhận con". (Tv 27, 10). Chúa vẫn kêu lên "Ta Khát" (Ga 19, 28) trên thập giá xưa và nay vẫn cháy khát lòng người. Xin Thánh Giá Chúa hóa giải oán hờn giữa người với nhau, giữa tội nhân với Chúa. Xưa trên thánh giá Chúa đã cầu nguyện "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lc 23, 34), thì nay xin cũng ban lời ấy cho cha mẹ và cho tất cả chúng ta.

Kính thưa Cha và quý anh chị,

Hằng ngày ở đầu thánh lễ, khi được nghe rao các ý chỉ cầu nguyện, tôi không khỏi ngậm ngùi khi nghe ý xin cầu nguyện cho các thai nhi. Với niềm tin Kitô giáo, các thai nhi là con người có linh hồn bất tử, nên cho dù thân xác chúng bị hủy bỏ đi, nhưng linh hồn của chúng vẫn sống. Khi truyền đạt cho các bạn trẻ về hậu quả tâm lý của việc phá thai đối với bà mẹ và các con được sinh ra sau 1 hoặc nhiều lần phá thai, tôi đã dẫn chứng những trường hợp tôi đã gặp trong phòng khám tâm lý. Nỗi đau khổ dày vò lương tâm, sự hối hận, oán hờn người tình không chung thủy, bất an trong tâm hồn luôn đi theo người mẹ suốt đời, ảnh hưởng đến tâm lý của những trẻ sau này được sinh ra trong hận thù, bạo lực, không cảm nhận được sự ngọt ngào, êm dịu của tình yêu.

Để kết thúc bài chia sẻ này, kính xin Cha và quý anh chị cùng hiệp lời cầu nguyện với con: ”Lạy Cha chí thánh, chúng con tạ ơn Cha đã ban cho chúng con được sống từ ngày chúng con được tượng hình trong lòng mẹ cho đến ngày hôm nay. Lạy Thầy Giê-su, chúng con tạ ơn Thầy cho chúng con được nhìn ngắm Thánh Nhan Ngài trên khuôn mặt các thai nhi đơn sơ, trong trắng. Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con tạ ơn Chúa đang ban tràn Tình yêu xuống trên các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân để họ làm chứng về tình yêu Chúa trong cuộc sống gia đình của họ. Amen.

Con cám ơn Cha và quý anh chị em đã chú ý lắng nghe.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com